Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

Phúc thẩm Vinalines: Tranh tụng gay gắt, Dương Chí Dũng xin được sống


Chiều 24/4, tại phiên tòa phúc thẩm vụ án Vinalines, cuộc tranh tụng gay gắt giữa Viện kiểm sát và luật sư đã diễn ra.
Bị cáo Dương Chí Dũng xin được sống
14h30’, VKS đối đáp lại quan điểm của luật sư đưa ra trước đó: Quan điểm của VKS về việc chuyển tiền là có thật, VKS đã nêu đầy đủ luận điểm về điều này. VKS chỉ đề nghị tăng mức bồi thường đối với các bị cáo chứ không tăng mức hình phạt đối với các bị cáo.


“Quan điểm của luật sư Phúc đề nghị làm rõ việc nguyên đơn dân sự chưa có yêu cầu bồi thường mà các bị cáo đã phải bồi thường. Việc này VKS đề nghị luật sư Phúc xem lại điều 42 Bộ luật hình sự, đây là vấn đề dân sự trong hình sự nên không phải chờ yêu cầu mới bắt buộc bồi thường nếu Vinalines không có yêu cầu bồi thường thì nhà nước mất số tiền này à?”, vị đại diện VKS nói.

VKS đã nêu đầy đủ các hành vi phạm tội của các bị cáo. Nhiều luật sư cũng xem xét việc thất thoát, thiệt hại trong khi ụ nổi vẫn còn. Ụ nổi bây giờ đang có giá trị 37 tỷ, số tiền này VKS đã trừ đi rồi mới có con số 366,9 tỷ đồng và đây là số tiền các bị cáo phải liên đới trách nhiệm bồi thường. Hiện nay mỗi tháng nhà nước cũng phải bỏ tiền ra để thuê chỗ neo đậu cũng mất gần 1 tỷ đồng.

Còn việc các luật sư cho rằng đây là ụ nổi chứ không phải tàu biển, về vấn đề này thì trong hợp đồng cũng ghi là tàu biển và trong giấy phép tạm thời cùng ghi là tàu biển. Đại diện VKS thấy rằng có đầy đủ chứng cứ coi đây là tàu biển nên việc luận tội của VKS đối các bị cáo là hoàn toàn có căn cứ. Còn số tiền 1,666 triệu USD thì luật sư coi đó là chứng thư bảo lãnh, về việc này VKS thấy rằng chứng thư bảo lãnh thì cũng là tiền của nhà nước.

Các luật sư thì cho rằng theo công ước HS là đủ điều kiện nói các bị cáo không phạm tội. Việc này VKS thấy Công ước HS đưa ra là để phân loại hàng hóa, là cơ sở để áp dụng thuế. Nhìn vào Công ước HS thì đây cũng là tàu nhưng bao nhiêu tấn, quan trọng là để áp thuế. Quản lý nhà nước không đơn giản như thế, không thể anh bỏ tiền ra để mua đống rác về để đấy được.

14h58’, luật sư Ngô Ngọc Thủy đề nghị VKS trả lời vấn đề: “Căn cứ vào cơ sở pháp lý nào để khẳng định đó là tài sản nhà nước, là tài sản của Vinalines; số tiền 1,666 triệu USD chuyển vào tài khoản của Cty Phú Hà là tiền của ai, ai chỉ đạo chuyển tiền này. Số tiền 1,666 triệu USD đã được xác định vào thời điểm nào, ai thỏa thuận? Đề nghị VKS đánh giá về bản tuyên thệ của ông Goh có giá trị pháp lý không?

15h03’, đại diện VKS đối đáp: Toàn bộ tài sản của Vinalines trách nhiệm cao nhất thuộc về Dương Chí Dũng. Theo tài liệu điều tra và lời khai tuyên thệ của ông Goh, khoản "lại quả" được trích từ việc mua ụ nổi 9 triệu USD mà Vinalines 100% vốn nhà nước. Còn vấn đề ai chuyển tiền cho Cty Phú Hà, VKS cho rằng vụ án này xảy ra từ 2008 nhưng đến 2012 mới được điều tra, khi thực hiện hành vi không có ai tố cáo, chúng tôi ghi nhận quá trình điều tra hết hức khách quan đúng như lời khai của bị cáo. Sơn khai là đưa tiền cho Dũng và Phúc nhưng cả hai bị cáo này lại không nhận, trong khi đó bị cáo Chiều chỉ nhận 340 triệu đồng của Sơn và bị cáo đã nhận có việc này.

Còn bản tuyên thệ trước pháp luật của ông Goh, VKS đã nghiên cứu, ông Goh cũng nhận là biết Dương Chí Dũng từ khi con Dũng học ở Singapore nhưng ban đầu bị cáo Dũng không nhận quen ông Goh. Ông Goh cũng nhận trước khi ký hợp đồng có đoàn khảo sát sang Nga. Việc ông Goh cho rằng số tiền 1,66 triệu USD cho Cty Phú Hà là chứng thư bảo lãnh, làm thủ tục hải quan về vấn đề này trong nội dung hợp đồng ký mua ụ nổi giữa Cty AP và Vinalines là không có.

Luật sư Trần Đình Triển đề nghị: "Tại phiên sơ thẩm tôi đã cung cấp văn bản của Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng với 4 tờ trình của ông Trần Hải Sơn sau khi đi Nga từ 2007, trong đó có tờ trình ụ nổi chào giá đến 9,5 triệu USD. Điều đó thể hiện ông Sơn đã đi Nga để thỏa thuận việc mua bán ụ nổi 83M trước khi có đoàn khảo sát của Vinalines sang Nga. Tôi cũng đề nghị làm rõ việc ông Sơn đi Nga là ngày 6 hay 7/2007. Tôi đủ căn cứ chứng minh số tiền 1,666 triệu USD là ông Sơn chiếm tất cả, tôi sẽ tranh luận với VKS về việc này. Việc Sơn gọi ông Goh sang Việt Nam ký 6 chứng từ hợp thức 1,66 triệu USD".

“Số tiền 1,66 triệu USD này chưa biết đi đâu cả, đề nghị VKS làm rõ? Ngoài ra tôi cũng đề nghị VKS làm rõ việc ông Dũng và Phúc chỉ đạo cho cấp dưới mua bằng được ụ nổi 83M thì chứng cứ đâu”, luật sư Triển nói.

15h35’, bị cáo Dương Chí Dũng lý giải việc bị cáo đã khai mình có quan hệ với ông Goh từ trước nhưng dư luận sẽ đánh giá "quân của ông nhận nhiều tiền thế thì chả nhẽ ông không được đồng nào à".

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp đề nghị làm rõ việc 1,66 triệu USD ai là người đứng ra đàm phán để "lại quả", đàm phán ở đâu, nếu không làm rõ việc này thì sẽ có người chịu tội thay cho hành vi của người khác. Nếu VKS không đủ chứng cứ thì phải công nhận những chứng cứ của luật sư đưa ra.

15h45’, luật sư Hoàng Huy Được đề nghị VKS làm rõ ụ nổi 83M có phải là tàu không.

Về việc này Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Nguyễn Văn Sơn cho rằng VKS đã nói rồi, các luật sư cũng đã nêu vấn đề này, việc này HĐXX sẽ xem xét để đánh giá.

15h55’, luật sư Phạm Thanh Sơn đề nghị VKS làm rõ việc VKS cho rằng bị cáo Chiều "nhận chỉ đạo qua ý chí chủ quan" là như thế nào? Nếu VKS không có ý kiến gì về phần bào chữa của luật sư thì coi như phần phần bào chữa của luật sư cho Mai Văn Khang là đúng.

Luật sư Nguyễn Chiến đề nghị VKS nói rằng theo quy định Điều 11 Luật Hàng hải thì ụ nổi 83M là tàu, điều này chưa rõ ràng.

16h15’, đại diện Cục đăng kiểm đề nghị HĐXX làm rõ việc mua ụ nổi 83M thì Vinalines căn cứ vào báo cáo nào?

Tại tòa, bà Phạm Thị Mai Phương (vợ Dương Chí Dũng) đề nghị HĐXX xem xét về việc tòa sơ thẩm đã kê biên 3 ngôi nhà vì cho rằng đó là tiền bà cầm của người khác và tiền của mình.

Bà Ngô Thị Vân (vợ Mai Văn Phúc) đề nghị HĐXX xem xét để giảm tội cho chồng, xem xét việc kê biên ngôi nhà mà tòa sơ thẩm đã kê biên. “Nếu chồng tôi được trở về đoàn tụ gia đình thì tôi có gì sẽ trao hết”.

16h20’, đại diện Bộ Tài chính cho biết: Trong Luật Hàng hải đã nêu rõ nếu quy định trong luật này khác với công ước HS thì sẽ tuân theo quy định trong công ước HS.

16h22’, VKS đối đáp lại các ý kiến của luật sư Công: "Luật sư cho rằng có thể công văn của C48 là có nhưng chúng tôi không căn cứ vào công văn này mà căn cứ vào nhiều tài liệu để buộc tội bị cáo Khang.

Về ý kiến của luật sư Được cho rằng Dũng và Phúc có mâu thuẫn "không đội trời chung", việc này chúng tôi không biết và không trả lời.

Còn luật sư Triển cho rằng chúng tôi làm oan, nếu chúng tôi làm oan chúng tôi sẽ phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân. Trong hồ sơ vụ án cũng có mâu thuẫn nên đề nghị HĐXX xem xét đánh giá. Chúng tôi hoàn toàn bảo vệ quan điểm các bị cáo đã phạm tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Còn về tội tham ô, trong quá trình điều tra không phải ai cũng nhận tội, ngay cả khi tôi hỏi bị cáo Dũng là nếu được đồng ý cho triển khai dự án thì ụ nổi mua trước hay mua sau thì Dũng trả lời ngay là làm sau cùng, có nghĩa là vì 1,66 triệu USD.

Theo lời khai của Sơn thì Dũng chỉ đạo chia tiền, Dũng 10 tỷ, Phúc 10 tỷ, còn lại Sơn 7,8 tỷ (trong đó Sơn cho em gái 2 tỷ). VKS cho rằng việc Dũng và Phúc nhận tiền là có nhưng các bị cáo không thừa nhận. VKS vẫn giữ nguyên quan điểm buộc tội các bị cáo phạm tội Tham ô tài sản".

16h50’, trước khi tòa nghị án các bị cáo được nói lời sau cùng.

Bị cáo Dương Chí Dũng: “Trước tiên tôi xin lỗi Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Bị cáo không tham ô, bị cáo rất tâm huyết với nghề, muốn làm cái gì đó cho ngành nhưng không thành công, mong HĐXX xem xét giảm tội cho bị cáo. Thêm vào đó bố đẻ bị cáo là thương binh chống Pháp, chống Mỹ, mẹ bị cáo cũng tham gia cách mạng, bố mẹ vợ của bị cáo cũng là cán bộ cách mạng. Bị cáo đã ăn năn và vận động gia đình để khắc phục hậu quả, mong HĐXX cho bị cáo sống”.

Bị cáo Mai Văn Phúc mong xử khách quan để giảm tội cho bị cáo.

Bị cáo Mai Văn Phúc: “Mong HĐXX xem xét để xét xử thật khách quan để giảm tội cho bị cáo”.

Bị cáo Trần Hải Sơn vừa khóc nói lời sau cùng: “Bị cáo khai đúng gì bị cáo biết trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Bị cáo mong người thân sẽ khắc phục hậu quả cho bị cáo. Đề nghị HĐXX xem xét giảm tội cho bị cáo, xét xử đúng người đúng tội. Bị cáo mong HĐXX xem xét cho anh Dũng, anh Phúc để không có án tử hình”.

Bị cáo Trần Hữu Chiều: Đề nghị HĐXX xem xét giảm mức bồi thường vì hoàn cảnh khó khăn, cũng như giảm tội cố ý làm trái, tội tham ô.

Bị cáo Mai Văn Khang: Bị cáo mong HĐXX xem xét giảm án cũng như mức bồi thường để bị cáo sớm được trở về đoàn tụ với gia đình.

Bị cáo Huỳnh Hữu Đức, bị cáo Lê Ngọc Triện và Lê Văn Lừng đề nghị HĐXX xem xét giảm tội cho bị cáo, để hưởng sự khoan hồng của nhà nước sơm trở về với gia đình. Các bị cáo xin HĐXX giảm mức bổi thường cho mình vì gia đình khó khăn.

17h10’, tòa tạm nghỉ để nghị án. 14h chiều 25/4 tòa tuyên án.

Xuân Hải 
(Infonet) 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: