Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 27 tháng 7, 2015

Những người lính vẫn hô “xung phong” trong thời bình



Chiến tranh đã đi qua 40 năm nhưng vẫn còn đó những nỗi ám ảnh, những cơn đau giằng xé cả về thể xác lẫn tâm hồn của nhiều người lính. Để rồi trong thời bình, chốc chốc họ lại hô “Xung phong” đòi ra chiến trận…


Ngôi nhà chung của 110 thương bệnh binh
Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng có lẽ là một trong những trung tâm đặc biệt nhất ở miền Bắc bởi nơi đây chỉ tiếp nhận những thương bệnh binh nặng, bị chấn thương sọ não dẫn đến tâm thần sau chiến tranh. 
Trung tâm nằm ven Quốc lộ 21, khu Đồi Vàng, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Được thành lập từ năm 1976, tại đây có 3 khoa điều trị bao gồm: Khoa 3 – khoa thăm dưỡng là các thương bệnh binh tạm ổn định, đi lại sinh hoạt được.
Khoa 2 – khoa chăm sóc thân nhân người có công với cách mạng. Khoa 1 - khoa kích động nằm ở sâu trong cùng của trung tâm, đây là nơi điều trị cho hơn 40 thương binh nặng, tổn thương sọ não, mất trí nhớ, sa sút trí tuệ, không tự điều khiển được hành vi của bản thân, cần đặc biệt theo dõi.
Trung tâm điều dưỡng thương binh Kim Bảng (Hà Nam)
Bác sĩ Lê Quang Đoan, phụ trách phòng Y tế của Trung tâm cho biết: “Trung tâm hiện đang chăm sóc và nuôi dưỡng 110 thương bệnh binh bao gồm 85 người lính từ chiến trường trở về và 25 người là thân nhân của người có công với cách mạng.
Những thương bệnh binh này được tập hợp từ tỉnh Quảng Ngãi đổ ra phía Bắc, đông nhất là các tỉnh như Hà Nam, Nam Định, Hà Nội… Đặc thù của những thương bệnh binh điều trị tại đây là đều bị tâm thần do di chứng của chiến tranh”.
Trong những thương bệnh binh ở trung tâm có người không có vợ con hoặc vợ bỏ vì bệnh quá nặng… Còn lại một số người có gia đình, tuy nhiên chỉ dịp lễ tết người thân mới lên thăm nom được một hai lần. 
Nhiều người chẳng thể nhớ mình là ai, quê ở đâu nhưng lại nhớ rất rõ những ký ức trong chiến tranh. Và rồi những giây phút hiếm hoi tỉnh táo họ lại coi những đồng đội mình như người thân trong gia đình.
Đặc thù bệnh tật của các thương bệnh binh là tâm thần mãn tính, sa sút trí tuệ nên nhiều người sống và sinh hoạt trong vô thức. Cả ngày, họ chỉ biết cười cười nói nói và làm theo hướng dẫn của các y bác sĩ trung tâm. Việc thay quần áo, tắm rửa hay đi vệ sinh hàng ngày của các thương bệnh binh cũng được các y bác sĩ hướng dẫn và theo dõi sát sao. 
110 thương bệnh binh mắc bệnh tâm thần sau chiến tranh đang được điều trị tại trung tâm 
Hàng ngày, các thương bệnh binh phải uống thuốc đều đặn 2 lần sau bữa cơm trưa và vào 16 giờ hàng ngày.  Mỗi người một đơn thuốc đặc biệt khác nhau tùy bệnh lý. Tuy nhiên, thuốc cũng chỉ làm dịu cơn bệnh chứ không ai khỏi hoàn toàn.
Các thương bệnh binh ở trung tâm được chăm sóc khá kỹ càng về khẩu vị ăn uống. Chi phí ăn uống của mỗi người là 1.810.000 đồng/tháng.  
Ngoài việc đảm bảo ăn đủ no và đủ chất thì tùy sở thích ăn uống hay kiêng món này, món khác của từng người cũng được các điều dưỡng viên ghi nhớ lại đầy đủ. Có người ăn mặn, người ăn nhạt, người ăn được cơm nhưng cũng có những người phải xay nhuyễn…
Nửa đêm hát quốc ca, xung phong ra trận…
Đôi khi cơn đau giằng xé trong đầu họ với những ký ức chiến tranh về súng đạn và chết chóc. 
Có những trường hợp như ông Cao Đăng Hà, trong thời chiến luôn là “ca sỹ” hát cho đồng đội mình nghe mỗi lúc nghỉ ngơi, nhưng do di chứng của bom đạn nên trí lực, sức khỏe của ông bị giảm sút. Nhiều lúc ông la hét, rồi đột nhiên đứng dậy chào cờ, hát quốc ca hoặc hô “Xung phong” giục đồng đội tiến lên…
Ông Nguyễn Xuân Tái (SN 1950) quê ở Hà Nam là người bị bệnh nặng nhất ở Trung tâm. Ông không thể tự chăm sóc cho bản thân mình. Việc ăn uống, vệ sinh đều phải nhờ đến các y bác sĩ. Đến việc uống thuốc hay uống nước cũng phải nhờ đến những người đồng đội đưa vào mồm giúp.
 Ông Nguyễn Xuân Tái, người bị bệnh nặng nhất ở trung tâm được đồng đội cho uống nước
Cũng có nhiều thương binh đã phục hồi được phần nào trí nhớ và nhận thức được như bác Nguyễn Danh Thám (62 tuổi) quê Hà Tĩnh. Bác Thám cho biết: “Bác từng tham gia chiến đấu ở sư đoàn 32B tại Quảng Trị. Bị thương, rồi sau đó được đưa đến Trung tâm điều dưỡng thương binh Kim Bảng điều trị từ năm 1976.
Hàng ngày, bác rất chăm chỉ luyện tập thể thao. Mỗi ngày, bác tập 3 lần: sáng, trưa, chiều tối. Tập thể thao để nâng cao sức khỏe và không bị liệt cơ”
 Bác Nguyễn Danh Thám chăm chỉ luyện tập để rèn luyện sức khỏe
Với nhiều người, trung tâm đã như là ngôi nhà thứ 2 của họ. Họ có nguyện vọng sống ở đây nốt quãng đời còn lại bên những người đồng đội.
Những y, bác sĩ tận tụy
Chẳng nói ai cũng biết, chăm sóc những người bệnh bình thường đã vất vả thì chăm sóc những người bệnh bị mắc bệnh tâm thần còn vất vả đến nhường nào.
Hiện Trung tâm điều dưỡng có tất cả 60 cán bộ, trong đó có 11 y bác sĩ, 21 y tá... thay nhau điều trị chăm sóc hơn 110 thương bệnh binh. Hàng ngày, công việc của họ là chăm sóc, nấu ăn và cho các thương bệnh binh uống thuốc điều độ và đúng giờ.
Chị Đỗ Thị Thúy, y tá hơn 20 năm ở trung tâm cho biết: “Các bác, các chú ở đây đều giống như cha chú của mình. Họ đã hy sinh tuổi thanh xuân và cả một phần máu thịt của mình để giành lại hòa bình cho đất nước. Chăm sóc các bác, các chú với mình không chỉ là công việc mà đó còn là việc làm để mình tỏ lòng biết ơn đối với thế hệ cha anh”.
Chăm sóc những người thương bệnh binh ở đây không phải việc dễ dàng. Do hầu hết họ bị tổn thương não, sa sút và trí tuệ nên nhiều người không thể tự chăm sóc bản thân được. Nhiều khi các ý bác sĩ phải đút từng thìa cơm, rót từng cốc nước… cho họ uống. Hay việc tắm rửa, đi vệ sinh cũng phải nhờ đến bàn tay của các y bác sĩ trung tâm. 
Đội ngũ y, bác sĩ của trung tâm luôn tận tụy với các thương bệnh binh
“Khó nhất vẫn là việc cho họ uống thuốc. Nhiều bác không muốn uống nên khi chúng tôi phát thuốc, họ cho vào miệng và kẹp vào kẽ răng, giả vờ uống nước rồi sau đó về phòng nhổ đi. Vì vậy, mỗi lần cho uống thuốc chúng tôi phải kiểm tra lại miệng xem các bác đã uống thuốc chưa rồi mới cho về phòng”, y tá Thúy chia sẻ.
Rồi do di chứng của chiến tranh, sọ não bị tổn thương nên nhiều người lúc tỉnh lúc mê. Lúc tỉnh thì không sao nhưng những lúc họ “lên cơn” thì rất khó để kiểm soát hành động. Việc các y, bác sĩ bị các thương bệnh binh đánh không phải là hiếm.
Chị Thúy kể: "Có lần, tôi đang cho một chú uống thuốc thì bất ngờ chú ấy cười khanh khách rồi tát tôi một cái như trời giáng khiến tôi choáng váng, suýt ngã. Hay vài năm trước, bác sĩ Tần bị các bệnh binh đánh đến thương tật 21%...".
Vất vả, thậm chí là nguy hiểm như vậy nhưng các y bác sĩ ở đây ai cũng tận tụy với công việc của mình. “Chúng tôi thực sự đã coi các bác, các chú như là người thân trong gia đình mình vậy. Chỉ mong sao một ngày bệnh tình thuyên giảm để các bác, các chú có thể sống như những người bình thường nốt quãng đời còn lại”, chị Thúy chia sẻ.
Triệu Quang
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: