Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Theo tôi câu trả lời đã có sẵn, chỉ có điều chưa ai tiện nói ra thôi, nhà văn luýnh ợ!

ANTĐ - Câu chuyện này nghe có vẻ lạ lùng nhưng với nhà văn Nguyễn Đình Tú không còn mới mẻ nữa, bởi nó đã diễn ra năm 2010, khi anh vừa hoàn thành cuốn tiểu thuyết về đề tài tội phạm có tên “Phiên bản”. Cuốn sách vừa xuất bản, anh nhận được một bức thư gần... 26 trang.


Nguyễn Đình Tú (phải) trong một chuyến thực tế tại trại giam Bộ Công an

Phạm nhân nhận đồng hương 

Vùng đất Hải Phòng quê Nguyễn Đình Tú “vô tình” nổi tiếng bởi “món” tội phạm máu lạnh vẫn được gắn với cụm từ “giang hồ đất Cảng”. Nguyễn Đình Tú cũng đã hơn một lần chọn bối cảnh quê hương để xây dựng tiểu thuyết, từ “Hồ sơ một tử tù” đến “Bên dòng Sầu Diện” và mới đây nhất là “Phiên bản”, “Kín”. Vì là người học luật nên vấn đề tội phạm cũng trở đi trở lại trong tác phẩm của anh với kiến giải dưới góc độ văn chương. Tuy là nhà văn quân đội nhưng anh cũng lại khá gần gũi, thân thiết với các hoạt động của ngành công an, hay tìm hiểu tình hình tội phạm tại các trại giam của Bộ Công an. Nhưng rồi một ngày, không còn là trên hồ sơ, không còn là qua sự giới thiệu và gặp gỡ chóng vánh tại các trại giam nữa, một tử tù “hụt” đã chủ động viết thư cho anh với những tâm sự khá dài.

Đầu tháng 3-2010, Nguyễn Đình Tú nhận được một bức thư viết tay dài gần 26 trang giấy học trò. Bức thư của một người tự xưng là Phạm Ngọc Định, hiện đang thụ án tại trại giam Nam Hà của Bộ Công an. Phạm Ngọc Định là tội phạm ma túy, đã từng bị kết án tử hình, sau đó, được ân xá xuống còn tù chung thân. Những ngày ở trại giam, được đọc tiểu thuyết “Phiên bản” của Nguyễn Đình Tú, lại biết anh cùng quê Hải Phòng nên Phạm Ngọc Định đã tin tưởng tuyệt đối gửi trao tâm sự suốt 26 trang giấy nói về tình yêu văn chương và kế hoạch những cuốn tiểu thuyết của mình. Phạm nhân đặc biệt này còn gửi tới anh bản thảo cuốn tiểu thuyết có tên “Trắng đen” nhờ đọc hộ, cùng với đó cũng nhờ anh tìm giúp một số tư liệu để phục vụ cho việc viết những cuốn tiếp theo. 

Trong thư gửi Nguyễn Đình Tú, phạm nhân Phạm Ngọc Định đã giới thiệu về tác phẩm của mình: “Về tiểu thuyết Tú cứ yên tâm, anh không nói mình thông minh nhưng anh có đủ khả năng đánh giá những gì mình đã làm vì anh đã đọc khá nhiều tiểu thuyết nổi tiếng về kinh tế (bán rất chạy trên toàn thế giới). Anh tin chắc rằng sách của anh sẽ không thua kém họ đâu…”.

Ngày ấy Nguyễn Đình Tú đã nhờ xác minh câu chuyện, còn bản thảo cuốn tiểu thuyết thì để khách quan hơn Tú nhờ một người bạn làm biên tập tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn đọc giúp, câu trả lời là “bản thảo không có gì đặc biệt nhưng nếu chịu khó đầu tư sửa chữa thì cũng có thể in được”. Như vậy cũng là một thắng lợi lớn trong “sự nghiệp văn chương” của một tử tù khi mà bước chân vào trại giam anh ta còn quên hết mặt chữ. Bây giờ Phạm Ngọc Định vẫn thụ án trong trại giam, không hiểu anh ta có điều kiện để sửa chữa “tác phẩm” hay không nhưng có lẽ thành công ban đầu ấy đã đem lại khích lệ lớn để anh ta tuyên bố một dự án văn chương hoành tráng và cho biết sẽ viết đến khi ra tù nếu được. 

Hiện tại người nhà Phạm Ngọc Định vẫn thi thoảng qua lại tòa soạn Văn nghệ Quân đội thăm Nguyễn Đình Tú và anh cũng gửi tặng người phạm nhân yêu văn chương đồng hương Hải Phòng một số cuốn sách để đọc trong những ngày tháng còn thụ án. 

Những ám ảnh không chỉ với… tử tù

“Những ám ảnh ngoài văn chương” là lời “chua” thêm ở bìa một cuốn sách mới nhất của Nguyễn Đình Tú có tên chính “Trong tù ngoài tội”. Chỉ khác là, đây là một cuốn sách ở thể phi hư cấu, được viết bởi những trải nghiệm của tác giả dưới tư cách là một nhà văn đã từng có thời gian gần chục năm làm kiểm sát viên. 
Giải thích về việc bỗng dưng bỏ ngang dự án tiểu thuyết để dấn thân vào mảng tù tội, Nguyễn Đình Tú cho rằng, “nhà văn không có nghĩa là chỉ viết văn theo cái nghĩa là viết ra những tác phẩm hư cấu, nhà văn còn viết nhiều thể loại khác”. Anh nói rằng, nếu ai đã quan tâm đến văn chương của anh thì cũng có thể quan tâm đến cuốn sách, bởi nó như một thứ “cầu nối” để bạn đọc hiểu hơn những chuyện bếp núc, hậu kỳ của nhà văn, những điều không xuất hiện trên tác phẩm, hiểu hơn về tâm thế nhà văn trong khi thai nghén ra những tác phẩm văn học phục vụ công chúng.

Bên cạnh đó, anh cũng chia sẻ rằng, đã bị ám ảnh rất nhiều sau khi tiếp xúc với các phạm nhân trong trại giam, dù họ là tù có thời hạn, không thời hạn hay tử tù. “Có những ám ảnh tôi giãi bày qua các kiểu nhân vật trong những tác phẩm hư cấu, có những ám ảnh tôi chỉ có thể chia sẻ bằng những bài báo đậm chất văn hơn là đưa tin thuần túy”, anh nói về những gì mình đã viết ở cuốn sách “Trong tù ngoài tội”.

Trước hàng loạt vụ án giết người man rợ của các đối tượng trẻ tuổi xảy ra thời gian gần đây, là một nhà văn, Nguyễn Đình Tú cũng không thể thờ ơ. Là một người cầm bút có chuyên môn luật, Nguyễn Đình Tú tỏ ra khá bình tĩnh khi nhìn nhận sự việc. Anh nói: “Mong một cuộc sống không có cái ác là điều không tưởng. Còn vì sao cái ác lại ngày càng xuất hiện nhiều với những cấp độ ngoài sức tưởng tượng thì mỗi ngành, mỗi nghề, mỗi bộ môn khoa học sẽ có câu trả lời riêng. Bản thân tôi cũng đã hơn một lần tự tìm câu trả lời bằng các cuốn tiểu thuyết của mình. Nhưng dường như mọi câu trả lời chỉ có ý nghĩa nhất định nào đó chứ không thể làm cho xã hội trong sạch hơn, khiến cho cái ác biến mất khỏi thế gian này.” Và theo Nguyễn Đình Tú, cách ứng xử của xã hội trước hiện tượng trên là nên đối diện với cái ác chứ đừng né tránh nó, đừng ngồi mà tỏ ra “kinh hoàng” trước nó. Một trong những cách đối mặt với cái ác theo anh là hãy bảo vệ cái thiện. 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: