Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

Câu chuyện về một lương y trẻ














     Anh Đặng Quốc Hợp người có bài thuốc chữa ngộ độc Paraquat

Trước đây, khi đề cập đến bệnh nhân tự độc thuốc nông nghiệp ở các khoa Hồi sức chống độc, người ta hay nhắc đến thuốc trừ sâu gốc phospho hữu cơ, vì đây là loại thuốc trừ sâu gây tử vong cao nhất ở nước ta cũng như trên thế giới. Tiếp đến là thuốc diệt chuột sunfat kẽm. Khi uống loại này, bệnh nhân vào viện trong tình trạng tương đối  bình thường nhưng nếu uống số lượng lớn, bệnh nhân sẽ tử vong sau 3-4 ngày trong bối cảnh tổn thương đa phủ tạng, đặc biệt là gan và cơ tim. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, người ta nói nhiều đến loại thuốc trừ cỏ Paraquat  được nhắc đến với tên gọi “Kinh hoàng chai hủy diệt màu xanh”.
paraquat
( Paraquat – Thuốc diệt cỏ, diệt cả người )
“..Kể từ khi ra đời, thuốc diệt cỏ hiệu Paraquat đã phát huy tác dụng trong việc giúp những người nông dân, người làm vườn… diệt cỏ dại một cách nhanh chóng, đơn giản. Song kéo theo tính hữu ích ấy là một tác dụng tiêu cực khác đang làm đau đầu giới bác sỹ hồi sức chống độc. Bất cứ một bệnh nhân nào khi được đưa tới bệnh viện trong tình trạng ngộ độc Paraquat đều là một thách thức. Sau khi uống dung dịch, nước có Paraquat bệnh nhân xuất hiện cảm giác nóng bỏng miệng, họng, giả mạc hay loét miệng họng. Nôn, buồn nôn, đau bụng, có thể bỏng thực quản, loét trợt dạ dày,  nếu uống đậm đặc có thể gây thủng dạ dày, tràn khí màng phổi. Bệnh nhân nhanh chóng dẫn đến suy thận cấp, hoại tử cơ, sốc và tử vong trong vòng vài giờ, hay vài ngày.
Trong vòng 1 tháng, tại  Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận hơn một trăm ca tự độc sử dụng chai thuốc diệt cỏ "màu xanh" - Paraquat. Chỉ cần nghe câu thông báo đơn giản trong vội vã của người nhà bệnh nhân là các bác sỹ cấp cứu cứ như bị "điện giật"  bởi cái chai "màu xanh" đó đã làm họ phải bó tay trong 41 trường hợp (5 ca chết trong khi cấp cứu, 36 ca tử vong khi đang điều trị). Nhưng chưa hết, còn tới 22 ca do biến chứng suy hô hấp buộc phải cho về coi như cũng tử vong.
Theo bác sỹ Trịnh Thanh Mai - Phó khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy - thì ngộ độc Paraquat cho tới nay chỉ có thể điều trị triệu chứng và nâng đỡ, chứ chưa có biện pháp nào hữu hiệu.
Theo bác sỹ Bạch Văn Cam (Trưởng khối Cấp cứu Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng I TP HCM), trong Y văn Thế giới hiện việc cứu chữa cho bệnh nhân ngộ độc Paraquat cũng chưa có tổng kết hay khuyến cáo là nên dùng phương pháp nào để cứu chữa bệnh nhân. Bác sỹ chỉ có cách "còn nước còn tát". Thay máu, thay huyết tương mới chỉ được áp dụng thời gian gần đây do được trang bị máy móc. Song để thực hiện được kỹ thuật này cũng không dễ vì một lần thực hiện cần tới 4 - 5 lít máu, ngân hàng máu không phải lúc nào cũng sẵn sàng có.
"Thời khắc vàng" trong cấp cứu ngộ độc Paraquat cũng vô cùng quan trọng vì chỉ sau 24 giờ đồng hồ chất độc sẽ ngấm vào cơ, vào máu, từ đó ngấm toàn bộ cơ quan gây suy đa phủ tạng. Để cứu sống bệnh nhân, các bác sỹ tiếp nhận đầu tiên thường phải tìm mọi cách trục xuất lượng Paraquat ra khỏi cơ thể, qua đường tiêu hoá càng nhanh càng tốt.
Có rất nhiều biện pháp khác nhau có thể áp dụng với người ngộ độc Paraquat như rửa sạch dạ dày, cho uống dung dịch đất Fuller earth, được lọc máu hấp phụ hay vừa được lọc máu vừa tách huyết tương, chạy thận nhân tạo… và thường là những ca cấp cứu kiểu này đòi hỏi chi phí rất cao trong khi kết quả lại rất thấp. Được biết chỉ 1 lần lọc máu chi phí đã phải chi trả từ 8 triệu đồng tới 10 triệu đồng.
Việc cứu sống được các trường hợp "uống nhầm" thuốc diệt cỏ theo bác sỹ Tôn Thất Quỳnh Ái - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy thì mới chỉ có thể ví như một ánh sáng "le lói ở cuối đường hầm". Thế nhưng cứ như một nghiệp chướng, càng "không thích" thì những hồ sơ bệnh án vẫn cứ dày lên đến nhức mắt trên bàn làm việc của họ”.
( Theo Bs Hồ Thị Ánh )
Trong khi các bệnh viện luôn phải chật vật với những trường hợp ngộ độc thuốc diệt cỏ cháy Paraquat thì ở vùng quê xa xôi, hẻo lánh lại có một bà lang có thể cứu sống các bệnh nhân nhiễm độc dạng này một cách kỳ diệu. Bà lang tài ba ấy có tên là Lò Thị Tiếng (SN 1946, ngụ thôn Đắk Tân, xã Nam Xuân, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông).


“Tính từ năm 2004 đến nay, bà Tiếng đã có 10 năm dùng phương thuốc giải độc để cứu người ngộ độc thoát chết. Bà Tiếng không nhớ chính xác là đã cứu được bao nhiêu người, chỉ áng chừng 500-600 trường hợp. Tính riêng trong năm 2012 đến 2013 đã có hơn 200 trường hợp thoát khỏi cái chết nhờ bàn tay bà Tiếng, trong đó phần nhiều bệnh nhân đến từ các huyện Cư’Mgar, huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk), huyện Chư Prông, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai)”.. ( theo PLO ).
Đã có nhiều người, nhất là ở các tỉnh miền núi phía bắc lặn lội tìm đến bà. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện để đến với bà Tiếng được. Một là đường xá xa xôi, đi đến nơi tình trạng của bệnh nhân đã rất trầm trọng, khó bề cứu chữa. Hai là hầu hết người mắc độc nan y này có điều kiện khó khăn tiền bạc, nhất là bà con người dân tộc ở vùng sâu vùng xa ( Những nơi dùng Paraquat  tương đối phổ biến ).
Nên khi biết ở Tuyên Quang có người chữa được ca bệnh nan y này, chúng tôi đặc biệt chú ý và tìm gặp anh Đặng Quốc Hợp sinh năm 1980, hiện đang ở xóm Chợ, xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. ( Số điện thoại của anh Hợp 0963939781 ) Anh Hợp là người đã bằng bài thuốc gia truyền của gia đình mình cứu được nhiều ca ngộ độc Paraquat. Có người thậm chí đã đi bệnh viện, không giải quyết được, trả về. Những người này sau khi khỏi khỏi bệnh, sức khỏe đã bình thường, không có di chứng do độc tố để lại. Thậm chí sinh con mạnh khỏe, không có ảnh hưởng gì đến cháu bé ).
Hỏi thì được anh Hợp cho biết:
“Tình cờ một lần đi thăm người ốm ở bệnh viện A Tuyên Quang, tôi gặp anh Khu ( người cùng xã ) do bức xúc với gia đình đã uống Paraquat. Các bác sĩ ở đây đã lắc đầu, gia đình trong cơn tuyệt vọng. Anh trai của Khu là Quân là chỗ quen biết với tôi có cho biết là chị Lan vợ anh Quyên người xã xã Trung Trực được tôi chữa khỏi ca bệnh tương tự như của Khu và nhờ tôi cứu giúp. Tôi thấy để vậy không đành lòng, nên đã lấy thuốc cho anh Khu uống. Kết quả Khu đã khỏi bệnh. Đến nay sức khỏe rất tốt, lao động bình thường.”
Được hỏi anh có cơ sở nào để làm bài thuốc này?
Anh Hợp cho biết: Chứng kiến những ca tử vong do ngộ độc chất diệt cỏ rất thảm thương, lại nghe nói y học hiện đại đang còn bó tay trước ca ngộ độc nan y này. Có chữa được cũng rất khó khăn tốn kém. Người mắc phải thường có hoàn cảnh éo le, không sẵn tiền bạc, trong lòng tôi cứ day dứt mãi. Một liên tưởng tình cờ khiến tôi nảy ra ý nghĩ : Ngộ độc paraquat là do Phospho dạng hữu cơ, có thể nó giống như khi người ta bị con Rờ leo bám vào, chất phospho từ côn trùng này dính vào da thịt cũng làm bỏng rộp, loét thịt ra tương tự như vậy.. Đằng nào thì bệnh nhân bệnh viện cũng đã trả về, cái chết gần như không tránh khỏi. Cứ cho bệnh nhân uống thử xem sao?
Đó là lần đầu tiên tôi chữa được cho anh Hoàng Văn Quyên, người xã Trung Trực vào ngày 1/8/2010. Từ đó đến nay tôi luôn tìm hiểu, nghiền ngẫm thêm về ca bệnh này và đã cứu thêm được một số người. Sang năm tới đây, 2015 tôi sẽ dành thời gian về Hà Nội để nhờ Trung Tâm phòng độc Bạch Mai qua phòng thí nghiệm, phân tích bài thuốc này của mình, để có cơ sở vững chắc về y học. Và nếu thuận lợi sẽ xin đăng ký bản quyền bài thuốc của mình.

Một lang y trẻ mà có cái tâm, ý nguyện như vậy thật đáng trân trọng. Vì việc “Cứu người như cứu hỏa” hay còn nói: “ Cứu người còn hơn xây mười tòa bảo tháp”. Rất mong các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho anh, để Đặng Quốc Hợp thực hiện được hoài bão của mình.


Ngày 24/12/2014
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: