Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

Vây hết đường rùi, bàn cái gì đây???

Cờ vây...


Cờ Vây (tiếng Hán gọi là "Vi Kỳ") là loại cờ cổ, theo các nghiên cứ thì nó ra đời cách nay khoảng hơn 4000 năm. Tương truyền, môn cờ này bắt đầu từ giấc mơ của vua Nghiêu về việc xem chơi cờ giữa Hoàng Đế (người mở đầu thời Ngũ Đế) với vị tiên Dung Thành, nhà vua bèn thỉnh cầu tiên Dung Thành thỉnh truyền lại môn cờ cho mình. Khi vua Nghiêu tỉnh lại, nhà vua ngẫm ra thấy môn cờ hay quá mà tìm cách nhớ lại rồi lập ra các quy tắc, luật lệ và sáng tạo thành môn Cờ Vây.

Khác với Cờ Tướng, Cờ Vây có mục đích duy nhất là chiếm được nhiều "đất đai", càng rộng càng tốt. Mục tiêu bắt quân của đối phương cũng cần nhưng chỉ là thứ yếu. Thế trận trên bàn cờ luôn biến hoá khôn lường với các đám quân và "vùng đất". Cao thủ chơi Cờ Vây thường tính trước nhiều nước không chỉ cho một nhóm quân mà có thể cả chục nhóm quân nằm đan xen phức tạp trên bàn cờ. Vì vậy, cờ vây còn được nhìn nhận không phải là một kiểu chiến trường đánh phá, tiêu diệt mà như một dạng thức tư duy kiến thiết, xây dựng, khai phá, mở rộng phạm vi. Môn cờ này rất phổ biến tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản hàng ngàn năm qua, nay được Phương Tây đam mê không kém. Emmanuel Lasker - một cao thủ Cờ Vây từng nói: 

"Cờ Vua chỉ hạn chế cho nhân loại sống trên Trái Đất, trong khi Cờ Vây vượt khỏi thế giới này. Nếu một hành tinh nào có những sinh vật biết lý luận thì ở đó họ phải biết đánh Cờ Vây."

Tuy Emmanuel nói hơi quá, nhưng quả thật Cờ Vây là tuyệt đỉnh của mọi môn cờ, nó giúp người chơi nâng cao tư duy, lý luận và cả nhiều phẩm chất cần có trong đời thường. Cũng vì vậy mà cổ nhân có câu:

"Vi Kỳ dị học nan tinh" 

(Cờ Vây dễ học nhưng khó giỏi)

Âu Dương Tu thời nhà Tống thậm chí còn viết trong "Tân Ngũ Đại Sử":

"Việc trị nước cũng không khác gì đánh Cờ Vây, biết cách dùng, biết cách đặt cho đúng chỗ thì thắng, không biết cách dùng, cách đặt thì thua."

Nói dông nói dài, thực ra tôi chỉ muốn chia sẻ tâm ý của mình rằng:

"Hạnh phúc đời người cũng như một bàn Cờ Vây vậy. Biết cách dùng, biết cách đặt yêu thương cho đúng chỗ thì sẽ viên mãn, không biết cách dùng, cách đặt thì tuyệt vọng bế tắc trọn kiếp mà thôi. Hạnh phúc chỉ trọn vẹn khi người ta mở rộng phạm vi yêu thương càng lớn càng tốt, kiến thiết lòng từ ái cho nhau, chứ không phải nghĩ cách tiêu diệt hay đánh phá nhau nhau để có hạnh phúc. Lẽ dĩ nhiên, hạnh phúc không bao giờ tồn tại trên tay người không có chút tư duy lý luận nào, bởi giá trị của nó hình như không lệ thuộc vào sự tồn tại của địa cầu này lẫn tinh tú nọ."

Tôi vốn không ưa bất kỳ sự ấu trĩ nào trong hạnh phúc, lại càng không ưa cách người ta đánh phá hay trấn áp nhau để giành hoặc duy trì hạnh phúc. Trắc ẩn đến mấy, tử tế đến đâu cũng tuyệt không nên tin đó là yêu thương.

Luật đánh Cờ Vây cho phép người này nhường nước đi cho người khác nếu họ thấy bất lợi, thấy không cần thiết. Nhường bao nhiêu nước đều do người chơi quyết định, hai người có thể dừng ván cờ bất kỳ lúc nào nếu đồng thuận.

Có lẽ hạnh phúc cũng vậy, sự nhường nhịn đúng đắn luôn mang giá trị vô hình của nó, khi muốn dừng sao lại không đồng thuận một phen cho "gió yên, biển lặng", hà tất phải hơn thua nhau giữa cõi vô thường hay tuyệt tình lạnh nhạt buổi ly tan.

"Vi Kỳ nhàn đắc địa,
Đối tửu tuý vi hương."

(Cờ Vây, nhàn là đắc địa,
Uống rượu, say là quê nhà.)

Thương yêu, hạnh phúc trong bình an là viên tịnh. Phu thê phụ tử, tri kỷ tâm giao nào khác chốn đi về. 

Sống làm người được viên tịnh trên những lối đi về chẳng khác nào đã hoàn tất một kiến trúc diễm lệ cho hạnh phúc của mình tựa bậc cao thủ Vi Kỳ đó sao?

Nhưng hạnh phúc rất giống Cờ Vây một điểm đó là:

"Vi kì dị học nan tinh"



An Nguyên

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: