Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 22 tháng 6, 2015

Người bán chim ở chợ Bắc Hà



doduc
Bắc Hà là một trong vùng văn hóa đặc sắc của Lao Cai. Câu chuyện ở góc chợ về một người bán chim thôi cũng cho ta thấy cái chất hảo hán trong con người vùng sơn cước không giống bất kì nơi đâu, chỉ biết một lần rồi nhớ mãi…
“ Hề hề mình về lâu ruồi (rồi), từ lăm sáu hai cơ. Là lính Lẹn Ben ( Điện Biên) đấy…Bây giờ thì mình sướm rồi( sướng rồi), có cháu có chát ( chắt) rồi nhá… Bà thì có tởi ( tuổi) rồi nhưng vấn còn đẹc lắng( đẹp lắm). Lão lại cười hi hi, hai con mắt dẹp như cái lá dăm khô tít lại, ánh lên tia tinh quái đầy ngụ ý của loại người có máu còn thích nhiều chyện trăng hoa.
Chợ Bắc Hà tuần một phiên vào chủ nhật. Lão luôn có mặt từ sáng sớm đến ba giờ chiều, đến khi chợ vãn hẳn người , phải cố bán hết con chim cuối cùng. Lão bảo đã mười mấy năm nay, chủ nhật nào cũng có mặt ở chợ chim, cả cái huyện Bắc Hà đều là người quen của lão. Không tin cứ việc hỏi bất kì ai, cứ thử xem!
Thì ra lão nói thật.
Văn hóa lão khoe chỉ lớp ba ( ấy là khi học bổ túc cứ đăng kí liều thế, còn lớp ba hay bốn là thế nào có biết gì đâu). Lão bảo “ khoản chữ nghĩa mình kém một tí, nhưng khi cố đi học lại bị thằng thầy giáo chê, bảo “mày học như con trâu”. Nghe thế mình tức lắm, mình đang cố học không xong, nó lại bảo mình là trâu…Con trâu thì nó có sừng, giống con trâu thì có khác gì sống cũng như chết, chết cũng như sống. Tôi đéo sợ, thế là tôi xông lên định đánh thằng thầy giáo. Mọi người thấy vậy xúm vào can ra nói không được đánh nó. Nhưng hôm sau tôi dứt khoát không thèm đi học nữa. Ừ, mình dốt thì dốt thật, nhưng dứt khoát không làm con trâu, không để người khác sai khiến.
Còn việc bị thải hồi lại do một chuyện khác. Số là sau khi bỏ học, tôi làm thằng nhân viên thu mua lâm thổ sản cho bên xuất khẩu, có bắt quen với cô Vòong Slay Dzắn. Dù có vợ rồi nhưng nhìn nó vẫn thích không chịu được, ngày nào làm việc mắt cũng phải ngoi theo cái mông nó lúc lắc đến tận cuối đèo Slỏong Nà, nhìn để rồi tối trằn trọc không ngủ được. ỒI, cái mông nó ác thế, cứ đeo vào trong đầu như cái áo mắc trên vách tường, thẫn thờ quên cả công việc đang làm…
Tôi bảo thế là Agiáo mê gái rồi, thì lão cười gượng, nói lảng “ Ừ, cũng có một tí, nhưng nó cũng thích mình mà”, lão lại nói tiếp để củng cố cho tôi niềm tin “ Ầy dà, nó thương mình nhiều hơn mình thương nó, nếu không lấy nó thì mình có tội nhiều lắm mà”
Đấy là lão ngụy biện cho cái tội dinh thêm bà hai về dù chính quyền không cho phép. Thế mà lão vẫn khẳng định đanh thép“ Vợ cả là láy (lấy) có giái (giấy) kết hôn, bà hai láy vì tình yêu, cái nào cũng đúng cả. Lão khoe, khi bị kiểm điểm mình đã nói rõ như thế, nhưng chính quyền nó không nghe, nó bảo đã sai rồi còn cãi cố. Mình thì dứt khoát là mình không sai. Mình có bỏ bà cả đâu mà có tội. Bà hai thít ( thích) mình, nó đến nhà mình ở, bảo đi nó không có chỗ đi, thế nghe chính quyền cho nó ra ngoài đường à. Như thế tội còn to hơn. Tôi bảo dứt khoát là không nghe chính quyền, nghe chính quyền là phạm tội. Lão thở dài tiếc rẻ “ Thế là mình bi thôi làm cá (cán) bộ.
Ngồi bên mấy lồng chim mặt lão bỗng trầm xuống theo hồi ức, giọng tiếc nuối “ Cũng là tại mình chưa kịp vào đả via (đảng viên). Nếu có đả via thì khai trừ đả vẫn còn là cá bộ thường, còn được ở lại. Không có đả via, ra là ra luôn thế mới đau chứ.
Hỏi tiếp chuyện vợ con sau đó, Agiáo bảo hai bà ở với nhau được ba năm thì phải cho ra thôi. Tại bà cả nó ác quá. Mình phải bỏ bà cả để theo bà hai. Tôi bảo sao lại như thế thì đôi mắt già tít lại, lão cười hi hi “ hỏi gì mà dốt thế, bà hai trẻ hơn đẹp hơn thì phải theo bà hai chứ…Bây giờ bà hai già rồi mà trông vẫn còn thít( thích) lắm. Tôi hỏi đùa, vậy thì bây giờ còn thêm bà nào nữa không thì lão dim mắt nhìn vào cánh rừng trước mặt cười ý nhị “ Vẫn có chứ, nhưng không đem về nhà nữa đâu, làm ngoài rừng ngoài núi như con trâu bò thôi mà. Lão đột nhiên khẳng định: chuyện tình yêu thì có ai chán bao giờ, bây giờ cũng thế mà
Đúng người như Agiáo không có căn làm cán bộ, bởi trong người lão chuyện gái gú vướng bận nhiều hơn chuyện công việc. Nhưng khi chuyện trò tiếp thì lão hé ra “Mình bị thôi cá bộ là vì chuyện khác. Việc mình thêm vợ chỉ là cái cớ thôi. Nhiều đứa công tác cùng tôi thêm vợ có bị sao đâu. Đến đây Agiáo mới kể cái đoạn năm sáu hai, lúc còn ở chân thu mua: “ Đêm hôm ấy có ba thằng trộm mò vào nhà kho vào đúng lúc mình thức dậy đi đái. Thấy chúng đang vần mấy bao thảo quả, thế là mình vác gậy xông ra , hét lớn : trộm trộm rồi vung gậy. Chẳng đánh trúng thằng nào nhưng chúng cũng bỏ chạy không lấy được gì. Hôm sau họp, trưởng phòng thu mua bảo: “ Mày dại thế, có một mình mà xông ra, có lần chúng nó đánh mày chết”. Lúc ấy đang hăng tôi bảo trưởng phòng “ tôi đéo sợ, nó ăn cắp thì nó phải thua mình”. Rồi nói đi nói lại mình tức quá mới bảo “ Mày làm lãnh đạo mà nhát thế thì làm làm gì, mày đéo bằng tao”. Mình chết ở câu nói ngu ấy. Từ đấy trưởng phòng nó thù tôi, bảo tôi là thằng láo, dứt khoát không cho vào đả. Đã thế nó còn tìm cách đuổi đi. Thế là mượn chuyện mình có bà hai nó cho họp kiểm điểm suốt. Cuối cùng nó đá phát đứt luôn…
Kể đến đây lão lại cười hi hi “ Cũng tiếc làm cá bộ ít thôi, mình vốn là dân mà. Dân thì tự quen làm lấy mà ăn. Phải về nhưng đêm được ôm vợ đẹp vẫn sướng lắm nhá. Thằng ấy bây giờ cũng làm dân nhiều năm nay rồi, nhưng đéo có nghề buôn chim như mình. Thỉnh thoảng gặp nó ra chợ tôi vẫn cho rượu uống, nó cứ nhìn tôi thở dài…
Câu chuyện với lão bị cắt ngang luôn bởi những khách mua chim và người trong bản đem chim ra bán cho lão. Lão bảo tôi, mỗi con chim chỉ ăn lộc mười nghình, thế là nhiều rồi, là có lộc rồi. Tôi nhìn những lồng chim xếp quây bên lão đủ loại từ khướu bạc má, họa mi, ngũ sắc, sẻ rừng. Chúng láo liêng nhảy loạn xạ. Có con mi bỗng chợt hứng hót cả tràng dài. Lão bảo tôi nuôi chim bằng cám cò dễ lắm, nếu tan chợ không bán được thì đem về nhà cho ăn cám, phiên chợ sau lại bán.
Lúc vãn khách, lão quay lại tâm sự tiếp chuyện gia đình: Bây giờ hai bà lại về một nhà rồi, lại lói choẹn với nhau rồi. Nhà có cháu có chát (chắt) rồi vui lắm.. Agiáo giải thích “Trước đây còn trẻ thích nhiều chuyện tình yêu, hay tranh nhau nên ghét nhau. Bây giờ già rồi, thích ít đi nên lại sống với nhau lại tốt hơn nhiều rồi.
Tôi lại nhìn lão, cái con người ở tuổi bẩy mươi ba mà tay chân vẫn cuồn cuộn cơ bắp. Nói chuyện về đàn bà vẫn nhấp nhổm không yên. Agiáo vẫn đậm chất hoang dã. Lão tiễn tôi với lời khoe hào hứng “ mình khỏe như con voi ấy, là bà hai nó bảo thế chứ mình cũng không tự biết”. Lão bảo còn chuyện phụ nữ thì đừng bảo mình xấu, nhiều bà thích mình mà, mình chỉ thương và chiều nó thôi. Bây giờ vẫn còn được thít nhiều đấy!
Rồi lão bỏ dở câu nói, tiếng cười hi hi lại cất lên lẫn vào dàn đồng ca véo von của đám họa ni, khướu và sẻ rừng, làm cho chỗ chợ bán chim hình như vui hơn những chỗ khác.Bắc Hà, 7/2002- Hà Nội 27/8/2002
Vĩ thanh
Tháng sáu vừa qua tôi quay lại Bắc Hà hỏi thăm Lù Agiáo thì được biết cả gia đình lão đã kéo quân vào Đăk lăk làm ăn. Chợ Bắc Hà bây giờ không còn góc bán chim nữa. Nghe bảo chính quyền cấm vì vi phạm luật bảo vệ chim thú quí. Chẳng lẽ lão ra đi vì không thể bỏ được nghiệp bán chim(?)
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: