Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

Sống và đọc


Giáng Vân thực hiện’
Văn V: Nhân ngày Sách Thế giới 23/4 và ngày Đọc sách Việt Nam 21/4, giới thiệu cuộc trò chuyện giữa nhà thơ Giáng Vân với hai tác giả về chuyện đọc sách, đó là nhà thơ Đỗ Trọng Khơi và nhà văn Mai Sơn.
 Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi: Tôi hoàn toàn tự học bằng cách sống và đọc
 146869-khoi 3  Thưa nhà thơ Đỗ Trọng Khơi, với anh, việc đọc dường như là sự sống còn của đời sống cá nhân?
 - Vâng, đúng vậy. Như chị đã biết, tôi sớm phải nghỉ học. Việc được học bài bản, hệ thống trường lớp là con đường tiếp thu tri thức một các nhanh chóng và đầy đặn. Tất nhiên, nếu thấy thoả mãn với kiến thức trường lớp trang bị thì ai đó chỉ có thể thành một công chúc cạo giấy, ăn lương. Người “học trò cuộc đời” muốn có được sự trưởng thành ngày một lớn hơn, sống giầu ý nghĩa hơn thì họ đều phải tiếp tục tự học không ngừng, nghĩa là đọc và suy nghiệm, đúc kết. Tôi không may mắn để có được cơ sở ban đầu là học qua hệ thống trường lớp, tôi hoàn toàn phải tự học bằng cách sống và đọc. Một chặng đường mò mẫm, nhiều lúc loanh quanh, u u minh minh. Rất mất thời gian và có thể nói, kiến thức thu được khá chắp vá, ít ỏi. Tôi là kẻ trên đường văn học với cây gậy yếu bấy và duy nhất, là niềm kinh hãi trong sự lưu lạc, côi cút của phận người trong cõi người, kiếp người. Tôi là kẻ luôn bị cuộc đời dồn đuổi, không một cư trú an toàn. Vì thế mà nhiều khi tôi gấp gáp, lại cũng khi tôi trở lên u lì, gan góc hơn trước những cảm thức buồn thương về sự lưu lạc, dồn đuổi ở thế gian này. Không rõ đấy có phải là lòng can đảm, là nghị lực như người ta thường nói không? Nhà thơ lớn người Nga, Pasternak viết “Lòng can đảm – cội nguồn cái đẹp”, vậy thì tôi cũng có ít nhiều hy vọng đạt được đôi chút mảnh vỡ của “cái đẹp” chăng?
 Các học giả, các nhà nghiên cứu, họ có nhiều kho kiến thức trong đầu, họ thường dùng những thứ họ có để soi vào văn chương, cái mà một người không may mắn như anh không dễ gì có được. Vậy anh đã đọc và tiếp nhận bằng cách nào?
 - Con đường văn học của tôi, khởi đầu có lẽ chỉ là do niềm yêu thích bản năng hồn nhiên. Tôi đọc sách để “giết thời gian”, giải khuây trong những ngày đau bệnh triền miên. Sách với tôi khi ấy là giải trí, như một con thuyền giúp tôi tải dòng thời gian buồn thương và trỗng rỗng. Sau dần dần, niềm yêu thích đọc sách lớn thành khát vọng viết sách. “Con thuyền” bản năng, vô tư kia ai ngờ lại hoá thành phương tiện chở tôi sang bờ. Ý thức sáng tác xuất hiện đồng nghĩa việc tiếp thu kiến thức cho công việc này, lúc đó tôi đã tích luỹ được ít nhiều. Tôi còn nhớ, vào khoảng năm 1983 – 1984, năm đó tôi 23, 24 tuổi và đã nằm liệt giường dăm năm, sau khi xem một cuốn tiểu thuyết được viết thời chống Mỹ, một người hỏi “Khơi thấy thế nào?” thì tôi bảo “Tôi cũng có thể viết được…”. Và thế là tôi viết. Những câu chuyện, dạng truyện ngắn lần lượt ra đời. Về thơ, tôi viết thơ sau viết văn xuôi, nhưng ngược lại, trước khi có truyện ngắn đăng báo thì tôi đã có thơ được báo Văn nghệ trao giải Nhì. Con đường sáng tác văn học quả là một con đường dài và đầy khó khăn. Phải mất khoảng 20 năm sau đó nữa, tôi mới tin là mình có thể đi được trên con đường này. Tôi cảm thấy dường như ông trời cũng cho tôi chút năng lực nào đó, nó ẩn chứa trong sâu thẳm bản thân con người tôi có lẽ đã từ kiếp trước chăng?
 Bí ẩn của tâm linh, con người là những vũ trụ thu nhỏ, chỉ khi chúng ta đi sâu vào bản thể mình, lắng nghe bản thân thì mới thấu thị được bản chất thế giới. Điều này không lạ với tư duy phương Đông, trong Thiền học. Bản năng, sự hồn nhiên dường như giúp chúng ta đi thẳng đến bản chất sự vật, không cần một trợ giúp nào. Một đứa trẻ dễ dàng nhận ra kẻ giả dối với nó hơn những người lớn đầy kinh nghiệm, bởi vì nó trong suốt. Một thi nhân, bởi sự nhậy cảm của bản năng, nên anh ta buồn đau trước khi người khác thấy buồn đau, thấy cái đẹp trước khi người khác thấy… Ánh sáng soi rọi hơn mọi thứ tri thức, chính là ánh sáng bên trong. Thưa nhà thơ Đỗ Trọng Khơi, đọc thơ anh, tôi nhìn thấy rất rõ thứ ánh sáng này. Dường như, sự đọc, sự học của anh cũng thấm đẫm tinh thần phương Đông?
 - Tôi sớm được làm quen với sách vở cổ điển phương Đông, với không gian nhà chùa, và không khí lễ hội ở làng quê Việt, vùng Châu thổ sông Hồng. Về gia đình, ông nội tôi có một bà vợ hai, bà ở với ông nhưng không được người con nào và bà thường ở chùa làng. Thuở ấu nhi tôi thường ngày được cùng bà ra chùa làng chơi và cụ Hoà thượng trụ trì ở chùa cũng hay vào nhà tôi chơi. Cái không khí, không gian hương khói nhà Phật len thấm trong tôi từ đấy. Tuy nhiên kinh pháp nhà Phật thì phải sau này, khi đã lớn khôn, nếm trải nhiều nhọc nhằn số phận, hiểu hơn về lẽ bể dâu, mất còn nhân thế, điều Phật gọi là sắc, uẩn, là giải thoát, phải tới khi này tôi mới dần dà thâm nhập vào thế giới nhà chùa và cả những phương diện Đông phương học khác.
 Trong Phật học, chữ “Tâm” chính là điều căn cốt nhất. Phật tại Tâm. Thảy mọi lẽ sống thế gian đều khởi từ Tâm. Khi Tâm định trụ thì sự vật không biến đổi, cuộc sống được an lạc, viên toàn. Tâm định thì Tuệ khởi. Cái “ánh sáng từ bên trong” mà chị coi trọng, chính là cái ánh sáng nguyên nhất, tinh khôi, trinh huyền này. Nó không thể bị vẩn đục, bi khúc xạ, bị chia chẻ. Vậy “Tâm” trong quan niệm này chính là tính nguyên thuỷ, nguyên lý của mọi vận động, của bản chất thế gian. Khi Tâm an định thì ánh sáng tuệ giác sẽ phóng chiếu mang lại cho ta những nhận thức tới chân lý, chân giá trị đích thực. Và, với người sáng tác văn chương khi tu tập cho mình được cái Tâm này, tất anh ta có cơ hội tiếp cận và trình bày được về cái đẹp, điều chân lý của thời đại, cao hơn của nhân loại, của kiếp người trong cõi thế.
 Trực giác là thứ bản thân mỗi người ít nhiều đều được trời cho, nhưng, mỗi người trong đời sống của họ, nếu không thường xuyên sử dụng như một cách nuôi dưỡng, phát triển thì đều bị mất đi, bị lẩn khuất ở đâu đó. Nhưng có một nghịch lí rằng, khi ta có được một thành tựu, một kinh nghiệm, một vốn tri thức nào đó, thì ngay lập tức, các kinh nghiệm, các thành tựu đó đã trở thành vật cản, thành giới hạn của chính bản thân mình. Anh có khi nào cảm thấy điều đó?
 - Tôi luôn cảm thấy, nghiệm thức rõ về điều này. Trong sâu thẳm mỗi con người đều còn ẩn chứa bao tiềm năng. Bộ não, tâm thức chúng ta dường như một vũ trụ, một lòng đất sâu bí hiểm. Còn bao mỏ quặng, bao nguồn năng lượng chưa được biết tới…? Và rồi những rào cản lại được dựng lên mỗi khi những nguồn năng lượng được khai mở. Ấy là khi cái gọi là “giá trị” được xác lập. Bởi trong lòng mỗi giá trị đều có tính tự mãn của nó. Và đó là khi tri thức, kinh nghiệm bắt đầu trở thành rào cản cho việc tiếp cận nguồn trí năng khác nó, ngoài nó, mà trong khi làm cái công việc sáng tạo, nó giúp ta  tạo ra cái mới mẻ, khác lạ, cái chưa từng có.
Có lẽ, vượt qua chính mình, qua những thành công của mình cho những giá trị mới mẻ hơn, cao hơn luôn là “vật cản” với tất cả những ai có tinh thần sáng tạo, tìm đường…
 Anh đã vượt qua những rào cản của chính bản thân trong việc đọc và tiếp nhận như thế nào?
 - Có vẻ tôi ít phải đối đầu với thách thức này. Vì tôi bản năng chăng? Tôi ít “tích luỹ” được kiến thức chăng? Kiến thức có trong tôi, không giấu gì chị, quả thực còn rất ít ỏi. Như những người bà con làng xóm, nông dân bên mình, tôi vừa làm vừa học. Học qua chính bài làm, trên “cánh đồng” của mình. Mà bài làm hôm nay, giống như cây lúa, nó chỉ là sản phẩm trả nợ cho mồ hôi công sức ngày hôm trước, khó đem ra trả nợ cho ngày sau đó nữa, nên mỗi kết quả đều có một giá trị hạn hữu. Nhưng với đời sống “sách vở”, “phố phường”, thì có điểm khác, tôi thường thấy không ít gương các tác giả bị vướng mắc khá nặng nề vì chính những thứ bài bản, với “tập đại thành” mà họ có được. Vì, như ta đã biết, mỗi giá trị là một trở ngại. “Giá trị” do tích luỹ được từ sự học hay do ta đạt tới được bằng sáng tác, dưới bất cứ hình thức nào, khi nó càng to lớn thì khả năng để vượt qua nó càng thêm bội phần khó khăn. Trừ khi ta đạt được những giá trị trong tính không, từ tính không. Còn khi trong lòng kiêu mạn của ta, “giá trị” lớn thành một trái núi thì vượt qua nó sẽ là điều không thể. Thế mới có khái niệm học để mà quên, học để tự làm rỗng mình. Và nữa, còn phải tính tới những trở ngại do tuổi tác, sức khoẻ, điều kiện sống nữa chứ.
 Anh có sự quan sát việc này ở những người khác không? Và có thể kể đôi điều những gì anh thấy được?
 Và thực tế, không cần mất nhiều công sức, sự tinh tế gì cho lắm, chúng ta đều dễ dàng nhận ra, rất nhiều, rất nhiều bạn đồng hành của chúng ta họ đã dừng lại trước những rào cản cuộc sống; phần do môi trường xã hội quẩn quanh, tù đọng, phần lớn hơn do căn bệnh tự thoả mãn với cái mình đã có. Đáng tiếc là trong số họ có cả người từng được xem là có tài.

Nhà văn, nhà nghiên cứu văn học Mai Sơn: Đọc kỹ, rất kỹ (close reading), nhưng không hy vọng chia sẻ được với ai cả
tải xuống (3)
Nhà văn Mai Sơn
1/ Thưa nhà văn Mai Sơn, anh có một phương pháp nào cho việc đọc không?
-         Tôi thích đọc cả âm nhạc (xét như một văn bản), tiểu thuyết, thơ và biên khảo, đặc biệt là triết học, nên thật khó nếu phải nói về một phương pháp đọc nào đó cụ thể; nói chung, tôi có một định tinh quan tâm mà cả ba thứ đọc kia là 3 hành tinh phải quay chung quanh nó, đó là sự sâu sắc và cái đẹp hiếm gặp nhưng lại rất gần gũi với tôi. Như một đứa trẻ con được thầy giáo và người lớn dạy bảo, tôi phải tìm mọi cách đọc để nhớ lâu, hiểu sâu và có thể truyền đạt cho người khác những gì hay nhất có thể. Cái cực kỳ hệ trọng là làm sao để tát cạn cho hết những điều tinh túy nhất có trong cuốn sách. Nỗ lực hết mình có thể gọi là phương pháp không?
 2/ Sự rỗng của tâm thức là trạng thái tuyệt vời cho tiếp nhận, cụ thể hơn ở đây tôi muốn giới hạn là ở sự đọc, rất mâu thuẫn với các loại tiêu chí, chuẩn mực, các kinh nghiệm, các thước đo, các định dạng văn học, anh có nghĩ như vậy không?
- Không thể có một tâm thức rỗng hoàn toàn. Chỉ có thể là những gì vốn định hình bắt đầu mờ đi, và ta bắt đầu đón nhận một cái gì mới mẻ. Một cuốn sách hay tự động làm cho ta thấy mình như khách lạ bước vào thế giới của nó; nếu thấy thế giới đó quen thuộc quá, thì không đọc cũng không sao; giống như nghe lại một bài hát cũ vậy.
3/ Một khi người ta chứa đầy ắp tri thức, làm thế nào để khi ta đọc, những thứ đó không phi ra án ngữ các ngả đi ra thế giới của chúng ta?
- Không có đầu óc nào lại đầy ắp tri thức đến độ không còn có thể chứa thêm cái gì mới mẻ. Người ta chỉ tự ngăn cản mình đọc cái mới bằng sự tự đắc ngu xuẩn mà thôi. Cũng có thể có một đầu óc đầy ắp tri thức liên quan đến công việc làm tương chao hay bánh tráng chẳng hạn, và họ không thèm đọc gì về các lĩnh vực đó nữa. Tương tự, chúng ta không nên đọc những cái quá dở, quá cũ, quá thấp trong lĩnh vực mà mình quan tâm hay quen thuộc.
 4/ Và khi không có tri thức, người ta có đọc dễ hơn không? Vì sao dễ và vì sao không dễ?
- Lý tưởng nhất là có tri thức một nửa để hiểu mình đang đọc cái gì; và vô tri một nửa để luôn mở rộng tâm trí đón nhận.
Không may cho một người đọc hết sách kinh điển của Marx là đứng trước một cuốn sách nhỏ viết dí dỏm về triết học của ông ta trong nhà sách, nếu anh ta không biết làm rỗng mình đi, tức là, nói theo ngôn ngữ Phật giáo, hư kỳ tâm. Vậy là có khi anh ta đã bỏ mất cơ hội đọc một cuốn sách hay.
Tốt nhất là đóng vai một người lữ hành, ra bến xe khách, mua đại một chiếc vé nào đó, lên xe, không biết sẽ đi về đâu.
 5/ Sự đọc cho anh những gì trong công việc nghiên cứu, và cho công việc sáng tạo?
-         Về triết học, khi hiểu một điều gì đó sâu xa ghê gớm, mình cảm thấy trí óc mình bừng sáng, và nói thật, lúc đó mình vững tin mình là con người vì đã hiểu được những chân lý có tính phổ quát.  Về văn học, đọc được một cái gì thực sự thú vị mới mẻ, nó luôn kích thích, làm mình cảm thấy bứt rứt khó chịu, muốn cầm bút lên ngay.
 6/ Anh có bị những cái bóng trùm lên không? Nếu ai đó bị những cái bóng trùm lên thì họ phải thoát ra bằng cách nào?
- Có. Đọc họ chỉ muốn ném bút cho rồi. Nabokov, Philip Roth, Milan Kundera, Orhan Pamuk… là những bóng ma. Họ làm bá chủ thế giới của mình rồi. Nhưng choáng một hồi thì sau đó thấy vẫn còn những rẻo đất chưa ai chiếm lĩnh, và hình như chỗ đó dành cho mình. Không cần phải cố gắng thoát ra khỏi những cái bóng đó, thậm chí nên đọc thêm để thấy họ đang ở đâu, và mình đang ở đâu, và mình chưa đến nỗi tệ. Và hình như những bóng ma ấy không dọa nạt mình mà khích lệ, thách thức mình viết nữa, vì họ thấy mình có cái gì đó cùng nòi.
7/ Là một giảng viên bậc đại học, anh thấy những người trẻ bây giờ đọc thế nào? Câu chuyện đọc của họ có khác gì với câu chuyện đọc của anh? Anh có thể kể một vài câu chuyện về họ không?
- Sự khác biệt là rất đáng nói. Họ đọc những câu chuyện có mang theo những thông điệp cụ thể, quan thiết đối với bản thân họ. Họ thực dụng. Nhưng đó là điều tất yếu. Vì xã hội không cho họ không gian để mơ mộng, để lãng mạn, thậm chí tôi có cảm giác họ không có được một giây để quên mình đi. Trái lại, xã hội tước đoạt của họ quá nhiều, từ môi trường đạo đức, lý tưởng văn hóa, đạo đức hành xử, sự an toàn trong đời sống hàng ngày. Xã hội gây cho họ quá nhiều áp lực. Vậy nên, họ đọc để tìm sự an ủi, hoặc tìm kiếm “vũ khí” để chiến đấu với cuộc đời, chứ không phải để làm giàu có tâm hồn, tâm thức. Đọc phải ra tấm ra món, kế cả các giáo sư đại học. Cái đọc không còn là quà tặng của cuộc sống nữa. Và người đọc sách không còn là kỳ quan của trái đất để ta đem tặng cho các hành tinh khác.
Cái đọc của tôi rất phi thực dụng, rất trừu tượng, càng lớn tuổi lại càng cần những cái trừu tượng, không hẳn là những cái siêu hình hay tôn giáo gì đâu. Ngay cả khi đọc những tiểu thuyết hiện thực, mình cũng chỉ nắm bắt được cái phi thực của nó. Mà suy cho cùng, văn chương thứ thiệt là phi thực, là thế giới thứ hai. Một nhà văn bất tài thì có viết về cái giả tưởng, huyễn tưởng, huyền ảo đi nữa, đọc vẫn thấy “thật thà như đếm”; ngược lại nhà văn thứ thiệt viết tới viết lui loanh quanh một con ngựa thôi, như Norman Mc Carthy chẳng hạn, vẫn thấy mê hoặc như đang chiêm ngưỡng con ngựa mẫu trên thế giới lý tưởng của Plato. Ngoài ra, càng ngày mình càng đọc trong tinh thần phê phán, cốt để loại bỏ tạp chất, rút ra tinh chất. Đọc kỹ, rất kỹ (close reading), nhưng không hy vọng chia sẻ được với ai cả. Càng không thể chia sẻ với các bạn trẻ. Mình với họ là cả một vực thẳm. Vì cái đọc ngày càng có tính cá nhân, thậm chí như một nghi lễ với chính mình. Để khi mình lìa đời, hy vọng mình chỉ còn là một khối tinh thần thuần túy được tạo nên bởi ý tưởng.
Nhưng mặt khác, tôi có thể tìm thấy những câu trả lời cho những thắc mắc ghê gớm của riêng tôi bằng cách đọc thơ, trong đó có thơ của các tác giả Việt Nam. Những ngày này tôi đang đọc thơ của vài người bạn trong nam, ngoài bắc.
Giáng Vân 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: