Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015

Máy bay bà già của Việt Nam


FB Đỗ Hùng
Việt Nam mình hiện sử dụng rất nhiều máy bay thuộc hàng cổ lỗ sỉ. Về phản lực chiến đấu thì có MiG-21 (tiêm kích) và Su-22 (tiêm kích - bom), chủ yếu là mua lại hàng các nước Đông Âu thải ra, giá rất mềm mà hàng lại rất cổ các bác ạ. Lịch sử xung trận của MiG-21 thì rất oách. Hôm rồi có bác nhắc lại là thời đánh Mỹ quân ta cho MiG-17, MiG-21 lên nấp đâu trong mây, chờ quân địch tới thì nhảy ra oánh cho một trận chạy té khói.

Cơ mà cũ kỹ thì đi kèm với không an toàn. Không an toàn do máy bay quá cũ, nhiều bộ phận đáng ra phải về hưu lâu rồi giờ hoạt động không còn chính xác như thiết kế nữa. Nó cũng như xương khớp, răng mồm của con người ta. Khi trẻ thì dẻo dai, linh hoạt. Qua bốn mươi thì bắt đầu trệu trạo, đôi khi không tuân theo ý chí của chủ nhân.

Không an toàn còn do các tiêu chuẩn an toàn, công nghệ vào thời điểm mà dòng máy bay đó ra đời rất thấp so với tiêu chuẩn, công nghệ hiện đại. Một ông anh sau khi chuyển loại lái Su-27/30 giải thích với mình: "Chú cứ hình dung bay con MiG-21 thì giống như đi xe Honda 67, chỉ có cái đồng hồ công tơ mét báo tốc độ lúc chính xác lúc không. Còn lên con Su-27/30 thì có đủ thứ, như đi con Bentley, từ tình trạng xăng nhớt, áp suất lốp, nhiệt độ máy móc cho đến camera de...". Tất nhiên là ông anh ví von có chút cường điệu nhưng như vậy thì một người không biết ất giáp gì như mình mới dễ hình dung.

Bên cạnh phản lực chiến đấu, loại trực thăng chiến đấu (gunship) Mi-24 có hỏa lực rất mạnh, nhưng sau khi đánh Khmer Đỏ xong rồi thì đến nay đã về hưu, không thể nâng cấp được.

Các loại trực thăng như Mi-8 (171), UH-1 cũng rất cao niên. UH-1 do Mỹ bỏ lại từ thời chiến tranh, được phe ta tận dụng, mày mò sửa chữa nâng cấp. Mấy năm gần đây, với quan hệ Việt - Mỹ được cải thiện, UH-1 trong biên chế của Việt Nam được các đồng minh của Mỹ, chẳng hạn Úc, sửa chữa nên chất lượng chắc không đến nỗi nào. Nói vậy thôi chứ bản thân tất cả những chiếc UH-1 đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay đều đã sống ngót nghét nửa thế kỷ rồi, nâng cấp chẳng qua là biện pháp cực chẳng đã của nhà nghèo chứ ở nước khác người ta cho ra bãi rác và mua cái mới rồi.

Mi-8 (171) là loại trực thăng nồi đồng cối đá vào hạng bậc nhất thế giới hiện nay, nhiều nước phương Tây cũng xài, các chiến dịch nhân đạo của Liên Hợp Quốc sử dụng rất nhiều Mi-171/172. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì tuổi đời của Mi-8/171 đã khá cao, sức khỏe phần lớn hư hao. Cũng giống một con Toyota Vios đời 2008 đã chạy 200k cây số với một con đời 2014 mới chạy 20k cây số thì rất khác nhau.

Nói về máy bay bà già không thể không kể đến cụ cánh quạt Antonov AN-26 mà võ sư Nga Pham có lần bay ngắm vịnh Thái Lan. Lúc bạn Nga bay chắc chưa nghe chuyện một chiếc AN-26 đi làm nhiệm vụ đến đâu ngoài Hà Tĩnh thì cửa bung ra, một quân nhân ngồi dựa vào cửa rơi xuống sau vườn chuối nhà dân. Chuyện kể nghe như đùa nhưng nó liên quan tới sinh mạng của con người ta chứ không có gì hài hước cả. Bác nào hay đi về sân bay Tân Sơn Nhất sẽ thấy một bãi toàn máy bay trắng tróc sơn nằm phơi nắng gần đường lăn, chính là AN-26 đấy.

AN-26 quá già nua, nhưng điều đáng kinh ngạc là cụ tổ của cụ ấy, đó là AN-2 vẫn còn hoạt động trong biên chế của Không quân Việt Nam. Cụ AN-2 ra đời ngay sau Thế chiến II (1947, tức chỉ trẻ hơn cụ TBT đương nhiệm của chúng ta 3 tuổi), là loại máy bay một động cơ cánh quạt và 2 tầng cánh. Ở phương Tây ngày nay có một số dân chơi mua loại này rồi độ lại đem ra chỗ đồng không mông quạnh chơi chứ không còn cơ quan đoàn thể nào sử dụng như mình. Thế nhưng tháng 8.2014, trang Soha.vn viết: "Dù đã rất cũ nhưng AN-2 vẫn miệt mài phục vụ trong Không quân Việt Nam với vai trò huấn luyện nhảy dù và bay cảnh báo bão cũng như tìm kiếm cứu nạn. Hiện vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy “bà già hai tầng cánh” này sẽ sớm được cho nghỉ hưu."

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: