Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 20 tháng 5, 2015

Nấc thang cuối của Trung Quốc trên Biển Đông


(Bình luận quân sự) - Trung Quốc muốn là một chuyện, còn ý chí, bản lĩnh của dân tộc Việt mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng lại là chuyện khác.
 Khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã chứng kiến đủ các chiêu trò của Trung Quốc khi tranh chấp và chiếm đoạt chủ quyền trên biển của các quốc gia khác. Nhưng tựu trung lại, chúng ta thấy Trung Quốc có 3 bước cơ bản để thực hiện chiến lược chiếm Biển Đông.
Một là xác định khu vực chiếm đoạt bằng một loạt kế sách từ biến không thành có, từ khu vực không có tranh chấp biến thành khu vực có tranh chấp và cuối cùng là đánh dấu khu vực bằng bản đồ do mình tự vẽ ra từ tham vọng.
Sau một thời gian triển khai với nhiều mưu mô chước quỷ, Trung Quốc đã trắng trợn tuyên bố cái “bản đồ chín khúc” mà theo đó toàn bộ Biển Đông thuộc Trung Quốc.
Hai là khẳng định chủ quyền bằng biện pháp phi quân sự như tuyên bố khu vực cấm đánh bắt, dùng tàu cá được bảo kê của các tàu chấp pháp tràn vào vùng biển nước khác ngang nhiên đánh bắt, hạ đặt giàn khoan vào sâu trong thềm lục địa của nước khác…
Tất cả 2 bước trên đều dựa trên một nền tảng là nước lớn cậy mạnh nên Trung Quốc tỏ ra rất hung hăng, ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế.
Khi trên Biển Đông còn tồn tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam thì giải quyết vấn đề bằng phi quân sự của Trung Quốc với một Việt Nam kiên cường, có truyền thống chống xâm lược là không thể đạt được.
Chính vì thế Trung Quốc sẽ buộc phải thục hiện bước thứ ba: Gây xung đột quân sự hạn chế hay thực hiện một cuộc chiến tranh với quy mô hạn chế để thôn tính hoàn toàn Biển Đông.

Chiến tranh hạn chế kiểu Trung Quốc
Không phải bây giờ mà ngay từ đầu triển khai chiến lược biến Biển Đông thành “ao nhà” tư tưởng, quan điểm này của giới cầm quyền Trung Quốc đã biểu hiện rõ qua những tuyên bố của các học giả, tướng tá diều hâu và cơ quan ngôn luận của Trung Quốc như Hoàn Cầu thời báo…
Mỹ xoay trục, sợi xích nóng cắt phá đường lưỡi bò
Họ cho rằng “thế năng chiến tranh trên Biển Đông là rất lớn nên đánh một trận nhỏ để không có trận lớn” hay "Trỗi dậy hòa bình không mâu thuẫn với sử dụng vũ lực, bảo vệ chủ quyền có thể nổ súng"…Và trong vụ hạ đặt giàn khoan phi pháp vừa qua, Trung Quốc đã cho tàu pháo áp sát tàu chấp pháp Việt Nam với độ sẵn sàng chiến đấu rất cao, nghĩa là có thể bắn vào tàu Việt Nam bất cứ lúc nào.
Như vậy có thể thấy rằng, vấn đề xung đột quân sự trên Biển Đông không phải là có xảy ra hay không mà trước sự hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc ngày càng tăng thì vấn đề chỉ là khi nào xảy ra xung đột mà thôi.
"Chiến tranh hạn chế" thực chất là một cuộc tấn công phủ đầu bằng quân sự chớp nhoáng đánh chiếm một mục tiêu mà buộc đối phương lựa chọn khắc nghiệt “mất nhiều hay mất ít” trước khi có hành động đánh trả.
Chiến tranh hạn chế được thực hiện khi Trung Quốc đã có khả năng gây áp lực rất lớn về kinh tế, chính trị, lên đối thủ, đồng thời có sức mạnh răn đe quân sự, mở rộng chiến tranh, là 2 đầu vào chính cho đối phương giải bài toán “mất nhiều hay mất ít”.
Đối phương chấp nhận sự “mất ít” là Trung Quốc thắng lợi và ngược lại thì Trung Quốc sẽ bị rất nhiều rủi ro, sa lầy hoặc trả giá đắt cho hành động quân sự gây ra. Vì thế, đương nhiên, khi hành động, Trung Quốc phải tính toán kỹ sức mạnh và đặc biệt là ý chí quyết tâm của đối thủ trong bảo vệ toàn vẹn chủ quyền…để ra tay.
Với Việt Nam, liệu Trung Quốc có tiến hành một cuộc chiến tranh hạn chế hay không?
Trên Biển Đông, mục tiêu chủ yếu và duy nhất cho Trung Quốc thực hiện học thuyết chiến tranh hạn chế này chính là các đảo trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Thực tế là ngày 14/3/1988, Trung Quốc dùng 12 tàu chiến bất ngờ tấn công vào 3 tàu vận tải của Hải quân Việt Nam. Với cuộc đối đầu không cân sức này, Trung Quốc đã chiếm được đảo Gạc Ma và một số đảo khác của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa.
Có thể nói, đây là một tiền lệ rất xấu cho các nước trong khu vực nhưng là một kinh nghiệm bổ ích nhất cho Trung Quốc trong học thuyết chiến tranh hạn chế mà Trung Quốc đang hung hăng đe dọa áp dụng với các nước khác trong đó có Việt Nam.
 Quả thật lúc đó Việt Nam đang ở trong một tình cảnh cực kỳ khó khăn mà nếu như không phải là người dân Việt Nam thì sự chịu đựng trong thế ngặt nghèo đó là không thể. “Vòng tròn bất tử Gạc Ma” còn đó, dân tộc Việt Nam không bao giờ quên.
Giờ đây, nếu Trung Quốc dùng vũ lực tấn công đánh chiếm một số đảo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam thì có 2 sự lựa chọn xảy ra.
Một là Việt Nam chấp nhận “mất ít” mà không muốn chiến tranh vì phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc và sự đáp trả của Việt Nam là đòi lại bằng “biện pháp hòa bình”.
Đây là lựa chọn không thể xảy ra vì thế và lực của Việt Nam đã khác. Mất đảo là sự mất mát quá lớn đến chủ quyền thiêng liêng của quốc gia. Nếu Việt Nam cứ bám víu vào cái hữu nghị viễn vông, cái nền hòa bình lệ thuộc, chọn sự “mất ít” có nghĩa là “mất dần” thì chắc chắn không một người Việt Nam nào chấp nhận, đặc biệt trong điều kiện thế và lực của chúng ta hiện nay đã khác xa năm 1988.
Vì vậy, Việt Nam chỉ có lựa chọn cách thứ hai là, thà hy sinh tất cả chứ nhất định không để biển đảo rơi vào tay Trung Quốc xâm lược. “Không đánh đổi chủ quyền bằng thứ hữu nghĩ viễn vông hay nền hòa bình lệ thuộc” là tuyên bố của lãnh đạo Việt Nam làm nức lòng dân tộc, được toàn dân nhất trí, ủng hộ.
Liệu Trung Quốc dùng “chiến tranh hạn chế” để buộc Việt Nam chọn sự “mất ít” như trước đây hay không thì qua vụ hạ đặt phi pháp giàn khoan trong thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc có thể nhận thức được vấn đề, song, cậy mạnh, chủ quan coi thường đối thủ là bản chất của kẻ xâm lược, cho nên, chúng ta không bao giờ nghĩ rằng Trung Quốc sẽ không gây xung đột quân sự đánh chiếm đảo của Việt Nam.
 Hàng loạt cuộc tập trận đánh chiếm đảo trên Biển Đông (đảo nào? nếu như không phải là Trường Sa?) không phải là để chơi. Trung Quốc sẽ hành động bất cứ khi nào mà Việt Nam mất cảnh giác hoặc khi “trái tim để lầm chỗ trên đầu”.
Một trong những bài tập trận của Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc: Đổ bộ đánh chiếm đảo bằng trực thăng vào tháng 1/2014
Một trong những bài tập trận của Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc: Đổ bộ đánh chiếm đảo bằng trực thăng vào tháng 1/2014
 Tại sao Trung Quốc muốn chiến tranh hạn chế?
Nếu Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm đảo của Việt Nam thì Việt Nam kiên quyết tự vệ, bảo vệ bằng được chủ quyền mà không chịu khuất phục. Tình thế đó buộc Trung Quốc không thể đánh nhanh, thắng nhanh và không hạn chế được phạm vi khu vực xảy ra tác chiến. Điều này có nghĩa là không có chuyện “đánh một trận nhỏ để không có trận lớn” như họ tưởng và tất nhiên, chiến tranh hạn chế bị phá sản.
Một cuộc chiến tranh không kiểm soát trên Biển Đông sẽ có 3 điều bất lợi xảy ra cho Trung Quốc.
Một là, khuất phục được cả một dân tộc Việt đồng lòng là điều không thể cho bất cứ kẻ thù nào dù hung hãn đến đâu, cho nên, chiến tranh sẽ kéo dài là vô cùng nguy hiểm cho sự ổn định chính trị của Trung Quốc.
Hai là, dòng hàng hóa, năng lượng khổng lồ qua Biển Đông sẽ gián đọan hoặc bị cắt đứt, Trung Quốc buộc phải phân tán lực lượng để bảo vệ hoặc chấp nhận nền kinh tế bị thảm họa là 2 tử huyệt mà Trung Quốc không có và chưa đủ khả năng chống đỡ.
Ba là, sự gián đoạn hàng hải thương mại trên Biển Đông khiến Nhật Bản, Mỹ, Úc…phải ra tay can thiệp để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình sẽ tạo ra cho Việt Nam có nhiều đồng minh tự nhiên.
Đây là 3 lý do quyết định khiến Trung Quốc không muốn hay không dám tiến hành một cuộc chiến tranh lớn trên Biển Đông với Việt Nam.
Đánh chiếm đảo trên Biển Đông bằng một cuộc “chiến tranh hạn chế” hay “xung đột quân sự hạn chế” thực chất là một cuộc chiến tranh xâm lược, nó có 2 nội dung cơ bản là đánh chiếm và bảo vệ thành quả, trong đó bảo vệ thành quả có ý nghĩa quyết định.
Các đảo trên Biển Đông và ngay quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư thì khi tác chiến, bên phòng thủ không có lợi thế bằng bên tấn công. Bởi vậy, bất ngờ dùng vũ lực đánh chiếm được một hoặc hai đảo…trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đồng thời ngăn ngừa hay làm triệt tiêu ý chí phản công của Việt Nam bằng một loạt đối sách về kinh tế, ngoại giao, chính trị…là mục đích, yêu cầu, của cuộc “chiến tranh hạn chế” kiểu Trung Quốc. Đây là bước leo thang cuối cùng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Đương nhiên, Trung Quốc muốn là một chuyện, còn ý chí, bản lĩnh của dân tộc Việt mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng lại là chuyện khác.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: