Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2015

NGÔI ĐỀN Ở CHÂN TRỜI, PHẠM TIẾN DUẬT ĐANG ĐỢI MỘT CON TÊ GIÁC.


Phạm Tiến Duật
 


TNc: Lòng buồn nặng trĩu khi tôi cho chùm bài này lên trang nhà. Không ngờ những dự báo của Phạm Tiến Duật cách đây 10 năm lại là sự thật sao? Nguyễn Khắc Phục bị bệnh trọng đang điều trị tại Viện 103. Chúng tôi đang chuẩn bị gấp để xuất bản tiểu thuyết Hỗn độn của Phục với gần 1000 trang. Cầu mong Nguyễn Khắc Phục vượt qua vận hạn này...

Lời dẫn của nhóm Người Đồng Cảnh- Cách đây đúng 10 năm ( tháng 7 năm 2005), tự nhiên tự lành, chả ai trêu chọc gì cả, nhà thơ Phạm Tiết Duật viết bài thơ "Hỏa thiêu cho một người đang sống" tặng Nguyễn Khắc Phục. Rồi nhà thơ hăng hái viết luôn một bài về tiểu thuyết "Ngôi đền' của bạn ( NKP) vừa in. Chưa hết, nhà thơ còn yêu cầu Nguyễn Khắc Phục cung cấp dữ liệu, thông tin, lý lịch sáng tác, tiểu sử nghệ thuật của mình, đồng thời tham gia biên tập bài tiểu luận "NGUYỄN KHẮC PHỤC - TỪ KỊCH ĐẾN TIỂU THUYẾT, TỪ ÂM HƯỞNG ANH HÙNG VÀ CẢM HỨNG LỊCH SỬ ĐẾN “CÔNG ÁN ĐẠO ĐỨC” VÀ CUỘC HỎA THIÊU NHỮNG ẢO TƯỞNG CÙNG SỰ NỬA VỜI"... Cả nhóm chẳng ai ngạc nhiên, chỉ hơi lạ khi nhà thơ chọn cái tên NGƯỜI ĐỒNG CẢNH cho cả nhóm làm tên tác giả bài tiểu luận này...
Và 10 năm sau, cả nhóm mới ngã ngửa người khi hiểu ra những gì nhà thơ muốn báo trước:
* Tháng 7 năm 2007, Phạm Tiến Duật nằm tại Quân y viện 108, điều trị ung thư phổi, tế bào ác tính đã di căn lên não, ngày 4 tháng 12 cùng năm thì từ trần
* Tháng 7 năm 2015, Nguyễn Khắc Phục nằm tại Quân y viện 103, cũng ung thư phổi, tế bào ác tính hình như chưa di căn, do vậy chưa có "vĩ thanh"
* Từ tháng 8 đến tháng 11 năm 2007, nhóm bạn Trần Nhương, Vũ Cao Phan, Nguyễn Khắc Phục lo bản thảo "Phạm Tiết Duật - Thơ và trường ca", thủ tục in ấn, mise sách, bìa do họa sỹ Hữu Thanh trình bầy, kinh phí in sách chủ yếu do Tiến sỹ Nguyễn Quang A hỗ trợ, phần còn lại do anh em, bạn đọc xa gần hâm mộ thơ Phạm Tiết Duật gửi về. Cuối cùng tuyển tập Phạm Tiết Duật - Thơ và trường ca đã kịp công bố trước khi nhà thơ từ giã cõi đời
* Từ cuối tháng 7 năm 2015, nhà văn Nguyễn Khắc Phục rất mong nhà thơ Trần Nhương giúp mình lo in ấn cuốn tiểu thuyết "Hỗn độn" và tổng tập "NKP GỬI LẠI", bìa cũng do họa sỹ Hữu Thanh trình bầy...
Vì những lý do vừa nhắc tới, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu 3 bài viết nói trên của nhà thơ Phạm Tiết Duật tới bạn đọc xa gần. Trân trọng cảm ơn!

Phạm Tiến Duật
HỎA THIÊU CHO MỘT NGƯỜI ĐANG SỐNG
Tặng Nguyễn Khắc Phục
Trong bóng tối bùa mê, anh ấy tự làm ma
Tự thiêu cái bóng mình giữa thanh thiên bạch nhật.
Thân xác ngỡ còn mà biến mất:
Đã cháy rồi những ngày tháng bơ vơ
Chàng thủy thủ không tàu, không biển
Túi không tiền, đầu không ý nghĩ
Ngủ lang với một sợi tóc rụng của đàn bà
Đã cháy rồi những hào quang huyễn hoặc
Những năm tháng làm vua mà không có triều đình.
Đã cháy rồi những vướng bận linh tinh
Những xuẩn ngốc, tham lam cùng dối trá
Những thân thể lưu manh mặc áo trịnh trọng
Những phản bội ngọt ngào đòi được mang ơn.
Đã cháy rồi những trống rỗng đầy ắp
Với rượu với bia và trăm thứ bà rằn
Những cô đơn ồn ào không chỗ nấp
Những con đường nhựa bị rải định 5 phân.
Đã cháy rồi cả những thành công đích thực
Những ân nghĩa của dân và của lính
Thành công nào cũng chỉ là quá khứ mà thôi.
Anh tự thiêu cái bóng và gia tài của mình
Tất cả đều cháy tàn cháy rụi.
Từ đám tang trở về, tôi quay trở lại
Thấy một trái tim không cháy
Những trang giấy không cháy
Và những giọt nước mắt đàn bà hóa ngọc giữa tàn tro...
Hà Nội, trưa 27 tháng 7 năm 2005

@
NGÔI ĐỀN Ở PHÍA CHÂN TRỜI
Nhà thơ Phạm Tiến Duật
1
Dù tê giác là loài thú quí hiếm, hiện còn tồn tại máy con ở rừng già Việt Nam thì cũng như con rồng, ít ai biết tới. Thế nhưng tê giác là linh vật được Kinh Phật nhắc tới. ý niệm về sự khỏe mạnh và trường tồn, đã ám ảnh một thằng người có tên là Nguyễn Khắc Phục, sinh vào hào lục, quẻ càn của tử vi; cất tiếng gọi mẹ đầu tiên vào giờ liên không; bởi thế, có tài mà đa đoan; cả đời đi tìm tri âm tri kỷ mà số đông chẳng mấy ai hiểu. Gã như một kẻ tội đồ, tự sám hối bằng cách đi tu không cần cắt tóc, không cần nâu sồng, gã đi tu không ở chùa mà ở giữa cái đám gọi là chợ người. Gã chính là con tê giác không sừng, lầm lũi đi từ suốt những năm 50 của thế kỷ trước xuyên qua thế kỷ này, ném vào mặt thiên hạ hàng vạn trang sách đủ mọi thể loại. Nào phim, nào kịch, nào thơ, nào lý sự đông tây, nào báo chí, nào tiểu thuyết. Rút cục thì một câu hỏi lớn, lúc tóc đã bạc phơ, chân đi chếnh choáng, tim đập thất thường, gã vẫn không trả lời nổi: Liệu có đến được không, ngôi đền của cái Đẹp đang lộng lẫy tồn tại ở đường chân trời ?
Ấy là ấn tượng mạnh mẽ đập vào tôi sau khi đọc tập tiểu thuyết Ngôi Đền trong hàng chục tập sách của Nguyễn Khắc Phục đang nối tiếp xuất bản. Đây là tiểu thuyết có số chữ dè xẻn nhất của Phục, mà cũng dầy đến gần 400 trang. Ngôi Đền chỉ có ba nhân vật chính: một ma nữ, một con tê giác và một thằng người được đặt tên tùy tiện. Ba nhân vật ấy làm nên ba dòng chảy đan xen, làm nên bản hợp xướng ba bè, có sự góp mặt của hàng bao nhiêu nhân vật khác. Cái thằng người kia có thể tên là Trần Việt, có thể tên là Hoàng Tuấn trong một địa phương cụ thể với các tranh chấp đầy kịch tính của một xã hội thị trường cụ thể hôm nay. Các tật xấu trong quan trường, tệ ăn cắp và hàng trăm thứ xấu khác được tác giả cô nén tới mức đỉnh điểm của chủ nghĩa hiện thực xù xì. Giải pháp xã hội (mà) nhà xã hội học Nguyễn Khắc Phục (phản đối), là giải pháp của kẻ đau dạ dày, một bệnh có thực của chính tác giả: không thể dùng biện pháp thuốc muối. Thế mà biện pháp ấy, về mặt xã hội, đang bị áp dụng tràn lan. Phài là người yêu nước như lớp người Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc, và Nguyễn Khắc Phục nữa, mới dám góp tiếng nói xã hội mạnh dạn và thẳng thắn như vậy
Con tê giác cứ lầm lũi đi. Ngôi đền thiêng vấn sừng sững hiện ở đường chân trời. Đi bên cạnh tê giác có một cô gái có tên là Yến. Không phải là Yến thường mà là Yến Huyết, loài yến dùng máu tim mình để làm tổ. ấy là một ma nữ vô hình mà hữu hình. Ma nữ ấy nếu thoát y thì còn đẹp hơn cả người cá, “hai vú nàng như hai quả lê trắng, bụng nàng thơm tho như có lúa mạch sắp đặt ở tứ vi, tóc nàng xoăn từng sợi, mỗi sợi có thể trói một vị vua”. Ma nữ không là tiên nên đa đoan như đời nhà tiểu thuyết ám vào. Muốn yêu mà không được yêu, muốn ngủ mà phải ngủ với người mà mình không yêu. Yến Huyết là cô Kiều của thời nay. Yến Huyết là hình ảnh lý tưởng mà Nguyễn Khắc Phục muốn gặp, muốn yêu, muốn ngủ nhưng chỉ là ảo ảnh. Ai mà yêu, ai mà ngủ với con tê giác, nhất là tê giác không sừng?
Ở một phía kia, phía thằng người, con người, Ngôi Đền là tiểu thuyết hiện thực, nhưng ở phía này, phía chủ yếu, Ngôi Đền là một tiểu thuyết tình, viết bằng bút pháp có thể đặt tên là lãng mạn huyền ảo.
“Mỗi lần gặp nhau, áo ngủ của nàng co hẹp thêm trên tấm thân sống động rất đàn bà nơi con người nàng. Đã quá lâu anh không được ngửi cái mùi gây gây, ấm nóng của xác thịt và sự chung đụng. Anh yêu nàng, cái đòi hỏi càng thêm mãnh liệt. Nàng khuyến khích anh dấn tới, rồi cũng chính nàng, chủ động một cách tàn nhẫn, dập tắt cơn đam mê vừa được nàng thổi bùng trong anh”
Câu văn ấy được viết về một căn phòng hạnh phúc của mọi lứa đôi, qua bao truân chuyên, biểu hiện không phải ở một biệt thự, mà là một góc khuất của chuồng nuôi ngựa mà người ta gọi là tàu ngựa. Văn viết về ma thì dễ mà văn viết về người thì khó. Văn viết về hận thù thì dễ mà văn viết về yêu đương thì khó. Ở Ngôi Đền, Nguyễn Khắc Phục đã chọn con đường khó đi mà vẫn dựng được một cuộc tình độc đáo, chưa từng bắt gặp mà vẫn thấy bóng dáng của bao nhiêu cuộc tình giữa cuộc đời này.
2
“Tê giác tiến bước theo kiểu tên lửa nhiều tầng bay trong không gian. Vừa bay, tên lửa vừa bỏ lại những thùng nhiên liệu đã trống rỗng. Tê giác cũng để lại sau lưng nó những khoảng trống ký ức...”
Nguyễn Khắc Phục không phải là con tê giác, gã là một nhà văn lớn và một thằng người nhỏ, đi lấp những khoảng trống ký ức mà con tê giác để lại. Suýt toi mạng theo nghĩa đen ở chiến trường Nam Trung Bộ. Suýt toi mạng theo nghĩa bóng ở đất tân đô Huế. Vinh thăng tiền bạc ở các kịch bản phim truyền hình nhiều tập. Ngập lụt ở những vở kịch mà vài đạo diễn không hiểu mình. Khoảng trống ký ức của đời thì Nguyễn Khắc Phục xông pha lấp, thế còn cái khoảng trống ký ức của chính đời Phục thì ai lấp đây? Hay Nguyễn Khắc Phục là con tê giác ấy còn kẻ đi lấp lại là cái anh lính Trường Sơn đẹp giai thủa nào tên là Phạm Tiến Duật đi lấp thay người?
Thây kệ. Ngôi Đền vẫn sừng sững ở đường chân trời. Ngôi Đền ấy có tên là văn hóa, ấy là Muni của văn hóa Ấn; đó là Giaria Vácman, Xuria Vácman của văn hóa Chămpa; ấy là Lý Thái Tông, Trần Nhân Tông Việt Nam. Phục đọc nhiều, thấm nhiều nền văn hóa mới có thể dựng nên hình tượng một chú tê giác của thần học, của triết học, chạy suốt từ đầu tập sách đến cuối tập sách mà không làm trang nào có tỳ vết. Vẫn hiện lên nàng tiên – Ma nữ Yến Huyết, vẫn hiện lên rác rưởi của con đường vạn dặm đi tìm NGÔI ĐỀN của cái đẹp, NGÔI ĐỀN của tình yêu và vĩnh phúc.
Đầu thu 2005
PTD
@
NGUYỄN KHẮC PHỤC - TỪ KỊCH ĐẾN TIỂU THUYẾT, TỪ ÂM HƯỞNG ANH HÙNG VÀ CẢM HỨNG LỊCH SỬ ĐẾN “CÔNG ÁN ĐẠO ĐỨC” VÀ CUỘC HỎA THIÊU NHỮNG ẢO TƯỞNG CÙNG SỰ NỬA VỜI!
NGƯỜI ĐỒNG CẢNH
.
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục (NKP) là ai? Người ta có thể dễ dàng biết ngay: đó là tác giả của rất nhiều tác phẩm điện ảnh, kịch và phim truyền hình. Nhưng đó mới chỉ là “non nửa gia tài sáng tác” của NKP, nửa kia là tiểu thuyết, truyện ngắn và trường ca, gần đây nhất, ông vừa hoàn thành hai cuốn đầu trong bộ tiểu thuyết sử thi trường thiên THăNG LONG Ký...
Tóm lại, NKP đã là tác giả của vài chục truyện ngắn, 4 trường ca, hơn 10 bộ tiểu thuyết, viết kịch bản cho 15 bộ phim truyện nhựa, hơn 200 tập phim truyền hình, 65 vở kịch đã công diễn và in thành sách.
Chỉ tính riêng năm 1991, với ba vở kịch Bất hòa với số phận, Bọn quỷ sống và Những giấc mơ bị trấn lột do Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát kịch TW và Nhà hát kịch Hà Nội dàn dựng, NKP được một nhà báo gọi là “Người hạnh phúc nhất năm 91”... Tính sổ năm 1992, “Người hạnh phúc” làm luôn sáu vở: Nhà hát Tuổi Trẻ dựng Vuờn quỳnh, Kết bạn với thiên thần và Trò đời, Đoàn kịch nói Hải Phòng làm Ngọc lưu ly và Tình hận, Nhà hát kịch TW dựng hài kịch Ông sếp móc cống. Trong khi Vườn quỳnh vượt con số 100 đêm diễn, hạ tuần tháng 11, Trò đời liên tiếp xuất hiện trên sân khấu, bất chấp hiện tượng Người giàu cũng khóc phát liên tục trên ti-vi. Ngọc lưu ly diễn ngoài 20 suất chưa lo ế khách thì Ông sếp móc cống vào Đà Nẵng tung hoành và Tình hận với đạo diễn tài năng Lê Hùng, cũng hứa hẹn tưng bừng trước lễ Giáng Sinh năm ấy...
Mọi sự đã diễn ra như vậy với NKP, nhưng cho đến nay người ta vẫn chỉ biết đến ông như một nhà văn có sức viết rất khoẻ, rất đều và khối lượng tác phẩm khá đồ sộ, trên hầu hết các lĩnh vực sáng tác văn học, từ tiểu thuyết đến sân khấu. Liệu có gì không thỏa đáng khi người ta chỉ dừng lại ở những ghi nhận nói trên?
Có khá nhiều cách giải thích chuyện này. Hình như ngay cả các nhà phê bình văn học, sân khấu, điện ảnh, truyền hình..., cũng chưa có ai nghĩ đến việc tìm hiểu, nghiên cứu những tác phẩm của ông một cách cẩn thận, khoa học, công bằng và khách quan? Phải chăng, họ có những mối bận tâm khác thú vị hơn, hệ trọng hơn và thuận lợi hơn?
Là một trong nhúm bạn bè của NKP, không dám tự nhận là đã hiểu đến tận tim đen NKP, chí ít thì cũng nhiều năm liên tục theo dõi và chứng kiến các bước đi cùng tác phẩm của nhà văn, tôi (kẻ thực hiện bài viết này-Người Đồng Cảnh), hỏi NKP: Cảm giác của ông ra sao khi được đối xử như vậy? Nhà văn điềm tĩnh trả lời: Tôi chắc không phải là người đầu tiên và càng không phải là người cuối cùng, trong số những người cầm bút xưa nay ở xứ ta, rơi vào tình trạng này.
Thiết nghĩ, cũng là công bằng khi tôi mong muốn bạn đọc và công chúng thưởng thức nghệ thuật, bớt chút thời giờ, cùng tôi lần ngược theo con đường đã dẫn NKP - Người ít nhất cũng đã cung hiến cho chúng ta ù một vài “xen kịch” thú vị đáng kể trong Trò đời hoặc Gĩu áo mù sa, cùng một vài đoạn văn làm ta cảm động đến trào nước mắt trong tiểu thuyết Ngôi đền (tức Ma Nữ) hay Học phí trả bằng máu…, đến với văn chương như thế nào?
Thật ra, những thành công và thất bại đầu tiên trong văn nghiệp của NKP lại liên quan đến kịch và tiểu thuyết. Năm 1965, NKP tốt nghiệp phổ thông 10 năm tại trường cấp III Hồng Gai - Quảng Ninh, đúng vào năm Mỹ đánh phá miềm Bắc và nhà nước bỏ thi đại học, thực hiện tuyển sinh. Đương nhiên NKP bị loại (trong lớp NKP học, hầu hết học sinh là con cái của các cán bộ lãnh đạo...), NKP phải chạy vạy mãi mới xin được vào học khoa Máy - Trường trung cấp hàng hải Hải Phòng. Không ngờ chính “sự cố” này lại hầu như quyết định con đường văn chương sau này của ông. NKP thú nhận, do được đắm mình trong bầu không khí sôi sục của đời sống và sinh hoạt văn học nghệ thuật tại Hải Phòng - một trong những trung tâm văn học quan trọng của miền Bắc thời ấy, với sông nước, biển cả, giữa những người thủy thủ…, ông tìm được cảm hứng và chất liệu cho sáng tác. Ngay sau những truyện ngắn đầu tay: Tiếng nói của biển, Hoa cúc biển, Ngã ba Vô Tình, Cô kỹ sư nông hóa của tôi, Đêm phòng thủ, Lão Tư ô, Cỏ may trắng... và trường ca đầu tiên Con mắt bão, NKP hăm hở lao vào cuộc chinh phục sân khấu và vở kịch đầu tiên Người từ giã cuối cùng chào đời (Đặng Nhật Minh chuyển thể làm phim Những ngôi sao biển - 1973). Nhưng mọi điều diễn ra với NKP không chỉ rặt một màu hồng, dù là màu hồng nhạt… Thoạt đầu là vụ truyện ngắn Hoa cúc biển được người ta “nhắc nhở” các vị biên tập đã sơ sểnh khi để nó xuất hiện trên tạp chí VNQĐ. Rồi đến cuốn tiểu thuyết đầu tiên Biển và bãi lầy được bạn bè và một số nhà văn đón nhận, đánh giá cao, nhưng biết là chưa in được. Đành gửi bản thảo cho một người bạn trước khi đi B. Sau hòa bình, 1975, NKP trở lại miền Bắc, chưng hửng nghe người bạn ấy thản nhiên tuyên bố là đã đánh mất bản thảo cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình!
Lên đường vào chiến trường, viết truyện Rừng non bị ngay một vài đồng nghiệp “góp ý tơi bời”, năm 1971, gán cho nó cái tội sặc mùi “hiện sinh”, “phản chiến” và dám coi cuộc chiến ở miền Nam là “nội chiến”... Mới bắt đầu tấp tểnh vào nghiệp văn, đã vấp ngay ba tai nạn như trên, ông không hãi à? Khi được hỏi, NKP chỉ biết cười nhạt hơn nước ốc: Tử vi của tôi nó vậy, hãi cũng chẳng được, càng bị đánh tôi càng cố sống, cố chết vượt lên, làm bằng được điều mình muốn. “Cô thần nhập miếu” mà.
Dù sao đó cũng là những chuyện nhỏ so với cuộc sống ba động, bạo liệt và đầy kịch tính mà nhà văn được chứng kiến. Và ngay sau đó, ông hoàn thành vở kịch Vườn Thày Năm, lấy chất liệu từ cuộc chiến đấu gian khổ, quyết liệt và anh hùng của nhân dân Quảng Đà những năm bọn xâm lược thực thi chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” nham hiểm, phi nhân tính. Và năm 1973, Nhà xuất bản Giải Phóng đã in và phát hành vở kịch này…
Cửa biển Hải Phòng - Đại dương và sau đó là chiến trường khu 5 - Tây Nguyên, cho NKP hiểu thế nào là chiến tranh, thân phận con người và những thử thách của một dân tộc phải vượt qua để khẳng định “tương lai văn hóa” của mình. Điều ấy quan trọng với nhà văn hơn cả mối bận tâm về cái gọi là “một tương lai phát triển, thịnh vượng”...
Nhà văn lưu ý, chỗ này cần một chút tỉnh táo để hoài nghi: Sự phát triển và thịnh vượng không phải lúc nào cũng đồng nhất với tương lai văn hóa. Nhà văn cũng ý thức rất rõ, mình không phải một nhà nghiên cứu, cũng không phải một nhà văn hóa, nhà tư tưởng..., theo đúng nghĩa hẹp của những “quy ước chính danh” người ta vẫn gán cho những vị giáo sư này, tiến sĩ khác... ông viết kịch, viết văn, và như vậy, ông phải thể hiện mọi điều bằng tác phẩm, bằng ngôn ngữ sân khấu và văn chương cùng khả năng biểu đạt của mình. Do đó, tốt nhất, ta hãy thử xem những gì được đề cập đến trong các vở kịch của NKP. Và tình hình cũng tương tự như khi ta khảo sát nội dung các cuốn tiểu thuyết của ông.
“Tương lai văn hóa” chính là cứu cánh và cũng là chủ đề quán xuyến toàn bộ những gì NKP đã cố gắng theo đuổi và diễn đạt trong những vở kịch và tiểu thuyết quan trọng nhất của mình. Hành trình văn hóa của một dân tộc được thực hiện qua những thăng trầm, những lựa chọn chính trị, ý thức hệ, tín ngưỡng, triết học nhân sinh, qua chiến tranh và hòa bình, qua số phận cụ thể của những thế hệ người thuộc dân tộc ấy. Bởi thế, tương lai văn hoá của mỗi dân tộc tuỳ thuộc vào bản lĩnh và tinh thần đạo đức, chủ nghĩa nhân văn, sự cởi mở và hoà hiếu của chính dân tộc ấy!
Như NKP đã từng quan niệm:
“Nghĩ cho cùng, văn chương, mà ráo riết nhất là kịch và tiểu thuyết, chỉ chăm bẵm vào việc mô tả, đào bới các khía cạnh của kiếp người. Vâng, cái kiếp người với tất cả những thăng trầm, biến cải trong ái, ố, hỉ, nộ… - Chính là cốt liệu quan trọng nhất, làm nên tác phẩm, chất men gây hứng khởi cho văn sĩ (và cả buồn vui, bi phẫn cùng hi vọng). Đó cũng là điểm quy chiếu để ta xem nhà văn nhìn đời, nhìn người, nhìn thế sự xoay vần ra sao, yêu cái gì, ghét cái gì, muốn cái gì phải chết, phải bị diệt vong, cái gì phải được tôn vinh, tồn tại, phát triển và thăng hoa…
Tóm lại, dù kịch có là “một câu chuyện buồn cười do một thằng ngu kể lại, đầy âm thanh cuồng nộ mà chẳng có nghĩa gì” ( Măc-bet), hay là “Quả lắc đu đưa giữa nụ cười và nước mắt” (Bai-rơn), hay theo quan niệm của ông Tổ tuồng Đào Tấn “ Hà tu giả xứ tiếu phi chân” (ai đến cái xứ giả lại cười cái không có thật), hay kịch là cái gì gì đi nữa, số kiếp con người vẫn cứ là lí do đầu tiên và mục đích cuối cùng, khiến các nhà viết kịch cầm bút và hăm hở hướng tới…”
Ở đây, nhà viết kịch gặp nhà tiểu thuyết trong con người NKP, vì suy đến cùng, mỗi vở kịch là một cuốn tiểu thuyết được người ta “xem” trong hai tiếng đồng hồ thay vì “đọc” vài ba trăm trang sách. Có lần đấu hót với bạn bè quanh bàn rượu, NKP nửa đùa nửa thật, nhận xét: Tiểu thuyết như một trận đánh hiệp đồng tác chiến gồm cả bộ binh, pháo binh, máy bay, xe tăng… Để tấn công và chiếm lĩnh một mục tiêu tương đương với “trận đánh bằng tiểu thuyết”, kịch chủ yếu dùng lối đánh đặc công, với vài ba “lính đặc nhiệm” (nhân vật trong vở diễn), luồn lách trong trận đồ bát quái của đời sống, vật lộn sinh tử với nhau, phanh phui mọi ngóc ngách của tâm địa con người và đột phá từ trong ra!
Khởi đầu gian đoạn sung sức, trẻ trung nhất của mình, NKP viết kịch và tiểu thuyết trong niềm hứng khởi tìm thấy từ những chất liệu lịch sử và âm hưởng anh hùng của những cuộc kháng chiến thần thánh mà dân tộc ông đã trải qua. Chẳng phải ngẫu nhiên, tác giả của bộ tiểu thuyết Bay qua cõi chết (với tập 1 - Học phí trả bằng máu, NKP nhận lãnh đủ thứ rắc rối vào những năm 1984-1985 tại miền Trung), lại chính là người thực hiện bộ tiểu thuyết lịch sử Thăng Long Ký. Và song song, NKP viết một loạt vở chính kịch anh hùng ca: Hồn nước, Thông điệp từ Điện Biên, Kẻ sỹ Thăng Long, Dưới bóng quân kỳ, Tận hiến, Lời nguyền Kẻ Mơ…
Nếu những vở kịch đầu tay của NKP mang nặng khuynh hướng luận đề, tràn đầy cảm hứng sử thi và chất bi hùng, tráng ca, thì càng về sau, ông coi mỗi vở kịch của mình như một tiên báo bất an cho những nguy cơ tha hóa đang rình rập con người ở phía trước, mô tả trần trụi với lòng căm thù sâu sắc, sự phẫn nộ mấp mé tới mức cực đoan, tố cáo một cách không khoan nhượng, sự xâm thực của những “cơn đại dịch” ảm đạm, tăm tối, dị dạng đang phình ra, chiếm lĩnh mọi lĩnh vực của đời sống, làm ung thối, bào mòn và tiến tới hủy diệt nền móng nhân tính. Sự kiện này còn khủng khiếp hơn cả một thứ “thủy triều đen” do những con tầu chở dầu khổng lồ bị đánh đắm trên đại dương gây ra. NKP hăm hở đột phá vào hiện trạng xuống cấp về mặt đạo đức, hay nói cách khác, ông chấp nhận việc giải đoán những công án đạo đức.
Ông đã từng tự bạch: Tôi đã mê lầm khi tưởng rằng chỉ cần bứt đi vài ngọn bị sâu bệnh là có thể cứu nổi cả một cái cây non đã úng rễ, bật gốc. Viết và dựng vài vở kịch mà hi vọng có thể sửa chữa được những hư hỏng này, điều chỉnh những khập khiễng khác nhau trong cơ chế vận hành của đời sống, một niềm hi vọng đáng ngờ và cũng vô ích không kém việc dùng một ngón tay trỏ lên mặt trăng mà bắt nó bay chệch khỏi quỹ đạo của nó. Mấy chục đêm liền, tôi ngồi trong các rạp hát không phải để “xem kịch” mà “xem khán giả”. Những rạp hát ngốt hơi người, hầm hập mồ hôi, rào rào tiếng cắn hạt hướng dương, lác đác có kẻ văng tục, chửi thề hoặc tiếng sập ghế ken két khi những khán giả thất vọng bỏ về giữa chừng đêm diễn... Nhưng vẫn còn những tràng cười rộ, những cái chép miệng tâm đắc, những sụt sùi thương cảm dù tôi biết chắc trên sân khấu những gì đang diễn ra vốn tự chúng chưa đủ sức kích động những cảm xúc ấy nơi khán giả, chúng được dấy lên phần lớn nhờ sức mạnh của liên tưởng và không khí “lên đồng tập thể”, dường như một kẻ lữ thứ đang trầm tư bỗng gặp một chút mưa phùn nơi xứ lạ chạnh lòng mà rơi lệ. Tôi chợt nghĩ, nếu như giữa người nghệ sỹ và công chúng thưởng ngoạn có một “sự cộng thông” ắt hẳn những cảm xúc, những liên tưởng có khả năng “tẩy rửa” những vết bợn nhơ, làm thăng hoa những ý tưởng lành mạnh, mà kết tập lại thành những “công án” dai dẳng, ăn rễ trong tâm hồn của từng người, buộc một người phải đối diện với nó, giải quyết nó đến tận cùng rốt ráo như các thiền sư đã làm trong pháp môn của họ. Mỗi công án sẽ là nguồn xung lực xô đẩy từng người ra khỏi thế quân bình lì lợm, thụ động, tiêu cực, thúc giục họ đào sâu vào tâm hồn mình, kể cả khi tâm hồn ấy ngổn ngang những sự thực đau lòng, những thành kiến đã trở thành “tiêu nha bại chủng” (mầm chết, giống khô) của quá vãng, của hiện tại nghi hoặc và của ngày mai đầy bất trắc. Hóa ra công chúng đến rạp hát không phải để ai dậy khôn họ, càng không phải chờ đợi những đơn thuốc viết sẵn cho những tấn kịch đời. Điều kiện thiết yếu để sân khấu sống và phát triển nằm ngay trong sự cộng thông đầy nhiệt tình và tự giác giữa những người tham gia vào việc xác định và giải quyết các công án của đời sống,mà trước hết là những công án gắt gao nhất, mãnh liệt nhất và dai dẳng nhất bám chặt lấy thân phận làm người - những công án đạo đức. Đó là giáp trụ cho các nghệ sỹ sân khấu vật lộn trong cuộc chiến mà lý tưởng thẩm mỹ, niềm khát khao sáng tạo dường như rất dễ bị tổn thương bởi những cuộc pháo kích của nhu cầu cơm áo...
Nếu thiền sư Huệ Khai kêu gọi một trận chiến hùng tráng “hãy đem hết ba ngàn sáu trăm khớp xương, tám vạn bốn ngàn lỗ chân lông đúc thành khối nghi tình (công án) công phá vào chữ VÔ...”, thì chúng ta cũng với nhiệt huyết không thể ít hơn, công phá vào chữ HữU - cuộc sống với tất cả tình yêu, nỗi đau khổ và sự bí ẩn chói lòa của nó ...
Xét cho cùng, NKP cũng không may mắn và sáng suốt hơn chàng Đông Ki-sốt khi đánh nhau chí tử với những cái cối xay gió bên tận xứ đấu bò tót!
Nhưng càng về cuối chặng đường vật lộn với sân khấu và văn chương, bao nhiêu hứng khởi và nhiệt tình của NKP đã chuyển từ những công án đạo đức sang những cuộc “hỏa thiêu”. Ông thấm thía mỗi lúc một sâu sắc, kịch và tiểu thuyết không có chỗ cho thỏa hiệp và thoái thác. Nó thúc giục nhà văn dấn thân hoặc cả hoặc không! Bởi vậy, mỗi lần đối diện với những trang kịch và tiểu thuyết của mình, NKP có cảm giác như đang tham dự một cuộc hỏa thiêu chính con người cũ, bạc nhược, đa đoan và không ít cực đoan của mình. Đó cũng sẽ là cuộc hỏa thiêu mọi ảo tưởng, sự nửa vời và những ngộ nhận trong tâm thế bạn đọc, công chúng thưởng thức mà nhà văn khấp khởi chờ đợi đến mức canh cánh…
Tình thế cũng na ná như vậy khi NKP hoàn tất và cho phổ biến những cuốn tiểu thuyết Ngôi đền (tức Ma Nữ), Dưới bóng ngô đồng, Cáo phó…
Suốt từ vài tháng nay, biết bao sự “ngẫu nhiên” phiền toái và đáng rầu lòng đến với nhà văn. Cái thì do bên ngoài đưa đến, cái thì tự NKP gây nên, kể cả những tin đồn ác ý nhưng chứa đầy dự cảm. Là bạn của ông, tôi không khỏi chờn chợn khi thấy ông vội vã cho in xê-ri tiểu thuyết của mình gồm 7 cuốn, mỗi cuốn ngót nghét 700 trang khổ 14,5 x 20,5, rồi lại lao sang in tuyển kịch với 26 vở trong gia tài 65 vở diễn của mình. Có một cái gì đó gần giống như “sự tiên báo bất an” của con “tê giác NKP”?
Bây giờ, viết đến những dòng cuối của cái tạm gọi là “tiểu luận” này, tôi chỉ còn biết phấp phỏng hi vọng. Biết đâu, khi cầm trên tay Nguyễn Khắc Phục - Kịch tuyển chọn và Nguyễn Khắc Phục - Tiểu thuyết, bạn đọc sẽ cảm thấy… nong nóng, dường như cuộc “hỏa thiêu” của nhà văn đã tỏa nhiệt?
Đó cũng là ước nguyện đáng kể nhất mà NKP nung nấu trong tâm can...
N.Đ.C
Hà Nội, cuối tháng 7 năm 2005

Ảnh:
1-  Thăm Nguyễn Khắc Phục tại viện 103 (ngày 23/7/2015)
2- 8 năm trước Nguyễn Khắc Phục bên Phạm Tiến Duật tại viện 108
3- Trần Nhương thăm Phạm Tiến Duật
Bloger Traanf Nhwowng
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: