Featured Image: Tuckster

Tôi muốn viết bài này rất lâu rồi. Thuộc lòng Quốc ca ngay năm mới lên hai, tôi không dám nói lòng yêu nước của bản thân lớn lao hơn bất kỳ ai cả. Nhưng tôi đã thấy đau – nỗi đau kéo dài năm này qua năm khác, khi tôi dần lớn lên…
Tôi trăn trở nhiều, trong ám ảnh tâm trí tuyệt nhiên chưa khi nào nguôi nỗi khát khao bí bách: Đến bao giờ Việt Nam – đất nước tôi mới có thể đứng trên đỉnh cao của hoàn cầu, viễn cảnh mà các dân tộc khác phải nghiêng mình kính phục, cắp sách vở sang theo học hỏi đây? Không rõ mọi người mong mỏi điều đó đến đâu, còn tôi chắc lẽ ôm nỗi sầu này đến cuối đời mất, nếu toàn thể dân tộc cứ mãi bằng lòng khiên cưỡng trước vị thế “anh học sinh trung bình”, không tài nào khá khẩm hơn được nữa.
Lịch sử dân tộc tôi đầy rẫy những trang hào hùng chống giặc ngoại xâm, ngay cả những kẻ thù sừng sỏ nhất đều đã nếm mùi thất bại cay đắng trên mảnh đất chúng tôi. Đành rằng đó là những hồi ức vô cùng đẹp đẽ, niềm tự hào lớn lao của dân tộc chúng tôi. Song nó kèm theo bao vết thương khó lành, mà tôi cho sự tổn thương trong tinh thần dân tộc là ghê gớm nhất.
Tôi, một 9X trẻ người non dại, nhiều khi ngẫm đến dòng chảy lịch sử nước nhà, vô hình chung thấy hoài nghi: Liệu còn chiến tranh nữa không? Nó sẽ đến vào thế hệ chúng tôi hay con cháu chúng tôi? Lại cầm súng ra trận ư?… Chẳng việc gì phải sợ quân thù xâm lược nhưng không quốc gia nào muốn bị xâm lược cả! Tôi chắc chắn một điều như thế! Nước ngoài nó dám đem quân đánh mình chẳng qua vì nó thấy mình yếu thế hơn nó, ví như trong bóng đá thì khi nào ta cũng ở thế “cửa dưới” phải thi đấu với đội “cửa trên”. Giả thiết mình mạnh hơn, nó nào dám động đến một sợi lông!
Xưa kia ngoại bang xâm lấn lãnh thổ, thì giờ đây các quốc gia phát triển xem chúng ta như mảnh đất màu mỡ cho họ đầu tư, giành giật, thao túng thị trường. Họ vẫn thế, cuồng vọng và tham lam, không bao giờ chịu từ bỏ địa vị chủ động ngỡ là của riêng. Còn chúng ta, khi nào mới vọt tiến thành kẻ đi chinh phục đây?
Giữ thế thủ mãi, lúc nào cũng phải cảnh giác đề phòng các thế lực thù địch, tâm trí đâu mà phát triển quốc kế dân sinh? Trong khi phạm vi an ninh quốc gia của người Mỹ đã vượt xa biên giới họ cả nửa vòng Trái Đất kìa?
Hai dân tộc Bách Việt và Do Thái có quá khứ đau thương không khác gì nhau, thậm chí chúng ta may mắn hơn chút khi giữ được lãnh thổ, còn họ mất sạch trong quãng thời gian dài đằng đẵng mấy nghìn năm, cho đến ngày khôi phục lại phần nào. Hai dân tộc ấy đều kiên cường và thông minh. Nhưng giờ đây, đất nước do những người phục quốc Do Thái năm xưa dựng xây mới được mấy chục năm đã tiến xa đến đâu? Nước Việt ngàn tuổi của chúng tôi đã tiến xa đến đâu? Có lẽ không cần phải so sánh điều khập khiễng này!
Tư duy đổ lỗi cho thiệt hại đến từ những cuộc chiến trong quá khứ là điều không thể chấp nhận được. Chiến tranh có thể tàn phá nhiều tài sản, nhưng dưới góc độ kinh tế, nó không khác nhiều so với những thảm họa như thiên tai, chỉ làm mất đi lượng vật chất nhất định chứ nào đâu có gây ra bất ổn kinh tế vĩ mô, lạm phát, khủng hoảng,… Những vấn đề trên nếu xảy ra lại đến từ những nguyên nhân khác.
Vin vào sai lầm trong thể chế kinh tế có lẽ còn là kiểu đổ lỗi tàn nhẫn hơn. Đâu khác nào phủ định tiền nhân? Thử làm phép so sánh nhé: Trong khi Cuba chưa cải tổ toàn diện nền kinh tế chỉ huy, bị cấm vận khó khăn hơn chúng ta, mà GDP bình quân đầu người vẫn cao hơn của Việt Nam một bậc. Xa hơn nữa, Liên Xô với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu ấy đã phát triển rực rỡ trong hơn 70 năm tồn tại, chỉ thua Mỹ. Thật lòng mà nói, thể chế kinh tế nào cũng có mặt lợi mặt hại, vấn đề là cách thức vận hành ra sao mà thôi. Chính sách không sai, song hễ áp dụng là ở mỗi nơi lại cho ra những kết quả khác nhau, cá biệt còn trái ngược nhau.
Phàm là dân Việt Nam mà đổ hết tội lỗi, nguyên do dẫn đến những yếu kém của đất nước cho Đảng cầm quyền, cho Nhà nước thì thực sự không có chút lương tâm nào. Hơn 80 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng Cộng sản của chúng tôi đã lãnh đạo toàn dân đạt được nhiều thành tích trong kháng chiến cũng như khi hòa bình, quả tình với điều kiện đất nước thì làm được vậy đã là ổn lắm. Tôi không nghĩ một Chính phủ nước ngoài nào, giả sử họ được thuê quản lý đất nước tôi, có thể làm tốt hơn!
Điều tôi phàn nàn nhất là về bộ máy tuyên truyền hiện tại, nó quá ư kém cỏi nên làm chúng ta mất rất nhiều từ hình ảnh, vị thế quốc gia đến nguồn nhân lực, lòng tin của nhân dân,…Ngày xưa ta chiến thắng kẻ địch mạnh có phần góp công lớn từ nghệ thuật tuyên truyền dân vận thì nay, thẳng thừng mà nói, rõ ràng chúng ta đang có nguy cơ thua báo chí phương Tây và mạng xã hội đó.
Tôi viết bài này như lời tự trách, tự sỉ vả mình. Mở rộng hơn, tôi nhìn thấy lỗi trong tất cả chúng ta. Bất kỳ ai bằng lòng với tình hình xã hội hiện nay thì không còn gì để nói. Còn muốn mơ mộng thế hệ con Lạc cháu Hồng ngày sau sẽ chiếm lĩnh đỉnh cao kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học,… của nhân loại thì phải mạnh dạn sửa mình ngay từ hôm nay. Không “lột xác”, sao có thể thành người khác?
Tôi cho là “dân tộc tính” của người Việt ta có những vấn đề không lợi cho sự phát triển. Chúng ta quá “lành tính” và cực kỳ coi trọng sự “lành tính” ấy!

Cái văn hóa đề cao sự “lành tính” đã tích tụ nhiều ngàn năm nay

Tôi nghe kha khá chuyện cổ tích, mô típ lúc nào cũng đều là “ở hiền gặp lành”, và rồi nhân vật được ngợi ca kiểu gì cũng thánh thiện đến mức hoàn hảo. Trong khi xem thần thoại Hy Lạp, các vị thần mà họ tưởng tượng ra tuy có nhiều quyền năng nhưng trái lại, vẫn đầy ắp bản năng, kẻ tật xấu này, người thói dở kia. Họ khách quan và tôn trọng cá tính con người, trong khi ta luôn cố gò ép bản thân học theo một hình mẫu toàn thiện. Vậy thì ai muốn xây mới nữa, ai thèm sáng tạo?
Trong cuộc sống, phương châm được tôn sùng luôn là “một điều nhịn là chín điều lành”, khiến người ta dễ dàng chấp nhận cái cũ, cái sai, cái bất cập, cái lạc hậu, cái bảo thủ, miễn là chưa đạt mức quá thể đáng. Trong khi một nền khoa học phát triển đòi hỏi người ta phải liên tục đấu tranh, phản biện, khai thác cải tiến từ những sai sót nhỏ, không ngừng phát hiện ra cái mới mặc dù nó “chẳng giống ai”, tìm ra chân lý đến cùng,…
Chúng tôi chống ngoại bang ngay từ những ngày đầu lập nước. Các chính phủ cai trị dân chúng đa phần đều đi lên từ cuộc chiến chống ngoại xâm. Họ anh hùng đấy, nhưng là kiểu anh hùng đồng nhất. Chính phủ lập nên từ cuộc chiến chống ngoại xâm hầu như không phải tranh giành ảnh hưởng trong quần chúng nhân dân, họ giải thoát dân chúng khỏi kiếp nô lệ thì tự giác nhân dân đã theo họ, trung thành với họ đến cùng rồi. Thế mới dở! Bởi sau khi đánh thắng giặc, họ như người “ngồi mát ăn bát vàng”, cứ ung dung tận hưởng thành quả, chẳng việc gì phải nát đầu nghĩ chính sách “kinh bang tế thế” làm gì, để lôi kéo, thu hút sự ủng hộ của quần chúng, cho nhọc.
“Kiêu binh hãn tướng” từ bao đời nay luôn là như thế! Nhân dân hầu như không nhìn thấy bất cập mà đấu tranh cho đến khi triều đình suy tàn, thế nước vỡ lở ra. Họ hiền lành quá mà! Đồng điệu quá mà! Tôn sùng chủ nghĩa anh hùng dân tộc, “đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”, sống bằng niềm tự hào vinh quang chói lọi mãi để đến lúc nhìn ra mình bị ăn mòn tư duy thì đã quá muộn.
Trong cuộc sống thường ngày, chẳng mấy ai ưa những kẻ khác thường, lập dị. Cha mẹ bao giờ cũng đòi hỏi con cái phải làm sao cho bằng chúng bằng bạn, phải hòa mình vào tập thể, người ta làm thế nào thì mình theo thế đó, cứ đa số mà theo. Những đứa con ngoan là những đứa trẻ biết vâng lời. Học trò giỏi là những trò tuyệt đối trung thành, lĩnh hội được hết những kiến thức thầy cô giáng và trả bài không sót một câu.
Thời còn học phổ thông, tôi nhớ thằng bạn ngồi cạnh tôi, nó ngông cuồng lắm: Đi học không chịu nghe thầy cô giảng, thích thì học, chán thì nghỉ. Ngoài Toán và Hóa ra, hầu như cậu ta không để ý tới môn học nào khác nữa. Đi thi, cứ bài khó nhất cậu ta chọn làm, còn những bài dễ cậu ta luôn bỏ qua. Kết quả học tập lúc nào cũng chót bảng. Ấy vậy mà sau này vẫn thi đỗ đại học Bách khoa. Ngày đó, trong lớp chỉ có tôi thấy cậu ta có tài, còn thầy cô và hầu hết các bạn trong lớp đều không coi cậu ta ra gì cả. Người Việt mình là như vậy đấy.
Trong công việc, mẫu người được các nhà quản lý ưa chuộng thường là những kẻ dễ sai bảo, biết cách lấy lòng số đông. Nói tài năng không được coi trọng hẳn là chưa đúng. Nhưng phẩm chất riêng biệt của từng cá nhân bị xem nhẹ là vấn đề bộc lộ quá rõ ở xứ ta. Với những người dị biệt, có chút tài mọn nhưng hơi lười, hay cãi sếp chẳng hạn, hoặc không chịu kết giao với anh em đồng nghiệp, hoặc nhiều tật xấu,…sẽ sớm bị tẩy chay ngay. Chẳng ai chịu sử dụng những con người ấy cả.
Than ôi! Chúng ta vốn nổi tiếng là dân tộc khoan dung, nhưng sao ta khắt khe với thực tài quá vậy, săm soi đến từng ly! Vô hình chung chúng ta đã bỏ quên một lượng chất xám khá lớn. Chúng ta quên mất một điều rằng: Những phát minh lớn nhất thời đại này đa phần xuất phát từ chính ước mơ, mong muốn được làm việc nhàn hạ hơn của con người, từ sự lười nhác ngay trong tâm tưởng chúng ta đó!
Phải thừa nhận rằng chúng ta chịu khó học hỏi. Bất cứ cái gì hay của thế giới, ta đều học theo. Nhưng học rất rập khuôn, học không đến nơi đến chốn, học mà không chịu sáng tạo thêm gì. Người ta nói dân tộc tôi giỏi “biến cái của người khác thành cái của mình”, tôi cho là không phải, ta chỉ giỏi nhái mà thôi. Xu thế vọng ngoại đến là cuồng, đâu cần biết cá tính dân tộc là gì. Trong khi ở nước ta có bao vấn đề đặc sắc mà không quảng bá được rộng rãi trên toàn thế giới, không đủ trình độ để rao giảng cho người ngoại quốc về đất nước mình.
Chính sách phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật, giáo dục của ta là chính sách a dua. Điều đó khiến Việt Nam ta có nền công nghiệp đa dạng không kém gì Âu – Mỹ – Nhật, các lĩnh vực nghiên cứu tràn lan không thiếu thứ gì, hệ thống trường lớp đồ sộ giảng dạy tất cả những chuyên ngành mà thế giới này sở hữu. Nhưng rất hiếm ngành, nghề, lĩnh vực vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao thế giới, mà đa phần đều ở mức trung bình.
Sao không bỏ bớt đi? Phát triển kinh tế nên tập trung vào nông nghiệp, du lịch sinh thái và công nghệ thông tin đi; nghiên cứu khoa học cơ bản và công nghệ sinh học đi; dạy kỹ thuật canh nông, nấu ăn và văn hóa ẩm thực đi; chạy theo những thứ phù phiếm kia làm gì?
Đường lối ngoại giao hòa bình của chúng ta rất thành công, nhưng có một điều tương đối dở: Lập trường của chúng ta không dứt khoát trước những vấn đề quốc tế, hay phát biểu nước đôi, chẳng rõ là ủng hộ bên nào. Bởi vậy, chúng ta “chơi được” với tất cả các quốc gia nhưng hiếm khi có “bạn thân”. Thực tế chỉ ra rằng, nếu không thực sự thân thiết với một vài quốc gia phát triển, thật khó để họ có thể dốc lòng dốc sức giúp đỡ chúng ta đi lên phồn thịnh.
Trong số du học sinh, kiều bào Việt ở nước ngoài, cứ ngỡ họ tiếp thu được trọn vẹn tinh hoa từ các quốc gia phát triển thì “dân tộc tính” cũng khác biệt phần nào. Song tôi thấy về cơ bản là giống trong nước. Họ, tuy sở hữu số ít là các nhà khoa học lỗi lạc, không ngừng vươn lên đỉnh cao tri thức nhân loại, nhưng đa phần vẫn an phận thủ thường, tự huyễn hoặc với mức sản xuất hàng năm hơn trăm tỷ USD của cộng đồng hải ngoại so với trong nước, cá biệt có kẻ rảnh rỗi còn thường xuyên lên mạng bới móc tình hình quê hương xứ sở mình chứ tuyệt nhiên không thấy đóng góp gì.
Trí thức học ở nước ngoài không đủ bản lĩnh về nước đối mặt với khó khăn sóng gió, hầu như toàn đi chọn môi trường làm việc thuận lợi hơn. Trung thành với nếp suy nghĩ ấy thì biết bao giờ mới đem lại đột phá cho quê hương, non sông gấm vóc? Nơi nào còn quan liêu, tham nhũng, còn trì trệ cơ chế, thì mới cần nhiều người tài để đấu tranh thay đổi, thi triển hết mọi phẩm chất và năng lực để thành danh, há không phải vậy sao? Ai dám dấn thân, lịch sử sẽ gọi tên. Nhưng buồn thay, đa phần trong số chúng ta không có được bản lĩnh ấy.
Tôi nghĩ “dân tộc tính” không phải điều bất biến mà có thể thay đổi. Để có được cá tính riêng, bản sắc riêng phải rèn luyện mới thành. Hãy tập suy nghĩ coi mình như kẻ mạnh trước đã. Từng cá nhân nên thay đổi quan điểm, nghĩ lớn làm lớn, hiên ngang mà sống giữa đời, đừng cam chịu khom lưng uốn gối làm gì.
Thời nay nước ta chưa giàu có, nhưng đã hết khổ đau cùng cực, chuyện mưu sinh ở mức sống cơ bản ta có thể lo liệu được. Mang nặng mãi mấy thứ cơm áo gạo tiền lặt vặt thì không làm nên nổi trò trống gì đâu. Tôi quan niệm rằng, phàm đã sống được mấy chục năm ở trên đời thì hãy cố gắng làm thật nhiều cho xã hội mình đang sống, khi thác xuống còn nhiều người ghi nhớ. Sinh ra hữu danh mà khi chết đi thành kẻ vô danh thì buồn tủi vô cùng.
Nên vấn đề cốt lõi ở mỗi cá nhân làm sao phát huy được cá tính độc lập mạnh mẽ, sáng tạo, đột biến, “dân tộc tính” còn lẩn khuất đâu đó ngay trong tâm hồn, thần trí chúng ta. Có vậy mới hòng thay đổi lớn được!
“Dân tộc lành tính” này rồi sẽ đi đến đâu? Đáp án nằm ngay trong mỗi con người mang dòng máu Việt chúng ta, nhất là thế hệ trẻ của tôi và các bạn!

Duy Hùng