Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

Mật vụ Triều Tiên đồng loạt chuyển nghề vì... sợ trả thù


Rất nhiều mật vụ an ninh Triều Tiên, những người đóng vai trò là cảnh sát ngầm, đang tìm cách bỏ việc và tìm kiếm những vị trí khác an nhàn hơn, ví dụ như nhân viên siêu thị.
Theo báo cáo của tờ Daily North Korea, sở dĩ ngày càng nhiều mật vụ, nhân viên an ninh của chính quyền Bình Nhưỡng muốn bỏ việc là do lo sợ phải đối mặt với sự trả thù của những người dân từng bị lực lượng này bắt giữ và tra khảo trong quá trình điều tra, thẩm vấn.
Một nguồn tin ở tỉnh Bắc Hamkyuing cho Daily NK biết: “Ngày càng có nhiều cảnh sát ngầm cảm thấy không an tâm về tương lai, đặc biệt là những ai đã từng lợi dụng quyền hạn để ngược đãi người dân. Vì vậy, họ đang tính rời bỏ vị trí của mình. Họ nói rằng rất lo sợ người dân sẽ trả thù. Nhiều mật vụ cũng muốn đi tìm công việc mới, một công việc có thể đảm bảo thu nhập cho họ”.
Nhiều mật vụ Triều Tiên đang tìm cách bỏ việc vì lo sợ bị trả thù. Nguồn: Inquistir
Cũng theo nguồn tin này, so với thời lãnh đạo trước kia, hiện nay việc theo dõi và kiểm soát người dân ngày càng trở nên phổ biến, dẫn đến sự bất bình và tức giận trong công chúng. Điều này khiến cho các cảnh sát ngầm, lực lượng trực tiếp thực thi lệnh của chính quyền, muốn mau chóng tìm cách nghỉ hưu sớm.
Trong những năm trở lại đây, Triều Tiên thường xuyên xảy ra các vụ tấn công do những người dân tìm cách trả thù lực lượng mật vụ an ninh. “Riêng ở thành phố Chongjin, một vài năm trước, người đứng đầu cơ quan mật vụ một quận đã bị đánh tới tấp vào phần sau gáy, khiến người này tử vong tại chỗ”, nguồn tin của NK Daily nói.
Các nhân viên mật vụ ngầm cũng không phải là ngoại lệ. Một vài năm trước tại thành phố Kimchaek và Hoeryong, một số nhân viên an ninh ngầm đã bị đâm đến chết, khiến cho khu vực này trở nên náo loạn. 
“Theo điều tra, các vụ việc trên xuất phát từ hận thù cá nhân và trả thù cho một người thân trong gia đình”, nguồn tin giấu tên cho hay.
Người này cũng khẳng định: “Không mấy ai có thiện cảm với các cơ quan an ninh hay bảo vệ”. Mới đây, tại thành phố Rajin, một mật vụ trung niên đóng vai một nhân viên hải quan đã bị các tiểu thương đánh giữa ban ngày, ngay trước văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh. Theo đó, nhân viên này vốn đã nổi tiếng vì những hành động "không đẹp" của mình và thường xuyên gây khó dễ cho những người kinh doanh.
“Một số mật vụ an ninh cho biết họ không thể tiếp tục công việc thêm được nữa. Họ lo lắng rằng sau này tình thế có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Đó là lý do vì sao, dù đã muộn nhưng nhiều người vẫn muốn chọn một phương án an toàn hơn, tìm kiếm công việc tại các công ty thương mại hay trong các siêu thị”, nguồn tin nói.
Một người giấu tên khác cũng đến từ tỉnh phía Bắc Hamkyung cho biết, tình trạng tương tự cũng đang diễn ra trong bộ phận nhân viên đảng, chính quyền ở địa phương và trung ương Triều Tiên. Sau các vụ thanh trừng các quan chức cấp cao như Jang Song Thaek, những nhân viên công vụ giờ đây cảm thấy không còn tham vọng leo lên các vị trí cao hơn trong chính phủ nữa. Càng lên vị trí cao họ càng dễ trở thành đối tượng bị lãnh đạo và cả dân chúng “không vừa mắt”.
“Các mật vụ an ninh giờ đây thường xuyên nhắc đến những bài học xương máu như khi Trung Quốc tuyên bố mở cửa cải cách những năm 1980, người dân đã đồng loạt trả thù các lực lượng chính quyền nòng cốt cũ vốn đã đối xử tệ bạc với họ trước đó”, nguồn tin cho biết.
Nội dung được tham khảo từ nguồn tin Daily NK, một tờ báo điện tử có trụ sở tại Seoul, Hàn Quốc, chuyên khai thác các thông tin về CHDCND Triều Tiên. Tờ báo được thành lập năm 2004 và được phát hành với bốn thứ tiếng: Hàn Quốc, tiếng Anh, tiếng Nhật và tiếng Trung.
Tuệ Minh (Lược dịch) 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: