Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

Hồi ký Yevgeny Yevtushenko


images
Nhà thơ E. Evtushenko
  1. Cuốn sách có những trang bị xé
 Hồi trẻ có lần người bạn của tôi là họa sĩ Oleg Tselkov tình cờ tìm thấy ở một hố rác tại vùng quê Tushin của mình cuốn tiểu thuyết “Tội ác và sự trừng phạt” đã được đọc đến sờn rách với những trang bị xé hay đơn giản là bị mất. Anh bạn họa sĩ coi đó là món quà của số phận nên gần một năm đi đâu anh cũng cứ kè kè cuốn tiểu thuyết bên mình, khi thì trong metro, khi thì ở một quán rượu nhỏ, còn có khi lại là một buổi sáng trên chiếc đi văng võng xuống vì tình yêu của một cô bạn gái qua đường thuộc về bộ phận loài người chưa từng bao giờ nghe nói đến Dostoevsky.
Nhà họa sĩ đoan chắc với tôi rằng đọc cuốn sách có những trang bị xé thú vị hơn nhiều, bởi vì những chỗ trống buộc mình phải ức đoán.
Cứ coi như là bạn tìm thấy cuốn sách này của tôi trong hố rác. Nó cũng giống như cuốn tiểu thuyết có những trang bị mất hay thậm chí có những chương bị lược bỏ. Nhưng chúng không phải bị xé – chúng chỉ đơn giản là chưa được viết ra.
Suốt cả cuộc đời, với tính chính xác của một chiếc máy ghi địa chấn, tôi đã ráo riết ghi lại tất cả những chuyển động dưới lòng đất và những cơn động đất của thế kỷ hai mươi, đôi khi vì thế mà tôi đã không ghi lại được nhịp đập trái tim mình.
Người ta gọi tôi là kẻ coi mình là trung tâm, thực ra tôi chỉ là kẻ đứng ở vòng ngoài. Nhưng những gì tôi viết – ngay cả là không phải về mình – cũng chính là về tôi. Còn những gì tôi viết dường như chỉ về mình thì đôi khi lại còn lớn hơn chỉ mình tôi. Cuốn sách này là một điện tâm đồ kép – của tôi và của thế kỷ hai mươi.
Khi hai lăm tuổi, tôi đã chia tay với một phụ nữ hai mươi tuổi tài năng hiếm có mà tôi yêu nhất trên đời. Dịp đó tôi đã viết ra, đúng hơn là đã thở hắt ra, bài thơ “Chuyện xảy ra với anh”. Tôi không gán cho bài thơ đó một “ý nghĩa xã hội” nào, chỉ coi nó là một thứ rất riêng tư, được viết ra chỉ để cho nàng và cho tôi, mong nó giúp được chút gì cho chúng tôi. Bài thơ đã không giúp gì được, mọi điều đã muộn. Nhưng khi nó vừa được in ra nhiều bạn trẻ đã chép chuyền tay nhau, dường như tôi viết nó là về họ, vì họ và cho họ.
Tôi đã vĩnh viễn chia tay người yêu của mình, dù vẫn còn làm bạn với nhau lâu, ngay khi tôi đã có vợ và nàng đã có chồng, cho đến khi một bàn tay nào đó – mong rằng đấy không phải là tay nàng – đã báo thù hèn hạ bằng cách xóa hết tất cả những lời đề tặng tôi trong các bài thơ nàng viết.
Nhưng không ai có thể xóa được những lời đề tặng nàng trong các bài thơ của tôi. Thật hết sức vô nghĩa là sự ghen tuông hằn học đối với quá khứ. Không thể làm lại được gì ở đấy hết.
Còn bài thơ “Chuyện xảy ra với anh” thì vẫn sống, bởi điều nói trong đó vẫn lại tiếp tục xảy ra, không chỉ là với tôi. Thoạt đầu nó bất ngờ vang lên say đắm bằng tiếng Đức được dịch ra ở Cộng hòa dân chủ Đức nhưng không phải để nói về sự ngăn cách của hai người, mà của cả một dân tộc ở hai bên bức tường Berlin.
Mấy năm sau bài thơ được phổ nhạc trong phim “Sự mỉa mai của số phận” của Ryazanov và được hát với đàn ghi ta trong các khu sinh viên, công nhân, bên những đống lửa của dân du lịch. Sau nữa, bài thơ dường như là tiếng lòng thầm kín nhất này của tôi đã vượt ra ngoài ý muốn của tác giả bắt đầu trở thành bài thơ mang tâm trạng công dân, khi những con người hết sức gần gũi về tinh thần lại bị phân cách về địa lý. Tại các buổi đọc thơ những người đồng hương cũ của tôi bây giờ tản mát khắp thế giới – ở Israel, Mỹ, Australia, Đức – rất hay đề nghị tôi đọc nó.
Giờ đây, khi tôi bước vào cái gọi là “nước ngoài kề bên”, nơi biết bao người Nga đột nhiên bị rơi vào tình cảnh buộc thành người “ngoại quốc”, thì những vần thơ của tôi viết ra khi tôi không thể ngờ là sẽ có lúc Liên Xô biến mất, vang lên đặc biệt cay đắng.
 Ôi, ai người,
                   hãy đến,
                             hãy phá vỡ
sự thống nhất của những người xa lạ
và sự biệt lập
                   của những tâm hồn gần gũi!

Như vậy nhật ký cá nhân của tôi đôi khi bất giác biến thành nhật ký của thế kỷ. Bất giác, nhưng không phải ngẫu nhiên.
Những trang sách bị xé ra hay chưa được viết ra đôi khi dính liền.

2. Không với chó nhà, chẳng với chó rừng

Maldelshtam viết: “Thế kỷ chó sói nhảy bổ vào vai tôi”. Thế kỷ này đã bóp chết không thương tiếc Maldelshtam, cùng nhiều người khác. Nhưng khi đó thế kỷ hai mươi đang là con chó săn trẻ trung, mạnh khỏe. May cho thế hệ chúng tôi, khi chúng tôi qua tuổi nhỏ trưởng thành lên thì thế kỷ chó sói đã già đi, hàm răng của nó đã bắt đầu lung lay. Nó thỉnh thoảng vẫn nhảy bổ vào chúng tôi, nhưng cú ngoạm đã không còn như xưa. Chúng tôi cũng còn may là thế kỷ hiện ra không chỉ dưới dạng sói đực đi săn, mà còn dưới dạng sói cái cho sữa. Thế hệ những năm sáu mươi (thế kỷ hai mươi – ND) – đó là những cừu non của những khu rừng rậm xã hội chủ nghĩa.
Tôi viết không phải bằng mực, mà bằng sữa của con sói cái đã cứu tôi khỏi nanh vuốt của bầy chó núi. Không phải ngẫu nhiên tôi bị đuổi khỏi trường học với hạnh kiểm xấu – với “tấm căn cước sói”. Không phải ngẫu nhiên hai giống chó thuộc loại người căm thù tôi từ trong trứng, nhưng vẫn đồng lòng với tôi và với nhau – chó nhà và chó rừng (những kẻ phù phiếm chuyên nghiệp và những người “yêu nước” chuyên nghiệp) luôn nhảy bổ vào tôi.
Tôi vui mừng là với “tấm căn cước sói” như thế tôi đã bị “đuổi” khỏi tất cả các nơi – tôi không thuộc một đảng phái nào, một băng nhóm nào, một giới thời thượng kiêu căng nào của chúng ta, nó chỉ làm ra vẻ độc lập chứ thực chất là chao đảo giữa các đảng phái và băng nhóm. Tôi không nhập hội với chó nhà, mà cũng không hùa vào với chó rừng.
“Tấm căn cước sói” – đấy là số phận của tôi.
3. Tôi là nhà thơ xô viết cuối cùng

Brodsky là nhà thơ hoàn toàn phi xô viết đầu tiên trong số người sinh vào thời xô viết. Còn tôi là nhà thơ xô viết cuối cùng. Nhưng chính quyền xô viết đã làm đủ cách để đánh bật “chất xô viết” đó ra khỏi tôi.
Tôi thuộc lớp người những năm sáu mươi (thế kỷ XX – ND) bắt đầu đấu tranh với bóng ma Stalin nhờ bóng ma Lenin. Nhưng làm sao hồi đó chúng tôi biết được, khui được các tài liệu lưu trữ về một Lenin khác, chưa từng biết đến, được bảo quản rất chặt chẽ? Làm sao chúng tôi có thể đọc được “Quần đảo GULAK” trước khi nó được viết ra? Chúng tôi không biết rằng dưới sắc lệnh về việc xây dựng Solovkov – trại tập trung đầu tiên trước thời Hitler – là chữ ký của Lenin, rằng chính ông ta đã ban ra những mệnh lệnh tàn bạo đàn áp nông dân, chúng tôi không biết thái độ không khoan nhượng của ông ta đối với giới trí thức khác chính kiến. Nhiều thư từ của ông gửi Dzerzhinsky, Stalin, những công văn khẩn, những chỉ thị, đã bị giấu kín. Đối với tôi và nhiều người khác, từ bỏ sự lý tưởng hóa Lenin là một điều đau khổ. Khi quan niệm cách mạng như là “sự báo thù cho người anh” chính Lenin cũng không nhận biết là ông ta đã bắt đầu báo thù cả một dân tộc, chứ không chỉ chế độ Nga hoàng đã tử hình người anh của mình. Bi kịch của Lenin là ở chỗ Stalin, kẻ mà đến cuối đời ông ta hết sức căm thù, lại đã thực sự trở thành người học trò trung thành của ông ta.
Nhưng tất cả những điều trên phải đến thập niên tám mươi, chứ không phải ở thập niên sáu mươi, tôi mới hiểu ra. Tôi yêu lá cờ đỏ mà đứng dưới nó chiến đấu chống lại chủ nghĩa phát xít không chỉ có Vasili Terkin, mà còn có Viktor Nekrasov, Lev Kobelev, Bulat Okudzhava. Tôi yêu không phải một nước Liên Xô trên danh pháp, mà một nước Liên Xô của cá nhân tôi, nơi tôi có rất nhiều bạn bè ở tất cả các nước cộng hòa. Tôi thích và đến bây giờ vẫn thích bài “Quốc tế ca” – không phải như một bài đảng ca, mà như một bài hát thường.
Nhưng trong điệp khúc “Những người xưa chỉ tay không – Mai đây tất cả sẽ trong tay mình” có một sự mập mờ nguy hiểm. Nếu người thực sự tay trắng mà trở nên có tất cả thì đó là điều đáng ghê sợ.
Đấy là điều đã xảy ra sau cách mạng tháng Mười, và bất hạnh thay, cũng đã xảy ra ngay cả sau những biến cố tháng 8/1991.

4. Cạo râu trước tấm gương của Blok 

Người ta kể rằng khi Aleksandr Blok trở lại điền trang của mình vào lúc nổ ra cuộc cách mạng mà ông đã tiên báo một cách kinh hoàng thì ông chỉ thấy quang cảnh đổ nát và tro tàn. Chợt trong đống hoang tàn có một vật gì lấp lánh. Đó là những mảnh vỡ từ tấm gương của gia đình ông.
Blok chọn lấy mảnh gương vỡ to nhất và suốt ngày cầm nó trong tay đi quanh đống tro tàn, dường như ông hy vọng mảnh gương còn nguyên này có giấu trong đáy sâu của nó dù chỉ là một mẩu lịch sử.
Những người lính hồng quân tóc tai rũ rượi như bước ra từ bản trường ca “Mười hai người” của ông lệnh cho nhà thơ vĩ đại đứng lại và cầm mảnh gương giơ ra trước mặt họ khi họ cạo râu.
Các vị tông đồ của cách mạng với những băng đạn súng máy vắt chéo trước ngực không thích thú lắm khi thấy mảnh gương bị ám khói không soi tỏ vẻ mặt cách mạng đằng đằng sát khí của mình, họ bực bội chửi rủa, rồi lau sạch mảnh gương bằng những bàn tay có hình xăm và mép áo lót thủy thủ. Còn nhà thơ vẫn đứng yên trong vai trò Người Giữ Gương.
Văn học Nga là gì?
Đó là tấm gương bị các cuộc chiến tranh và cách mạng đập vỡ nhưng các mảnh vỡ của nó vẫn lại lớn lên, giữ được trong bề sâu tất cả những gì đã phản chiếu trong nó.
Lenin từng gọi Tolstoy là “tấm gương phản chiếu cuộc cách mạng Nga”, định nghĩa này lập tức đã giới hạn nhà văn đến phiến diện què quặt. Văn học – đó là tấm gương phản chiếu cả cách mạng lẫn phản cách mạng.
Sâu trong tấm gương này có hàng đống những chú hươu bị giới quý tộc Sa hoàng giết chết, giới này thậm chí không thể ngờ rằng chỉ ít lâu sau chính họ lại bị các nông nô của mình giết chết hàng đống như vậy. Trong tấm gương này nước Nga hiện ra khi thì với bộ mặt bạc nhược thiếu sức sống của Nikolai đệ Nhị, khi thì với cặp mắt ranh mãnh điên cuồng của Rasputin, khi thì với điệu bộ luật sư của Kerensky, khi thì trong mớ tóc giả hóa trang của Lenin, khi thì với chiếc tẩu của Stalin mà từ đó khói của những sinh mạng người bốc ra còn nhiều hơn từ ống khói của những lò hơi Osventsim, khi thì với cái mũi hình củ khoai tây nhanh trí của Khrushchev, khi thì với đôi mắt như đèn từ của Gorbachev nhưng chẳng bao lâu thì cháy, khi thì với cái cằm như được tạc từ đá Ural của Yeltsyn, nó đôi khi chẳng hiểu sao dường như thiếu sinh khí, nói theo từ chuyên môn của ngành quyền Anh.
Người Nga có câu tục ngữ: “Mặt mày xấu xí đừng đổ tại gương”. Nhưng lịch sử là một phụ nữ hiếm có, không thích soi gương. Nó cứ ra sức chùi gương làm như có thể chỉnh sửa được khuôn mặt mình.
Chính thế kỷ hai mươi đã phá giá tất cả các sách giáo khoa lịch sử của thế kỷ hai mươi.
Tất cả đều tiên đoán nhầm – cả Lenin người cho rằng chủ nghĩa cộng sản là tất yếu, cả Trotsky với luận điểm của ông về cách mạng thường trực, cả Stalin với tư tưởng thực hiện chủ nghĩa Marx kiểu Arakcheev trong một nước riêng rẽ, cả Khrushchev với lời hứa hẹn đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản, cả Solzhenitsyn người đã buồn bã báo trước việc những người cộng sản chiếm lĩnh thế giới, cả Gorbachev người cố công một cách tuyệt vọng cứu vớt hệ thống mang bản chất phản tự do bằng sự tự do hóa, cả Yeltsyn người hứa hẹn tiệt trừ tất cả mọi thứ đặc quyền. Những điều tiên tri mơn trớn lòng tự ái. Bản thân tôi đã viết hoàn toàn chân thật trong trường ca “Nhà máy thủy điện Brask” những câu thơ: “Băng qua các cuộc chiến tranh, băng qua các tội ác, loài người vẫn đi tới Lenin không lùi bước, loài người vẫn đi tới Lenin”. Nhưng bộ phận Lenin hóa của loài người đột nhiên thấy ra hướng đi theo bàn tay từ vô số các tượng đài chỉ lối là ngõ cụt và họ bắt đầu vội vã thoát ra khỏi nó.
Hãy tránh những bàn tay chỉ đường, ngay cả nếu chúng chỉ theo hướng ngược lại ngõ cụt cũ. Một ngõ cụt khác có thể vẫn đang chờ anh ở đấy với nụ cười khẩy của người anh em sinh đôi ranh mãnh. Ở đấy cũng có thể có những vũng bẩn và những vũng máu.
Một lần tôi bắt gặp tấm ảnh của Nga hoàng Aleskey thời trẻ chụp cùng ông thầy thủy thủ có bộ ria hiền từ của ngài. Bên cạnh là chiếc xe đạp có kết cấu đặc biệt để cậu bé bị bệnh ưa chảy máu (hemophilie) khỏi ngã. Nhưng bây giờ chúng ta biết điều cậu bé trong ảnh không biết. Chúng ta biết rằng ông thầy thủy thủ đã phản bội người học trò của mình khi bí mật liên kết với những người nhạo báng hoàng gia. Nhưng nhiều người trong số người xử bắn hoàng gia về sau cũng lại bị xử bắn. Tình trạng không cầm máu – bệnh hemophilie – là căn bệnh dân tộc của nước Nga. Nó khởi nguồn từ thời thống trị của quân Tarta-Mongolia, khi các vị bá tước Nga cứ đánh nhau liên miên thay vì thống nhất với nhau. Chính khi đó đã sinh ra thảm kịch dân tộc chẳng hề đáng tự hào – thói quen người Nga làm đổ máu Nga.
Chủ nghĩa xã hội chẳng bao giờ có ở chúng ta. Dưới cái tên giả chủ nghĩa xã hội chúng ta đã tạo ra một chế độ phong kiến-quân chủ che đậy. Chẳng phải Stalin là Nga hoàng, còn các vị bí thư đảng là những lãnh chúa đó sao? Chủ nghĩa xã hội phong kiến sau khi giết chết Nga hoàng Aleksey đã thay ông ta thừa kế ngai vàng, thừa kế bệnh hemophilie. Nền dân chủ của chúng ta hiện thời cũng là nền dân chủ phong kiến, nền dân chủ hemophilie. Máu vẫn tiếp tục đổ không ngừng – cả ở quanh nước Nga, cả ở bên trong – máu của các cuộc xung đột dân tộc trên những lãnh địa cũ của đế chế, máu ở Chechnya, máu của cuộc huynh đệ tương tàn giữa nghị viện và tổng thống, máu của những vụ giết người được thuê sẵn.
Nước Nga luôn là đất nước của nền văn hóa cao cả, nhưng đồng thời là đất nước của sự vô văn hóa chính trị. Chúng ta đối xử với sự tự do của mình một cách vô văn hóa. Tự do của những người không đáng được tự do là nguy hiểm cho chính họ. Gertsen từng viết: “Không thể giải phóng cho mọi người nhiều hơn họ tự giải phóng từ bên trong”.
Chẳng hề mong muốn một nhà thơ nào đó của thế kỷ XXI sẽ lại giống như Aleksande Blok lang thang quanh đống đổ nát, tay cầm một mảnh gương phản chiếu chỉ những xác chết và tro tàn.
Tôi những muốn chúng ta nhìn vào tấm gương của lịch sử và thấy ở đấy chỉ khuôn mặt mình và khuôn mặt con cái chúng ta mà khi nhìn vào không thấy xấu hổ.

5. Chúng ta không việc gì phải xấu hổ

Chúng ta xấu hổ về gì, tất cả đã rõ.
Nhưng lẽ nào chúng ta phải xấu hổ về việc chúng ta đã tránh cho loài người nỗi sợ cuộc thế chiến ba? (Mặc dù bất cứ người mẹ nào mất con thì ở đâu cũng là mất con – trong cuộc thế chiến hay tại một khu vực nào đó ở Chechnya, Tadzhikistan).
Chúng ta không cần phải xấu hổ về việc chúng ta không còn phải sợ cái “con quạ đen” có thể lôi bất cứ ai trong chúng ta đến Lubyanka hay vào trại tâm thần (mặc dù chúng ta sợ bị cướp bóc và đánh đập trên phố hay trong nhà của mình).
Chúng ta không cần phải xấu hổ về việc chúng ta không chỉ có một đảng duy nhất nữa, cái đảng mà ta buộc phải yêu từ khi đi vườn trẻ (mặc dù thật khó mà yêu được một đảng nào trong khoảng nửa trăm đảng phái đã đăng ký hoạt động).
Chúng ta không cần phải xấu hổ về việc không còn sự kiểm duyệt chính trị nữa (mặc dù có sự kiểm duyệt thương mại chuyển thành sự kiểm duyệt chính trị), về việc không phải xếp hàng mua hàng (mặc dù có sự xếp hàng của những người thất nghiệp kiếm việc làm), về việc không còn những ủy ban lưu động nhục nhã nữa (mặc dù phần đông dân ta không vui khi biết rằng anh có thể đi đến Paris nhưng kiếm cả đời cũng chẳng đủ tiền để mà đi).
Chúng ta không cần phải xấu hổ về việc nếu anh là người theo đạo, anh có thể không phải che giấu đức tin của mình và tự do đi vào bất kỳ nhà thờ, nhà nguyện, thánh đường nào mà sẽ không bị ai theo dõi (mặc dù nhiều người trong chính các thầy tu lại không khoan dung với các tôn giáo khác nhưng đồng thời lại buôn bán thuốc lá và lòng trung thành đối với chính quyền).
Chúng ta không cần phải xấu hổ về việc bây giờ trong các cửa hàng có đủ mọi thứ hàng hóa (mặc dù đồng thời lại xấu hổ là hầu như tất cả không phải là hàng của chúng ta làm ra).
Tất cả những cái đó tất nhiên là còn lâu mới hoàn thiện và đôi khi còn rất mong manh. Nhưng đừng nên quên rằng TẤT CẢ NHỮNG CÁI ĐÓ CHỈ MỚI CÁCH ĐÂY CHƯA LÂU LÀ KHÔNG CÓ VÀ KHÔNG THỂ NÀO CÓ ĐƯỢC.
Chúng ta không được phép quay lại cả cái thời đã xa lẫn cái thời chưa xa của chúng ta.
Chúng ta cần phải suy nghĩ về những cái hiện chưa có, nhưng cần phải có.
Về những cái sẽ không phải xấu hổ.
Giữa xấu hổ và sợ hãi có hai trạng thái trung gian. Một là nỗi sợ hãi của xấu hổ, và một là nỗi xấu hổ của sợ hãi.
Một số người mong muốn kéo lại quá khứ thì thích nỗi sợ hãi của xấu hổ và chỉ tìm cách lựa chọn trong hai trạng thái đó cái nào ít ác hơn. Đó là “sự ủng hộ với tiếng thở dài buồn bã”. Nhưng cái ác nhỏ có một thuộc tính nguy hiểm là trên con đường ủng hộ như thế nó lớn lên thành cái ác lớn. Lịch sử cho thấy cùng một con người trong những thời kỳ khác nhau có thể là người thức tỉnh xã hội, còn sau đó bản thân lại trở thành lực cản của những lực lượng đã được hắn đánh thức. Các biến cố rất thường vượt lên trước những người cầm đầu các biến cố. Trong lịch sử quan trọng không chỉ là biết xuất hiện đúng lúc, mà còn biết rút lui đúng lúc, mong muốn trao quyền trượng vào những bàn tay đáng tin cậy. Trình độ dân chủ được xác định bằng chính sự chuyển giao quyền lực một cách bình an.
Trong lịch sử nước Nga chưa từng xảy ra một sự quá độ êm ả tự nhiên như thế.
Khrushchev, người không trừng trị về thể chất đối với những kẻ đối địch mình – Malenkov, Molotov, Kaganovich và “Shepilov vào hùa theo ông” như lời đồn đại, đã tạo ra một tiền lệ cứu thoát chính ông, khi ông bị hạ bệ nhưng kỳ lạ là vẫn còn được sống, ông đã đi vào nhà hát và lặng lẽ đọc cho ghi hồi ký của mình. Nhưng ông đã bị loại ra khỏi đời sống chính trị.
Gorbachev là tác giả của những sự thay đổi chính trị nghiêm trọng trong xã hội, những thay đổi không cho phép cô lập ông về mặt chính trị, mặc dù có thể Yeltsyn muốn điều đó. Gorbachev không thành công, nhưng dù sao đã tranh cử chức tổng thống Nga, ông trả lời phỏng vấn một cách thận trọng, nhưng công khai bày tỏ quan điểm đối lập, và thường xuyên công du nước ngoài. Đó là điều bình thường trong một quốc gia bình thường, nhưng ở nước Nga là điều chưa từng có!
Mà biết đâu, dần dần điều đó sẽ trở nên bình thường?
Toàn bộ lịch sử nước Nga là lịch sử của những cơn động đất chính trị. Trong những khu vực có nguy cơ động đất những người thợ xây dựng thường phải xem xét một loại cấu trúc nền móng đặc biệt. Cái chính bây giờ là phải tạo được một cơ sở hạ tầng cho phép dù quyền lực chuyển giao vào tay ai thì vẫn tránh được sự đổ vỡ. Làm được thế thì sẽ yên ổn cho cả người Nga và cả nhân loại.
Ngày 19 tháng 8 năm 1991 quá khứ đã muốn cưỡi xe tăng xộc vào hiện tại và tương lai của nước Nga.
Yeltsyn khi đó đã đóng một vai trò lịch sử.
Khi đó tôi không thể hình dung là đã bắt đầu cuộc chiến tranh ở Cherchnya và tôi đã từ chối nhận huân chương “Hữu nghị các dân tộc” từ tay của vị tổng thống đã ban hành sắc lệnh phát động cuộc chiến tranh đó.
Tôi không thể hình dung năm 1993 những chiếc xe tăng Nga đứng giữa trung tâm thủ đô Nga bắt đầu nã đạn vào nghị viện Nga.
Yeltsyn đã có một cơ hội mang tính quyết định đối với thanh danh lịch sử cuối cùng của ông – tạo ra tiền lệ của việc chuyển giao êm ả quyền lực từ tay này sang tay khác. Nếu ông thực hiện lời hứa của mình và trở thành người lãnh đạo đầu tiên của nước Nga tự nguyện trao quyền trượng vào tay của người kế tục do nhân dân lựa chọn thì có lẽ toàn bộ lịch sử nước Nga từ thời điểm đó sẽ thay đổi.
Nhưng đó sẽ là bàn tay của ai?
Của ai không quan trọng – chỉ cần đó là những bàn tay sạch.

6. Tôi không thương xót chính quyền xô viết

Tôi không thương xót chính quyền xô viết, bởi vì nó đã không hề thương xót hàng triệu người bị nó giết chết. Nó tất phải sụp đổ giống như chế độ sa hoàng là chế độ cũng không thương xót mọi người. Thiếu lòng thương xót đối với những con người của một hệ thống nhà nước rốt cuộc sẽ quay ra thành sự không thương xót của mọi người đối với hệ thống đó. Hãy để hệ thống hôm nay nhớ lấy điều đó như một lời cảnh báo, hệ thống này vẫn chưa đáng được gọi là dân chủ bởi vì đáng tiếc là nó vẫn thừa kế của chính quyền xô viết sự không thương xót mọi người. Sự không thương xót đó tự gọi mình là gì đi nữa – chủ nghĩa xã hội, hay chủ nghĩa tư bản, hay một cái gì khác, thì cũng có khác gì nhau. Thế kỷ hai mốt đã ngấp nghé ngưỡng cửa. Tôi mong muốn gì ở nó? Tôi muốn sao cho nó học được cách thương xót mọi người.

7. Giã từ thế kỷ hai mươi

Tôi chia tay thế kỷ hai mươi, như chính mình chia tay với mình.
Người ta có thể hân hoan nhẹ nhõm nói về một số người: “Ôi, đó là người của thế kỷ hai mốt…”. Về tôi thì không thể nói như thế được. Tôi chỉ là người của thế kỷ hai mươi.
Một nhà thơ “đầy xung khắc trong mình”, ở đó những ảo tưởng lãng mạn cách mạng bện kết với sự bác bỏ những ảo tưởng đó, một nhà thơ như thế chỉ có thể xuất hiện vào nửa sau thế kỷ hai mươi và chỉ ở nước Nga – không phải nước Nga trước cách mạng, mà chỉ ở nước Nga xô viết với hệ thống một đảng, kiểm duyệt, khó đi lại. Tôi cám ơn thế kỷ hai mươi, bởi vì tôi không có thế kỷ nào khác.
Tôi mang trong mình những căn bệnh của thế kỷ này, những hy vọng, lầm lạc, sợ hãi của nó, sự hạn chế, sự điên cuồng của nó, những cơn hoài nghi, cơn hoang tưởng tự đại, và lạy Chúa, cả niềm tin ngây thơ nhưng không sao chữa nổi là tình bác ái của mọi người dẫu sao vẫn có thể có được.
Cả hai chúng tôi – thế kỷ hai mươi và tôi – không hợp với dấu cộng, và tôi hy vọng là cũng không hợp với dấu trừ. Nhưng thế kỷ hai mươi đã xé rách tôi. Nói theo Tsvetaeva, “chúng tôi lớn lên cùng nhau”.

 Một vai thiên tài trong một vở kịch vụng về
 1. Chủ nghĩa cộng sản – kẻ sát nhân của chủ nghĩa cộng sản
  Vì sao những nghệ sĩ vĩ đại thế kỷ hai mươi như Vladimir Mayakovsky, Pablo Picasso, Gram Green, George Orwell, Pablo Neruda, Abe Kobo, Pier Paolo Pasolini, Paul Éluard, và cuối cùng, Nazim Hikmet, là những người cộng sản thành tín trong suốt cả cuộc đời mình, hoặc là một phần đời?
          Cách trả lời dễ nhất là khoát tay chối bỏ hiện tượng đó, hoặc nhún vai cao đạo và làm nhẹ thân mình bằng cách buông ra một câu khinh miệt: “Do tuyên truyền ấy mà…”
Sự đời phức tạp hơn nhiều.
Chính lối tuyên truyền cộng sản chính thống lại khá là thô thiển, khó mà chinh phục được chừng ấy trái tim những người nổi tiếng. Thực ra không thể nào mà yêu được những châm ngôn kiểu như “Chủ nghĩa cộng sản là chính quyền xô viết cộng với điện khí hóa” (Lenin), “Học thuyết Lenin là vô địch vì nó đúng” (Stalin), “Kinh tế cần phải trở thành là kinh tế” (Brezhnev).
Nhà tuyên truyền chính của chủ nghĩa cộng sản chính là chủ nghĩa tư bản – với sự bóc lột thực sự của nó, chứ không phải do những người cộng sản bịa ra, với những cuộc khủng hoảng, nạn thất nghiệp, các chính trị gia mua bán, các cuộc chiến tranh. Bóng ma chủ nghĩa cộng sản từ trong bản tuyên ngôn không kém phần bay bổng của Marx-Engels đã tự tin hứa hẹn giải thoát hết những tình trạng đó, còn hai tác giả tuyên ngôn thì hẳn không ngờ là sẽ lại có sự bóc lột cộng sản và thậm chí là chủ nghĩa đế quốc cộng sản, còn “quần đảo Gulak” thì ngay cả trong giấc mơ hãi hùng nhất họ cũng không thể nào mơ thấy. Buộc tội Marx – Engels về tất cả những gì xảy ra sau họ là quá nghiệt ngã. Nhưng trong tư tưởng đẹp đẽ và đáng tiếc là thiếu thận trọng của họ có chứa một viên độc dược của thuyết hoàn mĩ (perfectism) khiến về sau sẽ diễn ra sự cưỡng bức “hoàn thiện con người” nên phải cần lập ra các cơ quan bạo lực khủng khiếp (CK, rồi về sau là KGB). Bóng ma từng có thời được cảm tình khi thay xương đổi thịt thành cấu trúc nhà nước thì trở nên đáng sợ, giống như kẻ khổng lồ chỉ có một mắt là hệ tư tưởng duy nhất được phép. Không phải ngẫu nhiên mà chính nhà văn Nga Zamyatin, người ở nước đầu tiên biến chủ nghĩa cộng sản từ bóng ma thành hiện thực mà giai cấp vô sản và giới trí thức cánh tả toàn thế giới bao lâu chờ đợi, đã viết bài văn đả kích (pamphlet) đầu tiên bóc trần chủ nghĩa cộng sản trại lính, trong khi George Orwell – người tương lai sẽ kế tục truyền thống của Zamyatin, vẫn còn là một chàng trai tràn đầy ảo tưởng cộng sản. Lữ đoàn quốc tế ở Tây Ban Nha gồm chủ yếu các nhà lý tưởng đã tan rã cùng với ảo tưởng của họ khi nó bắt đầu bị chỉ huy bởi tổ quỷ bè phái hiện hình qua những kẻ cuồng tín kiểu Marty hay bởi những điệp viên trơ tráo của Stalin như Hemingway đã mô tả.
Cuộc thế chiến hai sinh ra làn sóng thứ hai những ảo tưởng thân cộng. Augusto Pankaldy, phóng viên báo “Unita” (cơ quan của đảng cộng sản Italia) kể với tôi rằng anh gia nhập đảng cộng sản là sau khi đọc xong cuốn sách của Arthur Kestler viết về năm ba mươi bảy và tin chắc đó là sự vu khống Liên Xô do bọn phát xít đặt hàng. Nhưng làn sóng này đã giảm xuống sau thắng lợi năm 1945 khi đi cùng niềm vui chung đã xuất hiện những sự sợ hãi lẫn nhau giữa các đồng minh cũ.
Thời kỳ chiến tranh lạnh sinh ra chứng hoang tưởng ở cả hai bên của cái gọi là chiến tuyến tư tưởng. Bắt đầu nổ ra chiến dịch “săn phù thủy” nhục nhã ở cả Liên Xô và Mỹ, chỉ có điểm khác cơ bản là “chủ nghĩa McCarthy” có vẻ nhún nhường hơn so với quy mô và sự khắc nghiệt của “bóng ma chủ nghĩa cộng sản”. Ngày càng có nhiều người ở thế giới phương Tây mới đây còn thấy bóng ma này như chiếc phao cứu sinh thì nay vỡ mộng và sợ hãi.
Nhưng còn có thế giới thứ ba, nơi chế độ độc tài vô pháp luật và nạn đói hết sức ghê rợn, còn bóng ma cộng sản thì xa xôi tới mức nó trở thành hy vọng duy nhất của tất cả những người khốn cùng trên trái đất.
Một nước như vậy là Thổ Nhĩ Kỳ, nơi nhà thơ Nazim Hikmet đã phải ngồi tù 17 năm. Những người cộng sản lý tưởng như ông ngày càng ít, họ giống như loài mamút may mắn còn sống sót.
Tôi xin vượt lên trước mà nói rằng vụ bê bối với Pasternak, vụ đàn áp cuộc nổi dậy ở Hungary, đòn tâm lý đối với những người ly khai, sự can thiệp vào Tiệp Khắc, cuộc chiến tranh ở Afghanistan, tất cả đã phá hủy trọn vẹn chủ nghĩa lý tưởng này. Nhưng chủ nghĩa lý tưởng đó là một phần không thể tách rời của lịch sử, nó có những hiệp sĩ cao thượng của mình, đối với họ tư tưởng cộng sản dù sao cũng vẫn là một biểu trưng lãng mạn, giống như nàng Dulciney đối với Don Kihote. Kết cục của thiên lãng mạn này là bi thảm – hoặc bị một phát đạn vào gáy, hoặc bị tống vào trại tập trung, hoặc vỡ mộng hoàn toàn và tự sát – về thể xác hay tinh thần, hoặc sống lay lắt nhục nhã bằng cách phản bội lại bạn bè, hoặc khư khư ôm lấy ảo tưởng thời quá khứ trong khi mù quáng chạy theo hiện tại để thoát hiểm.
Năm 1980 một người bạn cũ gọi điện cho tôi – đó diễn viên điện ảnh Mỹ Warren Beatty và còn nổi tiếng hơn ở tài quyến rũ các nữ diễn viên, anh ta bảo đang ở Anh quay một bộ phim theo cuốn sách “Mười ngày rung chuyển thế giới” của John Reed và đề nghị tôi vào vai Trotsky.
- Anh đã khi nào thấy một tấm ảnh của Trotsky chưa? – tôi hỏi.
Ở đầu dây bên kia nghe có tiếng lúng búng ngắc ngư và tôi đoán thầm một cách bất lịch sự rằng chắc anh chàng tình nhân vĩ đại của các nữ minh tinh vĩ đại đơn giản là chưa có thời gian để ý đến những chuyện nhỏ nhặt như vậy.
- Vấn đề không phải là ở Trotsky… Tôi muốn anh tham gia đóng trong phim này… Anh chọn cho mình vai nào cũng được.
- Thôi được… Gửi kịch bản đến đi, – tôi nhượng bộ.
- Kịch bản nào?! Warren ngạc nhiên thành thật. – Tự tôi là ông chủ, tự tôi làm kịch bản… Cuộc sống mỗi ngày lại mách cho một điều mới…
Warren không thuyết phục được tôi nhận vai. Theo giới thiệu của tôi, nhà văn Ba Lan Egi Kosinsky đã vào vai Trotsky. Khác với tôi, anh ấy dù sao cũng có nét giống nhà lý thuyết cách mạng thường trực. Khi tôi có dịp xem bộ phim chắc chắn là ngây thơ, dù rất tài năng ấy, tôi đã bị chấn động theo mạch tư liệu của nó – mấy cuộc phỏng vấn với những ông già Mỹ duy nhất – những người cộng sản lý tưởng may mắn còn sót lại trong lịch sử. Trông họ vô cùng đáng thương, bởi vì đó là những người trong trắng nhất, suốt đời trung thành với những ảo tưởng của riêng mình.
Vào thời “chiến tranh lạnh” giữa những người cộng sản có những kẻ gián điệp. Còn chẳng lẽ không có gián điệp giữa những người chống cộng? Hay  có thể làm do thám tất cả mọi người khác, còn với người Nga thì không thể? Có những người bị mua bằng tiền. Nhưng có những người bị lôi cuốn bởi tư tưởng. Không có gì đê tiện hơn là mua chuộc bằng sự lãng mạn. Chủ nghĩa cộng sản là sự quyến rũ hấp dẫn nhất về lẽ công bằng xã hội.
Bi kịch của những người cộng sản lý tưởng là ở chỗ khi tư tưởng của họ được hiện thực hóa dưới dạng Stalin thì nó hóa thành bức biếm họa đẫm máu của mơ ước. Mơ ước bị bọn vô liêm sỉ cưỡng bức. Chủ nghĩa cộng sản trở thành kẻ sát nhân của chủ nghĩa cộng sản.
Warren Beatty đã quay bộ phim “Reds” của mình không cần kịch bản. Thực chất chính lịch sử mới là người đạo diễn ngẫu hứng của bộ phim đó. Trong lịch sử, cũng như trong vở kịch tồi, đôi khi đóng được một cách thiên tài cái vai của mình.
Nazim Hikmet đã đóng cái vai thiên tài ấy trong chủ nghĩa cộng sản do lịch sử đạo diễn vụng về và vì thế nên tất yếu không thể có được kết cục vui vẻ.
  2. Chuyến đi của nhà lý tưởng tới thói vô liêm sỉ
 Khi chàng trai Thổ Nhĩ Kỳ mười chín tuổi tóc hung và cặp mắt xanh da trời kiểu Nga lần đầu đến nước Nga năm 1921, anh đã đến với chủ nghĩa lý tưởng – đúng ra là một chủ nghĩa lý tưởng đã bị vấy máu cuộc nội chiến. Nhưng khi đó Sagal hãy còn vẽ trang trí cho các vở kịch tuyên truyền, Malevich, Rodchenko, Larionov, Goncharov, Filonov, Falk, Lentulov còn bày tranh triển lãm. Mayakovsky còn gầm thét tại các cuộc trình diễn, con người hùng vĩ giống như tháp Eiffell đọc thơ ấy còn sản xuất các “cửa sổ ROSTA” vẽ hình những tên tư sản bụng phệ bị lưỡi lê tàn bạo của cách mạng đâm xuyên giống như thịt bị xiên que. Eisenstein trong phim “Chiến hạm Potemkin” còn để chiếc xe nôi lăn xuống những bậc thang ở cảng Odessa, chiếc xe nôi ấy đến nay vẫn còn lăn qua các bậc thang trong nhiều bộ phim khác. Meyerhold còn dàn dựng các vở kịch bùng nổ của mình mà không hay rằng chỉ ít lâu sau người ta đã dùng roi cao su quật tới tấp vào cơ thể ông, nhà đạo diễn vĩ đại của cách mạng, trong các hầm tối ngập ngụa máu ở Lubyanka, bởi vì ở đất nước này chỉ có một đạo diễn của cách mạng mà thôi – đó là Stalin. Nhưng thời khủng bố xô viết hãy còn ở phía trước.
Hồi trẻ, Nazim Hikmet đã ở trong cao trào phục hưng nghệ thuật sau cách mạng, một cuộc phục hưng như lên cơn co giật, vội vã nở rộ vì linh cảm thấy sự bùng nổ này hết sức ngắn ngủi. Cuộc cách mạng đói khát nhưng đồng thời hào phóng tài năng đã tung lên màn ảnh, sân khấu, các bức tường trại tập trung, các trang báo chí biết bao những tên tuổi mới – người này tài hơn người kia. Đó là cuộc Phục Hưng Trước Thời Trại Tập Trung.
Năng lượng của cuộc phục hưng này lớn tới mức đã đưa lại cho toàn bộ nghệ thuật thế giới một xung động hết sức mạnh mẽ trong nhiều năm, quy định hướng phát triển của nó. Trong lĩnh vực vũ trụ cũng vậy. Người Nga bay lên vũ trụ đầu tiên, thế nhưng lại không phải là người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng.
Sau hai mươi ba năm vắng bóng, khi Nazim qua đường Rumany trở lại Nga thì ông đã là nhà lý tưởng đến với thói vô liêm sỉ. Cả một chiến dịch chính trị bảo vệ ông, chủ yếu do các nhà văn cánh tả Pháp và các nhà văn xô viết tổ chức, đã kéo ông ra khỏi song sắt nhà tù. Tôi khi ấy là nhà thơ mười chín tuổi đã in những vần thơ kêu như chuông ca ngợi Nazim. Và giờ đây con người huyền thoại ấy cuối cùng đã đến với chúng tôi, tại Moskva! Nhưng ông, nhà thơ khi ngồi tù đã thành thực viết bài tụng ca Stalin – người chiến thắng Hitler, chưa đoán ra (hay sợ đoán ra) là trong Stalin đang sống một con người khác – tên đao phủ không chỉ của cái gọi là “những kẻ thù của cách mạng”, mà còn là tên đao phủ của chính cách mạng. Đất nước mơ ước của Nazim Hikmet thực ra không còn tồn tại nữa. Ông đã đến với một đất nước hoàn toàn khác.
Đấy là năm 1951 – năm bắt đầu cơn hoang tưởng trước khi chết của Stalin mà kết cục là bắt giam cả các bác sĩ riêng của ông ta.
Tâm trạng hân hoan trở lại của Nazim bị đặt trên cơn hoang tưởng này. Khi ở Rumany người ta hỏi Nazim là ông muốn gặp ai ở Nga, ông thốt lên vui sướng: “Kolya Ekk!”.
Đạo diễn điện ảnh Nikolai Ekk là bạn thời trẻ của ông. Năm 1931 Ekk đã quay bộ phim nổi tiếng “Giấy chứng nhận vào đời” kể về bọn trẻ bụi đời được chính quyền xô viết cho đi “cải tạo”, theo như cách gọi hồi ấy. Năm 1932 tại liên hoan phim quốc tế đầu tiên ở Venise Nikolai Ekk đã được khán giả bầu chọn là đạo diễn xuất sắc nhất. Nhưng thời thế thay đổi. Chính quyền xô viết can thiệp không chỉ vào hệ tư tưởng, mà cả vào phong cách nghệ thuật, thậm chí những thực nghiệm hình thức cũng bị coi là sự đi chệch khỏi “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa” được tạo ra.
Công cuộc thực nghiệm mạnh mẽ của những năm hai mươi và đầu những năm ba mươi đã bị thay bằng một kiểu Hollywood cộng sản mang tính chất tỉnh lẻ. Nikolai Ekk không cần thiết cho ai nữa trở nên thất nghiệp và nát rượu. Người ta tìm thấy ông ở một rãnh mương, lôi ông lên và chật vật lắm mới tẩy rửa được hết mùi chó bám vào người ông, sau đó mặc quần áo cho ông, gắn lên ve áo chiếc huy chương mà may ông chưa đánh mất hay chưa đem đi đổi rượu, rồi ấn vào đôi tay vừa rửa ráy vội vã một bó hồng, cuối cùng đẩy ông lên một chiếc xe hơi dài màu đen chở đến gặp chiến sĩ hòa bình nổi tiếng người Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau khi ôm hôn người bạn cũ, Nazim hỏi một câu khiến các nhân viên của KGB và Hội nhà văn đi cùng điếng người.
- Bây giờ anh làm gì hả Kolya?
Có ai đó ở cơ quan lãnh đạo văn hóa đứng sau lưng Nazim hốt hoảng dùng tay dùng mắt ra hiệu cho Ekk: đừng im lặng, hãy nói một điều gì đó, nói đi, việc của anh là…
Ekk hiểu rằng đây là cơ hội cuối cùng của mình, và ông rùng mình giống như con chiến mã bị người ta tìm cách biến thành con ngựa gầy kéo xe đổ rác.
- Nazim ạ, gần đây tôi ham mê xiếc… Tôi dàn dựng những cảnh thần tiên dưới nước! – ông hân hoan phục hiện lại cái tư tưởng nửa tỉnh nửa say của mình mà từ lâu đã bị “cắt cổ” ở một cabin nào đó, rồi túm lấy ngực của một viên chức văn hóa đứng sát bên cạnh khẽ rít lên:
- Lần này thì anh không bỏ chạy khỏi thỏa thuận được đâu…
Nhưng mặc dù được sự bảo trợ của Nazim, rốt cuộc họ vẫn “bỏ chạy” được, bởi vì Ekk đưa ra cho họ một dự án khoa học viễn tưởng làm trên đại lộ Hoa, chuyển chợ trung tâm đi chỗ khác, thay vào đó là dựng những quả núi có nước đổ xuống như thác Niagara.
Trong những ngày đầu tiên Nazim đến Moskva, Stalin đã có ý định tiếp ông.
Trong khi chờ đợi cuộc gặp đó, Nazim vốn là người yêu sân khấu, bao lâu nay buồn nhớ quang cảnh nhà hát Moskva mà ông từng say đắm, nên ông bổ đi xem các vở diễn của những người kế tục Meyerhold, người ông rất yêu thích.
Nhưng “những người kế tục” đó là ai?
Hồi ấy thống lĩnh sân khấu là hai Anatoly – Surov và Sofronov, tác giả của các vở kịch diễn ở hàng chục nhà hát, cả hai đều được giải thưởng Stalin. Surov, như sau này mới biết, nói chung không tự mình viết kịch, mà để đạt mục đích đó ông ta đã thuê những người “da đen”, tức là người Do Thái, bị ông ta khai trừ khỏi Hội Nhà văn. Sofronov, tác giả phần lời của một số bài hát mặt trận không đến nỗi dở lắm, thì tự mình viết kịch, nhưng chỉ trong khoảng thời gian rảnh rỗi của việc vạch trần “những kẻ theo chủ nghĩa thế giới”, mà thực tế thì khoảng thời gian để ông ta làm ra các “kiệt tác” của mình như vậy là không có. Thời ấy “thuyết phi xung đột” đang thống trị, theo đó trong cuộc sống hạnh phúc của người xô viết không thể nào có xung đột của cái tốt và cái xấu, mà chỉ có xung đột của cái tốt với cái tốt hơn. Chính nền kịch nghệ bị hoạn như vậy là cái Nazim đã xem tại Moskva năm 1951.
Bữa tiệc của cái gọi là “giới trí thức sáng tạo” chào mừng Nazim diễn ra tại Nhà nghệ thuật trung ương, sau buổi diễn. Chủ tiệc là một đạo diễn tài năng, nhưng cung cách rõ là của một quý tộc già tỉnh lẻ vừa trở thành đầu bếp. Ông ta đọc một bài diễn văn chào mừng gồm những câu dài dòng lê thê như chính con người mình, trong khi dù đã được chính quyền xô viết tắm rửa và thắng bộ cho, nhưng Kolya Ekk vẫn chưa hết mùi hôi chó đã vồ lấy ly này đến ly khác rượu cô nhắc Armenia trên bàn tiệc, như sợ bị đuổi ra, không được phần.
Nazim kiên nhẫn lắng nghe hết bài diễn văn chào mừng dành cho mình, nhưng khi đáp từ khuôn mặt ông sắt lại, đôi mắt xanh da trời như phát ra ánh kim.
- Thưa những người anh em… – ông nói bằng âm sắc thanh quản kiểu Nga. – Khi trong cảnh đơn độc, tôi sống được có lẽ là vì tôi mơ đến các nhà hát ở Moskva. Tôi mơ thấy Meyerhold, Mayakovsky… Họ quả đã biến cuộc cách mạng đường phố thành cuộc cách mạng sân khấu. Còn hôm nay tôi thấy gì ở các nhà hát Moskva? Tôi thấy một thứ nghệ thuật tiểu tư sản nhạt nhẽo mà chẳng hiểu sao lại được mệnh danh là chủ nghĩa hiện thực, lại còn là chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra tôi còn thấy rất nhiều sự xu nịnh cả trên sân khấu, cả xung quanh nó… Chẳng lẽ thói xu nịnh cũng là cách mạng sao? Sắp tới tôi sẽ gặp đồng chí Stalin, người mà tôi rất kính trọng. Nhưng tôi sẽ nói thẳng với ông ấy, như một người cộng sản nói với một người cộng sản, rằng ông ấy cần phải ra lệnh tháo bỏ vô số các bức chân dung và các bức tượng của mình đi – để thế thì tầm thường quá…
Một bầu không khí chết lặng bao phủ căn phòng, chỉ còn nghe tiếng uống rượu liên tục của Kolya Ekk mà thôi.
Một số vị khách khẽ nhón chân chuồn khỏi phòng để, lạy Chúa, khỏi phải làm nhân chứng cho câu nói bạo gan chưa từng nghe thấy thời đó.
Kolya Ekk lẩm bẩm vừa khẽ để những người ngồi cạnh đủ nghe thấy:
- Nazim mà bị tù ta chứ không phải tù Thổ thì ông ấy đã biết giữ mồm giữ miệng…
Vị chủ tiệc cố gắng phá vỡ ấn tượng nặng nề bằng cách run run giơ cốc sâm-panh lên:
- Thưa Nazim thân mến! Tôi tin chắc đồng chí Stalin cũng không thích một số bức chân dung của Người. Nhưng lấy đâu ra nhiều Rembrendt và Repin để vẽ hình Người! Chẳng lẽ đồng chí Stalin lại có thể cấm tình yêu của nhân dân đối với đồng chí Stalin! Xin nâng cốc cho đồng chí Stalin! Xin nâng cốc cho người cộng sản số một!
- Thế ra không phải chỉ ở trong tù mà ngoài đời người ta cũng đánh số cho những người cộng sản à? – Nazim hỏi.
Nghe qua câu này thì chắc Kolya Ekk hay ai đó trong số những người bạn cũ đã nói cho ông biết rất nhiều những người thầy của ông đã biến đi đâu.
Câu đó được nói ra không to tát gì. Nhưng những ai cần nghe thấy thì đã nghe thấy.
Hôm sau Nazim được thông báo là cuộc gặp dự định bị hoãn vì đồng chí Stalin bận quá nhiều việc.

 3. Người tài xế quỳ gối

Chuông điện thoại reo buổi sáng. Cái giọng thanh quản quen thuộc với âm sắc quyến rũ có một vang lên:
- Chào người anh em!  Cậu có cần tiền không? Tiếc thật… Tớ vừa được một món nhuận bút quá lớn đối với tớ… Người anh em nghe này, cậu có biết người tử tế nào cần tiền không?
Bây giờ một cú điện thoại như vậy khó ai mà hình dung được.
Nazim yêu mến và ủng hộ những họa sĩ trẻ chưa được chính thức thừa nhận và ông là một trong những người đầu tiên mua tranh của Oleg Tselkov hồi ấy chưa nổi danh, người mà ông đặt trang trí cho vở “Thanh gươm Damocles” của ông ở Nhà hát trào phúng. Mới đây Oleg nhớ lại một lần vào khoảng năm 1955, khi hai người ngồi trên bờ kênh Moskva-Volga ở Tushin, Nazim đã đánh mắt giễu cợt chỉ cho ông thấy hai bóng người đi qua đi lại ở xa xa.
- Họ là ai vậy? – Tselkov ngơ ngác hỏi.
- Những kẻ theo dõi, người anh em ạ… – Nazim nhún vai.
- Theo dõi anh – người được giải thưởng Hòa Bình? Vì sao? – Tselkov sửng sốt.
- Một người theo dõi để không ai quấy rầy tớ… Còn người thứ hai theo dõi để tớ không quấy rầy ai… Thế đấy, anh bạn ạ…
Năm 1956 Nazim mời họa sĩ Yuri Vasiliev và tôi đến chơi vài ngày ở Peredelkino. Đó là phong cách mến khách của ông – cắt hết mọi cuộc điện thoại và dành hết thời gian chỉ cho một, hai người khách. Suốt ngày chúng tôi ngồi trên những cái gối Thổ Nhĩ Kỳ và câu chuyện của chúng tôi diễn ra thong thả, như làn khói mỏng bốc lên trên chiếc ấm pha trà kiểu Thổ trong những chiếc cốc cong trong suốt có tay cầm bịt bạc, còn Yuri Vasiliev thì nhẩn nha vẽ vời lên mặt trong cánh cửa, mà ở phía ngoài cửa là lịch sử đang lao đi nhanh chóng, không thể nào đoán trước được trong sự vội vã nghiệt ngã của nó.
Nhưng lịch sử từ bên ngoài đã tự ra mở cánh cửa này, nó quá yếu không che chắn được lịch sử. Lịch sử ập đến chúng tôi trong diện mạo một người đàn ông đứng tuổi, vẻ nát rượu, có cặp mắt thất thần cũng xanh da trời như mắt Nazim. Con người này chẳng ngó gì đến chúng tôi mà chỉ chăm chăm nhìn Nazim, sau đó không chịu nổi hạ mắt xuống, gỡ khỏi đầu chiếc mũ vành đen ẩm ướt bọc lông sư tử biển với viền tím cho biết nó là lông giả và đột nhiên quỳ xuống.
- Lạy Chúa xin tha tội cho tôi, ngài Nazim… Xin hãy gột rửa tội lỗi khỏi linh hồn tôi… Tôi phải kể hết mọi chuyện cho ngài biết…
Chiếc mũ của anh ta nằm khóc trên sàn những giọt nước mắt tím.
Nazim nâng anh ta dậy:
- Đứng lên, người anh em… Không cần phải nói gì cả đâu…
- Không, tôi phải kể… phải kể… Bao nhiêu năm tôi mang nó theo mình, không thể chịu được nữa…
Người mới bước vào cất giọng nghẹn ngào kể lại câu chuyện đã làm anh đau khổ bao lâu nay.
Năm 1951 Nazim được cấp một chiếc ô tô của nhà nước có tài xế. Người đàn ông này chính là người tài xế đó. Họ thân thiết với nhau và thậm chí Nazim đã có lần đến chơi nhà anh ta.
Năm 1952 người tài xế được gọi tới Lubyanka. Anh ta hoảng sợ khi thấy trước mặt mình là Berya.
- Anh biết anh đang lái xe cho ai không? – Berya hỏi.
- Người được giải thưởng Hòa Bình… nhà thơ vĩ đại… nhà cộng sản Thổ Nhĩ Kỳ… người bạn của Liên Xô… – anh tài xế trả lời vẻ băn khoăn.
- Anh đang lái xe không phải cho người bạn của Liên Xô, mà cho một kẻ thù… – Berya nói lí nhí. – Một kẻ thù xảo quyệt, giả bộ nhà cách mạng. Hắn muốn giết đồng chí Stalin. Nhưng chúng ta không thể bắt giam hắn: hắn quá nổi tiếng, lại là người Thổ… Anh cần phải giúp chúng tôi trừ khử hắn… Một lái xe chuyên nghiệp gây ra một vụ tai nạn y như thật thì có khó gì! Nhẹ nhàng hơn một điệp viên.
- Tôi không tin… – người tài xế nói. – Ông ấy như cha đẻ của tôi…
- Tất cả chúng ta chỉ có một người cha, – Berya nói một cách rầu rĩ.
Hôm sau người tài xế lại bị gọi đến Lubyanka để bắt ép phải nhận việc đó. Anh ta bị đánh đập nhưng không đồng ý. Khi đó người ta dẫn vào phòng làm việc vợ anh, và lúc sau là mấy tên tù phạm có đóng dấu tù.
- Mấy thằng trai trẻ này mấy năm rồi chưa biết đến cơ thể đàn bà – viên thanh tra nói và đưa mắt về phía mấy tên tù, rồi sang phía vợ người tài xế. Anh ta hiểu ra mọi sự và đành chấp nhận.
Mấy lần người ta đã báo cho anh là việc phải thi hành vào ngày mai, nhưng đến phút chót chẳng hiểu sao lại hoãn. Sau đó thì Stalin chết, Berya bị xử bắn… Rồi Nazim có xe riêng của mình, trả lại xe cho nhà nước. Người tài xế chuyển qua lái taxi – một cách để anh tránh xa cái nhà nước suýt nữa đã biến anh thành kẻ giết người. Nhưng tội lỗi trước Nazim cứ giày vò anh, thiêu đốt anh, không cho anh được thanh thản. Vì thế anh quyết định đến gặp ông để sám hối.
Trong suốt thời gian nghe câu chuyện khiến tôi lạnh cả sống lưng đó, tôi không nhìn người tài xế mà nhìn Nazim.
Ông vẫn có được sự tự chủ của người hoạt động bí mật thực thụ. Vẻ mặt ông không hề động đậy.
Hay có thể ông đã đoán biết việc này từ trước?
- Xin hãy gột rửa tội lỗi khỏi linh hồn tôi, ngài Nazim… – người tài xế lại cầu khẩn.
- Tội lỗi không phải ở anh, người anh em ạ, – Nazim đáp. – Tốt hơn hết chúng ta hãy cạn ly vodka nào. Thực ra các bác sĩ đã cấm tôi uống, nhưng với người tốt thì có thể uống chút ít được… Mà cậu là người trung thực, người anh em ạ. Vợ con cậu thế nào? Tôi nhớ rõ vợ cậu. Cô ấy đã làm món mứt anh đào rất ngon, khi tôi đến chơi nhà cậu… Mà này, cậu có biết “vishnya” (anh đào) là một từ Thổ Nhĩ Kỳ không?Không ai trong chúng tôi biết điều đó.
4. Tấm hộ chiếu toàn thế giớiHình như một số quan chức cấp cao Liên hợp quốc có những tấm hộ chiếu như thế. Tôi chưa được thấy một tấm hộ chiếu nào loại đó.
Nhưng Nazim thuộc số những người xứng đáng được có một tấm hộ chiếu như thế suốt đời, chứ không phải theo công vụ.
Chính quyền nước ông có lúc đã làm đủ mọi cách để quên ông đi.
Nhưng ý đồ của họ không thành.
Khi tôi lần đầu đến Thổ Nhĩ Kỳ năm 1986, không một cuốn sách nào của ông được bầy trên các giá trưng bày tại hội chợ sách Ankara và không một học sinh cũng như giáo viên Thổ Nhĩ Kỳ nào tôi hỏi đã nghe biết tên ông. Nhưng nhà thơ trẻ Thổ Nhĩ Kỳ Izdemir Inze đã tặng tôi một bức ảnh chân dung ông trông như một tượng thánh nhỏ mà bây giờ tôi đang treo ở nhà. Tôi đã treo ngay trên bàn viết của mình ở Peredelkino bức chân dung đó buộc vào một cái cọc nhỏ có khắc chữ B-13 bằng sợi dây thép gai lấy từ trại tập trung Kolym. Đó là kết cục cho ảo tưởng của những con người lý tưởng thuộc một dòng giống trong đó có Nazim. Song sắt nhà tù Thổ Nhĩ Kỳ đã cứu ông khỏi song sắt nhà tù xô viết, và nếu như đầu những năm ba mươi ông không quay về quê nhà thì vị tất ông đã sống qua được năm ba mươi bảy. Vượt qua giới hạn năm đó ông cũng thành người không được chấp nhận, giống như Meyerhold, Mayakovsky.
Ông là sự gợi nhắc về những ảo tưởng cách mạng không thành hiện thực, là một điển hình sống động, hết sức hấp dẫn của tinh thần lãng mạn những năm hai mươi và là nhân chứng bi thảm về sau của thời Đại Phản Bội Hy Vọng.
Ông sống ở Liên Xô không phải như một người nước ngoài – khác với nhiều công dân hèn nhát của nước tôi, ông đã dám lên tiếng về mọi chuyện, dám phê phán chính quyền và bảo vệ những người có tài và những người bị truy đuổi. Điều đó khiến cấp lãnh đạo ngán đến tận cổ. Vở kịch “Có phải Ivan Ivanovits đấy không?” của ông châm biếm thói quan liêu xô viết rốt cuộc đã bị cấm. Người ta gầm gừ với ông rằng là người nước ngoài ông không có quyền can thiệp vào chuyện nội bộ của chúng tôi. Nhưng ông cho rằng trong loài người không có chuyện “nội bộ” và ông đúng. Ông buộc phải lánh sang Ba Lan và khi quay lại ông đã tìm cách có được tấm hộ chiếu xô viết. Tôi nhớ trong buổi dạ tiệc mừng ông được quyền công dân xô viết, sau những lời chúc tụng, ông đã giơ cao trên đầu tấm hộ chiếu xô viết và vui vẻ, tự hào nói rằng bây giờ thì không một Ivan Ivanovits nào có thể trách cứ ông là người nước ngoài và không được quyền “can thiệp” nữa.
Trái tim ông bị mòn mỏi qua các nhà tù rốt cuộc đã không chịu đựng nổi và đã phản lại ông.
Một hôm như thường lệ, sáng sớm ông đi mua các tờ báo buổi sáng ở Moskva và trên đường về nhà thì bị chết, khi đang ôm đống báo áp vào tim, dường như toàn bộ hành tinh của chúng ta với những nỗi đau khổ và hy vọng của nó đã bị lừa dối hay đang có hy vọng được thực hiện.
Những con người như Nazim không phải là người nước ngoài dù họ ở bất cứ nước nào. Trái tim họ trở thành tấm hộ chiếu toàn thế giới.
Vai trò mà Nazim đóng trong lịch sử đã được định trước cho ông. Chỉ có điều ông đã có thể đóng một cách thiên tài cái vai định trước đó.




Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: