Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

Tham khảo một bài của Vô Ưu:

Chính trị - cội nguồn và thực tại


Nguyên gốc của chính trị chỉ là một vài người có hiểu biết được cộng đồng người nhờ cậy việc phân xử những tranh cãi vụn vặt trong đời sống hàng ngày của loài người thời sơ khai. Việc chọn lựa người phân xử ban đầu có phần khách quan chỉ cần người phân xử có sự hiểu biết nhất định, được nhiều người coi trọng, thường là những người cao tuổi trong cộng đồng. Những người được tín nhiệm làm việc với tinh thần khách quan và vô điều kiện.
Họ làm việc có ích cho cộng đồng nên thi thoảng họ cũng nhận được những món quà từ cộng đồng và những người có chuyện nhờ họ can thiệp. Cộng đồng người ngày càng đông đúc và phát sinh ra nhiều vấn đề phức tạp khiến cho việc cần thiết phải có một nhóm người với số lượng nhiều hơn để giải quyết tốt mọi việc tranh chấp  ra trong cộng đồng. Cộng đồng người tiến hành gom góp, trích một khoản tài sản, của cải chung nhằm duy trì sự hoạt động liên tục của nhóm người được phân công phục vụ những việc phát sinh trong cộng đồng người.
Nhóm người này là những người nhanh nhạy trong cộng đồng người, một số được những người lớn tuổi trong làng chỉ định, số khác được mọi người đề cử. Lúc bấy giờ, sự xây dựng nhóm người trên đã có tính chủ quan của con người. Dần dần, cộng đồng người nhờ sự tổ chức, sắp xếp của nhóm người đó mà phát triển lớn mạnh. Nhóm người trên cũng dần nhận rõ vai trò và giá trị của mình. Họ bắt đầu can thiệp nhiều hơn đến những vấn đề khác như việc sản xuất, phân chia sản phẩm làm ra, xây dựng công quỹ, xây dựng lực lượng bảo vệ,… tạo thành một tổ chức quyền lực ngày thêm hoàn chỉnh, thâu tóm quyền hành. Đó là quá trình ra đời, hình thành và phát triển của hệ thống chính trị sơ khai.
Xã hội phát triển dần lên xã hội chiếm hữu nô lệ, xã hội phong kiến, hệ thống chính trị lúc bấy giờ đã hoàn chỉnh. Giới chính trị phong kiến tiến hành tranh giành quyền lực, thâu tóm đặc quyền, đặc lợi với các thành phần khác trong xã hội. Lòng tham con người là không có giới hạn, giới chính trị nghĩ đến việc cướp đoạt tài sản, tiền của các quốc gia lân cận. Nhằm thỏa mãn lòng tham cá nhân, giới chính trị tiến hành xây dựng quân đội, sản xuất trang bị vũ khí và việc xâm lấn, cướp bóc những vùng đất, lãnh thổ khác được tiến hành. Chiến tranh, thù hận đã được con người tạo ra. Nhằm đảm bảo vị trí thống trị, giới chính trị phong kiến đã áp đặt hệ tư tưởng trung quân ái quốc vào mọi tầng lớp, mọi thành phần trong xã hội. Tuy nhiên, lòng tham của giới cầm quyền phong kiến đã vượt giới hạn. Tài sản, của cải xã hội làm ra bị nhà cầm quyền trưng dụng, chiếm giữ phục vụ cho nhu cầu cá nhân, ăn chơi trụy lạc, hoang phí,… Nhà cầm quyền phong kiến chỉ lo thu gom, tích lũy quyền lợi cá nhân, không còn chăm lo xã hội, bỏ mặt người dân sống trong đói khổ, loạn lạc, khốn cùng,… Người dân bất mãn giai cấp thống trị tự tư, tự lợi đã tiến hành những cuộc đấu tranh, phản kháng lật đổ triều đình thay nhà cầm quyền mới.  Các triều đại mới ban đầu cũng chăm lo cho đời sống người dân được lòng dân ủng hộ. Kinh tế, chính trị, xã hội đi vào ổn định và phát triển cực thịnh. Tư dục con người lại tiếp tục đẩy con người vào chiến tranh, tranh đoạt. Giới phong kiến lại quên bỏ người dân. Lại đấu tranh lật đổ chính quyền.
Sau vô số cuộc đấu tranh, chiến tranh đẫm máu, con người ý thức nhận định lại vấn đề. Chế độ quân chủ - Quyền lực tập trung vào tay những ông vua chỉ sau một thời gian chăm lo cho dân thì lại đi vào “Vết xe đổ”. Vì tư dục cá nhân, gia đình, hoàng tộc và giai cấp chẳng mấy chốc của cải xã hội lại bị sử dụng sai một đích, chỉ đem lại lợi ích cho một nhóm người, làm giàu cho giới thống thống trị, người dân bị rơi vào khốn khó. Những cuộc đấu tranh nổ ra, máu và nước mắt người đổ xuống. Thế nên, họ xây dựng một thể chế chính trị mới - Chế độ dân chủ.
Tuy nhiên, xã hội cần có người lãnh đạo, người dân tiến hành bầu cử những người họ tín nhiệm lên làm chính quyền. Chủ nghĩa tư bản, xã hội chủ nghĩa được xây dựng trên nền tảng dân chủ. Nhưng lòng tham con người chưa từng ngừng dứt, nguồn vật chất sản xuất trong nước không đáp ứng được lòng tham của giới cầm quyền. Chủ nghĩa tư bản chuyển thể thành chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa phát xít, tiến hành bành trướng lãnh thổ, xâm lược xây dựng hệ thống các nước thuộc địa, cướp đoạt tài sản mang về phục vụ cho chính quốc. Nhưng trên thực tế lượng vật chất, tài sản cướp về chủ yếu phục vụ cho giới cầm quyền và phục vụ cho chiến tranh. Lòng tham của giới chính trị đã tạo ra chiến tranh tắm máu nhân loại và cả người dân, dân tộc họ. Sự trơ tráo của giới chính trị được che đậy tinh vi bằng những lời lẽ gây ngộ nhận với tinh thần dân tộc, lòng yêu nước,... Họ đẩy người dân đến trước mũi súng của kẻ thù, để rồi kích động, leo thang chiến tranh. Người dân sẽ chết vì giới chính trị nhưng sẽ không có điều ngược lại.
Tôi muốn nói điều gì?
Người dân có thể vì giới chính trị mà chết nhưng sẽ khó có chuyện giới chính trị vì người dân mà chết. Những quốc gia đang tranh chấp, xung đột và cả những quốc gia đang có sự tranh chấp quyền lực giữa các đảng phái,... Trong khi người dân vì họ mà bị chết thì họ vẫn bình yên. Nếu tình hình vượt mức kiểm soát, họ sẽ lẩn trốn, sống lưu vong chứ không thể vì người dân mà nhượng bộ.
Dù là thể chế chính trị nào đi chăng nữa thì quyết định cho sự phát triển ổn định của xã hội vẫn chỉ là yếu tố con người. Chế độ phong kiến, chủ nghĩa tư bản, xã hội chủ nghĩa,… cũng đã từng xây dựng được những thời hoàng kim trên nhiều quốc gia, trong nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau, vẫn đảm bảo được xã hội phát triển cực thịnh, người dân no ấm, cuộc sống thái bình.
Thế nên quyết định cho một xã hội công bằng, tiến bộ, hạnh phúc là yếu tố con người. Đặt biệt là vai trò người đứng đầu thể chế chính trị. Một phần khác tác động không nhỏ đến sự ổn định xã hội là tư dục của các thành phần khác nhau trong xã hội. Khi sự ích kỷ len vào tất cả các thành phần xã hội thì điều này đồng nghĩa với việc xã hội sẽ đại loạn.
Thể chế dân chủ và thể chế quân chủ thì có gì khác biệt?
Quyền lực vẫn tập trung trong tay một số người. Thế nên điều quan trọng là ở số người đó có ý thức, nhận thức gì về xã hội, tư tưởng họ hướng về người dân hay về thành phần, vị trí mà họ đang nắm giữ,…
Thể chế dân chủ đề cao vai trò của người dân trong xã hội?
Liệu người dân các nước trong khối NATO có nhận biết rõ nguyên nhân mà NATO không kích tấn công Lybia?
Nếu phần lớn câu trả lời là không thì vai trò, vị trí của họ thể hiện ở đâu?
Thực tế, người dân sau khi giao quyền lực chính trị cho một nhóm người thì gần như không còn tiếng nói, đánh mất luôn vai trò trung tâm của xã hội. Nhưng lại là thành phần gánh nhận mọi hậu quả mà giới chính trị gây ra. Nếu nhân loại cứ xây dựng chính trị theo lối “Lấy ngọn bỏ gốc” thì có lẽ xã hội loài người khó có thể đạt được mục tiêu công bằng, tiến bộ và văn minh. Bởi vì xã hội loài người sẽ như là một dòng sông gồm có con nước ròng và con nước lớn. Con người sẽ ngụp lặn trong dòng sông với được mất, hơn thua, vui buồn, hạnh phúc và đau khổ,… và sẽ có số ít người làm người giữ đạo, lặng yên, đứng trên bờ sông nhìn thế sự đảo điên.
Cụ thể hơn là chế độ chính trị này phát triển cực thịnh, tư dục của giới chính trị và các thành phần khác trong xã hội vượt giới hạn; Chế độ chính trị mới ra đời phủ nhận chế độ chính trị cũ không còn hợp thời và kèm theo là máu và nước mắt của nhân loại. Chế độ chính trị mới góp phần xây dựng xã hội phát triển rồi đi vào “Vết xe đổ” - Lòng tham con người. Lại bị phủ định bởi chế độ chính trị khác cùng với những mất mát, đau thương cho nhân loại. Nhưng trên thực tế chế độ chính trị khác cũng chỉ là chế độ chính trị trước đó đã được con người thay đổi cho phù hợp với tình hình mới.
Những cuộc phủ định, xóa bỏ, triệt tiêu lẫn nhau sẽ mãi còn tiếp diễn nếu nhân loại không thay đổi quan điểm, góc nhìn. Cứ mãi “Lấy ngọn bỏ gốc”.
Có lẽ mỗi người trong xã hội nên nhìn nhận lại vai trò, vị trí của bản thân trong công cuộc xây dựng một xã hội văn minh, công bằng và tiến bộ. Đừng quá ích kỷ, cá nhân đặt mình ra khỏi xã hội nhằm xây dựng cuộc sống chung tốt đẹp và hoàn thiện. Đây cũng là lời giải, giải pháp hữu hiệu cho việc khắc phục khủng hoảng nợ công đã, đang và sẽ lan nhanh, lan rộng ở các nước Châu Âu và khắp thế giới.
Giới chính trị nên chăng nâng tầm vị trí, vai trò con người trong các thành phần xã hội bằng việc thu hẹp tầm ảnh hưởng, tạo điều kiện lành mạnh cho các thành phần xã hội tự phát triển,… Chính trị chuyển sang tầm quản lý cao hơn. Có lẽ sự chuyển biến này sẽ giúp xã hội phát triển theo hướng công bằng, tiến bộ và bền vững hơn. Nhưng mọi việc sẽ theo một tiến trình từng bước, thận trọng, khách quan và việc cần làm trước tiên là giúp con người nhận thức, ý thức được vai trò, vị trí của họ trong cuộc sống.
Nhằm đơn giản vấn đề, tôi sẽ chuyển vấn đề chính trị xã hội phức tạp sang việc quản lý gia đình đơn giản hơn nhưng thật ra về bản chất của hai vấn đề trên là không hề sai khác cũng gồm có nhiều mối quan hệ đan xen, việc đối nội, đối ngoại,… nhưng tôi chỉ trình bày vấn đề quản lý gia đình.
Đây là một gia đình 2 thế hệ, tất cả các thành viên đều đã trưởng thành. Việc quản lý gia đình này có rất nhiều cách, tùy thuộc vào tầm nhìn của người chủ gia đình. Tôi chỉ trình bày hai cách quản lý tiêu biểu.
Nếu tầm nhìn của người chủ gia đình hạn hẹp, cứng nhắc, chủ quan,… thì họ sẽ can thiệp, sắp xếp,… vào phần lớn công việc của các thành viên trong gia đình. Việc làm này thật nguy hại vì các thành viên trong gia đình sẽ bị lệ thuộc, đánh mất dần khả năng sáng tạo và tính tự lập. Nếu người chủ gia đình đột ngột chết thì những thành viên trong gia đình mất phương hướng và việc tranh giành vai trò quyền làm chủ gia đình sẽ xảy ra nhưng thật sự cũng không có thành viên nào rành rẽ việc lãnh đạo.
Trường hợp người chủ gia đình phạm những sai lầm nghiêm trọng mà những thành viên khác không có khả năng can ngăn thì mọi việc sẽ trở nên tồi tệ.
Trường hợp người chủ gia đình mải mê bộc lộ vai trò lãnh đạo, ép ngặt những thành viên trong gia đình thái quá thì việc xung đột ly tán sẽ phá hỏng gia đình. Người chủ gia đình sẽ phải chịu trách nhiệm về sự đổ vỡ đó khiến cho người chủ gia đình lẫn gia đình thêm nặng nề, ngột ngạt,...
Tóm lại, việc can thiệp quá nhiều vào công việc của các thành viên trong gia đình sẽ khiến người chủ gia đình căng thẳng, mệt mỏi còn những thành viên trong gia đình cũng sẽ không thoải mái, mất tự chủ và sẽ tìm mọi phương cách qua mặt người chủ gia đình để giành lấy những tự do, lợi ích riêng tư. Có lẽ đây không phải là cách thông minh để quản lý một gia đình hạnh phúc, bền vững.
Nếu người chủ gia đình có tầm nhìn rộng, khách quan,… Người chủ gia đình sẽ không can thiệp sâu vào công việc, thậm chí ông còn tạo điều kiện cho các thành viên phát triển năng lực, công việc. Ông vẫn tìm hiểu để nhận biết việc làm của các thành viên có phù hợp hoàn cảnh, khả năng của từng thành viên.
Nếu có những việc không phù hợp thì người chủ gia đình góp ý nhằm giúp những thành viên khắc phục và tránh tình trạng xấu có nguy cơ xảy ra. Người chủ gia đình quản lý theo cách này thì tự thân ông cũng không chịu nhiều áp lực, không phải lo nghĩ nhiều vì việc cần làm đã có những thành viên tích cực chăm lo. Những thành viên trong gia đình tự nhận thức vai trò của bản thân mà làm tốt mọi việc. Họ sẽ phát huy những sự hiểu biết vào công việc, cuộc sống giúp cho công việc ngày một tiến triển và cuộc sống ngày càng nâng cao,...
Đây là phương pháp quản lý rất hiệu quả thể hiện người chủ gia đình là người có hiểu biết, tầm nhìn rộng, khả năng quản lý tốt.
Vi vô vi, vô bất vi - Làm mà không làm, không làm mà không gì không làm. Là lời khuyên mà Lão Tử gửi cho giai cấp thống trị thời ông sống nhưng nhà cầm quyền đương thời không thể lĩnh hội nên đã can thiệp quá nhiều vào công việc người dân khiến xã hội càng thêm hỗn loạn, con người dùng quyền mưu, gian kế, cướp đoạt, hãm hại lẫn nhau,… Nhân loại và giới chính trị nên học lại nguồn tri thức ẩn chứa trong Đạo Đức Kinh - Lão Tử nhưng phải lĩnh hội đúng được tư tưởng, đạo lý mà Lão Tử muốn truyền tải đến người đọc.

Tôi những tưởng sẽ viết duy nhất mỗi quyển sách “Hãy là đường xưa mây trắng bay…”. Cho đến khi tôi tình cờ lĩnh hội được huyền nghĩa ẩn chứa trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử, tôi nhận ra một số học giả đã diễn dịch Đạo Đức Kinh không thực sự chuẩn xác. Vì thế nhân loại đã không nhận ra được giá trị thực sự của quyển sách quý này. Về sau, nếu có cơ duyên tôi sẽ vì bạn mà dịch giải quyển sách “Đạo đức kinh thậm giải...”.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: