Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

10 Bản Thảo Đáng Kinh Ngạc Từ Thời Cổ Đại

 April Holloway, www.ancient-origins.net

Có hàng nghìn bản thảo đáng kinh ngạc của thế giới cổ đại vẫn còn tồn tại qua thời gian. Chúng được khắc vào đồng bằng axit hay được viết một cách tuyệt đẹp lên giấy cói hoặc được đẽo vào các phiến đá, và thậm chí được viết bằng mực làm từ vàng đất và các loại đá quý. Dù không thể chọn ra những bản thảo xuất sắc nhất, nhưng chúng tôi đã tuyển chọn ra 10 bản thảo dưới đây nhằm mở ra cánh cửa quay trở về cuộc sống hàng ngày của tổ tiên và nâng cao tầm hiểu biết của chúng ta về thời cổ đại.

1. Các bản thảo ở Đôn Hoàng

Paul Pelliot đang nghiên cứu các bản thảo trong Hang động thứ 17 của hang Mạc Cao. (Musée Guimet/Wikimedia Commons)
Bát nhã tâm kinh, bản thảo tiếng Trung trên lụa có niên đại từ thế kỷ thứ 5 được phái đoàn Pelliot mang về từ quần thể hang Mạc Cao, hiện đang đặt tại thư viện Quốc gia Pháp (Bibliothèque Nationale de France). (Wikimedia Commons)
Các bản thảo ở Đôn Hoàng là một bộ sưu tập khoảng 20.000 cuộn sách quan trọng được tìm thấy trong quần thể hang Mạc Cao ở Đôn Hoàng. Các bản thảo Đôn Hoàng có niên đại từ giữa thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 11 Sau Công Nguyên (SCN), và được đóng kín trong một phòng chứa bên trong một hang động, được cất giấu ở đó trong khoảng 900 năm. Mặc dù các bản thảo Đôn Hoàng chủ yếu là các kinh sách Phật giáo, nhưng cũng có những loại kinh sách tôn giáo khác nữa, bao gồm của Đạo giáo, Cảnh giáo (Giáo hội Ba Tư), và giáo phái Manichean. Ngoài ra, cũng có các bản thảo ‘thế tục’, trong đó bao hàm nhiều lĩnh vực tri thức, như toán học, lịch sử, thiên văn học và văn học. Một trong những điểm nổi bật của các bản thảo Đôn Hoàng là chúng mang đậm tính văn học dân gian. Vì loại bản thảo này khắc họa cuộc sống của những con người bình dân, nên nó cung cấp một cái nhìn đặc biệt trong phạm vi trải nghiệm của họ, cách chúng liên hệ với một xã hội rộng hơn và với chính quyền, cũng như các mối quan hệ của họ với gia đình và bạn bè.

2. Kinh Kangyur viết bằng 9 loại đá quý

Người Tây Tạng thực hành một loại hình Shaman giáo (pháp thuật) gọi là Bon. Từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 8 SCN, Phật giáo dần dần được truyền bá vào vùng đồi núi nơi đây. Lời dạy của Đức Phật được dịch sang tiếng Tây Tạng, nhưng quá trình đúc kết các bài giảng lần cuối chỉ được hoàn thiện khi bước sang thế kỷ thứ 14. Điều này hình thành nên Kinh sách Phật giáo Tây Tạng, trong đó bao gồm kinh Kangyur, hay “những lời dạy được phiên dịch (của Đức Phật)”. Sau khi tạo ra các bản sao chép từ kinh Kangyur gốc, kinh văn này đã được lưu truyền khắp Tây Tạng. Một trong những bản sao chép điển hình là kinh Kangyur được viết bằng 9 loại đá quý,  đây là bản sao chép duy nhất trên thế giới mà mực viết được làm từ đá quý. 9 loại ‘đá quý’, lần lượt là vàng, bạc, san hô, ngọc trai, xà cừ, ngọc lam, đá thiên thanh (lapis lazuli), đồng, sắt, trước hết được nghiền thành bột và đặt vào trong những chiếc cốc thiết kế riêng cho mỗi ‘loại đá’. Sau đó trộn lẫn một chút nước suối hay nước mưa với chất dính ngọt đặc biệt và sữa dê, rồi được cho vào trong mỗi cốc để làm thành mực. Kế tiếp, sử dụng một chiếc bút sơn làm từ lông chồn zibelin để viết lên một loại giấy đen đã qua sơ chế. Cùng với nội dung bằng chữ, các bức họa cũng được thêm vào kinh Kangyur. Những bức họa này được phác họa dựa theo truyền thống hội họa của Zanabazar, và được cho là có khả năng “ngay lập tức mang đến sự bình an và ngưỡng mộ đến bất kỳ ai chiêm ngưỡng nó.”

3. Bàn bích ngọc huyền thoại

Ảnh khắc họa “Bàn Bích Ngọc” từ Amphitheatrum sapientiae aeternae, solivs verae, 1609, được phác họa bởi Heinrich Khunrath (1560-1605). (Thư viện Houghton, Đại học Harvard/Wikimedia Commons)
Tương truyền Bàn Bích Ngọc là một phiến đá làm từ ngọc bích hoặc các loại đá quý màu xanh lục, trên bề mặt của nó có khắc những bí ẩn của vũ trụ. Hiện vẫn chưa rõ về nguồn gốc nguyên thủy của Bàn Bích Ngọc, và xoay quanh nó vẫn chỉ là các câu chuyện mang tính chất huyền thoại. Phổ biến nhất hiện nay là truyền thuyết kể rằng phiến đá này được phát hiện bên trong một hang mộ, đặt trong vòng tay của thi thể của Hermes Trismegistus, ngay dưới bức tượng của ông ta. Một truyền thuyết khác cho rằng chính người con trai thứ ba của Adam và Eve, Seth, đã viết ra nó. Số khác tin rằng phiến đá này từng được giữ bên trong Chiếc Hòm Giao Ước (vật phẩm tạo nên bởi Chúa Trời). Một vài người thậm chí còn cho rằng nguồn gốc nguyên thủy của chiếc Bàn Ngọc Bích chính là từ thành phố huyền thoại Atlantis. Bàn Bích Ngọc đã trở thành một trong những trụ cột chính trong lĩnh vực giả kim thuật bên phương Tây. Nó là một bản thảo có sức ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực giả kim thời Trung Cổ và thời Phục Hưng, và vẫn phát huy sức ảnh hưởng đó cho đến ngày nay. Cùng với các bản dịch, cũng có rất nhiều bài bình luận về nội dung trên mặt Bàn Bích Ngọc. Tuy vậy, mặc dù có rất nhiều bản diễn giải, có vẻ như không có một tác giả nào dám tuyên bố họ biết toàn bộ sự thật. Hơn nữa, các độc giả đều được khuyến khích tự đọc và tự tìm tòi cho mình chân lý ẩn giấu bên trong.

4. Cuốn sách Giấc mơ của người Ai Cập

“Cuốn sách về Giấc mơ”, được bảo quản ở dạng giấy cói và được viết bằng ký hiệu của các thầy tu. Những tờ giấy cói này được tìm thấy trong khu nhân công của người Ai Cập cổ đại ở Deir el-Median, gần khu vực “Thung lũng của các vị Vua”. Theo giám định, chúng có niên đại từ triều đại đầu tiên của vua Ramesses II (1279-1213 trước Công nguyên). Mỗi trang của cuộn giấy cói bắt đầu bằng một cột dọc các ký hiệu thầy tu có nội dung là “nếu một người đàn ông nhìn thấy bản thân mình trong giấc mơ”. Trong từng hàng ngang sau đó là một giấc mơ được miêu tả dựa trên các nhận định ‘tốt’ và ‘xấu’, kèm theo những lời diễn giải tương ứng. Lấy ví dụ một câu đầy đủ như sau: “Nếu một người đàn ông nhìn thấy bản thân mình trong giấc mơ đang nhìn ra ngoài cửa sổ, thì sẽ rất ‘tốt’; vì nó có nghĩa là “nghe được tiếng khóc của anh ta”. Những giấc mơ tốt đẹp được liệt kê trước, tiếp sau đó là giấc mơ không tốt lành (được viết bằng mực đỏ, vì đỏ là màu sắc của điềm xấu).

5. Cuộn giấy bằng đồng

Một phần của cuộn giấy đồng Qumran. (Wikimedia Commons)
Cuộn giấy Đồng, là một phần trong kho tàng đồ sộ các tài liệu có niên đại từ thế kỷ thứ nhất tại quần thể hang động ở Qumran, còn được gọi là Những Cuộn giấy Biển Chết,. Tuy nhiên, Cuộn giấy Đồng này lại rất khác so với các bản thảo khác trong thư viện Qumran. Trên thực tế, cuộn giấy đồng hoàn toàn khác biệt so với các Cuộn giấy Biển Chết khác – tác giả, văn bản, kiểu cách, ngôn ngữ, thể loại, nội dung, và hoàn cảnh, tất cả đều khác biệt – nên các học giả tin rằng chúng phải được đặt vào trong hang động tại các thời điểm khác nhau. Như giáo sư Richard Freund đã chỉ ra, cuộn giấy đồng “có lẽ là tài liệu đặc thù nhất, quan trọng nhất, nhưng lại ít được hiểu nhất.” Khác với các cuộn giấy khác, vốn là các tác phẩm văn học, cuộn giấy đồng chứa một danh sách. Đó không phải là một danh sách bình thường, thực ra nó chứa các chỉ dẫn đến 64 địa điểm lưu trữ một số lượng kho báu đáng kinh ngạc. 63 địa điểm trong đó đã dẫn đến các kho báu chứa vàng và bạc, với khối lượng lên đến cả tấn. Những cái lọ nhỏ xíu cũng được liệt kê trong các mục, cùng với những cái lọ khác, và ba địa điểm miêu tả các cuộn. Một mục ghi chú rõ ràng các khoản lễ phục của thầy tu. Tổng cộng, hơn 4.600 kim loại quý hiếm đã được liệt kê trong cuộn giấy, tạo nên một món lời trị giá tổng cộng hơn một tỷ đô la.

6. Danh sách các vị vua Sumer

Danh sách các vị vua Sumer (Wikimedia Commons)
Trong số rất nhiều các cổ vật đáng kinh ngạc được khai quật từ di chỉ thành phố của người Sumer ở Iraq, thì danh sách các vị vua Sumer là một trong những văn tự hấp dẫn nhất. Đây là một bản thảo cổ đại có nguyên tác bằng tiếng Sumer, trong đó liệt kê tên các vị vua Sumer (vùng đất phía nam Iraq ngày nay) của các triều đại Sumer và các nước láng giềng, thời gian trị vì tương ứng, và vùng đất quản hạt “chính thức.” Điều làm món cổ vật này trở nên đặc thù là vì danh sách này đã trộn lẫn những vị vua huyền thoại trước các triều đại chính thức với các vị vua có thật trong lịch sử. Trong tất cả các ví dụ được nêu ra trong Danh sách các vị vua Sumer, thì lăng trụ Weld-Blundell trong bộ sưu tập chữ tượng hình của bảo tàng Ashmolean ở Oxford là phiên bản bao quát nhất đồng thời là bản sao chép hoàn thiện nhất của danh sách này. Khối lăng trụ cao 8 inch có bốn mặt, mỗi mặt có hai cột chữ. Người ta tin rằng lúc đầu nó có một trục quay xuyên qua trung tâm để người đọc có thể quay trục và đọc cả bốn mặt. Nó liệt kê các vị vua từ các triều đại trước khi xảy ra cơn đại hồng thủy cho đến vị vua thứ 14 của triều đại Isin (khoảng 1763–1753 Trước Công Nguyên). Danh sách này có giá trị vô cùng to lớn vì nó phản ánh các giá trị truyền thống cổ đại, đồng thời cung cấp một khung thời gian quan trọng liên quan đến các thời kỳ trị vì khác nhau ở Sumeria, và thậm chí đã minh họa được sự tương đồng đáng kinh ngạc của nó với các sự kiện được nêu ra trong Sáng Thế Ký (cuốn sách mở đầu của Kinh Thánh).

7. Các cuốn sách y học bằng thẻ tre của danh y Biển Thước

Biển Thước, được mệnh danh là một thần y với khả năng tiên tri, là người tạo ra các bài thuốc hiện vẫn còn được sử dụng trong Trung Y ngày nay. (Jessica Chang/Epoch Times)
Vào năm 2013, các nhà khảo cổ học đã khai quật được 920 cuộn thẻ tre trong bốn ngôi mộ thuộc triều đại Tây Hán (206 TCN – 24 SCN) ở thị trấn Thiên Hồi ở phía tây nam thành phố Thành Đô, Trung Quốc, bên trong chứa các phương thuốc trị bệnh có lịch sử đã gần 2000 năm. Quá trình phân tích nội dung đã tiết lộ được rằng một số chúng được viết bởi danh y Biển Thước, thầy thuốc sớm nhất từng được biết tới ở Trung Hoa. Quá trình dịch thuật cũng đã tiết lộ những nội dung đáng kinh ngạc trong những bản thảo y học cổ đại này. Các chuyên gia nói rằng công trình này chủ yếu dựa vào chẩn bệnh bằng bắt mạch. Các biện pháp khác được đề cập đến bao gồm nội khoa, phẫu thuật, phụ khoa, da liễu, nhãn khoa và khoa chấn thương. Hơn thế nữa, có 184 cuộn có liên quan đến việc trị bệnh cho ngựa, và được các chuyên gia coi là một trong những tác phẩm thú y quan trọng nhất thời Trung Quốc cổ đại.

8. Bộ luật Hammurabi

Phần trên của bia đá khắc bộ luật Hammurabi.  (Wikimedia Commons)
Bộ luật Hammurabi là một trong những bộ sưu tầm các điều khoản luật của thế giới cổ đại nổi tiếng nhất. Hammurabi (trị vì từ 1792-1750 TCN) là vị vua thứ sáu của triều đại thứ nhất của Babylon. Trong giai đoạn trị vì lâu dài của mình, ông đã tiến hành mở rộng bờ cõi, góp phần biến Babylon thành một cường quốc lớn mạnh ở khu vực Lưỡng Hà. Vào thời điểm khi Hammurabi mất, đế chế Babylon đã kiểm soát toàn bộ khu vực Lưỡng Hà, mặc dù các thế hệ kế tục ông không thể duy trì quyền lực này. Bất chấp sự tan rã nhanh chóng của đế chế, bộ luật của ông vẫn tồn tại qua sự tàn phá của thời gian, mặc dù phải đến thế kỷ 20 nó mới được các nhà khảo cổ học tái phát hiện. Bộ luật này định nghĩa rất nhiều loại tội phạm và hình phạt áp dụng, và được mô tả như một hệ thống công lý ‘ăn miếng trả miếng’.

9. Bản thảo Takenouchi

Bản thảo Takenouchi là một bộ các tài liệu bí ẩn được một người đàn ông tên là Takenouchi Matori soạn thảo lại vào 1500 năm trước bằng một hỗn hợp các ký tự tiếng Nhật và tiếng Trung từ các tư liệu thậm chí còn cổ hơn. Theo truyền thuyết, các tư liệu nguyên gốc được viết bằng các ký tự thần thánh trong hàng thiên niên kỷ trước đây bởi ‘các vị thần.’ Các tư liệu kỳ lạ kể một câu chuyện phát sinh nhân loại theo một cách hoàn toàn mới lạ, bắt đầu từ quá trình khởi thủy mãi cho đến khi xuất hiện Thiên chúa giáo. Chúng đề cập đến một thời kỳ trong quá khứ khi nhân loại sống trong hòa bình, thống nhất dưới sự lãnh đạo của con trai của vị Thần Tối Cao. Việc giải khai nguồn gốc và xác nhận tính chân thực của các tài liệu Takenouchi hiện vẫn còn là một nhiệm vụ không tưởng bởi vì các bản thảo gốc đã bị chính quyền tịch thu rồi bị thất lạc sau đó. Do đó, có rất nhiều sự suy đoán xoay quanh tính chân thực của tư liệu Takenouchi.

10. Bản thảo cổ đại ở Timbuktu

Một trang bản thảo từ Timbuktu. (Wikimedia Commons)
Nằm ở cửa ngõ dẫn vào sa mạc Sahara, trong một vùng đất hiện nay là Mali, bao phủ bởi một khu vực đất đai màu mỡ của Sudan, Timbuktu là một trong những thành phố Châu Phi với một tên gọi gắn liền với lịch sử. Được xây dựng vào thế kỷ thứ 5, Timbuktu đã trở thành một thủ đô của tri thức và tâm linh, vươn tới thời kỳ hoàng kim của nó vào thế kỷ thứ 15 và 16. Khoảng 700 năm trước, nó từng là một trung tâm giao thương nhộn nhịp, nơi các tay lái buôn từ Châu Âu, hạ Sahara Châu Phi, Ai Cập, và Morocco gặp gỡ để trao đổi buôn bán muối, vàng, ngà voi và nô lệ. Nhưng đó không phải là loại ‘hàng hóa’ duy nhất được trao đổi. Timbuktu cũng là nơi các ý tưởng, triết lý, và niềm tin tâm linh hòa trộn vào làm một, và một trong những cách chủ yếu đề chia sẻ những ý tưởng như vậy là thông qua những cuốn sách. Các bản thảo cổ đại của Timbuktu là một cảnh tượng ngoạn mục – được bọc lại trong da lạc đà, da dê, và da bê rồi được khắc chữ bằng mực vàng, đỏ, và đen huyền. Các trang giấy đầy các từ ngữ viết theo lối thư pháp rất đẹp trong ngôn ngữ Ả Rập và Châu Phi, đồng thời cũng chứa một loạt các thiết kế hình học thú vị. Các đối tượng trong bộ sưu tập, trải dài từ thế kỷ 13 đến 17, bao gồm kinh Qur’an, kinh Xufi, triết học, luật, toán học, y học, thiên văn học, khoa học, thơ văn và nhiều hơn nữa. Những bản thảo này mở ra một góc nhìn về tư duy của những nhà tư tưởng hàng đầu khi họ suy nghĩ về ý nghĩa của các tình huống xung quanh.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: