Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

Chuyện nhỏ như con thỏ

http://facebokhttp://faceboc
kể cho đỡ buồn.

Cái tháng con cẩu này toàn những chuyện bực, đau hết “cửa” mình. Hết nằm sõng xoài  ở ĐL ngâm thơ, chờ cơm, gặp các vị tai to mặt lớn, các “nhân” quan trọng, vô bổ lại về những cuộc rượu bất đắc dĩ. Anh nghĩ trên đời này không có cái khổ nào giống cái khổ phải rượu với những tên lạ hoắc. Mình không biết nó là ai. Nó cũng chẳng biết mình là thằng nào. Rượu tưng tưng, không trêu ghẹo thằng nào vẫn có thằng cố tình đùa dai. Lại đùa những cái đối với những thằng đầu đất bằng thìn thịn chả có nghĩa mả mẹ gì, nhưng với mình lại đau! Nhưng vì sự sống còn của văn học nước nhà vẫn phải ráng phấn đấu, “Phối kết hợp” với những đứa chẳng ra gì, ( Cái từ “Phối kết hợp” không biết thằng bỏ mẹ nào nghĩ ra đầu tiên, thế mà hay. Cứ lằng nhằng như chó dính nhâu í nhở). Đặng góp phần nhỏ bé trong cơn nguy khốn của văn chương đang tới kì xuống dốc. Định giữ kín trong lòng, không thốt ra bất cứ lúc nào, với bất cứ “thằng con” nào. Gọi là sống để dạ, chết mang đi. Nhưng cái tâm hồn ống bơ lăn lóc quá nhiều, cố, không chịu nổi đành phải thốt ra. Thôi thì cũng là cách xả bớt xì troét một tí cho nó nhẹ đường tiêu hóa, mát mẻ phần trong, phần ngoài..
Chuyện dư thế này:
Gần nửa tháng trời trôi qua. Anh và các “đồng chí” ấy ngày ngày gò lưng trên cánh đồng đời, trồng cây chữ nghĩa. Hàng thì thẳng, hàng thì cong, dù cong hay thằng cũng có chút hạt gọi là tinh hoa!  Nhà đầu tư chưa ai có í kiến gì. Bọn anh cứ một mực thổi nhau lên mây. Thằng nào cũng sắp trở thành “Hạt giống tài năng” của thế kỉ hai mươi mốt. Thằng nào cũng có “đột phá sáng tạo”, hứa hẹn mùa vàng bội thu, mang về ích nước lợi mình không biết bao nhiêu mà kể?
Đang lúc sướng râm ran như thế, có một thằng nhảy dù vào giữa cả bọn. Thằng này vác hẳn một can hai mươi “Ngíu Quản Bạ”. Là nó nói thế, chứ ai biết nó sắm sẵn ở đâu? (Được cái không đến nỗi nào, chừng bốn mươi độ trở lên, cũng thơm, cũng cay, ra vẻ..). Gì chứ rượu ở đây không thành vấn đề, đâu có thiếu? Vài số “văn nhân, thi sĩ” còn có cả rượu tắc kè, rượu ngâm bàn tay gấu, cao hổ, sừng tê giác mài vào. Chứ “Ngô Quản Bạ” chưa là cái đinh gì!  Số này trước khi cầm bút từng cầm dao, cầm súng, cầm roi điện, cầm con dấu.. giữ ối chức vị, đến anh nằm mơ không dám nghĩ tới. Toàn con cháu ông thiên lôi, không cũng họ hàng xa với Ngọc Hoàng. Kém thì hậu duệ bà Nữ Oa, ông Tài Ngào cả. Chỉ có anh là thấp bé, nhẹ cân, chả chức tước mẹ gì.Vì thế mà anh buồn, một nỗi buồn khôn nguôi, không muốn ngồi nghe “chúng đồng chí” kia xưng danh, khoe mẽ chức này chức nọ. Để cân bằng trạng thái tinh thần chung anh mới lếu láo rằng: “ Tớ có ông anh làm cái cục to nhất nhì nước này. Cục gì thì giờ phút này chưa thể bật mí được.. Mãi chả sao. Gần đây đi chơi với nhau, ông í bảo: “Chú nín đi cho anh nhờ. Thời buổi này người ta ghét quan như ghét cứt chó, mày cứ nêu anh ra làm gì? Cứ bảo anh là “anh hưu” cho nó lành. Hưu rồi còn ác được với ai? Hưu chỉ có thèm bạn, tốt với mọi người. Bởi vậy ai cũng thân thiện với anh hưu, chú rõ chửa”. Dạ đại ca, em nhớ. Chả bõ hồi năm ngoái năm xưa giới thiệu đại ca chưa đầy đủ, về đại ca riếc em là : “ Đồ con lợn. Có ăn có học mà ngu, nói không gãy góc. Giới thiệu như thế thà chú mày đừng nói có khi còn hơn. Nói thiếu bọn nó không nắm bắt hết được “Bản sắc” của mình, chúng coi thường!” Mình vừa tức lại vừa buồn cười. Chả biết cái “Bản sắc” của Vĩ ấy là cái mẹ gì, chắc ông ấy nhầm với bản lĩnh hay sao đó. Tự dưng đang đổ “Rê” cao, giáng một phát xuống “la” trầm thế này mới chết chứ?..” Nghe xong cả bọn cười ồ lên như chuyện chả liên quan đến mình. Nhìn kĩ mới thấy có mấy cái thớt hơi xưng xưng lên ở một vài vị. Mấy hôm sau các vị ấy có ý tránh, mình cũng thấy ân hận, xót xa trong lòng. Phàm đã làm người ai chả muốn có chút hãnh diện tự hào? Địa vị chức tước không là hãnh diện thì là gì? Bỗng không mà có được sao? Nhà em làm các pác mất sướng, thôi về rút kinh nghiệm như ông trên vẫn bảo vậy, các pác thông cảm cho!
Trở lại cái thằng “can hai mươi”. Cái thằng có dăm chục bài thơ, may gặp thời được chiếu cố cứ ngỡ mình là tài năng lớn. Cái hồi gặp ở Sơn La mình đã khốn khổ vì thằng này. Nó bảo “mày chơi với tài năng lớn phải vất vả thôi”! Nửa đêm chừng 2 giờ sáng đốc mình dậy. Đang mùa mưa dầm gió bấc gió rét căm căm, rủ đi uống rượu. Đi hết hàng này đến hàng khác nó vẫn chưa vừa ý. Chả có hàng nào còn trứng gà ri tươi. Mà nó thì có khoái khẩu món này. Cái thằng cả năm tắm gió một hai lần, bẩn không chịu được mà cũng thật đòi hỏi ái oăm!  Chiều được nó mình bị viêm họng mấy ngày. May chưa bị sưng phổi, cũng còn phúc. Quả là kinh nghiệm đường đời được bổ sung một tí: Chơi với tài năng nhớn, đó quả là cách chơi quá sức với người bình thường. Lần này gặp lại, anh hoảng. Thú thực muốn tránh. Nó bảo: “ mày coi thường anh à?” “Em đâu dám” “ Tao nhìn cái mẹt của mày tao biết mà”. Nó nói còn chưa sõi, thế mà cứ xưng xưng chì chiết mình. Mình định bụng phen này cho nó bài học..

Nghĩ lại, con người ta mỗi người một tính. Mình chấp lách thế còn nhân văn nhăn vẻ gì nữa? Ừ thì là cho qua! Nhưng cái tính cách của thằng can hai mươi này mỗi lúc một quá. Định nhịn nó dưng mà khó quá. Ngay cái tối hôm nó đến, đã đòi hỏi anh một chuyện. Nó hỏi: “Mày đến đây lần nào chưa?”Mình thú thật “Cũng vài”! Nó cười chả giống ai. Bảo mếu hay cười, hay cười đểu cũng được: “Thế thì quen mẹ nó chỗ này rồi còn gì? Anh đang bận cơ cấu lại cái bản tham luận hôm rày đọc với mấy bài thơ viết dở.. Chú mày xuống chỗ quán đầu bờ hồ ấy, chỗ có cây me dại ấy hiểu chửa? Cầm giúp cho anh cái ống điếu lên đây. Tối nay anh đãi chú món đặc biệt, làm tí cho “nó mát cái đi lái” đồng ý không?” Mình giả vờ như không nghe thấy. Thế là nó khùng lên: “ A thằng này coi thường anh thật rồi, “không dùng bạo lực cách mạng với mày không xong”. Nó hất cái mặt lên, chân xuống tấn, tay xàng. Cái món này, anh quả thật không có ngại. Nhưng sợ đùa quá, mù ra mưa, vui quá hóa thật các em khác các em ấy cười!  Ai đời văn nhân, văn nhiếc, chữ nghĩa cả thúng ai lại đi nói chuyện bằng cơ bắp, bằng cùi tay với nhau? Với lại thằng can hai mươi lít đang say. Chấp thằng say như vay không chả, dại làm gì? Cái quán cũng không xa là mấy, với lại chả gì cũng là tình đồng nghiệp với nhau, hộ nó để nó hoàn thành “trước tác” ủng hộ vào đợt “tối tác” này. Sở dĩ anh gọi “Tối tác” không phải diễu nhại, chỉ là nâng tầm quan trọng “tối cao”, tối cần thiết của sự kiện và vấn đề mà thôi! . Thời củi quế gạo châu này, người ta chi cho bọn anh nới tay như này, đâu phải chuyện đùa? Văn hóa nền tảng đang có nguy cơ rạn nứt, vỡ ra từng miếng như bây giờ, không có người trám ngay vào, cấp cứu kịp thời có mà khốn. Kinh nghiệm rồi. Quốc gia nào, dân tộc nào có nền văn hóa rực rỡ, tầm cao, chắc chắn dân tộc ấy, quốc gia ấy thịnh vượng, kinh tế phát triển, an ninh được giữ vững. Các anh Zim babue hay Hahi ti, Xiri lúc nào cũng như trứng treo đầu đũa là cái minh chứng hùng hồn nhất. Chả có ma toi nào xâm lấn, diễn biến này nọ cũng loạn từ bên trong loạn ra. Đảo chính, đảo phụ cứ là luôn xoành xoạch. Không cách mạng cách miếc cũng khó ở yên được. làm như không đánh nhau, không lật đổ khó sống làm người!  Nước người ta văn hóa cao, ( Cái này lại không liên quan mẹ gì đến số ngàn năm đấy đấy nhé, anh nói luôn cho rõ nghĩa), cấm có cái anh nào dám chòng ghẹo. Cái thằng Ixaraen dân có mấy triệu người thế mà có lúc còn dám đóng vai ngáo ộp dọa cả thế giới Ả Rập. Vì  nền móng văn hóa, khoa học kỹ thuật của nó không thể xem thường được. Chưa nói đến Mỹ, Nga hay anh Tàu Khựa mới nổi gần đây. Bồi bổ tâm hồn dân tộc, nâng cao dân trí là việc cực kỳ cần thiết, rất chi cấp bách vào lúc này!. Vì những lẽ đó anh mới kêu là “tối tác”, phải không các bạn thibilua của anh? Nghĩ thế, anh thôi tranh luận, đi kiếm cái lọ ho về cho nhà thơ nhớn.  Biết đâu sau khi thả khói về trời, thằng can hai mươi nổi hứng sáng tạo, chả cho ra đời một áng để đời, đóng góp cho nền văn nghệ đang bị cầm chừng, khởi sắc lên?
Bổn phận của con dân nước nhà tự do, độc lập là phải thế. Luôn biết đoàn kết lại chăm sóc cho nhau thành đại khối. Có thế nó mới xác quyết được vị thế của mỗi người. Đừng vì cái ghét ghen bé nhỏ mà bỏ qua cơ hội nhớn, đánh mất thời cơ vàng. Anh đi kiếm điếu cho nó do cái lý ấy chứ không phải cái khoản nó hứa kia đâu. Thằng đó làm léo gì có xiền mà đãi ai?  Rượu ngất ngây con gà tây cả ngày thế kia có đến tiền núi cũng không giữ được. Luôn viêm màng túi, chỉ có dăm ba hào để làm giống quăn qeo đáy bị, cấm có hơn! Không cần kiểm tra, anh quá biết việc này. Nói dại, nếu không biết, thích đánh đu cho sang với nó thế nào cũng bị dính quả cắm quán. Ăn xong rồi, chơi xong rồi, nó sẽ bảo: “ Quên mẹ nó mất, tao không mang xiền. Mày giả đi chốc về anh đưa”, hay “ Cứ ngồi đây, tao về lấy tài khoản đã, tao ra ngay”! Đến rằm tây đen cũng chẳng thấy thằng đó đâu!  Các bạn thibilua chỉ còn cách alo về phòng nhờ người khác trợ giúp. Hầm hập về tìm nó. Bạn biết sao không? Nóng vã mồ hôi, nó trùm chăn kín đầu, ú ớ Việt gian: “tao say quá, thông cảm, thông cảm, tao..ư.. không khéo đứt mày ạ!” Tình cảnh ấy cũng hòa cả làng thôi, biết nói gì nữa? Chả nhẽ đánh nó à?  Mà cái thằng đấy cả chã cũng chỉ hơn ba chục kí. Đụng vào nó không khác gì đụng vào con bệnh, đụng vào tổ ong bổ lỗ. Đụng vào bức tường sắp đổ, đụng vào cái cạm đang giương lên chờ con mồi, đụng vào cái chỗ chán mớ đời.. Tốt nhất là thôi, đừng đụng vào.. Chả gì nó cũng là tài sản nhớn của dân tộc mà, đừng có dại..!
Trước lúc đi, nó bảo cứ lấy đi, điếu là điếu của nó bỏ quên ở đó. Không sao đâu, chả phải hỏi bố con thằng nào sất.
Tự nhiên tự lành anh trở thành đứa sai vặt, điếu đóm cho một tên vớ vẩn, thế có điên không?

Anh đi theo chín mươi chín bậc tình yêu, quanh co ngoắt ngéo, qua những bụi trúc um tùm theo đường ra bờ hồ. Qua cả những gốc cây kỉ niệm của vô số danh nhân, nghệ sĩ trồng từ đời nảo đời nao. Có cây đã đâm hoa kết trái, nhưng cũng có cây đứng thù lù ra đấy mấy chục năm rồi, hoa không có, quả cũng không. Buồn buồn, nghĩ thầm :“thì ra người làm sao, chiêm bao làm vậy”. Cái cây đúng ra nó không tội tình gì. Lỗi ở người trồng cây quá cao vọng. Chỉ đáng mặt ăn xổi, ở thì lại cứ nghĩ thiên thu mãi mãi. Anh thì chẳng dỗi hơi. Thực lòng mình đâu có tài cán gì mà trồng với chả trọt? Những thằng hèn như anh  có đến hạm đội bảy của Hoa Kỳ chở cũng không hết chứ quý báu gì? Rặt thứ ăn theo, nói leo các cụ Nam Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Công hoan..Các cụ gì gì ri, râu xồm, không râu từ bốn phương trời. Đâu có cái gì của mình? Bảo viết cái này, dạ em viết cái này. Bảo viết cái kia, có ngay cái kia. Bảo vẽ thì vẽ, thổi kèn, thổi hơi thì thổi.. Có người cầm càng, định hướng mẹ nó rồi. Tài cán gì mà huyênh mới chả hoang..
Mới nghĩ đến đấy đã tới mép bờ hồ. Sắp sửa tối rồi sao vẫn thấy người ngồi câu muộn thế không biết? Có phải giờ này như dân gian bảo : “ Cá đầu hôm, tôm gần sáng không”? Anh nghĩ không phải thế. Cứ nhìn mặt biết liền. Hình như người ta câu thứ khác chứ không phải câu cá?
Chỗ gần gốc cây me dại, Ku kia nói, có hai em đang ngồi câu với nhau. Nhác trông có vẻ thắm thiết lắm. Mình ngờ chúng đồng tính, đồng tình. Nhưng không phải. các nhà Việt Nam học khi nghiên cứu về cách ăn mặc ( hay nói văn hoa một tí, gọi là thời trang ) sau này thể nào cũng phàn nàn các em về nội, ngoại y. Anh thề trên hành tinh này chả có dân tộc nào ăn mặc như mấy em í, trừ vài ba bộ lạc người rừng ở Úc châu, hay Phi châu nào đấy.( Cái này anh có đọc trên Sài gòn tiếp thị, tên địa lý quên mẹ nó rồi ). Trơ trẽn dư anh mà còn không dám nhìn. Các Pác đức cao, vọng trọng  nhà trên chắc chắn phải bỏ chạy. Đã mini duýp rồi lại áo hai dây, giày cao cổ viền đăng ten, ngồi xổm trên gốc cây me dại, không cần che dấu báu vật của đời! Cá mà có mắt như người nó đớp một phát, coi như xong! Mắt cá chỉ nhìn được dưới nước chứ đâu có nhìn được trên bờ? Cũng như con người chỉ nhìn thấy trên cạn chứ đâu nhìn thấy dưới nước? Nên các thibilua chớ có lo thay cho các em kẻo buồn cười.
Một em nhéo:
- Anh gì đấy ơi! Anh cũng đi câu đấy à? ( Y như giọng quan họ liền em ấy nhở!)
Anh rằng:
- Đa tạ. Anh đây chỉ đi kiếm cái điếu cho thày anh. Anh đâu có biết câu?
- Đằng đấy không biết đây chỉ cho..
- ..
Lúc đó, thực không dám giấu, anh có hơi băn khoăn một tí. Hay là mình đi “câu” cho nó biết mùi đời? Dưng anh trấn tĩnh, lập lại lập trường, quan điểm theo thói quen được ngay, lẩn sang chuyện khác: - Em nào biết chỗ cái điếu làm ơn chỉ dùm anh một tị.. Anh đây cảm ơn lắm lắm..
Các em cười rũ ra “ Cái nhà anh lày. Đây là đâu mà tìm ống điếu? Điếu khác thì có, điếu cày, điếu ục thì không!” Cười đấy. Rồi mấy em coi như không có anh, hoặc anh chỉ là cái gốc cây vô tích sự. Thôi. Không thèm nhìn. Mặt lạnh còn hơn cả tiền, lạnh hơn cả cục đá để lâu trong tủ lạnh. Hóa ra anh bị lừa, làm gì có cái điếu nào ở đây đâu  mà tìm? Thì ra Ku kia đểu, hóm muốn đá mánh, đánh đòn gió mình đây. Xấu hổ không biết để đâu cho hết. Chín mươi chín bậc tình yêu bấy giờ như chỉ còn có chín bậc, anh chạy vội về phòng. Thật không cái ngu nào giống cái ngu nào. Dòm bản mặt anh, nhà thơ nhớn cứ ôm bụng cười như nắc nẻ. Cười trào cả nước mắt, nước mũi:
- Mày đúng là thằng nhà quê. Người ta nói thế này, mày phải hiểu ra thế khác chứ. Thế mà cũng muốn học cách làm người, làm “thằng người viết” mới chết chứ. Em ạ, muốn trang viết có sức nặng của trải nghiệm cuộc đời, đôi lúc cũng phải biết đi câu, biết tát ao, biết đánh dậm, biết đơm đó, thả lờ nữa chứ? Anh bảo mày ra đấy để mày biết đường đi, lối lại, chứ ai dám sai mày đi lấy điếu?  Anh có ngu chăng nữa cũng không dám sai phái mày như thế. Dù có là nhà văn bé, mày cũng không chịu. Có khi lại cho anh cái bạt tai..ở gần anh bao nhiêu lâu rồi mày không thấy cái khẩu ba dô ka này lúc nào anh chả sát bên mình?
Ku ấy lôi ở gầm bàn ra cái điếu. Lạy hồn, sao không nói rõ ràng, cứ cái này nói qua cái khác. Anh giận tím hết cả mặt. Mãi đến đêm mới trở lại pình pường.
Nghĩ lại cái nữa. Chẳng nên trách gì lão í làm gì. Có khi lão í đang “bí từ” hay “bí tứ”, đùa một tí để cho tinh hoa của lão í phóng kịp ra, tràn lên trang viết.
Người ta xét về mục đích, tiểu xảo, thủ đoạn có thể cho qua. Đành thông cảm với “nhà” thơ nhớn ấy vậy!






Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: