Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 23 tháng 12, 2014

CĂN TÍNH ​ VÀ BẠO LỰC

Cafe học thuật nhân văn 28/11/2014

Thời gian: Từ 8h30 – 11h30thứ 6, ngày 28/11/2014
Địa điểm:  Phòng D.201 – Trường ĐH KHXH&NV – Số 10-12 Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP.HCM
Diễn giả: TS. Dương Ngọc Dũng, TS. Tôn giáo học ĐH Boston
căn tính bạo lực
Một trong những điều khiến tôi cảm thấy khó ở gần đây là việc nhiều người, nhất là những người có sức ảnh hưởng đến đám đông trên mạng, có những phát biểu mà qua đó thể hiện sự phân biệt lớn về căn tính. Đây không phải là lỗi của những người này. Sự phân biệt này đã nằm sẵn trong tư duy của họ, cũng như của cả xã hội, ngay từ khi họ còn chưa trưởng thành. Người ta lớn lên với sự phân biệt này trong đầu óc, suy nghĩ với nó, làm việc với nó, bởi vì họ được dạy như vậy từ khi còn nhỏ. Tôi đã cảm thấy vấn đề này từ nhiều năm trước, dần dần qua thời gian mới có định hình nó rõ hơn, nhất là khi gần đây tôi đọc được Căn Tính Và Bạo Lực của Amartya Sen. Tôi khá tâm đắc với cuốn sách này, đặc biệt thích cách mà tác giả/dịch giả sử dụng từ “căn tính”. 
Trong cuốn sách này, Sen dùng khái niệm “căn tính” (identity) để miêu tả một lối tư duy của con người mà qua đó họ phân loại chính mình, coi đó là cội nguồn của mình, là cái mà mình thuộc về một cách hiển nhiên. Ông xem tôn giáo, văn hoá như những loại căn tính điển hình nhất. Ví dụ trong tư duy một người Thiên Chúa Giáo luôn có một sự phân biệt rạch ròi giữa anh ta và những người Hồi Giáo; hoặc trong đầu óc một người Châu Á, anh ta luôn thuộc về một tập hợp khác với những người Tây Âu. Sen phát biểu quan điểm, mà tôi rất đồng tình, cho rằng việc dùng những căn tính này để phân biệt các tập hợp người là không cần thiết và có hại. Theo cách nói hình tượng của ông, thì việc này giống như bốc người ta cho vào những cái hộp riêng rẽ.
Quan điểm này của Sen cũng có thể áp dụng cho một loại căn tính khác, đó là khái niệm “dân tộc”. Tôi đặc biệt nhạy cảm với loại phân biệt này từ vài năm nay và luôn cố tránh xa khỏi nó trong suy nghĩ và nhìn nhận các vấn đề. Thật vậy, sự phân biệt này tồn tại như một lối mòn, một định kiến bất di bất dịch, bẻ cong quan điểm của con người trong nhiều trường hợp, nhất là khi họ cần đưa ra một phán xét về các hiện tượng xã hội hay những vận động chính trị. Dưới đây tôi sẽ đưa ra một vài ví dụ.
Ví dụ thứ nhất, cách đây một thời gian ngắn, khi vài nhóm nhạc Pop của Hàn Quốc sang Việt Nam lưu diễn, họ được đám đông người hâm mộ, chủ yếu là những người trẻ ra sân bay đón một cách nồng nhiệt. Ngày hôm sau, báo mạng có đăng một bức hình chụp cảnh một nhóm vài thanh niên trẻ được cho là đang khóc vì vui mừng khi được gặp thần tượng. Ngay lập tức tấm hình này gây xôn xao dư luận trên mạng, phần lớn cười nhạo những thanh niên này. Một nhà thơ nổi tiếng tên là Quân viết một bài thơ thể hiện quan điểm phê phán của ông, trách cứ những thanh niên kia sao quá mê mẫn thần tượng ngoại lai mà quên đi nỗi đau và trách nhiệm với đất nước, với gia đình. Ông lập luận, thông qua bài thơ, rằng tại sao không để dành những giọt nước mắt kia để khóc đất nước, khóc cha khóc mẹ, mà lại đi khóc mừng thần tượng Hàn Quốc. Bài thơ này được phát tán đi rất nhanh, nhận được sự đồng tình lớn từ rất nhiều người trên mạng. Tạm thời bỏ qua cách kết nối thiếu logic của ông nhà thơ khi ông liên hệ giữa sự hâm mộ thần tượng với việc bỏ bê đất nước, gia đình; ta thấy rõ ràng một vết hằn rất sâu trong tư duy của ông này: ông phân biệt rạch ròi về căn tính dân tộc. Ông phẫn nộ là vì ông, có thể vô thức, cho rằng những thanh niên kia là người Việt Nam, và họ không nên hâm mộ những thần tượng Hàn Quốc kia. Sự phân biệt này không nằm trong lập luận của ông nhưng nó là nguyên nhân sâu xa khiến ông đi đến việc ông bất mãn và đưa ra lời phê phán. Đối với những yếu tố khác trong bài thơ, nếu nhạy cảm có thể đoán là chúng được nguỵ tạo ra trong quá trình ông viết.
Qua trường hợp trên, ta thấy tác dụng bẻ cong, làm nhiễu của căn tính dân tộc đối với tư duy của ông nhà thơ. Thay vì nhìn vấn đề một cách toàn cục, tìm hiểu nguyên nhân, hệ quả của hiện tượng văn hoá Pop Hàn Quốc ở các nước châu Á và cả các nước phương Tây trong những năm gần đây, lối mòn của căn tính dân tộc đã khiến ông nhà thơ đi lạc vào một ngõ cụt.
Một ví dụ nữa, cũng cách đây không lâu. Một hoạ sĩ khá nổi tiếng trong lĩnh vực truyện tranh, biếm hoạ và bìa sách có tên là But Chi chia sẻ trên trang Facebook của anh trang web của một cuộc thi làm video clip dành cho du học sinh trong phạm vi một trường đại học nào đó ở một nước phương Tây. Chủ đề của các video là về cuộc sống học tập ở nước ngoài, video nào được nhiều bình chọn hơn sẽ thắng, phần thưởng là một số tiền khá lớn. Trong các video clip dự thi có video của một nữ du học sinh Việt Nam, trong đó cô kể rằng bố của cô ở Việt Nam đang bị bệnh nặng và cô cần một số tiền để bay về nước thăm bố. Video clip này lúc đó đang đứng sau clip đang dẫn đầu của một nam du học sinh người Trung Quốc, không nói về một người bố bị bệnh nào cả. Anh But Chi lúc đó có lời kêu gọi bình chọn thật nhiều cho nữ du học sinh người Việt để cô có thể vượt mặt clip dẫn đầu, chiến thắng cuộc thi. Sau một ngày thì clip của cô gái Việt kia vượt mặt, dẫn đầu danh sách.
Bỏ qua những lời giải thích mang tính bao biện của anh hoạ sĩ, mà theo anh là do triết lý của anh coi trọng hành động và kết quả; người ta dễ dàng thấy rằng cái lý do thật sự của việc làm này là do sự phân biệt về căn tính dân tộc trong tư duy của anh. Sự phân biệt đó khiến anh đồng hoá cô du học sinh kia với mình, khiến anh coi trọng cô hơn những thí sinh khác. Ngay khi nhìn thấy lời kêu gọi của But Chi, tôi đã tự hỏi, giả sử nếu cô du học sinh kia không phải là người Việt Nam thì liệu vấn đề của cô có thể làm động lòng anh đến vậy hay không. Kết quả của cuộc thi đã bị thay đổi một cách không công tâm, khiến video clip của du học sinh người Trung Quốc, vốn phù hợp hơn với chủ đề của cuộc thi bị tụt lại phía sau.
Tôi khó chịu ở chỗ, tầm ảnh hưởng của ông nhà thơ và anh hoạ sĩ trong hai ví dụ trên đối với đám đông là đáng kể, việc làm của họ nhờ đó mà khuếch tán mạnh, gây ra hệ quả lớn hơn nhiều. Nếu khách quan nhìn nhận, có thể thấy căn tính dân tộc, một cách hữu thức hoặc vô thức, có một chỗ đứng vững chắc trong hệ thống luân lí chung của xã hội. Một ví dụ phổ biến đó là câu khẩu hiệu “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam“. Tất nhiên không thể phủ nhận lợi ích của câu này trong việc khuyến khích người dân quan tâm hơn đến các mặt hàng sản xuất trong nước. Thế nhưng nếu ngẫm nghĩ kỹ, ta sẽ thấy việc đưa ra những câu khẩu hiệu như vậy sẽ một cách vô tình làm hằn sâu thêm trong tư duy của người dân sự phân biệt, phân loại chính mình, tách biệt mình ra khỏi các cộng đồng khác.
Căn tính dân tộc đã tồn tại từ rất lâu, gần như là suốt quá trình tiến hoá của xã hội loài người, cho nên cần phải thận trọng nếu muốn phủ nhận nó hoàn toàn. Tuy nhiên, người ta cũng nên ý thức về sự tồn tại và tác động xấu của nó đến khả năng phán xét các vấn đề xã hội hoặc chính trị. Tôi cho rằng việc xem căn tính dân tộc như một giá trị đạo đức cơ bản là rất nguy hiểm. Nó gây ra những phán xét không lành mạnh và làm hạn chế tự do cá nhân của mỗi người trong xã hội.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: