Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay

Mỹ từng dự tính ném 300 quả bom nguyên tử xuống Liên Xô

Mỹ đã lên kế hoạch ném bom nguyên tử xuống Liên Xô, trong đó, các thành phố Moscow và Leningrad dự tính sẽ bị ném 8 quả
Mỹ đã lên kế hoạch ném bom nguyên tử xuống Liên Xô, trong đó, các thành phố Moscow và Leningrad dự tính sẽ bị ném 8 quả
Mao Trạch Đông - Kim Nhật Thành đứng trước đề xuất nguy hiểm của tướng Mc Arthur ném 30 quả bom nguyên tử xuống Bắc Triều Tiên và nội địa Trung Quốc, nhưng không ngờ - số lượng đó được nhân lên gấp 10 lần để ném xuống Liên Xô!
Stalin giăng tiếp mạng lưới “tình báo nguyên tử” đến Mỹ và phát hiện thêm những “sự thật khủng khiếp” về kế hoạch chuẩn bị cho chiến tranh thế giới lần thứ III với phương án tấn công Liên Xô của Truman. Cần tiếp nối với điệp vụ siêu hạng của George Koval trước khi tiếp tục, như sau:
Tổng cục tình báo quân đội Liên Xô (GRU) chấm một “điểm son” khen ngợi lên giai đoạn mở đầu “hành trình trên đất Mỹ” của điệp viên Koval tại khu vực mang bí số X10…
X10 là một trong các địa điểm bí mật của dự án sản xuất vũ khí hạt nhân Mỹ nằm ở Oak Ridge - thành phố của các nhà máy công nghiệp quân sự Mỹ và của các lò phản ứng nguyên tử - nơi Koval được chỉ định đến làm việc trong giai đoạn đầu của điệp vụ (xem Kỳ 58). Oak Ridge quy tụ hàng vạn nhà khoa học và các chuyên gia hàng đầu của Mỹ về lĩnh vực nghiên cứu và thực hành quy trình sản xuất bom nguyên tử.
Tuy số nhân viên X10 chỉ khoảng 1.500 người, ít hơn nhiều so với các khu vực K.25 hoặc U.12, nhưng “chính ở đó lại đảm đương một khâu vô cùng quan trọng là sản xuất plutonium. Toàn bộ uranium và plutonium “đã làm giàu” được chuyên chở bằng máy bay quân sự đến Los Alamos. Dựa trên cơ sở những báo cáo rất tỉ mỉ của Delmar (Koval), các nhà khoa học Xô Viết đã đẩy nhanh tốc độ sản xuất uranium và plutonium “đã được làm giàu” - thứ vật liệu quan trọng nhất để chế tạo bom nguyên tử”. GRU ghi nhận thêm: “Kết quả vô cùng quan trọng trong hoạt động tình báo của Delmar ở Mỹ là đã phát hiện rõ một số cơ sở nguyên tử tuyệt mật của Mỹ, cơ cấu của chúng, khối lượng sản xuất vật liệu hạt nhân, số lượng các chuyên gia làm việc ở những cơ sở, mối quan hệ với các cơ sở khác trong dự án” (Hồ sơ những điệp viên siêu hạng… - sđd ở Kỳ 58, tr. 112).
Khi Koval đang ở Oak Ridge, thì cùng lúc, một điệp viên khác của Liên Xô Klaus Fuchs ở Los Alamos, cũng đã gửi cho phía Liên Xô các chi tiết liên quan về mặt thiết kế quả bom, nhưng“quan trọng hơn, Koval biết rằng chất polonium của Oak Ridge “đóng một vai trò trong sự phát triển của quả bom” - thông tin đã giúp Liên Xô kết nối các dấu chấm giữa Oak Ridge và Los Alamos” (sđd tr.118).
Sau X10, điệp viên Koval nắm được những điều thiết yếu liên quan đến “thiết bị khởi động bom nguyên tử dựa trên polonium”. Các chuyên viên phân tích dữ liệu khoa học trực thuộc GRU đánh giá rất cao những tài liệu của Koval chỉ rõ công đoạn cài đặt “thiết bị khởi động”. Vì, đó là một khâu không thể thiếu trong “phần cuối”  của chuỗi chương trình (chế tạo bom) và “phần đầu” của giai đoạn kích hoạt (cho nổ).
Các thu thập của Koval có giá trị thực tiễn nhờ vào vị trí công việc do phía Mỹ giao: “đo đạc mức độ bức xạ” tại các cơ sở thí nghiệm và “theo dõi sức khỏe của nhân viên” đang làm việc cho dự án. Tận dụng vị trí thuận lợi đó, Koval xâm nhập vào tận các nơi trọng yếu nhất của chương trình và truyền tin tức tình báo nguyên tử qua đường mật mã, cùng các túi thư ngoại giao của đại sứ quán Liên Xô.
Hoàn thành điệp vụ, Koval về lại Liên Xô an toàn vào đầu năm 1949. Koval “biến mất”  khỏi New York - Cục điều tra liên bang FBI và Cục phản gián quân đội J2 của Mỹ đánh dấu hỏi, lần về tận nơi sinh của Koval ở thành phố Sioux (bang Iowa) để dò tìm đầu mối. Song tất cả là “việc đã rồi”. Liên Xô đã nắm được bí mật để mở những “thắt nút” trong chuỗi dài của quy trình sản xuất bom nguyên tử. 
Về nước, Koval phải chịu thất nghiệp vì “lý lịch không rõ ràng”. Tổ chức những nơi xin việc nghi ngờ: “Tại sao hồ sơ quân ngũ của Koval trong 10 năm (1939-1949) không có một tờ giấy khen, một tấm huân chương? Xuất ngũ với hạng thấp nhất” ! Koval không thể trả lời đúng sự thật, vì ông phải tuân thủ nguyên tắc “bảo vệ bí mật nhà nước” và “không được quyền” nói đến những năm hoạt động tình báo của mình ở Mỹ cho lợi ích an ninh của đất nước Liên Xô. Đến 1953, Tổng cục tình báo GRU can thiệp với Bộ trưởng Bộ Giáo dục Liên Xô để Học viện Mendeleev mở cửa đón ông. 
Ông giảng dạy ở đó cho đến ngày về hưu và qua đời năm 2006, ở tuổi 94. Tháng 11 năm ấy, tổng thống Nga Putin công bố sự thật về ông (sau 60 năm không ai nhắc đến) để truy tặng Huân chương Sao vàng, huân chương cao quý nhất của nước Nga. Lúc ấy công chúng Nga và thế giới mới ngạc nhiên trước công lao thầm lặng của ông - một “người Nga đã cầm trên tay những mẫu plutonium đầu tiên do nước Mỹ sản xuất” và là “điệp viên duy nhất xâm nhập vào hầu hết cơ sở hạt nhân quan trọng của dự án nguyên tử Manhattan”. Tờ New York Times đánh giá : “Koval là một trong những nhà tình báo quan trọng nhất của thế kỷ 20”.
Sau 1949, cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân giữa Liên Xô và Mỹ bắt đầu. Nhưng hoạt động của các “điệp viên nguyên tử” của Liên Xô không kết thúc. Và Villam Fisher (bí danh Mark) có mặt ở Mỹ trong 14 năm đã thông tin về dự tính của Mỹ trong việc “chuẩn bị chiến tranh thế giới lần thứ III và phác thảo kế hoạch ném 300 quả bom nguyên tử xuống lãnh thổ Liên Xô, trong đó Moscow và Liningrad mỗi thành phố sẽ bị ném 8 quả” (sđd tr. 128). Không may, bị phát hiện, Fisher bị bắt bởi Cục điều tra liên bang Mỹ FBI. Fisher trước sau vẫn phủ nhận mình “không phải là Fisher”, mà là: Rudolf Abel  - tên của một điệp viên đã chết. (còn nữa)
Giao Hưởng

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: