Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

Việt Nam và quan hệ nhiều mặt trong tranh chấp Biển Đông


Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)

Trong một biểu hiện rõ nét của đường lối đối ngoại đa phương, Thủ Tướng Việt Nam Nguyển Tấn Dũng qua thăm chính thức Ấn Độ, vào lúc Ủy Viên Quốc Vụ Viện Dương Khiết Trì - tới Hà Nội họp bàn về đề mục “kiểm soát tốt bất đồng trên biển” giữa Việt Nam – Trung Quốc.
Thủ Tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại New Delhi. (Hình: Press Trust of India)

Tham dự cuộc họp lần thứ 7 của “Ban chỉ đạo hợp tác song phương” với ông Dương Khiết Trì  là Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh. Sự vắng mặt của ông Dũng, một trong ba lãnh đạo cao cấp nhất của chính quyền Việt Nam và là người vẫn thường công khai đả kích Trung Quốc
về tranh chấp ở Biển Đông có thể khiến người ta chú ý. Tuy nhiên có lẽ sẽ là vội vã nếu suy luận rằng trong ban lãnh đạo Việt Nam có sự chia rẽ bất đồng quan điểm trong chính sách với Trung Quốc vì ở một vị trí và hoàn cảnh tế nhị, phương cách đối phó không thể là đơn giản mà phải bao gồm nhiều góc cạnh  trong  một tổng thể đa diện.

Người ta nhớ rằng hồi tháng 8, Việt Nam đã cử một nhân vật cao cấp trong đảng Cộng Sản đi Bắc Kinh để thúc đầy “mối quan hệ lành mạnh” giữa hai đảng trong khi Việt Nam đón tiếp một phái đoàn cao cấp Ấn Độ đến Hà Nội. Cùng thời điểm này cuộc thương lượng với Hoa Kỳ về vấn đề phát triển nguyên tử phục vụ hòa bình  đã kéo dài hàng năm trời được chung quyết trong vòng hai ngày để ký kết thỏa thuận vào dịp tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Martin Dempsey lần đầu tiên tới thăm Việt Nam.
Tất cả những sự trùng hợp đó không thể coi là ngẫu nhiên và chuyến công du của Thủ Tướng Dũng mà người ta tin rằng sẽ có những thỏa thuận quan trọng với Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh quan hệ căng thẳng Việt Nam - Trung Quốc đang lắng dịu, ít nhất là nhất thời và trên bề mặt. Thêm nữa, trước hội nghị APEC tại Bắc Kinh vào tuần tới, chắc chắn Trung Quốc cũng sẽ tránh bất cứ hành động gì gây ấn tượng không tốt cho họ.
Ấn Độ là quốc gia lớn thứ nhì ở châu Á về dân số cũng như trên tất cả các lãnh vực xã hội, văn hóa, kinh tế, quân sự. Từ lịch sử hàng ngàn năm, khu vực bán đảo Đông Dương đã là điểm giao lưu của hai thế lực Ấn Độ – Trung Hoa. Đối với Việt Nam, Ấn Độ và Nga là hai nước lớn duy nhất trên thế giới chưa bao giờ xảy ra xung đột quân sự,  mối quan hệ hòa bình tốt đẹp được duy trì liên tục suốt mấy chục năm gần đây trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam.
Để Việt Nam thoát khỏi quỹ đạo Trung Quốc, phát triển quan hệ với Ấn Độ là căn bản, có những yếu tố và điều kiện thuận lợi bảo đảm hơn nhiều ngay cả so với Hoa Kỳ. Mặt khác, người ta hiểu rằng trong chính sách “chuyển trục về châu Á”, Hoa Kỳ không muốn phải trực tiếp ngầm can dự trong mọi hành động và ngầm tán trợ việc tăng cường quan hệ quân sự Việt Nam – Ấn Độ. Nếu Việt Nam luôn luôn bị đe dọa vì tham vọng bành trướng của Trung Quốc thì Ấn Độ cũng có những va chạm kéo dài từ lâu với Trung Quốc về vấn đề biên giới.
Ngay trước chuyến thăm viếng Ấn Độ 3 ngày của Chủ Tịch Tập Cận Bình hồi tháng 9, Tổng Thống Pranab Mukherjee công du chính thức đến Việt Nam. Trong dịp này Tổng Thống Ấn Độ và Chủ Tịch Nhà Nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã đưa ra một bản tuyên cáo chung trong đó có một điểm khiến Bắc Kinh vô cùng bất bình là để cập đến vấn đề Biển Đông. Ấn Độ và Việt Nam kêu gọi sự tôn trọng tự do giao thông hàng hải, giải quyết tranh chấp theo phương hướng của tuyên bố về Phương Cách Ứng Xử Chung năm 2002 và tiến tới một Quy Tắc Ứng Xử Chung trên Biển Đông.
Bắng một hành động ít thấy của các nhà lãnh đạo Cộng Sản, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thăm viếng chính thức hai ngày 27-28 tháng 10 tại Ấn Độ có bà vợ Trần Thanh Kiệm tháp tùng. Nơi đầu tiên hai người đặt chân đến, có ý nghĩa tượng trưng đáng kể,  là thành phố Bodh Gaya (Bồ Đề đạo tràng), nơi Đức Phật thành đạo và là trung tâm hành hương, địa điểm du lịch nổi tiếng ở tiểu bang Bihar. Ông Dũng đã đề nghị hai nước phối hợp nghiên cứu để sớm mở đường bay thẳng giữa Sài Gòn  và Bodh Gaya, cấp visa trực tiếp cho công dân Việt Nam tại cửa khẩu này, tạo điều kiện thuận lợi cho các tăng ni Phật Tử tu hành và du khách đến thánh địa, đồng thời với những trao đổi kinh doanh, hợp tác, đầu tư.
Nhưng thật ra những thỏa thuận quan trọng nhất mà hai nước ký kết trong cuộc thăm viếng Ấn Độ của thủ Tướng Việt Nam là về các vấn đề hợp tá quân sự, mua bán vũ khí, huấn luyện quân đội,  khai thác dầu khí  và gia tăng hoạt động  của hải quân Ấn Độ ở Biển Đông.
Hôm Thứ Ba tại New Delhi, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ Tướng Narendra Modi đã ký kết một loạt văn kiện về những thỏa thuận này. Ấn Độ sẽ cung cấp cho Việt Nam 4 tàu tuần tra  để tăng cường khả năng phòng vệ biển, trong khuôn khổ $100 triệu tín dụng đã được đồng ý trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng Thống Pranab Mukherjee tháng trước. Theo lời các giới chức quốc phòng Ấn Độ, các tàu tuần tra viễn duyên này có thể thi hành hai nhiệm vụ chống hải tặc và phòng thủ quân sự.
Ấn Độ và Việt Nam là hai quốc gia mua và hợp tác sản xuất nhiều loại vũ khí của Nga từ trọng pháo tới hỏa tiễn, chiến hạm và phi cơ. Ấn Độ sẽ trợ giúp Việt Nam trong việc huấn luyện phi công máy bay chiến đấu Sukhoi Su-32 và tàu ngầm Kilo.
Trung Quốc tất nhiên khó chịu với hợp tác quân sự Việt Nam – Ấn Độ. Tuy nhiên ngay sau khi những thỏa hiệp được hai bên ký kết, lời phản đối công khai đầu tiên được đưa ra là về vấn đề Biển Đông. Phát ngôn viên bộ ngoại giao Hồng Lỗi tuyên bố tại Bắc Kinh hôm Thứ Ba, nhắc lại lập trường của Trung Quốc rằng những tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết trực tiếp bằng trao đổi và thương lượng giữa hai bên trực tiếp liên hệ không có sự can dự từ bên ngoài. Trung Quốc vẫn né tránh không chịu thảo luận đa phương với các nước trong khu vực dưới danh nghĩa ASEAN và vẫn khẳng quyết là Ấn Độ không phải là quốc gia có liên hệ quyền lợi đến Biển Đông.
Trung Quốc cũng mạnh mẽ phản đối việc Thủ Tướng Dũng chấp thuận để Ấn Độ thăm dò khai thác thêm 5 lô dầu khí mà theo họ là nằm trong khu vực “Đường 9 Đoạn” (Lưỡi Bò) thuộc chủ quyền của họ. Công ty dầu khí Ấn Độ ONGC Videsh Limited đã chấp thuận 3 lô căn cứ theo khả năng kỹ thuật khả thi  và cho biết sẽ nghiên cứu thêm những lô kia.
Tổng Thống Mukherjee bác bỏ những lời phản đối của Trung Quốc, nói rằng ONGC đã thăm dò khai thác ở Biển Đông từ 1998 và “đây là hoạt động thương mại không có góc cạnh chính trị gì để phải tranh luận trong đó”.
Đồng thời với thỏa thuận Dương Khiết Trì – Phạm Bình Minh trong cuộc thảo luận của “Ban chỉ đạo hợp tác song phương” tại Hà Nội hôm Thứ Hai về “Kế Hoạch Thực Thi Hợp Tác Chiến Lược Trung Quốc-Việt Nam”, những thỏa thuận ký kết giữa Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng với Thủ Tướng Narendra Modi tại New Delhi hôm Thứ Ba được công bố trong một tuyên ngôn chung nói rằng “Hợp tác chặt chẽ giữa Ấn Độ - Việt Nam là thiết yếu cho hòa bình ổn định cho hai nước và khu vực Đông Nam Á”. 


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: