Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 26 tháng 3, 2015

"Nhà em có phải là con ong đâu mà biết thật hay giả"!

GIẢI ĐÁP DÀI KỲ VỀ CÁCH PHÂN BIỆT MẬT ONG THẬT
Có một câu chuyện thật 100% thế này:
Nhà hóa học K. (xin giấu tên, vì đã là chuyện của quá khứ), vốn công tác tại Lò phản ứng Hạt nhân Đà Lạt, giai đoạn 1963 - 1968 (thuộc chính quyền Sài Gòn). Sau ngày thống nhất đất nước, tiếp theo là sau quãng thời gian dài “học chính trị”, ông trở lại sinh sống một cách chật vật tại thành phố Đà Lạt. Cực chẳng đã, ông bắt đầu tặc lưỡi bằng cách, vận dụng kiến thức hóa học được Mỹ đào tạo để làm mật ong giả, sinh nhai.
Sản phẩm của ông đạt đến độ kinh điển, tiêu thụ gần như trên khắp đất nước, mà tuyệt nhiên không một ai phát hiện ra. Phải cho đến khi ông trở thành tỷ phú, rồi xuất ngoại, ông quyết định công bố hành vi bất chính và bí kíp làm mật ong giả trên Tạp chí Tri thức trẻ - chuyên san của báo Tiền phong, như một lời xin lỗi muộn mằn đối với tất cả người dân Việt Nam, vốn không đủ kiến thức tối thiểu để phân biệt thế nào là mật ong thật.
Mật ong giả mang thương hiệu “Nhà nuôi ong K.” được nấu từ nguyên liệu đường kính, nhưng đã đạt đến độ… cao cấp (một số "nhà giả học" khác nấu bằng ngũ cốc: cà rốt, bí đỏ, củ cải…):
- Không bao giờ thối (như mật ong thật).
- Màu sắc tươi rói, sánh và trơn (nhỏ vào vải sợi không thấm, nhúng que diêm vào bật vẫn cháy).
- Lắc lên, mật sủi tăm (ga) như mật ong thật.
- Mùi, vị… cũng là của mật ong thật.
+ Tất cả các yếu tố đó đã được ông K. tính toán tỉ mỉ đến từng chân tơ, kẽ tóc, như: chất bảo quản; chất tạo sánh; chất bôi trơn; chất tạo tăm; chất tạo màu; cộng với một phần rất nhỏ là mật thật… để qua mắt người tiêu dùng.
Tuy nhiêu, theo ông thú nhận, có một đặc điểm chính của mật ong thì ông bó tay, nhưng may cho ông là cơ bản người Việt Nam không biết đến điều đó…

Hiện nay, trên các trang mạng xã hội, lưu truyền vô số các đánh giá khác nhau về mật ong thật, vô hình chung tạo nên một sự nhiễu loạn thông tin mà không phải ai cũng có đủ kiến thức về mật ong để phân biệt đúng sai, VD: Một trang mạng X. lưu truyền 9 cách phân biệt mật ong thật - giả như sau:
1/ Cho chai mật ong vào ngăn mát, không thấy đóng đường là mật ong thật.
2/ Nhỏ giọt mật ong vào cốc nước, không tan là mật ong thật.
3/ Nhỏ mật ong vào vải không thấm là mật ong thật.
4/ Cho mật ong vào cốc nước, khuấy lên, màu nước không thay đổi là mật ong thật.
5/ Lòng đỏ trứng gà đổi màu khi ngân trong mật ong 3-4 tiếng là mật ong thật.
6/ Vặt chặt nút chai, để 3-4 ngày, phấn hoa trong mật ong lên men, tạo ga là mật ong thật.
7/ Nếm thấy vị ngọt thanh, mát… là mật ong thật.
8/ Ngâm cọng hành vào mật ong không héo là mật ong thật.
9/ Nhúng nến vào mật ong, đốt vẫn cháy là mật ong thật.
Trong đó, như đã nói ở Kỳ I, cách 3. và cách 9. bị loại, vì mật ong giả hoàn toàn đáp ứng được điều kiện khắt khe ấy.
Kỳ này, xin giải đáp về vấn đề THỦY PHẦN, ĐÓNG ĐƯỜNG (kết tinh) và GA trong mật ong, vì thế mà nó liên quan đến cách 1, 2, 4…
+ Mật ong thu hoạch (quay ly tâm hoặc vắt trực tiếp từ bánh tổ), nếu đủ độ chín - dân gian gọi là mật già - thường có từ 18 - 20% thủy phần (nước), vì thế mà mật ong tồn tại ở trạng thái lỏng sánh. Quá độ chín này mật sẽ đặc sệt, thậm chí có những “tảng mật ong” kết tinh hoàn toàn ở trạng thái rắn, không có % nước nào, dân gian gọi là ĐÓNG ĐƯỜNG. Trên thực tế, mỗi loài hoa đóng đường khác nhau, VD: Hoa cỏ lào đóng dạng vẩy, mảng nổi lều phều trên mặt; Mật đa hoa Tây Bắc đóng dạng san hô có màu trắng tinh hoặc vàng ngà từ dưới đáy chai, can lên hoặc trên xuống; Mật cao su đóng dạng mỡ màu trắng từ đáy chai, can… lâu ngày có thể biến toàn bộ chai, can mật thành chai… mỡ, can mỡ…
Tình trạng kết tinh mật nhanh hay chậm phụ thuộc vào các yếu tố: loài hoa (có loài hoa kết tinh nhanh, có loài thường ít đóng); tỷ lệ thủy phần ban đầu của mật (thu hoạch, hoặc bắt được trên rừng lúc mật đặc hay loảng - non hay già…); cách bảo quản (đậy nắp hở, hoặc để nơi độ ẩm không khí thấp); kết tinh theo mùa (mùa khô, lạnh dễ kết tinh; mùa mưa, nóng rất ít…)…
+ Mật ong chín hầu như không có GA nếu như không có tác động trực tiếp (lắc, sóc, va đập…). Ngược lại, mật loảng (non) do mật hoa (mật sinh học do cây tiết ra) con ong mới lấy về, chưa hoàn thiện quá trình luyện mật (Luyện mật là quá trình con ong hút vào nhả ra nhiều lần, vừa tiêu hao bớt lượng nước thừa, vừa tiết ra một chất dạng axít hữu để bảo quản mật - vì thế mật ong để lâu bao nhiêu cũng chỉ kém chất lượng đi chứ không thối), thêm nữa là chúng phải quạt rất nhiều cho nước bốc hơi đi, vừa làm giảm khối lượng vì “kho” dự trữ - bánh tổ - có hạn, vừa làm cho mật ong đủ độ đặc để không bị hỏng.
Vì vậy, khi bị thu non, các thành phần đường sinh học chưa nhận được đủ một lượng axít hữu cơ bảo quản, để tạo nên quá trình “bất động” của vi khuẩn, do đó, mật lên men và sinh ra ga, hoàn toàn không do phấn hoa lên men tạo thành ga như các trang mạng vẫn tuyên truyền. Mật lên men có vị chua hơn mật đặc.
KẾT LUẬN:
- Mật ong không có GA, không có nghĩa là mật ong giả, như đã phân tích.
- Mật ong thật phải là mật đóng được đường, cho dù ở dạng mỡ, dạng mảng, hay dạng san hô… (sẽ lý giải sâu ở phần tiếp theo).
- Mật ong không đóng đường cũng vẫn có thể là mật ong thật, lý do đã phân tích, do loài hoa, do loãng…
Vì thế, như các trang mạng tuyên truyền, “cho chai mật ong vào ngăn mát, không đóng đường tức là mật ong thật” là thiếu căn cứ khoa học!
Cũng như trên, việc mang nhỏ giọt mật vào cốc nước có tan hay không là do độ đậm đặc (keo, sánh) của mật chứ không thể dùng làm căn cứ để phân biệt thật giả.
Ai không tin, thử cô đường đến độ đặc như mật ong, hoặc cô mạch nha... nhỏ vào cốc nước xem có tan không?
(Xin xem tiếp kỳ sau)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: