Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2014

Tệ nạn hay mắc và thường xảy ra, nhất là các hội địa phương ( Đầu đề do CN đặt )

Trần Đình Sử
Tran Dinh Su
GS TS Trần Đình Sử
Bài tham luận về “bi kịch đọc không vỡ chữ” của PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái đọc tại hội nghị lí luận phê bình văn học Tam Đảo 2013 nêu lên một vấn đề thú vị, gây đươc chú ý từ mấy chữ “đọc không vỡ chữ” do chị nêu ra. Cả bài viết có khi chỉ gây ấn tượng do một chữ mới lạ. Viết đến đây, tôi lại vừa đọc bài của nhà văn Hồ Anh Thái, nói về một Minh Thái “tung tăng như cá tươi”, tự nhiên tôi cũng dành cho tác giả nữ nhiều thiện cảm. Trong bài này chị cũng “tung tăng như cá tươi” cho nên hấp dẫn. Câu chuyện “đọc không vỡ chữ” mà chị nêu ra quả thật là một vấn đề hệ trọng, vì vậy, nhân cơ hội này tôi xin bàn rộng thêm về vấn đề đọc hiểu nói chung.
Đọc không vỡ chữ theo tôi có nghĩa là đọc mà không hiểu nghĩa chữ, không hiểu ý nghĩa của văn bản, dẫn đến đọc sai. Làm phê bình mà đọc không hiểu nghĩa chữ, không hiểu văn bản thì khó bàn luận quá. Còn biết nói gì nữa. Tuy nhiên, văn chương là cái đa nghĩa, mà người đọc cũng đa đoan, nhiều góc độ, cho nên câu chuyện “đọc không vỡ chữ” chẳng hề giản đơn chút nào, chỉ nói qua như Minh Thái, coi như là đương nhiên, thì chưa làm sáng tỏ vấn đề được mấy.
Trường hợp đọc mà không hiểu, do lỗ hổng kiến thức nên “đọc không vỡ chữ”. Lấy ví dụ như gần đây một giáo sư Đại học Bắc Kinh tên là Vu Đan, bà này mấy lần đăng đàn lên diễn đàn học giả (“Bách gia giảng đàm” của TV trung ương TQ) giảng về Trang Tử, Khổng Tử. Bà này đã cố thông tục hóa các học thuyết cao xa, khiến người xem bình dân dễ hiểu, thích thú. Nhưng khi giảng đến câu “phụ nhân và tiểu nhân nan hóa”, tức là phụ nữ và bọn tiểu nhân là khó dạy, bà gỉảng hai chữ “tiểu nhân” là trẻ con, rõ ràng là đọc không vỡ chữ, gây phản ứng rất mạnh trong giới học thuật. Tôi nghĩ ngay người Việt Nam cũng biết “tiểu nhân” không phải là trẻ em, vậy mà một “giáo sư” đại học Trung Quốc lại đọc sai được. Hỏi ra bà chỉ là giáo sư truyền thông, tham gia lập chương trình cho nhiều đài truyền hình, còn trình độ văn học thì chỉ là thạc sĩ, chưa nói gì đến triết học. Một trường hợp khác, người ta truyền cho nhau biết, một học giả bậc thầy, khi giảng chuyên đề có chữ “kê tử” có nghĩa là “cái trứng gà”, thì ông lại giảng là “con gà con”. Trường hợp này theo tôi có thể là vô ý, sơ suất mà giảng nhầm, có lẽ không nên coi là không vỡ chữ. Nói chung trong dịch thuật, dịch nhầm, dịch sai, dịch không thoát là hiện tượng khá phổ biến. Các trường hợp này, có người dọn vườn cho là rất quý. Tôi thấy ông An Chi làm rất tốt việc này.
Trường hợp thứ hai, trong văn học có chữ đọc mãi không vỡ, ví như câu thơ “Hai tay chín móng bám vào đời” của Xuân Diệu. Nhiều anh tài của ta đã tham gia bàn luận, mà chưa thấy ngã ngũ. Trường hợp “Đầu súng trăng treo” của Chính Hữu cũng vậy, dù nhà thơ đã có giải thích, mà người đọc vẫn thấy gượng ép. Văn chương có những chữ không chịu vỡ, người đọc tùy cơ mà suy. Nói chung đọc văn học là thường “đọc nhầm”. Một mặt, văn học có tính đa nghĩa, nghĩa của nó vốn không xác định, mã biểu đạt của nhà văn và mã đọc hiểu của người đọc không trùng nhau, ngữ cảnh lúc sáng tác và ngữ cảnh lúc đọc không giống nhau, cho nên, đọc bao giờ cũng lệch, hoặc nói cách khác là vỡ một phương diện, còn các nghĩa khác thì chưa vỡ. Trường hợp này nếu nói là bi kịch thì là bi kịch của giao tiếp, không của riêng ai.
Trường hợp thứ ba “đọc không vỡ chữ” như truyện Cánh đồng bất tận mà chị Minh Thái đưa ra, theo tôi là đã đọc vỡ chữ rồi, nhưng lại theo lối cũ. Cứ theo lí thuyết điển hình được dạy trong các trường đại học mấy năm trước, đặc biệt là những năm sau giải phóng mìền Nam, thì đọc như thế chẳng có gì là không vỡ chữ cả. Nhân vật người Nam Bộ, không gian đồng bằng Nam Bộ, vậy thì người ta có quyền đòi hỏi tác phẩm phải viết cho điển hình đối với người Nam Bộ. Mà như thế thì chỉ được viết cho tốt đẹp. Hình tượng phải phụ thuộc vào hiện thực trực tiếp. Còn nếu theo lí thuyết biểu tượng, mỗi nhân vật là một biểu tượng, mang nội dung ý nghĩa mà tác giả muốn khái quát, thì vấn đề lại khác. Như thế là do sự lạc hậu của lí thuyết gây nên. Trước đó, khi các truyện ngắn của Nhà văn Nguyễn Minh Châu mới viết ra, như Bức tranh, Ngưòi đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Bến quê, Một lần đối chứng, Cơn dông, Khách ở quê ra… Lúc đó nhà văn Hà Xuân Trường “đọc không vỡ”. Ông nói, Nguyễn Minh Châu nhiều ưu tư quá, chỉ mới chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa có một nửa. Có người chê nhân vật của Nguyễn Minh Châu không điển hình, bởi vì “dị biệt” quá. Sau đó có người chỉ ra nhân vật Nguyễn Minh Châu viết về các trường hợp nghịch lí, phi lí, khác với lối nhận thức theo quy luật của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, lúc đó sáng tác của ông mới được hiểu đúng. Thêm một ví dụ nữa. Nhà giáo Nguyễn Lộc, một học giả uyên bác, giải thích câu thơ “Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái” của Nguyễn Khuyến là mấy chùm hoa khô năm ngoái còn sót lại trên cây mà nhà thơ Trần Mạnh Hảo la lối lên. Chỗ này anh Hảo nói đúng, nhưng cũng hiểu cho, lỗi này không do một mình giáo sư Nguyễn Lộc phạm. Đọc như thế là do ông quá tin vào lí thuyết chủ nghĩa hiện thực ngây thơ, cho rằng văn học chỉ phản ánh cái gì có thực, không hề quan tâm tới nghĩa bóng. Nếu không thì giải thích hoa năm ngoái bằng cách nào? Phải chê nó là không hiện thực. Như thế thì trái với nhu cầu đề cao nhà thơ. Rõ ràng đọc không vỡ chữ không phải vì nhà phê bình dốt nát, kém cỏi, mà là do kiến thức lí luận một thời thiếu cập nhật. Chỉ nói “đọc không vỡ chữ” chung chung mà không phân tích cụ thể thì không biết giải quyết theo phương hướng nào. Theo cách phân tích của tôi thì phương hướng giải quyết vấn đề là đổi mới lí luận. Rất nhiều lí luận cũ đến nay vẫn tồn tại đương nhiên, hạn chế tầm hiểu biết của nhà phê bình, khiến họ có khi lúng túng trước các tác phẩm, nhất là tác phẩm viết theo cách mới; cũng có khi không lúng túng chút nào mà rất tự tin phán xét. Đây cũng là bi kịch, nhưng không phải vì không vỡ chữ.
Trường hợp thứ tư là đọc vội, đọc nhầm theo lối “ăn nhanh”, “mì ăn liền”, đây là chuyện thường gặp như cơm bữa. Ví dụ như khi tường thuật về các ý kiến đối với phê bình văn học, có nhà văn nêu: “Trần Đình Sử bổ sung thêm rằng, với các khuynh hướng phi sử thi hóa, thế sự hóa và đời tư hóaphê bình văn học Việt Nam đã góp phần “giải thiêng”, “giải huyền thoại”, “biểu hiện chấn thương tinh thần”, và do vậy “có cái chung với khuynh hướng văn học thuộc các nước XHCN trước đây sau cơn biến động lớn”. Thực ra ý kiến của tôi trong đoạn ấy không nói về khuynh hướng phê bình, mà nói về các khuynh hướng trong bản thân văn học: “Văn học sau 1975 có khuynh hướng phi sử thi hóa, thế sự hóa và đời tư hóa. Cách phân biệt khuynh hướng ấy vẫn còn được vận dụng, gắn với quan niệm về sự giải thiêng, giải huyền thoại, khuynh hướng thế tục hóa văn học, khuynh hướng biểu hiện chấn thương tinh thần. Các khuynh hướng ấy có cái chung với khuynh hướng văn học thuộc các nước xã hội chủ nghĩa trước đây sau một cơn biến động lớn.” Từ khuynh hướng văn học đến khuynh hướng phê bình khác nhau lắm chứ, đó là đọc vội viết vội cho nên nhầm, không phải là không vỡ chữ. Nhiều trường hợp khác khi người phê bình muốn đẩy đối tượng bị phê bình vào chỗ bí, đã cắt xén, biến đổi ý nguyên tác để mưu lợi cho mình. Trường hợp này người viết cũng không nhầm, không phải đọc không vỡ chữ.
Trường hợp thứ năm, là đọc do định kiến ý thức hệ. Người phê bình có nhu cầu phê phán các học thuyết, tư tưởng tư sản phản động, cho nên, chỉ khai thác những chỗ có thể phê phán. Đó là cách đọc của giáo sư Hoàng Xuân Nhị trong cuốn Phê phán chủ nghĩa xét lại hiện đại trong văn nghệ. Đó là cách đọc của Hồng Chương đối với tác phẩm Vào đời của Hà Minh Tuân, hay cách đọc của Nguyễn Khải đối với tác phẩm Sắp cưới của Vũ Bão. Gần đây, có một PGS , một học giả có tên tuổi, nhưng do nhu cầu phê phán chủ nghĩa hình thức, đã đọc nhầm tác phẩm S/Z của Roland Barthes, biến một viện sĩ hàn lâm Pháp nổi tiếng thành một kẻ làm điều vô nghĩa, vớ vẩn, nhảm nhí. Một thời gian rất dài, do ngự trị quan điểm văn học phản ánh lập trường giai cấp, trong sách giáo khoa, khi giảng đến bài Cô bé bán diêm của nhà văn Andersen, phần lớn giáo viên đều coi đây là tác phẩm tố cáo tội ác của xã hội tư sản bất công, lấy đó để giáo dục học sinh biết ơn chế độ mới, xã hội chủ nghĩa đã xóa bỏ đối lập giàu nghèo. Đây nói chuyện mấy chục năm trước, bây giờ phân hóa giàu nghèo ở Việt Nam đã quá trời rồi. Đọc như thế tất nhiên là không phù hợp với nội dung tư tưởng của thiên đồng thoại của Andersen, ngược lại làm nghèo tư tưởng nhân văn của tác giả. Trường hợp này không phải là không vỡ chữ, mà chỉ do định kiến.
Ở Trung Quốc một thời người ta đề cao nhà văn Kim Dung lên cao chót vót, ở đâu cũng bàn về Kim Dung, chỉ mong ước sao đại lục có được một nhà văn như Kim Dung. Bây giờ thì hạ tông xuống rồi. Cũng vậy người ta thần thánh hóa ông Tiền Chung Thư, một nhà nghiên cứu bậc thầy thực sự, nhưng không phải thánh thần. Nay cũng hạ tông xuống rồi. Lỗ Tấn lúc sinh thời có câu nói nổi tiếng: “Một vĩ nhân sau khi chết sẽ trở thành con bù nhìn”. Lỗ Tấn sau khi chết cũng thế, ai cũng lợi dụng Lỗ Tấn, biến ông thành bù nhìn, lấy ông làm cái khiên che đỡ cho mình, thế là nảy sinh vô vàn “đọc nhầm”. Ông được coi là ngọn cờ văn hóa, tuyệt đối đúng đắn, tuyệt đối kiên định, tuyệt đối không dao động và giàu tính chiến đấu. Sau cách mạng văn hóa, giới trí thức Trung Quốc coi Lỗ Tấn là biểu tượng của sự hoài nghi, đề cao tinh thần hoài nghi của ông. Một số khác xem Lỗ Tấn là biểu tượng của niềm lo âu trăn trở của giới trí thức trước thời cuộc. Lỗ Tấn là một tâm hồn đau khổ nhất của nước Trung Quốc. Xem ra ai cũng đọc nhầm Lỗ Tấn cả.
Trường hợp thứ sáu là do tâm lí. Ông Harold Bloom trong sách Bản đồ đọc nhầm cho rằng những người đi sau (nhà thơ, nhà phê bình…) bao giờ cũng cảm thấy bị người đi trước án ngữ, cản đường, cho nên tìm mọi cách để xuyên tạc, hạ bệ người đi trước để tìm không gian thông thoáng cho mình, do đó mà đọc nhầm, đọc sai là một nhu cầu tâm lí của họ. Đặc biệt là trong tranh luận, khi hai bên đã dựng thành chiến lũy, bên nào cũng cốt bảo vệ ý kiến đúng của mình, tìm cách khai thác sơ hở, thậm chí bịa ra chỗ sai của đối phương nhằm lừa dối dư luận, lúc đó thì đọc nhầm, đọc không vỡ chữ là quy luật. Nói chung đã theo lối đó thì không sao vỡ được chữ của nhau cả. Đó mới là bi kịch đích thực.
Từ các phân tích trên tôi cho rằng nói “bi kịch đọc không vỡ chữ” mà chị Minh Thái nêu lên là một vấn đề thú vị. Tuy nhiên nó chỉ trúng trong một số trường hợp, còn phần nhiều là không đúng, bởi phần nhiều là “đọc nhầm”, như là một quy luật chung của đời sống văn học với rất nghiều nguyên nhân khác nhau. Theo H. Gadamer mọi người đọc đều có thiên kiến, dự kiến ban đầu, dó đó mọi sự hiểu đều là dung hợp tầm nhìn, nghĩa là một cách hiểu khác với nguyên tác, lúc đó trong tôi có anh, trong anh có tôi, không phân biệt rạch ròi được. Mọi sự đọc thế nào cũng có sai lệch. Trong khi đọc có sự đối thoại dự kiến, thiên kiến với văn bản để đạt tới dung hòa. Người trước đọc nhầm, người sau nắn lại, đối thoại lại, đi đến hiểu nhau hơn. Khi cả xã hội biết đọc văn học, biết đối thoại thì không sợ ai bị đọc nhầm. Đọc nhầm còn là cách tạo nghĩa mới cho văn học, nếu nghĩa ấy không có giá trị gì thì xã hội sẽ quên đi, nếu sự đọc ấy có giá trị thì sẽ được lưu giữ, được đối thoại.
Trong sáu trường hợp mà tôi nêu trên, một trường hợp là đọc không vỡ chữ thật, tức đọc sai, đọc không ra, trách nhiệm thuộc về cá nhân người đọc. Trường hợp thứ hai là không thể đọc vỡ vì gắn với một đặc trưng văn học. Còn lại bốn trường hợp là đọc nhầm. Một là đọc nhầm do lí luận cũ; hai là đọc nhầm do vội vàng; ba là đọc nhầm do ý thức hệ; bốn là đọc nhầm do tâm lí “đố kị”. Dù đọc sai hay đọc nhầm đều ít nhiều có ý vị bi kịch, vì thế mong mọi người đọc nên cẩn thận như nơi củi lửa, tăng cường đối thoại để xích lại gần nhau hơn.
Hà Nội, tháng 7 năm 2013.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: