Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 20 tháng 12, 2014

vài ghi nhận về truyện ngắn của alice munro



Nam Dao NMH
Chân dung nhà văn Nam Dao

Khi nhận được thư mời tham gia một Bàn Tròn của Da Màu về nhà văn Alice Munro, tôi ngần ngừ, một phần vì tôi biết mình không là một người chuyên về phê bình lý luận văn học, một phần vì tôi đọc quá ít những tác phẩm của bà. Thú thật, tôi chỉ có đọc chừng ba, bốn truyện trong tập Real Life (2012) sau khi có tin Alice Munro đoạt giải Nobel 2013. Bà là nhà văn nữ ở Canada đầu tiên đã giành được đỉnh cao này. Với 14 tập truyện ngắn trong đời văn, bà từng được vinh danh nhiều lần trước đó, đoạt hàng tá giải thưởng, được đem so với Tchekhov, nhà văn người Nga nổi tiếng với thể loại Kịch và Truyện Ngắn, sống vào thời Nga hoàng cuối thế kỷ 19.
Đọc những câu hỏi Bàn Tròn đặt cho người tham dự, tôi thực tình thú vị về những gì liên quan đến hai thể loại truyện ngắn và dài, nhưng cho phép tôi đề cập đến vấn đề này sau. Tôi xin phép các bạn cho tôi theo một thứ tự khác với Bàn Tròn đặt ra.
Văn là người, chúng ta từng nghe, và sẽ còn nghe mãi. Nhưng có chỉ là người không? Và là người là thế nào? Vẽ, hoạ sĩ dùng mầu. Viết văn, nhà văn dùng ngôn ngữ. Mầu sắc đến từ nơi họa sĩ dừng chân. mở mắt nhìn khung cảnh chung quanh, đẩy cái bên ngoài vào nội tâm để sáng tạo. Với Gauguin chẳng hạn, cái bên ngoài Paris thật khác với quần đảo Haiti, và thật rõ trong những trước tác của người họa sĩ này thời gian ông làm bật ra những gam mầu ‘’ nóng’’ có sóng có gió. Còn ngôn ngữ nhà văn dùng để viết, nó là kết tinh của một nền văn hóa, qua những biến thiên xã hội và lịch sử, trong một địa bàn nhất định. Đọc Tình yêu thời thổ tảcủa Marquez, tiếng Tây Ban Nha, nghe ra âm điệu nóng cháy rất Latinh trên một lục địa hoang sơ, với sự đam mê mãnh liệt của những con người phiêu lưu khai phá. Còn như bạn mở Faust của Goethe, ngay đọc bản dịch chứ không qua Đức ngữ như trường hợp tôi, ôi chao là rối rắm những vấn đề linh hồn, ác quỉ … mà hẳn với văn phạm Đức-Phổ cộng thêm cái mầu u ám sám xì cuả Âu Châu vào đông khiến khó ai thoát được ám ảnh những câu hỏi về sự hiện tồn, về thảm kịch của dục vọng, vân vân và vân vân. Tóm lại thì văn là người, nhưng là người trong một nền văn hóa, ở một bối cảnh địa lý, và đèo bổng từ xuất phát điểm những vấn nạn chung và những giới hạn riêng tất là phải có trong văn nghiệp của mình.
Alice Munro sinh ở một miền quê bang Ontario. Bà viết văn khi còn rất trẻ, thường là về đời sống và tâm tình những thiếu nữ gốc Anglo-Saxon, và chỉ vào thập niên 70 bà mới sống tại thành phố London, khi bà nhận là writer-resident ở Đại học Western Ontario. Những năm tuổi xế tà, bà chuyển sang những nhân vật nữ trung niên, hoặc tuổi vào độ bóng xế, trong bối cảnh những phố thị an bình phẳng lặng của một thị trấn nhỏ. Văn bà xử dụng khá đơn sơ mộc mạc, nhuốm màu ảm đạm dửng dưng của tâm thế ‘’phớt tỉnh Ăng-lê’’, khá lạnh, trung tính, với giọng điệu ‘’làm như’’ vô tâm, thật ra đọc rất dễ gập sách xuống đề đánh một giấc. Vậy mà không được, bởi vì …. Và đây là nghệ thuật của bà: vòng vo, cà kê dê ngỗng, lăng quăng chẳng biết về đâu nhưng chính đó là kỹ thuật bà tạo sự tò mò của người đọc. Chịu không nổi, người đọc (như tôi) nhẩy cóc đến đoạn cuối, thường rất ngắn gọn. Và chỉ thế, cũng không hiểu. Thế là phải làm lại từ đầu, nhẩn nha gậm nhấm để…à ra thế. Thủ pháp Alice Munro là chăng màn nhện trong ¾ truyện, rồi thắt gút kết trong bất ngờ, thật ngắn, không phẩm bình, đánh giá , soi mói để mọi kết thúc đều ‘’cứ làm như’’ chuyện là chuyện tự nhiên: đời sống muôn vạn sắc mầu được nhà văn minh họa nhưng tuyệt không lý giải.
Truyện tôi moi trí nhớ kể lại một truyện chẳng quá 20 trang. Chuyện kể đời sống của một cặp vợ chồng luống tuổi, sáng ăn gì, trưa làm gì, trao đổi với nhau qua loa về những chuyện trời ơi đất hỡi, bà hàng xóm này ốm, ông hàng xóm kia sắp đi thăm con, chiều có mây, chắc sắp mưa, đợi mãi mà chưa có tin đứa con gái hẹn về thăm cha mẹ, cái xe liểu cổ để trong garage choán chỗ không biết nên vứt hay rao bán, có một bà góa phụ không biết ở đâu về, nay thuê căn hộ cuối con dốc dẫn đến cánh đồng bỏ hoang. Ông hứng chí sửa chiếc xe cũ, cái này phải thay, cái kia phải xiết ốc, và cứ thế, kề lể liên tu bất tận. Kỹ thuật chăng màn nhện là thế. Đọc, không kiên nhẫn, bỏ. Có chút kiên nhẫn thì phải tò mò, hỏi, bà nhà văn ơi, rồi sao? Đùng một cái, cái xe kiểu cổ đến nằm lù lù trong sân nhà bà góa phụ. Hỏi, đó là món quà ông tặng cho bà ấy, sau những ngày bỏ công ra sang sửa. Và bà góa phụ chính là mối tình đầu của ông. Điểm thắt gút như vậy, thật gọn, không thanh minh thanh nga, lặng lờ như chẳng có gì gọi là thảm kịch. Nhưng ngẫm nghĩ, thì không phải vậy, ít ra là đối với bà vợ ông già kia. Nhưng Munro không bình phẩm, đánh gíá, than van hộ ai. Bà làm chuyện đó đương nhiên như uống một ngụm cà phê. Đậm hay nhạt, tùy bạn, người đọc
Ngôn ngữ của Alice Munro theo truyền thống Anglo-Saxon “lạnh như tiền,’’ tránh biểu cảm quá đà, và sự khép kín trong văn bà trở thành khá tự nhiên với môi trường sống của bà, một tỉnh lẻ tịch mịch vắng lặng. Văn phong này rất hợp cách bà xây dựng và kể truyện. Có những nhà phê bình văn học cho rằng truyện ngắn của bà trong cái phong cách trên đều có thể viết dài ra để thành tiểu thuyết. Điều này tôi nghĩ nên bàn lại.
Thế nào là ngắn, thế nào là dài? Ulysse gần 1500 trang của Joyce khó gọi là ngắn. Truyện trong lòng một bàn tay của Kawabata đôi khi chỉ ½ trang làm sao gọi là dài. Vậy ta phiên phiến coi cứ dưới 30 trang là truyện ngắn, và cứ trên 150 trang là truyện dài, ở đoạn giữa 30-150 là truyện vừa để chuyện trò với nhau. Cách phân biệt dài ngắn này tuy thế quá “máy móc,’’ rồi có những nhà văn thêm thắt vào ngắn là một (hay số ít) không gian trong một thời đoạn nhất định, và dài là tác giả nới rộng không gian, đảo lộn thời gian, tất cả đa chiều biến hóa tương tác. Xin nhắc Joyce bỏ cả ngàn trang chỉ để viết về đâu chỉ 15 phút trong não trạng một nhân vật truân trải nhiều không gian tách biệt. Vai trò của không và thời gian, theo thiển ý, không phải là cái mốc định mức ngắn và dài. Thế thì cái gì đây? Tôi nhiều lần ‘’được’’ các tờ báo văn học đòi trích đoạn tiểu thuyết, vốn là thể loại tôi gắn bó. Một trích đoạn như thế tôi coi là một truyện ngắn. Dẫu không phải lúc nào cũng hài lòng, nguyên tắc trích đoạn của tôi là tìm những đoạn mà kết cục phải mang hình thái thắt gút một đoạn văn ngắn. Như vậy, truyện dài là tổng thể những truyện ngắn, hoặc vừa. Khi viết tiểu thuyết đầu tay Gió Lửa, tôi đã viết dưới dạng chương hồi, mỗi chương có thể đọc như một truyện ngắn, hoặc truyện vừa. Truyện dài thành ra tấm vải kết hợp những mảnh dệt; cái phải quan tâm là đường kim mũi chỉ phải thế nào để những mảng nhỏ kết cấu được với nhau một cách hài hòa, cơ hữu để thành một tổng thể. Quan trọng hơn cả là ngoài những thắt gút cho từng mảng, tổng thể đó phải chuyên chở một cái gì mà mỗi mảng cá biệt không tự mình làm được.
Trong thời đại sống hối hả với đầy ắp những media thông tin và internet, truyện dài mất dần ảnh hưởng, người đọc ít dần, mì ăn liền rẻ và ăn vội thì cũng nuốt được. Trong tương lai, truyện ngắn có lẽ chiếm thế thượng phong, nhưng văn viết chắc không còn có được vị trí như xưa, những phương tiện truyền thông khác sẽ lấn bước cạnh tranh. Ở Việt Nam, hay ở hải ngoại, cũng vậy. Thật mà nói, tình trạng hải ngoại gay hơn; thế hệ thứ 3 hầu như không đọc được tiếng Việt nữa. Về những thành quả đã có, văn học Việt Nam có thể tự hào với mảng truyện ngắn, trong cũng như ngoài nước. Trong nước, phải kể Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài. Sau là thế hệ Đỗ Phước Tiến, Nguyễn Thị Ấm, Bùi Hoàng Vị loé sang trong thập niên 90.… Những nhà văn miền Nam ở lại Sài Gòn có Cung Tích Biền, Nguyễn Viện, Trần Thị NgH…Ngoài nước, những tên tuổi mà Bàn Tròn đề cập đã có những tác phẫm sáng giá. Tôi cho rằng về truyện ngắn văn học Việt Nam từ 50 năm nay có thể ngửng cao đầu khi đứng cạnh những nền văn học khác. Nhất là với những tác phẩm của những nhà văn nữ. Kể ra, trước có NguyễnThị Hoàng, Thụy Vũ, Nhã Ca, Trùng Dương, Túy Hồng. Và sau này, Trần Thị NgH, Nguyễn Thị Ngọc Tư .…
Nhắc chuyện đem so Alice Munro với Anton Tchekhov. Ông này viết: “Nhà văn không được là quan tòa đem xử nhân vật mình mà phải là một nhân chứng không thiên lệch. Đánh giá nhân vật là công việc của thẩm phán đoàn, tức là người đọc. Người viết văn cần lọc lựa những chỉ dấu quan trọng trong vô số chỉ dấu vô để qua ngôn ngữ soi sáng nhân vật,’’ chép theo trí nhớ nay có phần lơ mơ của tôi. Có lẽ Munro không hẳn thế, dẫu người đọc có cảm tưởng nhà văn là một người quan sát xa cách đến độ đôi khi lạnh lùng vô cảm. Đọc kỹ, bà là kẻ nén cảm xúc, giả làm như vô tình, và chính thế mà tạo tác động ngược. Đó là nghệ thuật của bà. Nghệ thuật này đem áp dụng vào một xã hội Việt Nam đang trên đà triệt sản về mọi mặt liệu có sẽ tái sinh một cái gì ta gọi là tương lai chăng.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: