Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

CHUYỆN XƯA – NAY MỚI NÓI – Cánh đồng bất …tài.

Theo Blog Nhật Tuấn

h
Phim “cánh đồng bất tận” chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư là phim ăn khách, hốt bạc. Tuy nhiên, giới cầm bút lại có những nhận định khác với khán giả. Sau đây là ý kiến của một nhà phê bình và một nhà văn nổi tiếng.
XEM PHIM VIỆT : TỪ PHOTOCOPY TỚI PHOTOSHOP
Nhà phê bình:  Nguyễn Thanh Sơn
Có một câu nói rất đúng cho tình cảnh của điện ảnh Việt Nam hiện nay “chúng ta đã có quá nhiều những kẻ thông minh (vặt), thiếu là thiếu những người dũng cảm”!
Đúng vậy, bởi đưa được những giá trị nhân văn trong tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Ngọc Tư lên được màn ảnh rộng rất cần sự dũng cảm. Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư là tiếng thét câm lặng, uất ức của hiện thực về số phận bi thảm của người nông dân miền Tây: bị bần cùng hóa, bị đẩy vào một “cánh đồng bất tận” của nghèo đói, áp bức và sự thờ ơ vô cảm của xã hội. Trên cái nền tương phản của vô tận sông nước và đồng lúa trù phú của miền Tây, những số phận nghèo khổ cứ phải trôi nổi, tưởng có thể tụ vào nhau rồi lại ly tán, để lại cho người đọc dư vị đắng cay của sự bất lực, cho dù ẩn sâu trong nó vẫn mêng mông chan chứa tình người.
Những giá trị đáng trân trọng đó của Cánh đồng bất tận, rất tiếc, đã bị đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình đánh rơi trên con đường “phải đạo hóa” tác phẩm điện ảnh của mình. Xem phim Cánh đồng bất tận, chúng ta mới biết, số phận trôi nổi đắng cay của ba cha con Sương hoàn toàn là một bi kịch cá nhân(!)- vợ Út Võ bỏ ba cha con đi theo một chú Chệt chỉ đơn giản vì những miếng vải đẹp; Út Võ hoàn toàn có thể sống một cuộc sống ổn định, làm một ông lái đò đưa học sinh tới trường nếu ông muốn vậy. Và đám “cường hào mới” ở nông thôn, những kẻ phải chịu trách nhiệm về những đắng cay áp bức mà người nông dân phải gánh chịu trong tác phẩm văn học, lại được bàn tay đạo diễn “linh hoạt” chuyển đổi thành đám lưu manh giang hồ vùng sông nước- ồ, bi kịch của người nông dân miền Tây chỉ xuất phát từ lỗi của chính họ, và hóa ra sự áp bức bất công mà họ phải gánh chịu cũng xuất phát từ những người cùng khổ như họ.
Vo cho tròn sự quyết liệt của tác phẩm văn học, lại thiếu dũng cảm để chọn cho mình một hướng tiếp cận mới cho tác phẩm điện ảnh, không ngạc nhiên khi đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình rất lúng túng khi xử lý góc nhìn của bộ phim. Ban đầu, bộ phim đã có một sự khởi đầu khá tốt khi ống kính được đặt ở góc nhìn của Điền, nhưng ngay sau đó, bộ phim bị kéo lê thê bằng góc nhìn trung tính minh họa cho tác phẩm văn họ. Lẽ ra, nếu bộ phim được kể lại bằng góc nhìn của nhân vật Nương, thì nhân vật cô gái điếm Sương chỉ là nhân vật phụ, là chất xúc tác đẩy tình cảm và xung đột của ba cha con Út Võ lên đến cao trào. Nguyễn Phan Quang Bình đã dành quá nhiều ưu ái cho nhân vật Sương, khiến tuyến nhân vật phụ lấn át tuyến nhân vật chính, nên khi cô Sương ra đi, bộ phim bị mất điểm nhấn, cứ trôi dạt mãi cho tới một cái kết “từ trên trời rơi xuống”.
Là một đạo diễn, Nguyễn Phan Quang Bình phải thừa hiểu, thế mạnh của tác phẩm điện ảnh là hình ảnh và hành động phim, chứ không phải lời thoại của nhân vật (nguyên tắc hàng đầu của điện ảnh “hãy cho họ thấy, đừng thoại!”- Show them, do not tell them). Nhưng anh đã quá lệ thuộc vào lời thoại của tác phẩm văn học mà không chuyển tải được nó bằng điện ảnh. Chi tiết rất hay trong truyện qua lời kể của Nương “từ ngày đó, ba em chỉ gầm gừ và tằng hắng. Chúng em phải nương theo tiếng tằng hắng của ba để đoán ý”…phải được thể hiện trong phim bằng cách Nương/Điền đoán định ý ba qua tiếng tằng hắng ra sao. Nhưng Út Võ không hề gầm gừ hay tằng hắng mà chỉ thấy quát tháo trong phim, cũng không có gì trong phim chứng tỏ Nương và Điền hiểu tiếng tằng hắng hay gầm gừ của cha. Hay để chứng tỏ cuộc sống trôi nổi vô định của gia đình Út Võ, phải có hàng loạt hành động điện ảnh, chứ không phải đơn giản như câu thoại của Nương khi thấy Điền làm hàng rào quanh cây bưởi mới trồng “trồng làm gì để đi xa rồi lại nhớ”- nỗi nhớ, lẽ ra phải được thể hiện bằng hình ảnh, thì lại đơn giản thông qua một câu thoại mùi mẫn. Hay hình ảnh có tính ẩn dụ về cây sống đời mà “mỗi một lá rơi xuống lại đem lại những mầm sống, như tình cảm của chị đối với chúng em, đi xa nhưng vẫn sống mãi”-lại cũng chỉ là một câu thoại hầu như không chút ăn nhập với hình ảnh phim
Chính vì không hiểu (hay không dám hiểu) giá trị nhân văn chính của tác phẩm văn học, trong việc xây dựng tính cách nhân vật, đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình đã đánh mất đi cái đẹp sâu sắc tiềm ẩn trong tính cách của mỗi một số phận trong Cánh đồng bất tận, và điều đó khiến cho dàn diễn viên nổi tiếng của anh có những vai diễn đáng thất vọng nhất trong bộ phim này. Dustin Nguyễn, trong đoạn phỏng vấn để quảng bá cho bộ phim, nhắc đi nhắc lại “ông Võ là người rất xấu…nhưng xem phim, bạn sẽ thấy ông ấy có lý do để làm như vậy…”- Dustin đã nhầm, vấn đề ở đây không phải ở “lý do”, mà bản chất, ông Võ không phải là người xấu. Tại sao dù đau khổ nhưng Nương và Điền vẫn bám theo ba suốt dọc hành trình,vì các em hiểu rằng- dưới lớp vỏ cộc cằn, cay đắng và thậm chí đôi lúc tàn nhẫn là tình thương các con, là một tâm hồn bị tổn thương sâu sắc. Dustin Nguyễn chỉ diễn được chất cộc cằn và tàn nhẫn, và chỉ chạm rất phớt được tầng sâu đó của nhân vật, nên khi anh cố gắng diễn sâu hơn, như khi anh đưa lại chiếc nhẫn cho Nương, hay cảnh kêu trời thống thiết đáng thất vọng của anh ở cuối phim thì cách diễn lại mang đầy tính “kịch” giả tạo. Tạo hình vạm vỡ của anh, cái cách anh ngồi uống rượu, chặt củi hay ân ái với Sương đều rất ít điểm chung với nhân vật nông dân miền Tây mà anh phải thể hiện.
Nhưng thất vọng lớn nhất của bộ phim là Đỗ Thị Hải Yến. Thách thức và áp lực đối với cô ở vai Sương là rõ rệt: hình ảnh một cô gái điếm miền Tây đơn sơ, bị cuộc sống đầy đọa nhưng vẫn mong mỏi yêu thương và được yêu thương, sẵn sàng hi sinh nhưng cũng sẵn sàng rời bỏ khi cảm thấy nhân cách của mình bị xúc phạm… là một vai diễn khó với Hải Yến. Và cô đã không vượt qua được thách thức này. Dù có những cảnh diễn đạt (cảnh đầu tiên của phim, cảnh cô xăng xái tươi cười tràn ngập hạnh phúc xới cơm cho gia đình Út Võ sau đêm ân ái), nhìn chung khán giả không nhìn thấy cô gái điếm miền Tây trong cô. Từ cái giọng bèn bẹt (“ôi chị làm gái ấy mà”), ánh mắt giả tạo (“ba của mấy cưng đẹp trai ghê ta”), trang phục xa lạ (áo trắng tinh) đến hành động tạo hình (nắm bàn tay Út Võ, từ từ ngả người ra sau, những cảnh cô xoa đầu trò chuyện với Điền, Nương) đều thấy rõ sự “diễn” gượng gạo của cô. Nếu không được bù đắp lại bằng sự duyên dáng tươi trẻ của Lan Ngọc (vai Nương), khắc khổ và chân thành của Thanh Hòa (vai Điền), thì diễn viên có thể được coi là thất bại lớn thứ hai của phim Cánh đồng bất tận.
Tính photoshop của Cánh đồng bất tận còn được thể hiện rõ rệt ở hình ảnh và sắp đặt của bộ phim -không phải mầu nâu của đất, màu đen của sình lầy, không phải những giọt mồ hôi hay nếp nhăn của nghèo đói và tuyệt vọng trên khuôn mặt của các nhân vật- mà trong phim vàng rực màu vàng của lúa, màu xanh ngắt của cỏ và màu trắng của những chiếc áo của Nương, của Sương. “Miền Tây của chúng ta lên phim đẹp quá anh nhỉ. Các công ty du lịch thích lắm đó”-Nguyễn Ngọc Tư nói với tôi bằng vẻ tự trào cay đắng của cô. Để “đẹp hóa” bộ phim, đạo diễn Nguyễn Phan Thanh Bình sẵn sàng hi sinh tính trung thực của thực tế, mà cảnh Sương tắm trong đìa sen là một ví dụ điển hình- bất cứ người dân miền Tây nào cũng biết đìa sen với gai góc và bùn lầy là nơi bẩn nhất, là nơi không ai có thể tắm. Hay những hình ảnh sắp đặt của hai cô gái Nương và Sương mặc áo trắng múc từng gáo nước trên thuyền- cảnh quay lẽ ra phải để Sương gợi cho Nương nhớ đến người mẹ mà cô hàng đêm mong nhớ- thì lại trở thành một cảnh quay tạo hình một vẻ đẹp “chẳng để làm gì” giữa trời nước miền Tây.
Với một cốt truyện hay, một dàn diễn viên nổi tiếng, được đầu tư chu đáo, lẽ ra Cánh đồng bất tận hoàn toàn có cơ hội để trở thành một tác phẩm điện ảnh thành công, hơn là chỉ được đánh giá cao về diễn xuất của một vài diễn viên, của hình ảnh đèm đẹp hay âm nhạc mang đậm tính dân tộc/hiện đại của Quốc Trung. Victor Hugo có một câu nói nổi tiếng về sự dũng cảm của người nghệ sĩ „hãy như con chim không e ngại sà xuống cành cây sắp gẫy, cho dù cảm thấy cành cây trĩu xuống, vẫn hát bài ca thường nhật, vì biết rằng mình vẫn còn đôi cánh để nâng đỡ”. Phải chăng vì thiếu đi sự nâng đỡ của đôi cách (tài năng) ấy, mà Cánh đồng bất tận không có được sự dũng cảm của một tác phẩm nghệ thuật đích thực?
———————————————————-
TÔI KHÔNG ĐỨNG VỀ PHE NƯỚC MẮT
Nhà văn Nguyễn Quang Lập
Tôi không đứng về phe nước mắt…
Phim Cánh đồng bất tận bọ đi xem hai lần. Lần đầu cho 6/ 10 điểm. Về uống rượu với một ông nhà văn, một ông nhạc sĩ, một ông tổng biên tập, một ông nhà báo lừng danh, một ông phó tổng giám đốc ngân hàng. Ông nhà văn nói:” Đây là phim đáng xem nhất của điện ảnh Việt Nam trong vòng 35 năm qua.” Ông tổng biên tập nói: “Nó khá hơn phim Vũ khúc con cò chút xíu”. Ông nhạc sĩ nói: ” Tôi mua vé cho cả nhà đi xem, ai cũng khóc sưng mắt. Mắt tôi còn sưng đây này”. Ông phó tổng giám đốc ngân hàng nói: ” Tôi xem phim này hai lần, lần nào cũng chẳng hiểu vì sao ngươì ta khóc cả. Nghe đạo diễn Vũ Ngọc Đãng khóc 5 lần thì thất kinh.” Ông nhà báo lừng danh nói: “Xem xong phim này tôi rút ra bài học rất quan trọng: Để còn bạn còn bè tốt nhất là không nên đi xem phim”. Bọ quyết định đi xem lần hai, lần này cho 4/ 10 điểm, đến khi gặp cái kết phim thì trừ nốt cả bốn điểm đã cho, về viết bài: Cánh đồng bất tài. Nhưng rồi vì bạn vì bè, vì nghề vì ngỗng bọ đã ném bài ni vô sọt rác.
NQL
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: