Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lưu Thiếu Kỳ đã bị các "đồng chí" của mình hãm hại như thế nào?


Hoa Văn 

BLA: Những câu chuyện có thật như thế này sẽ góp phần giúp mọi người hiểu rõ hơn về những khái niệm như "tình đồng chí", "lý tưởng cộng sản", "đấu tranh cách mạng" ... của cộng sản Trung Quốc.

Lưu Thiếu Kỳ (sinh 24/11/1898 - chết 12/11/1969) là một trong những lãnh đạo hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông từng là Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa suốt một thời gian dài (thời kỳ 1959-1968), đồng thời là Phó Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc (1956-1966). Thế nhưng đau đớn thay thói trò đời, ông đã bị các "đồng chí cộng sản" của mình dứt đẹp - theo đúng truyền thống "hãi hùng" của giới lãnh đạo cộng sản Tàu - dưới ngọn cờ Đại cách mạng văn hóa, do Mao chủ tịch khởi xướng.

Ảnh: Lưu Thiếu Kỳ 

Nạn nhân cuộc Cách mạng Văn hóa do Mao khởi xướng

Trong cuộc Đại Cách mạng văn hóa vô sản, ông bị Khang Sinh, Giang Thanh vu cáo "phản bội, nội gian", "tay sai của đế quốc xét lại, Quốc Dân Đảng"

Tại Hội nghị Trung ương 12 khoá 8 họp tại Bắc Kinh từ 13 đến 31-10-1968 do Mao Trạch Đông (lãnh tụ, chủ tịch Đảng cộng sản TQ) chủ trì hội nghị, đã thông qua báo cáo thẩm tra về "tội ác" của Lưu Thiếu Kỳ do Giang Thanh (vợ Mao) đệ trình. Dưới sức ép của nhóm Mao Trạch Đông - Lâm Bưu, bằng hình thức giơ tay biểu quyết, Hội nghị đã "nhất trí thông qua nghị quyết vĩnh viễn khai trừ Lưu Thiếu Kỳ ra khỏi Đảng"!

Ngay nay, người ta được biết nơi cuối cùng giam giữ Lưu Thiếu Kỳ là kho bạc của một ngân hàng có từ trước năm 1949.

Lúc 6 giờ 40 phút sáng ngày 12-11-1969, Lưu Thiếu Kỳ đã qua đời trong tình trạng không được cấp cứu. Thi thể ông được bí mật đưa đi hoả táng, dưới cái tên "Lưu Vệ Hoàng, không nghề nghiệp".

Hơn 10 năm sau, đến năm 1980, khi Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền lãnh đạo tại TQ, vụ Lưu Thiếu Kỳ đã được đảng cộng sản TQ xem xét lại và sau đó đã "khôi phục lại tất cả danh dự" cho ông.

----------------

Tham khảo:

Cái chết của Lưu Thiếu Kỳ

Hơn 9 giờ tối ngày 17/10/1969, sân bay Khai Phong (TQ) đón một chiếc máy bay được xác định là có một sứ mệnh đặc biệt. Trong những năm tháng rối ren lộn xộn khi đó, các nhân viên y tế hộ tống được giao nhận “nhiệm vụ khẩn cấp” - mang một tâm trạng sợ hãi không yên. Họ lên thang máy bay, mà chẳng ai rõ việc gì, họ sẽ nhận một bệnh nhân như thế nào?

Sau khi bước vào khoang máy bay, đập vào mắt mọi người là tình cảnh như thế này: 

Trong khoang phía sau đặt một cái cáng cứu thương, một cụ già tóc bạc trắng nằm trên đó. Mặt cụ gầy đét, xanh xao, hai mắt nhắm nghiền, mũi cắm ống nuôi. Trên người cụ không mặc quần áo, toàn thân đắp một cái chăn. Tất cả dấu vết chứng tỏ cụ đã bị suy nhược đến cực độ, nếu không phải là thở yếu ớt thì mọi người sẽ nghĩ là cái thân hình này đã mất đi sự sống. 

Nhân vật bí hiểm này được máy bay chở đến rốt cuộc là ai? Khi ánh  mắt của nhân viên y tế hộ tống dừng trên nét mặt quen thuộc của cụ, trong lòng họ không giữ được nỗi kinh sợ, dù cho nét mặt đó đã thay đổi rất nhiều, nhiều nốt đồi mồi của người già đã che đi màu da cũ, nhưng họ vẫn nhận ra: Cụ chính là Phó chủ tịch BCHTƯ Đảng Cộng sản TQ, Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ.

Những ngày cuối đời

Lưu Thiếu Kỳ nằm bất động trên cáng cứu thương, để mặc họ khênh xuống máy bay, đưa vào xe cứu thương. Đêm tối đen như mực, chiếc xe cứu thương chạy vào thành phố trong gió rét. Nhưng chiếc xe cứu thương không theo lệ thường như đưa bệnh nhân vào bệnh viện, mà theo lệnh của bên hữu quan chạy vào đỗ trong một cái sân lớn của Ủy ban thành phố Khai Phong trước kia, tại phía tây đường phố Bắc Thủ, Khai Phong. 

Đó là một cái sân xung quanh có nhà cao tầng, tựa như giếng trời vậy, trước giải phóng là tòa nhà ngân hàng. Tòa nhà 3 tầng đứng đối mặt cao vút, kiến trúc rất kiên cố, bức tường cao của sân trông rất nghiêm ngặt. Hôm nay lại tăng thêm canh gác, đội quân hùng hậu trấn giữ, làm cho sân bao trùm một bầu không khí u ám.

Sau khi chiếc xe cứu thương chạy vào trong sân, Lưu Thiếu Kỳ bị khiêng vào một phòng tòa nhà lầu phía tây. Hộ lý và đồng chí Lý, nguyên vệ sĩ trưởng, tùy tùng từ Bắc Kinh, theo chiếc cáng vào phòng, thấy trong phòng chỉ có một chiếc giường đơn và một chiếc bàn gỗ nhỏ, ngoài ra chẳng có bày biện gì khác. Ở đây chỉ có thể gọi là phòng giam trong nhà tù, mà phạm nhân không phải là ai khác ngoài Lưu Thiếu Kỳ đã nằm liệt không dậy được.

Thực tế Lưu Thiếu Kỳ lúc đó bệnh đã nặng lắm. Vốn dĩ khi ở Bắc Kinh, vì viêm phổi nặng cộng với sự giày vò về tinh thần nên LTK đã không đứng lên được. Qua thời gian dài trở mình trằn trọc, Lưu Thiếu Kỳ đã thở rất yếu, chốc lại thở hắt ra và kèm theo ho, hình dáng tiều tụy, da bọc xương. Ông cụ ngủ suốt ngày mê mệt, lúc tỉnh dậy chẳng nói một lời, ánh mắt không hồn, mặt không có biểu hiện gì. Do thân thể bị hủy hoại trong thời gian dài, ông cụ đã mất khả năng khống chế đại tiểu tiện, đến trở mình cũng không có sức, hoàn toàn dựa vào việc nuôi qua đường mũi để duy trì sinh mệnh...

Đêm 10/11, Lưu Thiếu Kỳ lại sốt cao, đến 5 tiếng đồng hồ sau mới rút cái đo nhiệt độ ra, nhiệt độ thân thể là 39,7oC, tuy không thể chẩn đoán là viêm phổi, nhưng theo cách chữa trị viêm phổi thì vẫn không được phép chở đến bệnh viện cứu chữa. Đến đêm 11, thì hai môi Lưu Thiếu Kỳ đã tím ngắt, phản ứng hai con ngươi không còn nữa, nhiệt độ thân thể lên đến 40,1oC, nhưng mãi đến 6 giờ 40 phút ngày 12 mới có thông báo bệnh tình nguy kịch. 

5 phút sau, trái tim của Lưu Thiếu Kỳ ngừng đập, vị Chủ tịch nước CHND Trung Hoa đi hết lộ trình của một đời người cô độc, không có một người thân bên cạnh!

Sau khi Lưu Thiếu Kỳ từ trần, nguyên vệ sĩ trưởng, lão Lý đã về Bắc Kinh nay được cử quay trở lại, cắt tóc trắng dài hơn một thước của ông cụ, mặc cho ông cụ bộ quần áo hết sức bình thường. Tiếp đó, thi hài của ông cụ bị khiêng đến ngôi nhà một tầng mái cong tòa nhà lầu phía tây để chụp ảnh, sau đó khiêng đến đặt trong một phòng nhỏ hơn cũng ở trong sân đó.

0 giờ đêm 14, có 6, 7 người đưa thi thể của Lưu Thiếu Kỳ lên một chiếc xe Gaz 69 kiểu xe Jeep được coi là chiếc xe tang, thùng xe hơi ngắn so với chiều dài thân thể ông cụ thành thử hai chân thò cả ra ngoài. Chiếc xe ấy chở thi hài của Lưu Thiếu Kỳ đến nơi hỏa táng nằm ở ngoại ô phía tây TP Khai Phong.

Trước đó, nơi hỏa táng đã sớm nhận được thông báo, nói là có một “người chết mắc bệnh truyền nhiễm nặng” phải hỏa táng vào ban đêm, yêu cầu nơi hỏa táng chỉ để lại 2 công nhân. Sau khi chiếc xe chở thi thể đến nơi hỏa táng, hơn 20 quân nhân đặt nơi hỏa táng nho nhỏ này trong tình trạng giới nghiêm. Còn thủ tục hỏa táng do nhân viên trong tổ chuyên án đến từ Bắc Kinh lo liệu. Trong đơn xin hỏa táng tại nơi hỏa táng TP Khai Phong, họ điền vào nội dung như sau:

Tên chữ: Số 316.
Tên, họ người chết:                   Lưu Vệ Hoàng.
Giới tính: Nam.
Tuổi:     71.
Dân tộc: Hán.
Trú quán: Hồ Nam.
Nghề nghiệp của người chết: Không nghề nghiệp.
Nguyên nhân chết:                    Chết vì bệnh.
Ngày hỏa táng: 0 giờ ngày 14/11/1969.
Xử lý tro cốt:    Để nơi hỏa táng.
Tên họ người xin: Lưu Nguyên.
Quan hệ với người chết: Bố con.
Địa chỉ người xin: Bộ đội 8122.
Ngày đăng ký: 0 giờ ngày 14/11/1969.
Người xin đóng dấu hoặc ký tên: Lưu Nguyên.
Số hộp tro cốt: 123.

Hai công nhân hỏa táng dùng vải trắng quấn chặt đầu và mặt người chết bị coi là mắc bệnh truyền nhiễm nặng rồi đẩy vào lò thiêu, khi đó họ không tài nào biết được đó chính là vị Chủ tịch nước hết lòng tận tụy nhưng lại bị oan khuất lớn lao. Là một người vô sản, người hiến dâng tất cả cho nhân dân mà người yêu quý. Người đem tất cả hiến dâng cho đảng cộng sản lãnh đạo nước Trung Hoa mới. Song Người đã bị chụp cho 3 cái mũ: “Kẻ phản bội, nội gian (gián điệp), công tặc”, bị khai trừ Đảng vĩnh viễn. Người bị mang tội danh “Phái đương quyền đi theo con đường tư bản chủ nghĩa lớn nhất toàn quốc” để rồi chết oan uổng. Từng làn khói trắng đã cuốn đi thân thể của Người.

Tro cốt của Lưu Thiếu Kỳ được đựng trong một chiếc hộp gỗ bình thường mua từ cửa hàng bán hộp đựng tro cốt, đồng thời được đặt trong phòng chứa hộp tro cốt của nơi hỏa táng Khai Phong. Nơi hỏa táng không ai biết được hộp tro số 123 là tro cốt của ai, mà những người thân của Lưu Thiếu Kỳ càng không thể biết được LTK sống chết thế nào. Không những thế, chính ngay những người dân của TQ cũng không biết LTK đã đi hết con đường nhân sinh gập ghềnh của Người, bởi lẽ Đại Cách mạng văn hóa “chưa hề có trong lịch sử” vẫn tiến hành đấu tranh phê phán Lưu Thiếu Kỳ.

Trong những năm tháng sau ngày Lưu Thiếu Kỳ mất, sự thực đanh thép đã bào đi từng lớp da vẽ cách mạng của một số tập đoàn phản cách mạng. Tháng 9/1971, tập đoàn Lâm Bưu diệt vong. Tháng 10/1976, tập đoàn do Giang Thanh cầm đầu bị tiêu diệt. Cuộc nổi loạn 10 năm của Đại Cách mạng văn hóa do Mao chủ tịch khởi xướng đến đây kết thúc.
Nguồn: Nguyên tác: Du Địch (Lê Khánh Trường - Nguyễn Kim Lân dịch, trong cuốn "Vinh quang sau khi chết" - Nhà sách Đất Việt - NXB Tổng hợp - TP HCM)

------------------------------

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: