Nền kinh tế thị trường - định hướng XHCN không phải là khẩu hiệu hay tấm bảng lấp lánh, thì đơn giản cùng với sự phát triển là sự hài hòa quyền lợi của người lao động. Trong những quyền trước mắt, hàng ngày là: Tiền công đủ sống và xây dựng gia đình, nuôi được con cái và khi hết tuổi lao động có đồng lương hưu đủ để di dưỡng tuổi già. BHXH bắt buộc hay tự nguyện chính là con lợn đất của mỗi người lao động tự lo cho tương lai lúc xế chiều của mình - thông qua tổ chức BHXH do pháp luật quy định.
Nhưng thực tế, các ông chủ, bà chủ lại chính là thủ phạm để lợn đói, chây ì hay không muốn nộp đủ BHXH “hộ” cho người lao động. Không nộp BHXH sẽ làm lợn gầy, thậm chí nguy cơ vỡ quỹ như hiện nay, đe dọa đến lương hưu. Không phải người về hưu nào cũng còn sức và có điều kiện làm thêm để có thu nhập đủ sống lúc về già. Ốm đau là chính!
TPHCM đang nổi lên “phong trào” BHXH kiện các đơn vị chưa đóng BHXH cho người lao động. Đến nay đã khởi kiện 1.124 bị cáo nợ tiền "lợn đất" của người lao động. Số nợ BHXH mấy năm nay ở thành phố này lên tới 1.000 tỉ đồng, đã thu hồi được 632 tỉ đồng. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 10 vừa qua, nợ đọng BHXH và BHYT, BH thất nghiệp vẫn còn gần 2.170 tỉ đồng.
Khi vào APEC, chúng ta chưa có con số so sánh nợ BHXH của APEC có nước nào “khủng” như Việt Nam. Có nước nào nguy cơ vỡ quỹ. Đó là nói người lao động doanh nghiệp. Chưa nói đến gần 70% dân số là nông dân không có con lợn đất nào. Cũng không phải ở đâu cũng có ông lão hành khất lại dành dụm được mấy chục cây vàng để kẻ cướp phải đến hỏi thăm.
Đại biểu công đoàn Việt Nam "nổ phát súng" đầu tiên đòi bằng mọi giá phải tăng lương cho người lao động năm 2015. Chúng ta đã thành công. Nhìn về tầm xa sao chỉ có TPHCM đang dùng pháp luật đòi tiền tương lai cho người lao động nhỉ? Hay nhất là CBCNVC và công đoàn cả nước đi “nuôi lợn” (đòi nợ) cho chính mình, một việc làm thiết thực nhất hiện nay!