Featured Image: John Holcroft

Liệu bạn có đang sống? Phải chăng bạn nghĩ đây là một câu hỏi ngớ ngẩn và vô vị. Nhưng không bạn ạ, cái tôi muốn hỏi là sống một cách có ý nghĩa, sống trọn vẹn với cuộc đời, sống chứ không phải chỉ tồn tại. Liệu bạn có đang sống như thế, liệu xã hội loài người có đang sống như thế? Đã bao giờ bạn suy nghĩ thật nghiêm túc về những thứ “rỗng” trong thế giới tự nhiên và đời sống con người.
Vậy “rỗng” là gì? Theo từ điển tiếng Việt “rỗng” có nghĩa là không có phần lõi hoặc không chứa đựng gì. “Rỗng” cũng có nghĩa là lỗ hổng. “Rỗng” của thế giới tự nhiên chính là rỗng của vật chất, có thể hiểu là sự thiếu thốn, không đầy đủ về mặt vật chất. Đó là cái “rỗng” mà chúng ta có thể đổ đầy nó bằng một thứ vật chất khác. Nó khác với cái “rỗng” của con người là cái “rỗng” của tinh thần và tâm hồn, là cái “rỗng” về mặt nhận thức và giá trị.
“Rỗng” trong thế giới tự nhiên là tính chất “trung lập” không thể tách rời. Bởi trong cuộc sống này không có thứ gì là hoàn hảo, mười phân vẹn mười cả. Có một sự vật tồn tại ắt có những lỗ ” rỗng” bí ẩn về nó mà ta chưa thể lý giải, ắt có những khía cạnh, khiếm khuyết mà ta cho dù có đối chiếu ở mọi góc cạnh, mọi phương diện vẫn không thể tìm ra… “Rỗng” về vật chất là sự thiếu hụt của một khía cạnh trong đời sống. Nó không tách rời mà tồn tại song song với sự sống. Có sự “rỗng” mới thôi thúc con người không ngừng phát triển và đi lên với khát khao lấp đầy sự “rỗng”. Bởi đó là bản chất của tính chinh phục của con người. Vậy nên theo lý thuyết triết học mới nói rằng “rỗng” của tự nhiên là căn nguyên của mọi vật, để sinh ra năng lượng tạo lên vật chất.
Bởi “rỗng” là trạng thái khởi nguyên của mọi vật, nên câu hỏi đặt ra là: “Rỗng” có giá trị không? Mặc dù “rỗng” là căn nguyên của mọi vật, nhưng những thứ “rỗng” thường không được coi trọng. Bởi con người chỉ quen nhìn mọi vật ở bề ngoài bằng một “đôi mắt rỗng” chứ đâu xem xét từ bản chất của vấn đề, từ mọi góc độ đánh giá.
Có một sự “rỗng” cũng không được coi trọng như vậy, đó là sự rỗng trong tâm hồn con người, là biểu thị cho sự ăn mòn nhận thức và nhân tính. Như vấn đề mà ban đầu tôi đã đặt ra. Liệu bạn có đang sống? Tất nhiên mỗi người có một quan niệm riêng của mình về sự sống. Thế nhưng những ý tưởng sai lầm về nhận thức có thể khiến chúng ta mất đi sự sống thật. Vài người cho rằng cuộc sống chính là những nhu cầu vật chất chúng ta đang nắm giữ, theo đuổi. Có người cả cuộc đời chạy theo những thứ vật chất xa hoa phù phiếm, và cứ nghĩ rằng vật chất tỷ lệ thuận với chất lượng của cuộc sống.
Tôi không phủ nhận những giá trị lợi ích của vật chất nơi cuộc sống hằng ngày, nhưng bạn có hay không nhìn vào mặt trái của chúng. Ngày nay bạn cứ mải miết chạy theo những thứ xe hơi đắt tiền, nhà cửa sang trọng, y phục đẹp đẽ… Bạn cứ chăm chút cho vẻ ngoài hào nhoáng bằng những thứ vật chất xa xỉ phẩm và nghĩ rằng chúng có thể giúp bạn nâng cao giá trị bản thân và ý nghĩa cuộc sống. Nhưng không, nó chỉ biến bạn thành những con người giả dối, những con người sống vì đồng tiền, thứ bạn sở hữu trong tay không phải là giá trị bản thân mà là sự suy đồi về nhân cách.
Chạy theo vật chất, con đường tưởng chừng như tươi sáng ấy lại cũng có thể là lỗ hổng không đáy nuốt chửng đi hạnh phúc của bạn. Cứ mãi lo chạy theo nhưng thứ vật chất ngoài thân thì đến bao giờ bạn mới chịu bắt đầu sống thật? Của cải vật chất chỉ là những dụng cụ và đồ dùng trang bị cho cuộc đời. Nếu cứ mờ mắt mà chạy theo nó chẳng mấy chốc chúng ta lại biến thành nô lệ cho của cải vật chất và là đầy tớ cho những ước vọng bất tận. Trong khi đó sự sống thật sự lại trốn chạy xa và khiến chúng ta cảm thấy cuộc đời thật trống rỗng. Nhưng sự thật là những suy nghĩ, định kiến sai lầm của chính bản thân bạn, chính chúng ta đã tạo ra những sự “rỗng” về tinh thần và mặt nhận thức trong con người mình.
Về quan niệm của sự sống, một số người lại nghĩ: con người ta sống vì cái danh. Điều này đúng nhưng lại không toàn diện. Người ta vẫn nói “miệng lưỡi thế gian” vô cùng đáng sợ. Sống để giữ gìn thanh danh là điều đúng đắn, nhưng nếu ai lại quá đề cao mải mê chạy theo cái danh thì kết quả hoàn toàn ngược lại. Có những người dùng tiền để mua bằng cấp, địa vị, có những người dùng sự giả dối tốt đẹp để che đậy đi bản chất thực bên trong. Con người ta lắm khi vẫn mang trong mình cái “sĩ diện” cái “tôi” cá nhân quá lớn.
Nhiều người lên Facebook để khoe thân, khoe tài sản, số khác thì giả vờ làm người tốt. Có những người khoe khoang sự sung túc, đủ đầy của bản thân mình. Một số bộ phận trẻ hèn nhát, yếu đuối thay vì đối mặt với khó khăn thì lại giãi bày trên các trang mạng xã hội, thay vì thể hiện tình cảm trực tiếp lại viết những dòng mùi mẫn để nhận sự đồng cảm thương xót của những người quen xa lạ. Gặp một vụ tai nạn trên đường thay vì giúp đỡ người bị nạn theo sức của mình thì các bạn lại lôi điện thoại ra quay clip, chụp hình rồi mang khoe với bạn bè bằng những gương mặt giả vờ xót xa đau đớn. Có những nhà từ thiện quảng bá hoạt động ủng hộ của mình trên khắp các phương tiện truyền thông đại chúng, khua chiêng gõ trống, chỉ sợ không ai biết mình là “người tốt”.
Con người hay mang trong mình những chiếc mặt nạ giả dối và tô vẽ cho những ánh màu hào quang chói rực, tự hào cho mình sự “hữu danh vô thực”. Một cá thể đi bằng đôi chân giả sẽ khiến cho cả một cộng đồng người cùng đi bằng đôi chân giả – một xã hội rỗng tuếch! Họ chú trọng bằng cấp, danh hiệu, thích tạo ra những thành tích vô bổ, theo đuổi những kỷ lục tầm thường… – một xã hội quá chú trọng đến vẻ trang sức bên ngoài cộng đồng trong khi cái thực bên trong – phẩm cách của công dân trong cộng đồng không hề tương xứng. Xã hội khi đó sẽ trở thành giả dối, nói như Vũ Trọng Phụng thì đó là cuộc đời “chó đểu”. Sự giả dối ấy sẽ tạo ra một lỗ hổng trong chính nhân cách của con người, bởi một người sống giả thì làm sao có thể mang một trái tim thật.
Trong cuộc sống của mỗi con người sự “rỗng” là cái đáng sợ hơn cả. Không có mục đích hoặc đi với những mục đích sai lầm, họ cứ sống sôi nổi trong đời như “manh rẻ rách trên những dòng sông”. Sự “rỗng” trong đời sống con người thật đáng sợ, bởi nó sẽ bắt chính chúng ta phải trả giá bằng hạnh phúc, bằng cả cuộc đời. Bill Gates đã từng nói rằng:
“Điều đáng sợ trong cuộc sống của một con người là sự rỗng tuếch… Đối với tôi điều quan trọng nhất ở con người là sống như thế nào? Chứ không phải là tồn tại ở trên đời.”
Sống thực đi nhé! Đừng “rỗng” nữa! nhìn thẳng vào chính mình và bắt đầu lại!

Silent Wind