Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

"Xây dựng hình tượng anh hùng" thì phải thế thui, đồng chí Chũm ợ!


SỰ BẤT NHẪN CỦA VĂN HỌC TUYÊN TRUYỀN VỚI CÁC BÀ MẸ VN
Vừa rồi người ta lại tranh cãi về đức hy sinh của người phụ nữ/người mẹ Việt Nam sau sự kiện trả lời câu hỏi của hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên trong đêm chung kết. Cùng quan điểm bài viết “Đừng buồn nghe em” anh Lưu Trọng Văn trên motthegioi.vn, tôi thấy xót xa cho mẹThứ - người mẹ có 9 người con đã hy sinh trong chiến tranh. Hình như ai đó đã ước, giá mà khi Mẹ Thứ đang còn sống, giới truyền thông làm được một cuộc phỏng vấn hỏi Mẹ về cảm giác mỗi lần nghe tin mất một đứa con như thế nào. Nếu mà thực hiện được cuộc phỏng vấn đó thì có lẽ mỗi chúng ta đã nhận được câu trả lời trung thực nhất về đức hi sinh của người mẹ anh hùng. Hỏi để có câu trả lời chính xác nhưng mặt khác câu hỏi về cảm giác sẽ có chút bất nhẫn. Vì tôi đoán trước đó sẽ là cảm giác đau đớn vô bờ. Chẳng có người mẹ nào muốn con đi khi biết trước con sẽ chẳng trở về!
Nhưng bất nhẫn trong chừng mực (có mục đích) tìm hiểu còn chấp nhận được chứ bất nhẫn với các bà mẹ như một thời văn chương tuyên truyền thì tôi e rằng chúng ta phải nhìn nhận lại. Bởi vì sự bất nhẫn này đã trở thành độc ác. Sự độc ác nổi trội nhất trong văn học hiện đại Việt Nam đó là chi tiết bà Cà Xợi – người mẹ Khơ Me đã dụ thằng Xăm con trai bà về nhà, bà làm ít mồi nhậu cho Xăm rồi chuốc rượu cho Xăm say, ngủ lăn ra giường. Chỉ đợi thằng Xăm say, du kích ập vào bắt Xăm. Sau đó du kích đã giết thằng Xăm trước sự chứng kiến của bà Cà Xợi (trong tiểu thuyết Hòn Đất của Nhà văn Anh Đức).
Nếu căn cứ vào logic tâm lý của người mẹ, tôi khẳng định, dù đứa con tội lỗi đầy mình thì người mẹ cũng chỉ đến mức dẫn con đi đầu thú là cùng chứ không thể có chuyện chứng kiến người ta giết con ngay trước mắt mình.
Câu chuyện thứ hai mà tôi được nghe kể là câu chuyện truyền miệng sau đây, có thật hay không có thật cũng đều buộc chúng ta phải suy nghĩ. Đó là một bà mẹ trẻ trong chiến tranh có đứa con mới được 4 tháng tuổi, chị ôm con chỉ đường cho đội du kích hơn chục người đi trên con đường bí mật bỗng đứa bé khóc ré lên. Chị tìm cách cho con nín thế nào cũng không được. Do lo sợ bị địch phát hiện, chị này đã úp mặt đứa bé vào ngực mình đến khi đứa bé ngạt thở và chết
Ngày còn đi học, tôi đã muốn hỏi một câu hỏi mà không ai (dám) trả lời cho tôi một câu gãy gọn, hợp lý. Nay nhân sự kiện cô gái 18 tuổi nói tự hào vì VN có các bà mẹ dám hy sinh sẵn sàng đưa con ra mặt trận, tôi mạo muội xin hỏi lại: Vâng, thưa các bạn, nếu bạn là một người Mẹ, có khi nào bạn dám làm những việc “quá khó” như hai bà mẹ kia không?
Tự nhiên thấy thương em gái 18 tuổi hơn vì em đã tiếp thu rất tốt kiến thức văn học từ nhà trường nhưng trong trường hợp này tôi chỉ mong em đừng quá thuộc bài như thế. Xin đừng trách mẹ em và cũng đừng trách em. Hãy xem cả triệu người Việt vẫn đã và đang hồ hởi cho chuyện đó là lẽ tự hào cơ mà, có phải mỗi mình em ấy đâu.
Chũm 11/12/2014

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: