Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 19 tháng 2, 2014

Bài cũ của bác Văn Chình:

Ngồi với Đỗ Chu một chiều Hà NộiPDF.InEmail
Văn Chinh   

Đỗ Chu nổi tiếng hầu như suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ. Hết chiến tranh, trên định cho ông đi học biên kịch điện ảnh ở Liên xô vì muốn nền điện ảnh non trẻ của chúng ta có một nhà văn xuất sắc phục vụ. Nhưng cấp trên nữa lại bảo đã là nhà văn thì chỉ có viết văn, chứ lại cứ muốn lái nhà văn vào việc nọ việc kia, thì có khác gì bắt vũ nữ múa tay trong…bị? Thế là ông về Hội Nhà văn, không làm gì khác, ngoài ăn rồi cứ ngồi viết văn.
Và thế rồi đã 35 năm qua người ta quen có một Đỗ Chu ở Hội, quen đến mức thật khó hình dung ở cơ quan Hội lại không có Đỗ Chu ra ra vào vào, không nắm một chức vụ cụ thể, nhưng thật quan trọng. Quan trọng đến mức, có người đã nói, không có Đỗ Chu thì cơ quan Hội Nhà văn sẽ giông giống một Bộ, một Tổng cục nào đó. Vì vậy, trước khi ông về hưu, tôi đã ngồi với ông, suốt một buổi chiều Hà Nội…
Văn Chinh: Thưa ông, nghe ông trò chuyện thì đã nghe nhiều, nhưng nghe một Đỗ Chu với ít nhiều xao xuyến khi nhận thông báo chuẩn bị nghỉ hưu thì chưa. Hôm nay, tôi đến gặp ông tại nhà riêng để làm một buổi toạ đàm nho nhỏ, nghĩa là cùng ông trò chuyện đôi điều chung quanh đời sống văn học hôm nay.
Đỗ Chu: Thế ông thử gợi ý cho tôi xem thế nào chứ chung quanh đời sống văn học bây giờ có bao nhiêu vấn đề phải bàn?
Văn Chinh: Vâng, tôi thấy có mấy vấn đề bức xúc, nhiều đồng nghiệp của chúng ta thường bàn với nhau; có khi đã viết lên báo, có khi chưa, nhưng trong câu chuyện hàng ngày hình như bàn với nhau cũng nhiều. Ví dụ như nhiều năm về trước, nền văn học của chúng ta đã có nhiều những Hoài Thanh, Chế Lan Viên, Xuân Diệu …từng nồng nhiệt giới thiệu Phạm Tiến Duật, Thanh Thảo, Nguyễn Duy…và sau đó không lâu thì họ đã thành những tác giả chững chạc. Ông có thấy rằng hiện văn học ta đã khan hiếm những người có thể đứng ra nhận xét, giới thiệu tác giả trẻ. Bây giờ tìm được những người như cụ Hoài Thanh, cụ Chế, cụ Diệu xem chừng muốn khó. Nom ra, có chăng cũng chỉ còn một vài người, trong đó có ông, tôi trộm nghĩ thế. Các cụ đã đi ráo cả, văn đàn bây giờ lắm lúc cá mè một lứa, chẳng ai chịu ai?Đỗ Chu:  Các cụ ta có câu “giầu con út, khó con út” là thế, đáng lo ngại thật. Mỗi chúng ta hình như đều đang nghe thấy một vẻ gì như là sự cuối mùa.
Văn học cách mạng thật sự nở rộ và trở thành một lực lượng lớn, có đủ tư cách đảm đương một phần việc hệ trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Thế hệ chúng tôi may mắn lớn lên vào đúng mùa. Được đón nhận và nhào nặn. Chẳng cứ gì các anh Duật, Duy hay Thanh Thảo mới được khen ngợi. Trần Đăng Khoa bẩy tám tuổi đầu cũng đã được cả nước xôn xao chào đón. Dạo đó hầu như năm nào cũng có một vài cây bút đầy triển vọng được kể ra. Mọi người chờ đợi ở nhau, công kênh nhau xem như đó là một biểu hiện cho tính ưu việt của chế độ ta. Đã có nhiều bài đăng trên báo hùng hồn trích cả lời Các Mác: “CNXH không sinh được tài năng, nhưng nó có thể nuôi dưỡng đào tạo những tài năng!” Bây giờ ngồi đây nhớ lại những khuôn mặt trẻ ở thời điểm lịch sử đó, thì muốn hay không, tưởng mỗi người đều phải thấy nên hàm ơn nhiều đời sống. Cứ như tôi, tài năng có là bao, đóng góp cũng có là bao, chẳng qua cũng là theo anh theo em mà đi mà viết. Giữa một cuộc chiến tranh khổng lồ, bề bộn, ngổn ngang, rất nhiều hy sinh, rất nhiều đói rét, ấy vậy mà mình lại được phân công làm một công việc cầm bút muốn sao cũng vẫn được xem là nhàn nhã. Tất nhiên việc gì chả có những gian nan riêng của nó, có điều cái góc cô đơn kia cần phải được ôm kín trong lòng, nuốt nó vào lòng.  Những lời khen của các bậc đi trước là nguồn động viên rất quý, nhưng bản thân chuyện đó trước sau vẫn chỉ là động viên mà thôi. Các nhà văn, người cầm bút trở thành vững chãi đều phải qua một giai đoạn dài từng trải, vừa học hỏi vừa sáng tạo một cách công phu, ai tính chuyện đi tắt, mưu mẹo vặt, toan bỏ qua chuyện đó thì trước sau gì đều cũng sẽ lụi. Cụ Đỗ Phủ đời Đường từng nói: “Vinh hoa địch huân nghiệp/ Tuế mộ hữu nghiêm sương” có nghĩa rằng, anh hưởng cái vinh hoa quá đáng so với những công lao đóng góp thì rồi ra về già ắt sẽ phải chịu nhiều sương giá. Cho nên anh em trẻ bây giờ cũng chả nên chờ đợi lắm, hát được thì cứ hát lên, hoa đến kỳ nở thì cứ tỏa hương, nó có chờ ai khen nó?
Văn Chinh: Dư luận nhìn nhận Đỗ Chu là một nhà văn đổi mới có thành tựu. Không ồn ào, nhưng mà có thành tựu: Những Mảnh vườn xưa hoang vắng (1989) Một loài chim trên sóng (2002) Tản mạn trước đèn (2004) rồi Thăm thẳm bóng người (2008,) nghe nói lại sắp làm xong một tập nữa. Cặm cụi âm thầm trong công việc viết của mình, hẳn ông phải có nhiều nghĩ ngợi. Xin ông cho ý kiến về văn học đổi mới,  tính ra chúng ta đã bước vào giai đoạn này hai mươi năm có lẻ rồi.
Đỗ Chu:  Vâng. Quả là có nghĩ ngợi, thường xuyên nghĩ ngợi và hầu như tất cả chúng ta ở mọi khu vực xã hội cũng đều nghĩ ngợi. Nghĩ nhiều, nói  nhiều, chỉ làm là còn ít. Ngay bản thân tôi cũng vậy. Suy cho cùng, đổi mới là một quá trình tìm kiếm chính bản thân mình, trở về với chính mình. đấy là một đòi hỏi có ý nghĩa quyết định. Một cuộc lên đường tìm kiếm đòi hỏi nhiều dũng khí, nhiều trung thực và sẽ không bao giờ dễ dàng. Nó là công việc của tài năng và trí tuệ, ở đây mọi nông nổi khéo mồm chỉ làm nhiễu thêm tình hình mà thôi. Nguyễn Minh Châu là nhà văn đi tiên phong mở đường trong những năm đầu đổi mới. Những truyện ngắn của anh ấy kịp để lại trước lúc qua đời đã thật đáng để được xem là niềm kiêu hãnh của văn học nước nhà. Đó là một nhà văn ôm cây kèn lớn, một sớm kia bước ra đường. Nhà thơ Trần Anh Thái trong tập “Trên đường” in mấy năm về trước tôi đọc thấy thích mấy câu:
 Không có ai đốt lửa trước con đường
Chỉ có niềm hy vọng cháy lên.
Sức mạnh bàn chân ở nơi thẳm sâu trắc ẩn
Ngân nga nơi dấu chân tổ tiên
Nơi những câu chuyện buồn không dứt.
Đi! Đứng lại là đắm chìm là hoang mang cay đắng
Là tiếng vọng hoang mang lạnh buốt cõi người.
Không có bờ sóng vỗ vào đâu?
Giữa bóng tối lê thê
Mặt nước buồn tênh, ao hồ không gợn sóng
Có tiếng vọng lặn sâu vào đáy thời gian.
Gió rầm rì, mặt nước lao xao, chợt ngời lên
Đất đang xanh ở nơi lửa mới lụi tàn”.
Đây có thể xem là tuyên ngôn về thơ của thế hệ trẻ thời đổi mới.
Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Vàng Anh, Nguyễn Quang Lập và rất nhiều người nữa đều đã có những đóng góp đáng kể, tôi hy vọng sự chững lại của họ mấy năm gần đây chỉ là một sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn để có những bước vạm vỡ trong thời gian tới. Một đời cầm bút của ai cũng vậy, rất nên có những khoảng lặng minh triết. Khoảng mươi năm lại đây, trong đời sống văn học ta đã có một sự xuất hiện không dễ thấy, đấy là trưởng hợp chị Nguyễn Ngọc Tư  Mũi Cà Mau. Xưa nay hình như vẫn thế, các giá trị lớn đều biết tìm cho mình một cách xuất hiện thật giản dị, hoàn mỹ và thuyết phục. Rất nhiều các cây bút trẻ giờ đây vẫn đang tiếp tục tìm tòi để có thêm nhiều tác phẩm mới, tất nhiên cũng nên thành thật với nhau, vẫn biết trẻ là hiện thân của cái mới, ấy vậy mà nhiều khi tưởng mới hoá ra mới đấy mà vẫn cũ đấy. Trên vai họ những năm tháng này đang gánh trọng trách cho tương lai của văn học đất nước. Đây là một đòi hỏi lớn. Thách thức lớn.
Có thể còn vụng dại, nhưng trong các trang sách của mình nếu tầm nhìn hạn hẹp, cái tâm lại không sáng, thiếu cân bằng, thì biên độ dao động của con lắc sáng tạo rất khó đạt đến rộng lớn. Sự ra đời của các tác phẩm non yểu cho dù ồn ào đến bao nhiêu cũng sẽ sớm bị quên lãng. Bởi một nhẽ dễ hiểu, vì nó nhạt. Nhạt là căn bệnh khó chữa nhất.
Nhân bàn về đổi mới, nhiều năm nay tôi cứ trăn trở chung quanh một câu hỏi về một sự thật đã diễn ra trong lịch sử nước nhà ở nửa cuối thế kỷ XX. Không biết nên phải hiểu từ lúc nào mà chúng ta đã bước từ chủ nghĩa dân tộc vào CNXH, rồi từ lúc nào từ Dân chủ Cộng hoà thành XHCN? Vì đâu mà có rất nhiều khái niệm hết sức hệ trọng bỗng nhiên bị đánh tráo. Bên dưới lòng yêu nước liệu còn có những gì đang nhân danh nó và đang được nó ngụy trang?
Nhìn lại, không biết tại làm sao khi chúng ta học những cái tồi tệ của thiên hạ thì dễ thế, mà đến khi cần học những cái tốt đẹp thì khó quá. Rồi lại không biết bởi đâu mà khi người ta không ra gì, khi người ta mù mịt đảo điên thì người ta sẵn sàng kết anh em với mình, còn tới khi người ta tỉnh táo ra một chút là y như rằng người ta có ý khinh rẻ mình thì phải.
Văn Chinh: Mấy tháng gần đây chúng ta đã bước vào chuẩn bị cho Hội nghị dịch thuật quảng bá văn học Việt Nam ra quốc tế, trong đó có việc làm các tuyển tập truyện ngắn và thơ. Xin ông cho một ý kiến chung về việc này?
Đỗ Chu: Những công việc ấy là của ông Hữu Thỉnh, của anh em đang công tác quanh Hội, Nhà xuất bản Hội Nhà văn; các Hội đồng văn xuôi và thơ, và sau cùng là các vị BCH. Riêng tôi, một nhà văn chỉ vài ngày nữa là nhận sổ hưu, xin được nói vài lời thảng thốt thế này.
Nước nhà thống nhất đã trên ba chục năm, tổ quốc đã hoàn toàn độc lập vậy mà đến tận hôm nay ta mới có cơ hội tiến tới các tuyển tập truyện ngắn và thơ Việt Nam thế kỷ XX. Dẫu sao đây cũng là một sáng kiến đáng vui mừng. Vui mừng vì nó là một việc trước sau gì rồi cũng phải làm.
Có thể hình dung văn học Việt Nam nói chung, ở thế kỷ này bao gồm ba dòng chính. Một là văn học trước 1945, hai là văn học cách mạng, ba là văn học vùng tạm bị chiếm kể cả chống Pháp và chống Mỹ. Có nhiều cách làm tuyển văn học VN của thế kỷ, nói nhiều vì nó có nhiều cách nhìn nhận khác nhau, ở đây cần nói luôn cho rõ ràng: Chúng ta làm các tuyển tập này theo cách nhìn của Hội Nhà văn Việt Nam ở những năm đầu của thế kỷ XXI; lấy dòng văn học cách mạng làm nòng cốt, trong khi vẫn thấy cần phải dành cho hai dòng kia một vị trí không thể thiếu, bởi vì nếu thiếu những đại diện xứng đáng của nó thì muốn sao cũng chưa thể xem đấy là một tuyển tập truyện ngắn, một tuyển tập thơ Việt Nam một thế kỷ. Hoàn toàn có thể xoá sổ một triều đại, một chính thể, nhưng không ai dám và cũng không thể xoá sổ cả một dòng văn học. Điều đó đồng nghĩa với sự thô thiển đáng lo ngại, vì như thế là rất thấp một cái nhìn văn hoá. Bởi lẽ trên những cánh đồng văn học dẫu thế nào chắc chắn vẫn phải có những mảnh tinh thần thuần Việt, những mảnh hồn văn học Việt Nam cao quý không được phép bỏ quên.
Thế kỷ XX là một thế kỷ nước nhà phải trải qua những dặm đường nhiều gian nan. lịch sử dân tộc đã diễn biến dưới nhiều hình thái vừa hào hùng vừa đau đớn, đó là một thời bi tráng, hoàn cảnh ấy đã chi phối trực tiếp và khốc liệt đến sự hình thành và tồn tại của các dòng văn học, khiến từng dòng đều có mang tính khu biệt tất yếu. Giờ đây chúng ta chỉ có thể nhìn lại và đánh giá đúng những giá trị trong mỗi dòng văn học đó với một cách nhìn biện chứng với lịch sử, với trí tuệ sáng suốt và tình yêu dân tộc chân thật sâu sắc.
Để tiến tới các tuyển tập toàn bích nhất thì công việc hôm nay hãy chỉ nên nhìn là những bước đi đầu tiên, như thể đây chỉ mới là một cách thử hình dung về các tuyển tập mà thôi.
Hình như để có một tuyển tập truyện ngắn và thơ thật chững chạc như chúng ta hằng mong mỏi thì vẫn phải chờ có thêm thời gian, xem thế đủ thấy đây quả là một công việc hệ trọng, một mơ ước không thể vội vàng và chẳng dễ dàng chút nào. Nhưng cũng chính vì thế mà mỗi nhà văn Việt Nam giờ đây đều cảm thấy ấm lòng khi được biết trong không khí hội nhập và phát triển chung, đã đến lúc chúng ta bắt tay vào khởi đầu cho một công việc nhiều ý nghĩa, đó là các tuyển tập thơ và truyện ngắn thế kỷ XX. Việc này nếu làm chu đáo thì có thể được xem là một cuộc gọi hồn cho văn học nước nhà.
Tôi cảm ơn Đỗ Chu rồi sửa soạn đồ nghề. Trông ra, chiều Hà Nội đã chạng vạng. Đây là thời điểm cư dân bắt đầu lo về nhà, lo bữa ăn cho cả nhà – cái thời khắc của sống thật và tình cảm.
Trên đường về, tôi cứ tự hỏi, có nên chép nguyên vẹn những điều Đỗ Chu nói, vì nó dễ động chạm? Rồi tự nghĩ, như ai đó đang mà cả ở chợ cóc kia nói, đã mấy giờ rồi mà giá cả còn trên trời như thế nữa? Vâng, khi sắp chết người hiền hay nói những câu đúc kết và nghiêm chỉnh. Khi sắp nghỉ hưu, người ta cũng rất hay nói thật và nghiêm chỉnh. Vậy thì hẵng cứ chép nguyên vẹn, nghe được đến đâu thì nghe, bằng không thì hãy xếp nó ở đâu đó, ngẫm nghĩ về lâu về dài. Văn chương cũng không thể là chuyện vội vàng, không thể xong ngay một lúc…


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: