Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

Đây có phải cách chúng ta làm văn hóa?

Lê Uyên 


TNO - Chuyện đạo nhạc của Sơn Tùng, nghi án gian lận tuổi của Công Phượng đang là tâm điểm của dư luận xã hội. Hai tên tuổi này đều còn rất trẻ, cùng có tài và nhận được nhiều yêu mến từ người dân. Nhưng câu chuyện của họ lại đang làm tổn thương mọi người theo một cách khác.

Tôi, một người lớn tuổi, đã từng nghe ca khúc “Chắc ai đó sẽ về” của Sơn Tùng và cũng như bao bạn trẻ khác, tôi rất thích giai điệu ngọt ngào của nó cũng như lời bài hát đã thể hiện đúng tâm trạng thực của con người khi yêu và không được yêu… Lượng truy cập khổng lồ bài hát cho thấy sức lan tỏa ghê gớm của nó và không khỏi khiến nhiều nhạc sĩ tên tuổi cũng phải chạnh lòng.

Ngoài đời, chàng thanh niên 20 tuổi Sơn Tùng cũng như đa phần giới trẻ hiện nay rất mê phong cánh Hàn Quốc. Vì thế, từ gu ăn mặc cho tới các sản phẩm âm nhạc của cậu bé này đều ảnh hưởng nặng nề từ các nghệ sỹ xứ Kim Chi. Tôi không bàn về việc em có đạo nhạc Hàn hay không, nhưng rõ ràng, những sản phẩm âm nhạc của em đều rất Hàn và chúng được giới trẻ nhiệt liệt hưởng ứng. Em có tài đã đành nhưng em đang đáp ứng được thị hiếu âm nhạc của giới trẻ chăng, điều này đáng mừng hay đáng lo cho nền âm nhạc nhước nhà?

Tuy nhiên, khi thấy người ta đem ca khúc “Chắc ai đó sẽ về” ra mổ xẻ một cách hào hứng lại không khỏi tự hỏi lòng: Tại sao chúng ta đến nông nỗi này?

Rồi cậu bé Nguyễn Công Phượng, một trong những cây măng đẹp đẽ và khỏe khoắn của nền bóng đá ốm yếu nước nhà cũng bị một số cơ quan báo chí háo hức lôi ra mổ xẻ về tuổi tác. Ngạc nhiên là đài truyền hình quốc gia, “ông khổng lồ” trong giới truyền thông trong nước đã xắn tay vào cuộc một cách quyết liệt và cay cú. Họ làm phóng sự điều tra cứ như đang muốn thực thi công lý để lôi ra trước ánh sáng một kẻ tội đồ, bất cần đến việc làm của mình đang vi phạm luật pháp cũng như đạo đức. Một cơ quan truyền bá văn hóa nhưng lại hành xử như thế thử hỏi họ có thể định hướng văn hóa cho ai?

Nhìn cảnh người ta đối xử với hai đứa trẻ ấy mà không khỏi ngạc nhiên: Người lớn đang làm gì vậy? Họ đang đấu tranh cho công lý, cho sự trong sạch của xã hội này ư? Ngay cả khi Sơn Tùng đạo nhạc và Công Phượng gian lận tuổi thì cái cách mà chúng ta đang “dạy dỗ” con em kiểu này chắc không có trong lịch sử giáo dục con người ở nước ta. Bởi nó mang tính triệt tiêu chứ không phải giáo dục. Nó không giúp ích gì trong việc định hướng những tài năng ấy biết phát tiết thế nào cho xứng đáng. Nó đang kéo cả xã hội này vào những chuyện vô bổ tầm thường.
Đây có phải là cách mà chúng ta đang làm văn hóa?

Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã nhận định: “So với những thành tựu trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng; chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh”.

Thực ra, trước Nghị quyết 33, TW Đảng đã nhiều lần vạch ra định hướng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong từng giai đoạn. Lạ là dù đã tốn rất nhiều tiền bạc cho việc này nhưng các giá trị văn hóa truyền thống tiếp tục mai một, sa sút trong khi chưa định hình được một phong cách văn hóa mới vừa hiện đại, vừa đậm đà bản sắc dân tộc. Cả một lớp trẻ lạc lối trong rừng văn hóa ngoại lai vì thiếu trầm trọng nền tảng riêng. Những thói hư tật xấu của người lớn, căn nguyên sự ì ạch của nền kinh tế, xã hội nước nhà, không được pháp luật điều chỉnh đúng mức và kịp thời đã trở thành gương xấu cho người trẻ.

Làm văn hóa không phải chỉ là việc xây dựng các trung tâm văn hóa, các nhà hát, hay đơn thuần là cố gắng đưa một số hạng mục văn hóa vào danh sách di sản văn hóa của nhân loại hay của quốc gia… Quan trọng là những người làm văn hóa nước nhà chưa đưa ra được một chiến lược văn hóa giá trị và có tính khả thi để giúp mỗi người dân Việt thấm nhuần và trân trọng nền văn hóa dân tộc; để văn hóa Việt không chỉ mang giá trị nội tại mà còn có tầm ảnh hưởng ra các nước khác. Khi chúng ta thiếu khuyết điều này thì những giá trị ngoại lai và thứ văn hóa thực dụng lập tức có điều kiện xâm nhập, làm chủ.

Đừng vội trách giới trẻ sao sống quá thực dụng, sao cứ thần tượng, mê mẩn văn hóa Hàn bỏ rơi văn hóa Việt. Lỗi ở đây có lẽ do văn hóa Hàn quốc độc đáo quá mà thôi. Sự độc đáo đó chính là bản sắc riêng của họ, thứ mà ta đang có nhưng không biết gìn giữ, phát huy.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: