Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

Đi khỏi đây càng sớm càng tốt

Wieland Wagner

Phan Ba dịch từ Der Spiegel 08/2010
Tuy kinh tế phát triển, nhưng nhiều doanh nhân và thương gia vẫn di cư sang Phương Tây. Họ e ngại sự độc đoán của nhà nước Cộng hòa Nhân dân.
Phòng đã hết chỗ ngồi từ lâu, nhưng thính giả vẫn chen vào mỗi lúc một nhiều hơn, người ta phải mang thêm ghế ra cho những người đến muộn. Đấy là một chiều thứ bảy, sự hấp tấp mua sắm vẫn gây náo nhiệt trên đường phố Bắc Kinh như thường lệ. Nhưng ở trên này, trong sự im lặng của một ngôi nhà văn phòng cao tầng sang trọng , họ đang lắng nghe một người đàn ông sẽ giúp họ có một cuộc sống mới – cách Trung Quốc thật xa.
Li Zhaohui, 51 tuổi, bật máy chiếu. Hình ảnh chập chờn trên tấm màn chiếu ở phía sau lưng của ông. Những tấm ảnh ấy lúc thì chụp chính ông, sếp của một trong những công ty Trung Quốc lớn nhất chuyên về môi giới thị thực di cư với hơn trăm nhân viên, lúc thì chúng chụp Li với đối tác ở Hoa Kỳ, lúc thì chúng chụp những người Trung Quốc tại một khu phố ngoại ô thơ mộng ở Mỹ. Li đã tổ chức thành công chuyến ra đi rời bỏ nước Cộng Hòa Nhân dân cho những người đó.
Qua cung cách nói của mình, tự do và tự tin, Li thể hiện chính xác cái phong cách sống của Phương Tây mà thính giả của ông ấy mơ ước: nhà vật lý học đã di cư sang Canada từ năm 1989. Vào lúc ban đầu, ông ấy phát triển những bộ vi mạch ở Montreal, nhưng công việc này khiến ông nhàm chán, theo như ông nói. Thế rồi ông tìm thấy sứ mệnh của mình – như là người giúp các chủ doanh nghiệp và thương gia Trung Quốc chạy trốn.
Tất nhiên là Li không dùng đến khái niệm “chạy trốn”. Di cư ra khỏi Trung Quốc là một việc làm hợp pháp. Vương quốc 1,3 tỉ dân đấy vẫn còn có đủ người.
Và ngay cả những người đang có mặt ở đấy hầu như không một ai có ý định hủy ngay tất cả những chiếc cầu nối về quê nhà Trung Quốc. Vì hầu như tất cả ở đấy đều sở hữu công ty, biệt thự, ô tô trong nước Cộng hòa Nhân dân.
Nhiều người đã chịu ơn Đảng Cộng sản (ĐCS) cho lần thăng tiến của họ. Nhưng họ đã phát triển những nhu cầu khác trên con đường tiến bước lên phía trên, những nhu cầu mà, như người Trung Quốc nói, người ta chỉ có khi đã no bụng. Đấy giống như một cơn đói mà không thể làm cho no được, cho tới chừng nào mà người ta vẫn còn sống trong một chế độ độc đảng.
Họ ao ước một nhà nước pháp quyền, cái bảo vệ họ trước sự độc đoán của Đảng. Và họ muốn hưởng thụ sự thịnh vượng của họ trong những đất nước mà người ta sống tốt cho sức khỏe hơn là trong Trung Quốc, trong cái xưởng khổng lồ thường đầy bụi và hôi thối đó.
Vì thế mà nhiều người Trung Quốc cố gắng lo quốc tịch nước ngoài cho họ và gia đình họ. Đích đến được họ ưa chuộng nhất là Hoa Kỳ và Canada – ở đấy, di cư đã thành truyền thống rồi.
Khu phố người Hoa ở New York: chạy trốn cái xưởng khổng lồ thường đầy bụi và hôi thối đó. Ảnh: Nobert von der Groeben / Spiegel
Khu phố người Hoa ở New York: chạy trốn cái xưởng khổng lồ thường đầy bụi và hôi thối đó. Ảnh: Nobert von der Groeben / Spiegel
“Tuozu yimin” là câu thần chú mà Li nhắc đi nhắc lại không biết mệt cho các thính giả của ông ấy, có nghĩa tương tự như “nhà đầu tư di cư”.
Ông ấy đi khắp Hoa Kỳ nhiều tháng trong một năm, Li tường thuật, để lựa chọn các dự án đầu tư thích hợp cho khách hàng của mình – ví dụ như những dự án xây dựng mà qua đó các nhà đầu tư Trung Quốc đạt đủ tiêu chuẩn để được cấp thị thực dài hạn ở Hoa Kỳ cho họ và gia đình họ.
Khách hàng của Li coi trọng sự kín đáo, với những lời rao bán to tiếng, ông ấy chỉ làm cho họ giật mình sợ hãi hay đẩy họ sang những người cùng cạnh tranh: hơn 800 công ty tương tự như thế chào mời “touzi yimin” ở khắp nơi trong nước, một vài công ty gửi quảng cáo đơn giản qua tin nhắn.
Zhang Yongjun, 41 tuổi, và gia đình của ông ấy đã sẵn sàng để rời khỏi Trung Quốc. Ông ấy ngồi ở cạnh cái bàn giám đốc dài bọc da của công ty ông ấy trong tầng thứ 30 của Overseas Plaza trong Bắc Kinh. Ở bên ngoài cửa sổ, mặt trời hầu như không thể xuyên qua được màn sương khói màu nâu. Trong vài tuần tới đây, Zhang dự định sẽ cùng với vợ và hai người con gái bắt đầu một cuộc sống mới trong Vancouver của Canada.
Doanh nhân Trung Quốc này đã cần bốn năm để có được Maple Card của Canada – tương tự như Green Card của Mỹ, nó cho phép cư trú dài hạn; sau ba năm ở trong nước, người ta có thể xin gia nhập quốc tịch Canada.
Để làm được việc đấy, Zhang đã bỏ khoảng 300.000 euro vào trong một quỹ đầu tư. “Tôi làm việc này vì các con của tôi”, Zhang nói. Vợ của ông ấy sẽ định cư liên tục ở Canada cùng với những người con gái. Họ sẽ hít thở không khí trong lành và đi học ở những trường dạy dỗ họ trở nên những con người cởi mở với cả thế giới. Zhang muốn giữ lại hộ chiếu Trung Quốc của ông ấy và đi đi về về giữa Bắc Kinh và Vancouver. Vì ông ấy không muốn đánh mất nền tảng của tài sản ông ấy trong Trung Quốc.
Zhang đẩy qua đẩy lại hai chiếc smartphone nằm trên bàn ở phía trước ông. Với phần mềm và sản xuất thiết bị cho công ty xổ số nhà nước, Zhang kiếm được nhiều triệu euro tiền lời hàng năm. Ông ấy mặc quần áo không nổi bật, nhưng ông ấy có bất động sản trong Bắc Kinh và ở hai thành phố khác. Phu nhân của ông ấy là nội trợ. Thật ra thì vợ chồng trong các thành phố lớn chỉ được phép có một con. Zhang đã phải trả khoảng tiền phạt 60.000 nhân dân tệ (7200 euro) – một người công nhân di cư phải làm việc ba năm ròng cho nó – để có được đứa con thứ hai. “Khoảng chi đấy đã có ích”, ông ấy nói.
Như mọi năm, gia đình đón tết Trung Quốc trong tháng 1 ở nước ngoài; tổng cộng khoảng một nửa thời gian của năm vừa rồi ông ấy đã nghỉ phép.
Nhưng nếu ông ấy có thể sống tốt như thế thì tại sao ông ấy lại cần đến một thị thực dài hạn cho nước Canada xa xôi, tại sao ông ấy lại muốn có được quốc tịch ở đấy cho gia đình mình?
Zhang nhìn lên trần của phòng giám đốc. Dường như là ông ấy hối tiếc là đã đồng ý trao đổi về đề tài này.
Hầu như không có người di cư nào thích nói chuyện một cách cởi mở về con đường đang được dự định, nhất là khi người đấy vẫn còn muốn kiếm tiền trong Trung Quốc.
Tờ “Global Times”, cơ quan ngôn luận quốc gia của ĐCS, vừa mới in lại một khảo sát trên mạng mà theo đó, sự ra đi của những người có tiền đã làm cho nhiều người đồng hương ganh tỵ. Tờ báo trích dẫn một người dùng Internet nặc danh với những lời: “Nhiều kẻ trong số những người muốn di cư chỉ là những kẻ phản bội. Các anh hãy để lại đây tiền của các anh, nếu như các anh muốn di cư.”
Những lời mắng nhiếc như thế khiến cho người ta e ngại không muốn thảo luận công khai về những ý nghĩ trốn đi. Và vì thế mà Zhang cũng chỉ nói chung chung về việc tại sao ông ấy muốn tạo một chân đứng thứ hai ở Canada cho ông ấy và gia đình ông ấy, mặc cho những thành công của mình. “Trong một môi trường mà quyền lực quyết định tất cả thì cuối cùng là không có những tiêu chuẩn rõ ràng, không có cảm giác an toàn.”
ĐCS đã giải phóng hàng trăm triệu người ra khỏi cảnh nghèo khổ trong những năm vừa qua. “Một thế giới, một giấc mơ”, với câu khẩu hiệu đó, nước Cộng hòa Nhân không những đã chào mừng Thế Vận Hội năm 2008  mà còn chào mừng cả lần trỗi dậy nhanh chóng trở thành một cường quốc của Trung Quốc nữa. Và trong nỗi buồn rầu của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, có những chính khách và doanh nhân Phương Tây nào đó đã còn hoan hô cái được cho là ưu thế của hệ thống độc tài.
Thật sự thì ngay cả những đứa con của cuộc cách mạng thịnh vượng Trung Quốc cũng mơ về những tự do của Phương Tây. Sự giễu cợt chua cay ngấm ngầm của họ đối với Đảng đã từ lâu hông chỉ phổ biến trong giới giàu có mà cả trong giới trung lưu đang tiến lên.
Người di cư Zhang: "Tôi làm việc này vì các con của tôi". Ảnh: Chad Ingraham / Spiegel
Người di cư Zhang: "Tôi làm việc này vì các con của tôi". Ảnh: Chad Ingraham / Spiegel
Wang Qiang (tên họ đã được ban biên tập thay đổi), 36 tuổi, bắt đầu một ngày làm việc mới, đấy cũng là một trong những ngày cuối cùng của ông ở Bắc Kinh. Ông cũng muốn di cư sang Canada, đến Quebec, cùng với cả gia đình, vĩnh viễn.
Hôm nay, Wang cũng lại cực nhọc mất một giờ rưỡi với chiếc ô tô để đi qua những đoạn kẹt xe. Bây giờ, ông ấy ngồi trong căn nhà chọc trời của một công ty viễn thông nhà nước. Wang thuộc giới quản lý cấp cao, ông ấy được đồng nghiệp yêu mến, trên thực tế, ông ấy có được một việc làm cho cả đời. Thế nhưng ông và vợ ông chỉ còn nghĩ đến việc đi khỏi đây càng sớm càng tốt.
Điều đấy bắt đầu, Wang Qiang nói, khi con gái của ông ấy chào đời và ông ấy cầm lấy tay con lần đầu tiên. “Lúc đấy tôi chợt hiểu rằng tôi sẽ không bao giờ muốn nuôi con tôi khôn lớn trong Trung Quốc”, ông ấy nói.
Sắp tới đây, Wang sẽ nộp đơn xin di cư tại Đại sứ quán Canada. Trong công ty, ông ấy vẫn còn giữ bí mật về dự định của mình, nhưng cứ thêm một ngày là quyết định của ông ấy lại càng vững chắc thêm nữa, ông ấy nói.
Và rồi Wang kể về một đồng nghiệp. Người đấy khoe rằng đã mất nhiều tiền để cho con mình theo học ở một trường danh tiếng. “Sự công bằng ở đâu?”, Wang hỏi. “Nếu không quen biết thì những đứa trẻ không có cơ hội trong hệ thống giáo dục Trung Quốc.”
Wang nhìn quanh xem có đồng nghiệp ở gần đấy không. Ông ấy vẫn còn phải thận trọng. Nhưng càng ngày ông ấy càng khó thể che dấu sự bất bình của mình. Cứ thêm một ngày là ông ấy cảm thấy cuộc đời của mình càng thêm vô nghĩa. Để làm ví dụ, ông ấy đưa ra những lần bầu cử vào các hội đồng nhân dân ở địa phương, một màn kịch mà Bắc Kinh đã tiến hành với nhiều ồn ào trong tuyên truyền. “Họ để cho chúng tôi đi bầu, trong khi đấy thì chúng tôi chẳng quen biết đến một ứng cử viên duy nhất.”
Nhiều bạn bè của ông ấy đã di cư sang Canada. “Không ai trong số họ muốn thuyết phục tôi từ bỏ dự định của mình.”
Sau này, Wang muốn cũng rước cha mẹ sang. Ông ấy muốn cho cha mẹ của mình có được những ưu điểm của hệ thống xã hội Phương Tây.
Sau seminar dành cho các nhà đầu tư của ông ấy, Li, nhà môi giới di cư, ngồi hài lòng trên một cái sofa da màu nâu đỏ. “Cứ lần nào giới truyền thông tường thuật về những người di cư thành công là chúng tôi lại càng có thêm nhiều người hỏi đến”, ông ấy nói.
Ngay nhiều cán bộ Cộng sản cũng để cho con của họ học đại học ở nước ngoài. Một trong số đó là người lãnh đạo nhà nước và Đảng trong tương lai, Tập Cận Bình, người giới thiệu mình ở Washington trong tuần này: con gái của ông ấy học tại Đại học Havard. Một người khác là Bạc Hy Lai, bí thư nổi tiếng của Trùng Khánh: ông ấy tuy thúc giục người dân của mình ra công viên mỗi buổi sáng để hát những bài ca cách mạng; nhưng cả người con trai  của ông ấy Guagua cũng học đại học ở Havard.
Và bởi vì có nhiều cán bộ Cộng sản để cho con của họ mơ giấc mơ Mỹ nên hiện giờ có một câu chuyện đùa đang thịnh hành trong Trung Quốc: may là các trường đại học danh tiếng ở Havard, Yale và Princeton không tổ chức các buổi họp phụ huynh học sinh trùng ngày với đại hội của ĐCS Ttrung Quốc. Chứ nếu không thì sắp tới đây Đại hội đường Nhân dân sẽ vắng hết một nửa.
Wieland Wagner
Phan Ba dịch từ Der Spiegel số 08/2010

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: