Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 21 tháng 1, 2014

THĂM THẲM ĐƯƠNG VỀ (Tiếp theo..) 2


 
R
       ốt cuộc gã cũng về. Gã về sau bảy năm biền biệt xa nhà. Nói đúng hơn là năm năm trước gã cũng qua nhà với thời gian thật là ngắn ngủi. Thời gian chỉ chưa đầy một tiếng đồng hồ rồi vội vã đi ngay. Lúc đó trời khuya lắm rồi. Ngoài trời sáng trăng suông, bốn bề im lìm như chỗ không người. Gã dúi vội vào tay mẹ gã một món tiền nhỏ, đứng một lúc lâu bên giường đứa con gái chưa đầy năm tuổi rồi đi. Bóng gã chìm vào đêm rồi mà mẹ gã chưa hiểu đang xảy ra chuyện gì..." Sau này nghe kể lại thị biết đó là sau lần gã trốn trại ra ngoài. Gã ở chỗ thị một thời gian. Thị đã sắm sửa cho gã về thăm nhà. Lần ấy cũng là lần duy nhất gã về thăm nhà cho đến bây giờ. Suốt thời gian đó gã đi những đâu? Làm những việc gì thị vẫn chưa kịp hỏi. Kể cả việc gã bị bắt lại như thế nào. Mỗi lần đến thăm thời gian được gặp rất ngắn ngủi. Mà những chuỵên như thế theo nội quy lại không được nói đến. Luôn luôn có cán bộ trại giám sát cuộc gặp mặt. Nếu vi phạm rất có thể lần sau gã sẽ không được phép gặp người nhà. Thành ra con người gã thị chỉ nghe qua những người thân trong gia đình. Mà kể thì mỗi người một phách. Mười bảy tuổi gã đã thoát lý gia đình. Có ai gần gũi gã đâu mà hiểu chân tơ kẽ tóc? Ngay gã với thị cũng chỉ gặp gỡ ít ngày rồi gã đi biền biệt, sở dĩ thị tìm thấy gia đình gã rồi theo gia đình gã lên đây là nhờ địa chỉ gã để lại. Chỉ riêng việc ấy thị cho rằng gã không phải là người bội bạc. Nếu gian dối gã sẽ không nói địa chỉ thực của mình. Dù khờ đến đâu gã cũng thừa biết đằng sau lưng gã người ta đang truy đuổi, người ta sẽ tìm đến kỳ cùng tới khi nào bắt được gã lại. Đó là nguyên tắc của trại giam. Tội trốn trại được coi là tội nặng chỉ sau tôi giết người. Lần ấy nếu không trốn trại gã đã được về lâu rồi, không phải tới hôm nay gã mới được tự do.


            Người bạn tù ở với gã ra gặp người nhà về báo với gã một tin không vui. Mẹ gã đang ốm nặng trong lúc bà đang nuôi đứa cháu nhỏ. Mẹ nó thì không đoái hoài gì đến, cô ta đã lấy chồng và chuyển đi nơi khác. Không cầm được lòng, gã đã tìm cách trốn ra ngoài. Dọc đường về xuôi tình cờ gã tới gia đình thị. Đó là tất cả những gì thị biết về gã, qua lời gã kể. Chính xác độ bao nhiêu phần trăm thì thị cũng không rõ. Nhưng thị tin có một phần sự thật.
            Bây giờ gã trở về, đáng lý ra thị phải vui mừng mới phải. Sau những năm tháng đợi chờ, giờ là lúc xum vầy. Nhưng không, thị lại cảm thấy bối rối và lo sợ. Liệu thị có được gã thông cảm như mình đã cảm thông với gã không? Liệu gã có chấp nhận cuộc hôn nhân mà thị là người chủ động? Rồi những ngày tháng mẹ con bà cháu sống ở đất này? gã sẽ bỏ qua mọi chuyện? Khi tàu vào bến, tự nhiên hai chân thị cứ ríu lại. Gã bước lên bờ, đầu không mũ nón, một bên cánh tay băng vải trắng. Thị chào hỏi, gã chỉ khẽ gật đầu. Cử chỉ đó làm cho thị hoang mang. Gã bảo thị cứ đạp xe đi trước, gã đi cùng hai bố con ông Chỉ Đen cho vui. Thị thấycó cái nhìn khang khác trong mắt gã. Nhất là khi gã đi cùng chuyến tàu với lão hàng xóm mà thị không ưa. Biết đâu lão chả thêu dệt những chuyện không hay? Một lão già đổ đốn. Trẻ không tha già không buông. Bát rượu vào rồi là chòng ghẹo không từ ai. Người lão chắc nịch mà bà vợ gầy như cái mõ mương. Cứ thấy đàn bà con gái là mắt lão sáng lên. Một buổi  tối sáng trăng thị ra sông tắm lão mò tới. Lão rút trong bọc ra miếng vải mới rúi vào tay thị, định giờ trò. Nếu thị có ham muốn thì là ham muốn với người khác kia chứ phải đâu với lão? Một lão già lỗ mãng vô học lại hôi nách sặc sụa? Bữa ấy thị đã làm cho lão bẽ mặt. Cả xóm xúm lại xem. Lão lủi thủi chạy vào đám ngô. Vợ con lão phải xin mãi thị mới cho qua, nếu không người ta lập biên bản, và chuyện gì xảy ra tiếp theo không ai lường trước được. Sau lần ấy lão tránh mặt một thời gian và có ý thù. Một thân một mình ở nơi quê người xứ lạ thị cũng không muốn căng thẳng với lão làm gì. Gặp lão thị vẫn chào hỏi nhưng hai bên trong bụng không bằng lòng. Thế nào chuyện thị quan hệ với mấy tay đi bè gần đây lão cũng nói cho gã biết. Nếu như không nói lúc này thì sẽ nói vào khi khác. Lấp ao lấp giếng ai lấp được miệng thế gian? Kể như lão không hở ra rồi cũng có người nói cho gã biết.
            Đấy là lý do khiến thị bối rối, lo sợ khi gã trở về. Có thể hoàn cảnh trước mắt sẽ buộc gã chấp nhận tất cả. Khi sa cơ thất thế mấy ai còn đòi hỏi nọ kia? Nếu gã tỏ ra biết điều thị sẽ an phận. Còn không thì thôi. Gã có gì để thị phải nuối tiếc? Ngoài hai bàn tay trắng, gã đâu có gì để mình ham muốn? Nếu mình không lỡ làng, chưa chắc mình đã đợi gã từng ấy năm trời. Phải mất rất nhiều công sức mình mới chuyển được về dạy học ở nơi khỉ ho cò gáy này. Nếu gã phụ công, mình sẵn sàng chia tay với gã mà lòng không ân hận. Nhưng dù sao gã cũng chưa nói gì. Mình vẫn phải chuẩn bị cuộc đón tiếp vui vẻ. Mọi việc sau này muốn ra sao thì ra... Tuỳ thuộc ở gã. Nghĩ trong bụng như vậy, thị lên xe, đạp thẳng về để lại gã vẫn đang chuyện trò với Lão hàng xóm phía sau. Con đường men theo bờ sông. Hai bên tre nứa, lau lách um tùm. Mấy con trâu bê bết đất bùn đứng giữa đường ngơ ngác nhìn họ một hồi, rồi bất thần phóng rào rào lên đồi đan đầy dây mắc húm: Một loài cây thân mềm nhưng chi chít gai nhọn sắc.
            Rồi gã sẽ quen với quang cảnh này. Nhưng trước mắt gã tỏ ra thất vọng, mình sẽ sống sao đây ở nơi thiếu cả bóng dáng con người? Nói gì đến tiện nghi của cuộc sống văn minh? Một gã trí thức nửa mùa như mình liệu có thể tồn tại được ở đây không? Cuộc sống có còn mảy may ý nghĩa gì? Nỗi ân hận lại trào lên miệng gã đắng ngắt. Tuổi trẻ nông nổi gã đã làm mất đi bao nhiêu thứ quý giá của đời người. Trước đây gã không thể nào ngờ cuộc sống của mình lại như thế này. Quá khứ đau buồn, hiện tại ê chề, còn tương lai thì mờ mịt, giống như câu thơ mà một gã chán đời nào đó ngâm vào lúc nửa đêm văng vẳng ở phòng giam riêng.
            Lão hàng xóm không để ý đến hoặc không biết tâm trạng lúc này của gã. Với lão vùng đất này là thiên đường so với ở dưới quê. Đất đai bạt ngàn, lại toàn đất tốt. Những khi giáp hạt hoặc cần tiêu món gì là vác dao vào rừng. Chỉ vài buổi là có mảng nứa tươi, dăm chục bó củi mang về xuôi có tiền ngay. Cuộc sống cổ cày vai bừa thì cần gì hơn nữa? Cứ chịu khó bới đất lật cỏ, khoẻ lo gì không có cái ăn? Người ta bảo dân lấy ăn làm trời, và lão, lão cũng có khoảng trời riêng của lão. Cả đời lão không mò tới quyển sách, sờ đến tờ báo mà có sao đâu? Khối anh chữ nghĩa hàng bồ mà vợ con đói lên đói xuống. Lão giáo Ngọ cùng trà với lão quanh năm quần là áo lượt, đầu chải rẽ ngôi. Nhưng đó chỉ là cái vẻ bề ngoài. Mỗi lần lão về quê, đến nhà lão giáo chơi, lại thấy vợ ông giáo len lén đi lối sau nhà sang hàng xóm vay gạo. Bữa cơm khách mà chỉ có mỗi đĩa trứng pha quá nửa bột mì đen rán lên. Ăn cứ như thể bánh đúc ngô! Lão lấy làm mừng vì mình đã tìm đường lên đây. Nếu tiếp tục ở quê với đàn con đông với người vợ chậm chạp chẳng biết cuộc sống sẽ ra sao. Đúng là trong cái rủi có cái may. Hết đợt học tập cải tạo tại chỗ, ông anh trai rủ lão lên rừng. Bỏ quê hương bản quán lúc ấy lão cũng buồn. Nhưng cuộc sống dễ chịu làm lão quên dần. Hễ gặp người làng ở dưới xuôi lên là lão rất mừng. Cứ y như gặp người nhà vậy. Có người đi làm thuê làm mướn ở lại chơi vài hôm. Cũng có anh đóng bè ở cả tháng. Nhà lão giống như trạm tiếp đón ở bến này. Sự giao lưu ấy lão có một chút tốn kém, đổi lại cái lợi nhiều hơn, lão mua được những món ở đây chẳng ai mua được, hoặc chỉ mua rẻ. Bán được những thứ ấy ở đây chẳng ai mua, hoặc chỉ mua rẻ với giá cao hơn. Một người mới gặp luôn hứa hẹn những điều tốt lành. Vì thế gặp ai lão cũng niềm nở đón bằng được về nhà.
            Nhưng với gã mà lão gặp hôm qua lại hơi khác. Buổi chiều qua tình cờ gặp gã ở cửa hàng ăn lão cũng không để ý lắm. ở những nơi như thế không nên tỏ ra vồn vã với bất cứ người nào. Kể cả những người quen lâu ngày không gặp. Ai biết họ làm những gì khoảng thời gian mà mình không hay? Nhưng buổi tối hai bố con nghỉ lại nhà quen lão đã nhớ lại tất cả. Khi còn ở quê lúc lão còn là đối tượng phải kiểm thảo thì mẹ thằng này đang là cán bộ chủ chốt ở địa phương. Phong trào phụ nữ ba đảm đang lên như diều gặp gió. Nam giới chỉ còn lác đác vài ba người, chính quyền xã chủ yếu cán bộ là nữ. Mẹ gã rất nguyên tắc, động một tý là xử lý hành chính ngay. Một lần lão bán giấu con lợn của nhà nuôi không báo cáo chính quyền mụ gọi lão lên xã hỏi căn vặn mãi. Suýt nữa lão còn bị tống vào lò thúc mầm vì tội cãi bãi bây. ấy rồi quả đất tròn, lớ xớ thế nào bà ta lại lên chỗ lão khai hoang. Lão đang thắng thế, ở nơi xứ mù thằng chột làm vua. Chữ nghĩa lão chỉ vọc vạch mà người ta vẫn cử lão làm đội trưởng sản xuất. Hợp tác xã trồng rừng chỉ tập hợp được vài năm. Về sau chỉ còn trên danh nghĩa. Nó tồn tại chỉ cốt để dễ thu thuế. Còn mùa vụ của ai có đất người ấy làm. Công việc của anh đội trưởng không phức tạp lắm. Nó giống như việc của anh trưởng thôn bây giờ. Nhưng nó quan trọng và rất hách. Hộ khẩu, hộ tịch sát nhất là anh trưởng thôn. Quyền sinh quyền sát nhiều cái cũng từ đó mà ra.
            Khi mẹ gã lên phải nói mãi lão mới đồng ý cho bà nhập khẩu. Lão chỉ nhận năm lít rượu mang ở dưới quê lên, còn mấy trăm bà đưa, lão trả lại. Thời ấy thì chưa nhũng lạm như sau này. Lão xử sự như vậy cũng là lẽ tự nhiên. Có lần bà cũng nói qua với lão về đứa con trai mình. Một kẻ được ăn học hẳn hoi, ra Hà Nội từ năm mười bảy tuổi. Không biết nó theo đòi bạn bè ngông ngạo thế nào. Dính vào chữ nghĩa bỏ cả công ăn việc làm ở cơ quan. Điều mà cùng lứa tuổi nhiều đứa còn mơ không được. Cuối cùng dính dáng vào một án mạng ở quê. Vụ án không thành, người ta đưa nó đi tập trung cải tạo. Lão cứ hình dung nó là thằng có tướng mạo dữ tợn, cao lớn, xăm trổ đầy mình. Lão không ngờ gã nhỏ nhắn, nói năng dè dặt như anh giáo làng. Một kiểu người từ trước tới giờ lão ít tiếp xúc.       Khi xưa lão giúp mẹ gã nhập khẩu ở xã này cũng là một cách trả ơn. Dù sao thì bà đã không khó dễ khi lão chuyển thủ tục giấy tờ từ dưới quê lên đây. Khi ấy việc quản lý hộ khẩu hộ tịch khắt khe lắm.
            Còn với gã mọi việc lại khác. Lão nhớ lại câu chuyện buổi tối hôm nào ở ngoài bến sông với vợ gã. Cái bọn vào tù ra tội không phải bọn vừa. Ân oán giang hồ là cái chúng hay giở ra, con vợ gã thế nào chẳng nói với chồng? Lạ nỗi là gã về, gặp vợ mà hờ hững như người dưng. Thật là một thằng khó hiểu. Mọi chuyện về thằng này cứ mờ mờ mịt mịt không rõ làm sao. Lão thấy tốt hơn hết là cứ tỏ vẻ thân thiện với gã. Cẩn thận là một đức tính không bao giờ thừa. Còn mọi việc biết đến đâu, xâu đến đấy. Tà tà hẵng hay... Sáng nay gặp một cô gái đèo xe đưa gã ra bến tàu. Lão đã thấy lạ. Định đến lúc ngồi trên tầu lão sẽ hỏi xem quan hệ thế nào, rồi lại thôi. Mình là người lớn hỏi những chuyện ấy e là không thích hợp. Lúc gã gặp vợ ở bến tàu lão nghĩ rằng giữa hai người đang có chuyện. Nhưng bảo rằng có liên hệ với cuộc gặp gỡ kia chắc không phải. Gã mới vừa ra ngoài mới một ngày làm gì có chuyện nhanh chóng đến thế được? Còn gã lúc này nét mặt đăm chiêu. Gã có cái nhìn chăm chú đến mọi vật hai bên đường như để ghi nhớ. Xuống khỏi đoạn dốc này là tới nhà lão. Từ nhà lão nhìn qua vạt ngô non có thể nhìn thấy mái nhà lợp tranh của gã dưới lùm cây um tùm. Ngồi nhà ẩn khuất như thể chủ nhân của nó muốn xa lánh mọi việc của thế gian. Lão mời bằng được kẻ vừa nhập cư vào nhà mình. Đó là ngôi nhà ngói năm gian, cửa bức bàn. Ngôi nhà thật oai vệ giữa những tranh tre, nứa lá trong vùng. Ngói lợp là ngói bầu sao chở theo đường thuỷ từ dưới xuôi lên. Lão rất hãnh diện về tầm vóc của ngôi nhà. Khách mời đến bao giờ lão cũng dẫn vòng quanh nhà để khoe những cây cột bằng gỗ nghiến hoặc đinh thối, vẩy ốc. Nhà lợp ngói trong vùng cũng có dăm cái. Phần lớn lợp bằng ngói gia công. Tức là thứ ngói thợ dưới xuôi lên đóng và đốt ngay tại chỗ. Không được nung bằng lò bầu nên chất lượng rất kém. Trông rõ nào ra viên đấy, nhưng rờ tay vào thì bở như đất. Ngôi nhà nằm chênh chếch trên chân đồi ngoảnh mặt ra sông. Nom thì thoáng, có phần đẹp cảnh quan. Nhưng để ý kỹ lại không được hướng. Nó nhằm chính hướng tây bắc mà người coi trọng phong thuỷ rất kỵ. Nhưng muốn xoay hướng khác cũng không được. Không lẽ úp mặt vào gò cao. Quay lưng ra sông? Lão bảo: " Địa lý không bằng địa ý. Miễn trông được thì thôi " Vài chục năm sau nữa khi lão đã qua đời, gia cảnh nhà lão xa sút không ngờ. Nhưng đó là chuỵên sau này, còn bây giờ hiện diện trước mắt là con người phong lưu, dáng vẻ tự tin của một thương lái. Tóc lão vuốt ngược qua đỉnh đầu, khuôn mặt rắn rỏi, cằm hơi bạnh. Thêm vào cặp mắt linh hoạt, sống mũi cao hơi gồ. Cái áo mầu trứng sáo cổ bẻ, may ba túi nổi bật trên khuôn viên vườn nhà xanh mượt, tạo vẻ viên mãn có phần tự phụ. Gã nhớ lại buổi tối hôm nào khi còn ở dưới quê, cũng con người này trong cái áo tơi tả mang theo quả mít. Thật khó tin trước những đổi thay của một phận người. Không. Gã không cảm thấy ghen tỵ với lão. Nó chỉ gợi lên một ý nghĩ thoáng qua, gã cảm nhận như một lời an ủi. Đường đời không có con đường nào cụt. Mỗi một khúc quanh sẽ là một lối rẽ. Phải nhẫn nại đừng vội nản lòng.



Gã nhận ra cái dáng đã hơi còng của mẹ, đứng bên cạnh là vợ gã và đứa con gái. Thị đang lúi húi nấu gì trong bếp thằng con trai đang túm sau lưng áo mẹ. Trong nhà đang có ba bốn người đang ngồi uống nước. Ngôi nhà vốn là cái bếp cũ nên trần và vách mồ hóng đen kịt. Ngoài trời sáng mà trong nhà tối nhờ nhờ. Có lẽ là do cái mái gianh quá thấp mà cửa ra vào lại hẹp, có độc nhất cái cửa sổ lại bị che bằng mảnh phên nứa. Ngôi nhà với chừng ấy con người quả là chật chội. Nó chỉ có hai gian, mỗi gian chưa đầy ba mét. Thêm một cái chái vảy giả gian làm buồng. Gã hỏi mẹ, dắt đứa con gái nhỏ vào nhà. Con bé được bà báo trước vẫn không khỏi e dè sợ sệt. Bố nó vắng nhà từ ngày nó còn quá nhỏ không nhớ mặt cha. Suốt chừng ấy năm nó ở nhà với bà. Ngay cả mẹ đẻ ra nó cũng ít gặp. Nó gặp mẹ nó lần cuối hơn hai năm rồi không gặp nữa. Gã  thấy con bé có ngấn nước mắt, lòng dạ gã nao nao. Gã khổ ải thì đã đành rồi. Gã còn làm cho bao nhiêu người thân trong gia đình khổ theo. Cảm giác ứ nghẹn khiến gã không cất nổi nụ cười chào những người khách vừa mới đến. Gã chỉ nói nho nhỏ:
- Chào các ông, các bác. Tôi vừa mới về đến. Mời mọi người uống nước…
Ông già cậu ruột gã thì gã biết. Gã nhận ra ngay mái đầu và chòm râu bạc của ông. Sau vụ bê bối ngày vùng gã sát nhập vào thành phố Hà Nội ông gầy đi trông thấy. Thành phố mở rộng, vùng gã trở thành ngoại thành. Nhưng suốt từ chân núi Tản Viên dọc theo bờ sông Đà trở xuống thay đổi chưa thấy đâu. Nhưng tai vạ ập xuống gia đình gã. Mà khởi đầu từ ông già gã gọi bằng cậu này. Ông là người cởi mở, ham vui, thích giúp người. Đức tính ấy nếu ông làm công việc khác thì rất tốt. Người hay cả nể mà lại làm công tác quản lý tiền bạc thì lại là chuyện không hay. Nhiều năm liền ông làm chủ nhiệm hợp tác xã tín dụng. Khi người ta cải tạo đê sông Hồng với nguồn ngân sách lớn, hợp tác xã của ông lại được chọn làm nơi mở tài khoản phục vụ cho công trường. Ngoài nhiệt tình với công việc, ông không có nghiệp vụ ngân hàng. Tiền thu vào phát ra chủ yếu ở cô kế toán và ông thủ quỹ. Bằng cách nào đó họ đã lũng đoạn quỹ ông không kiểm soát được. Họ xây những ngôi nhà to vật vã trong vùng. Khi chưa sát nhập vào thành phố trên huyện về họ cũng có kiểm kê. Những người trong ban quản lý tìm cách thu xếp với cấp trên nên nhiều lần không xảy ra việc gì. Mỗi lần họ về ăn uống tiệc tùng và một chút quà. Cô kế toán xinh đẹp chồng đi bộ đội lại rất khéo léo và gợi cảm. Mọi chuyện  không có gì xảy ra. Nhưng số tiền thâm thủng mỗi ngày một lớn. Đan lát bằng sổ sách chứng từ, càng đan càng lỗi. Dốt nát mà lại tham lam, nguy cơ càng lớn. Đến khi ban thanh tra thành phố về, mọi chuyện vỡ lở. Người trên phủi tay, người dưới chối trách nhiệm. Bao nhiêu tội lỗi trút lên đầu ông. Số tiền bốn mươi ngàn đồng ông phải hoàn trả ngân hàng. Vào thời giá 1978 là số tiền không nhỏ. Một chỉ vàng bán đắt mới được ba mươi đồng. Một cây vàng mới ba trăm đồng. Ông thủ quỹ sợ trách nhiệm nửa đêm treo cổ tự tử. Cô kế toán nhờ có chồng đi bộ đội hy sinh trước ngày giải phóng tạm thời người ta chưa xử lý. Ông sẽ phải ra toà nếu người ta không xét đến gia đình ông là gia đình chính sách. Các cụ thân sinh ra ông là cơ sở kháng chiến. Ông có một người anh và một người em là liệt sĩ. Bản thân ông lại là thương binh chống Pháp. Chiến dịch Điện Biên Phủ ông được tặng thưởng huy chương. Tất cả những cái đó vẫn là chưa đủ. Nếu từ trước đến nay bản chất con người ông không phải là con người ngay thẳng. Rất ít người nghĩ ông tham nhũng số tiền lớn đến như vậy. Người ta chỉ cho là ông kém năng lực và quá tin người. Tình ngay, lý gian. Tiền của Nhà nước không phải bằng lá mít, nếu ông không hoàn trả sẽ không tránh khỏi ngồi tù. Mọi chuyện xảy ra sau ngày gã bị bắt. Mẹ gã và ông cậu đã bán vườn tược nhà cửa của hai nhà để lo số tiền đó và lên đây. Hoạ vô đơn chí, năm đó cũng là năm đứa em ở đơn vị hậu cần đánh đổ cả một xe chở téc xăng. Mẹ gã còn phải vạy mượn thêm để bồi thường cho quân đội. Khi mấy chị em, bà cháu lên Xuân Quang, hơn chục con người sống nhờ đất rừng. Nhà ông cậu vợ chồng con cái cả thảy chín người, trong đó có một cụ già gần tuổi chín mươi. Sống nhờ những quả ngô người ta thu bỏ sót trên nương, những củ sắn trồi còn sót lại và đám rau rừng. Tất cả những chuyện đó mẹ gã chỉ nói cho gã biết chừng nào. Gần đây khi biết gã sắp được tha bà mới nói hết. Nhưng mọi chuyện đã đoạn rồi. Dù có biết hay không gã còn có thể làm gì khác? Không biết có ai báo cho ông không mà giờ ông cậu đã ngồi đây? Nét mặt mệt mỏi, ngại ngần. Mấy người kia một người là cán bộ kiểm lâm. Một người cửa hàng trưởng và một tay buôn bè. Họ là chỗ quen biết của gia đình hay là bạn bè của vợ gã? gã chưa biết tiếp xúc với họ như thế nào ngoài phép lịch sự xã giao. Trông họ béo tốt, ăn mặc lành lặn khác hẳn những người trong vùng. Họ mang giày dép chứ không đi chân đất như những người gã gặp hồi sáng trên tàu, những người gặp cả ngày hôm nay. Ông cậu đến là điều không cần phải suy nghĩ. Nếu lúc này ông không tới gã còn hận ông nữa kia. Năm ngoái có một lần ông xuống trại thăm gã. Lần ấy mẹ gã ốm nhờ ông đi vì lâu lâu bà cũng không xuống cho con gà và ít gạo. Cán bộ trại cho phép gã nấu nướng ngoài nhà khách để có bữa cơm ăn với gia đình. Gã nấu nướng xong xuôi bày lên bàn nhưng ông nhất định không ăn và xin phép anh cán bộ trại ra về. Ông bảo ông còn một số việc trên tỉnh mà khi quay về phải giải quyết. Nếu ở lại ăn cơm cùng với gã sẽ không kịp thời gian. Nhìn mâm cơm trên bàn gã ứa nước mắt. Sau bao nhiêu ngày thiếu thốn, thứ gì gã cũng thèm. Gã sẽ có bữa cơm ngon lành nếu ông cậu cùng ngồi, dù ông dùng nhiều hay ít. Nhưng ông một mực dứt về. Gã nghĩ là ông ngại con mắt của những người xung quanh. Dù sao cháu ông đang là một thằng tù. Nó tù tội gì không phải là ai cũng hiểu. Nhất là lại có người mặc sắc phục thỉnh thoảng để mắt tới. Có lẽ ông không chịu nổi cảm giác ấy. Cái liêm sỉ của con người ở đời là đáng quý. Nhưng nhiều khi nó cũng vô lý vô tình biết bao. Hôm ấy gã trở lại trại với nét mặt của kẻ mất hồn. Phải rất lâu gã mới quên được hình ảnh ông hôm ấy. Cái dáng thất thểu của ông đi như chạy trên con đường ra khỏi khu vực trại.
Những phạm nhân ở buồng cho rằng nhà gửi ít quà nên gã không vui. Có những kẻ như thế thật. Có đứa vất trả không nhận quà khi người nhà mang tới ít. Hoặc vùng vằng ra mặt. Gã lại khác. Cảnh nhà như vậy gã biết chứ. Gã đâu dám đòi hỏi và oán trách gì? Giờ ông cậu ngồi đây, gã chỉ thoảng nhớ qua thế thôi. Không nỡ giận. Thực ra ông chỉ là người đáng thương không đáng trách. Một con người sống gần hết đời được xã hội quý trọng. Ông không ra khỏi thói thường của những lề thói tự bao đời nghiễm nhiên ngự trị trong đời sống hàng ngày. Một kiểu danh dự mơ hồ đôi khi viển vông. Nó giống như thứ trang phục đắt giá dùng cho người nghèo. ẩn chứa sự tạm bợ, bất an. Đôi khi trở thành giả dối. Vợ gã tíu tít pha trà mời khách. Thị có vẻ vui mừng trước việc gã về. Nhưng nhìn ánh mắt của mấy vị khách kia có điều khó hiểu. Gã vốn là con người nhậy cảm, đôi khi quá nhậy. Một phần vì lẽ đó mà gã khổ. Đối với người khác có những việc không quan trọng và không đáng xúc động. Gã lại không thế. Rồi những năm tháng chìm nổi đầy eó le, trắc trở, cái vốn nhạy cảm của gã càng trở nên sắc nhọn. Gã linh cảm trong những người ngồi đây không phải là họ đều thiện chí. Còn có cái gì đó ngoài việc thăm hỏi thông thường. Lác đác một vài người nữa tới thăm. Căn nhà trở nên chật chội. May mà bóng chiều đổ xuống vội. Cây mít già nua và cái mái tranh xoà xuống khoảng đất trống dùng làm sân trước căn nhà. Mẹ gã trải hai tấm chiếu mời khách. Bà mang nải chuối chín mời mọi người uống nước. Gã không nhớ mình đã nghe những gì, nói những gì. Phần nhiều là những câu xã giao chung chung. Hoàn cảnh thực không thể hỏi và nói rõ điều gì vào lúc này. Tâm trạng gã vui buồn lẫn lộn. Gã chưa quen với cảnh quan ở nơi đang gọi là nhà mình. Mười năm trước khi gã còn là sinh viên gã có theo người nhà lên vùng này dự một đám cưới. Lúc đó gã rất lạ lẫm khi vào chơi một làng người Dao - Khi ấy gọi là động mán. Nhữngcô gái thanh y, quần trắng nhuộm răng đen. Hai bên khóe miệng có những chiếu răng bít đồng vàng choé. Tay cô nào cô ấy đen kít mầu chàm. Họ mặc những chiếc áo có hai vạt đằng trước thả dài quá gối. Các cô sẵn lòng đón nhận nếu có trai lạ đến muốn ngủ " thăm ".
Một khung cảnh hoang sơ với chồn sóc, kỳ nhông thỉnh thoảng chạy ngang đường. Có con chim gì cánh xanh mỏ đỏ kêu ríu rít trên cành cây. Trên vách đá lũ khỉ chuyền cành, bứt quả trọi nhau kêu chí choé.
Bến sông có những người cởi trần xách con cá dài cả mét đi xăm xăm trên bãi cát. Khi về xuôi cảnh sắc thiên nhiên còn lưu luyến gã.  Con người lúc đó thực thà, quý khách. Có cô gái ở bến sông còn đưa gã phong thư kèm theo vài bao thuốc Tam Đảo là thứ hàng hiếm lúc bấy giờ. Chẳng biết bây giờ cô đi đâu, chồng con gì chưa?
So với ngày ấy quang cảnh bây giờ khác rất nhiều. Gã có cảm tưởng những rặng núi phía xa thấp hơn độ ấy. Cây cối thưa hơn, sương phủ nhiều hơn. Đã nhìn thấy những vết lở lói trên triền nương mờ xa. Một nét gì khan khan, nghèo nghèo bàng bạc bao trùm lên tất cả. Có lẽ gã là người nghèo nhất trong những người nghèo ở đây, khi gã nhìn thấy cái cuốc cũ mòn, lưỡi cuốc chỉ bằng bàn tay dựng ở hồi nhà. Cái ấy không đáng sợ. Cái gã cảm thấy trờn trợn trong cảm giác về một cái gì đó rất khó gọi tên. Hình như là khung cảnh mờ hồ pha chút hoài nghi loang loáng trong thái độ và cử chỉ của những người vừa gặp. Cảm giác chênh vênh tựa như người ta đứng trên cao nhìn xuống đất. Gã cũng không hiểu tại sao lại có cảm giác ấy. Gã tự nhủ mọi việc rồi sẽ quen. Quãng thời gian vừa qua cho gã thấy khả năng thích nghi đến kỳ lạ của con người. Có những lúc, những việc tưởng không sao chịu nổi rồi cũng qua đi. Số phận đôi lúc là những trò chơi không mấy thú vị.
Buổi chiều qua nhanh. Vùng núi đêm tối thường đến rất vội vã. Nhiều khi người ta không kịp thu dọn công việc trong ngày. Ngày hôm nay cũng vậy. Gã chân ướt chân ráo về nhà, chưa kịp thu dọn nhà cửa đêm tối đã ập xuống. Cũng may không có đồ đạc gì nhiều. Gã sửa lại cây đèn hai dây treo lên giữa nhà. Chỉ có vài người ở lại ăn cơm cùng gia đình. Tay cửa hàng trưởng và tay cán bộ kiểm lâm về trước. Tay thợ bè và ông cậu gã còn ngồi nói chuyện thêm một lúc. Toàn những chuyện sông nước, thuế khoá và các trạm trên sông. Hắn tỏ ra thông thạo, giỏi mánh lới, biết nhiều mánh lối trong nghề sông nước. Ông cậu gã nghe nói cũng đã bám càng theo hắn được vài chuyến. Củi đóm là thứ bán ở đằng ngược này với giá bèo bọt. Nhưng mang về xuôi đắt lên ba bốn lần. Vì thế có mối với cánh đi bè chuyên nghiệp này ai cũng muốn. Trên danh nghĩa họ là những người chở bè cho Nhà nước theo hợp đồng. Nhưng tiền lương của họ các công ty Nhà nước trả cho họ chỉ có ý nghĩa tượng trưng. Chỉ đủ họ trà thuốc, xà phòng, khăn mặt. Nguồn thu chính lại ở dưới các gầm bè tre, nứa hoặc gỗ loại thường, bập sẹo dóng dấu kiểm tra. Đó là những súc gỗ vào loại tứ thiết: Nghiến, đinh, trò chỉ. Có khi có cả đinh, lát. ( vào thời xảy ra câu chuyện này các thứ gỗ đó vẫn rất sẵn, chỉ cần có tiền có thể mua được của tư thương ) Mỗi chuyến xuôi ngược mọi người bỏ ra vài cây vàng. ở đời nhiều tiền không phải ai có cũng hay cả. Phần nhiều lại là mầm mống của sự bất nhân bất nghĩa. Khởi đầu cho việc mờ ám thối nát cờ bạc, trai gái, nghiện ngập. Người tử tế có thể người ta chia sẻ, giúp đỡ người nghèo. Lòng trắc ẩn khiến người ta thông cảm những cảnh đời thiếu may mắn, người ốm đau, hoạn nạn. Kẻ giả dối, ích kỷ thì càng nhiều càng ít. Ngoài miệng là chuyện ân nghĩa, đức cao đạo trọng nhưng thấy khó ngoảnh mặt đi. Rất có lý khi người ta nói rằng: Kẻ giàu có thường tham lam keo kiệt. Dân gian đã từng có câu: " Hà tiện mới giàu, cơ cầu mới khá " Người ngồi trước mặt gã bây giờ thuộc nhóm có tiền sinh lưu bại. Hắn có tiếng trong làng cờ bạc, ăn chơi nổi nhất trong đám thợ bè. Quê hắn ở Bắc Ninh hay Hưng Yên gì đó, không ai biết chính xác. Trong người hắn có đến hai ba tấm chứng minh nhân dân. Cái nào cũng có chữ ký của giám đốc công an, đóng dấu đỏ hẳn hoi. Căn cước thật một trăm phần trăm chứ không phải là giả mạo. Hắn chẳng thiếu giầy tờ gì. Nhưng hắn trôi chảy trong công việc không phải là trông cậy vào mớ giấy ấy. Còn một loại giấy hiệu nghiệm hơn là giấy bạc. Thứ này cửa nào cũng qua. Nhất là lúc biên giới phía Bắc, phía Nam có nhiều biến động. Một thời kỳ chênh chao, lẫn lội nhiều giá trị. Một chút hoang mang pha trong cảm giác bất an vô hình, là môi trường tốt để những kiểu người như gã thao túng.
Hình như đọc được câu hỏi trong cái nhìn của gã. Hắn bảo:
- Tôi thường khi vẫn trọ bên nhà ông Chỉ đợi hàng. Chuyến nào nhanh cũng độ nửa tháng. Chậm có khi cả tháng. Cô nhà đây vẫn thường mua hộ rau canh, lúc con cá khi chai rượu. Bà cụ cũng coi tôi như người nhà. Có việc gì là cụ nhờ tôi không phải do dự. Anh về đợt này nếu có việc gì làm thì thôi. Không thì phụ một tay với chúng tôi. Cũng chả được nhiêu lắm đâu nhưng so với các việc khác cũng còn hơn thế.
- Để tôi còn xem, cũng phải nghỉ ngơi ít ngày cho nó lại người đã.
Cái mặt bánh dày nhiều đường cong, lông mày lờ mờ của hắn nở dãn ra:
- Tất nhiên rồi tuy tôi không phải qua cảnh ấy, tôi cũng không lạ. Người ta bảo:"Nhất nhật tại tù ". Tù thì ở đâu, bao giờ chả thế? Cứ bồi bổ cho khoẻ hẳn đi đã. Làm ăn lâu dài lo gì; có khi cặm cụi cả đời mà không đâu vào đâu. Vấn đề là biết phát hiện và chớp lấy cơ hội.
Gã gượng gạo, không mặn mà lắm:
- Cũng phải có bột mới gột nên hồ. Tôi bây giờ trắng tay tính việc gì cũng khó.
Hắn cười khùng khục, rất tự tin xoè hai bàn tay ra trước mặt :
- Nhiều người nghĩ thế. Tôi cho là chưa đúng hẳn. Nếu sẵn có đồng tiền trong tay thì nói làm gì? Mà vốn ở đâu ư? ở hai bàn tay mình! Đồng tiền nó rơi trên đường. ai biết là nhặt được. Vấn đề là có biết nhân nó lên không!
Hắn còn dài dòng thêm một lúc rất nhiều "Vấn đề là ". Gã đã thấy khó chịu trước vẻ dạy đời của hắn. Nhất là những điều mờ ám của hắn với "vợ" mình. Những điều mà mẹ gã chỉ nói sơ sơ. Nhưng bây giờ trực tiếp nói chuyện với con người này gã đã hình dung ra tất cả. Một kiểu người cậy có đồng tiền luôn thích dạy bảo người khác còn mình không kể xấu tốt có thể làm bất cứ chuyện gì. Nếu là những năm trước, lòng tự ái như con ngựa bất kham cồn lên trong lòng gã, không khéo thằng cha này, đã lỗ mũi ăn trầu rồi. Nhưng lúc này đây gã cố kiềm chế chỉ có nét mặt gã hơi tái đi một chút.
Tên lái bè là kẻ nhạy cảm, hắn đã nhận thấy thái độ khang khác của gã. Hắn vội đứng lên:
- Thôi cũng muộn rồi. Con xin phép bà và cô cậu đi làm nốt một vài cái thủ tục. Thời buổi nhiêu khê lắm cửa quá. Khi nào rảnh con lại chơi. Còn cậu nếu có khó khăn gì ới anh một tiếng. Trước lạ, sau quen không phải giữ ý làm gì.
Gã lạnh lùng:
- Vâng cảm ơn!
Sự xuất hiện bất ngờ của tay thợ bè có cái tên là Hoằng này làm cho gã thay đổi ý định.
Ban đầu gã định từ từ, xem xét cụ thể rồi mới giải quyết việc nhà những ngày gã đi vắng. Chuyện yêu ghét ở đời không bao giờ là chuyện đơn giản. Nó phức tạp ngay tự thuở xa xưa khi con người biết sống có ý thức về mình và xã hội.
Quan hệ mẹ chồng nàng dâu vốn là quan hệ nặng nề, gay gắt dễ nhìn nhận thiếu khách quan.
Nhưng mẹ gã là người có lòng thương người hiếm có. Có thể nói bà là mẫu người còn sót lại cuối cùng của thế kỷ hai mươi này. Chồng mất sớm, bà nuôi bà mẹ chồng mù loà và đứa con oặt ẹo nay ốm mai đau. Cảnh nhà nghèo túng bà vẫn sẵn lòng nuôi thêm đứa con nuôi khi mẹ nó mới đẻ nó mấy ngày. Một năm hai vụ, cũng  là hai lần mẹ đứa con nuôi dắt đàn em vài ba người lên thăm con. ăn ở cả tuần khi về mỗi người còn mang theo một gánh không ngô thì khoai. Một kiểu đóng thuế không do một cam kết hay quy định nào. Việc đó kéo dài tới lúc anh con nuôi đi bộ đội. bà vui vẻ chấp nhận không một chút phàn nàn. Có người mẹ trẻ sinh con không may qua đời. Người này nghèo không chút đắn đo, áo quần cho người chết mang đi là điều người sống kiêng kỵ. Nhưng bà bảo: " Người ta khổ, đến lúc chết sang thế giới bên kia không có nổi manh quần tấm áo thì tội quá ". Ai có khó khăn gì, máy môi giúp được là bà giúp ngay. Không phải người chị nào cũng xử sự với em trai mình như thế, người ta chỉ có thể giúp được phần nào. Không mấy ai hy sinh toàn bộ tài sản để cứu em. Để chấp nhận cuộc sống trông vào việc đi mót đi hái. Vì ai cũng cho rằng trước hết mình phải tồn tại, mới cứu giúp được kẻ khác. Có bơi được mới cứu được người chết đuối. Không phải ai cũng chấp nhận cái nghiệt ngã của số phận trước thử thách vì mình hay vì người...
Gã ngồi trầm ngâm rất lâu bên bộ sa lông cải tiến đã long gẫy. Những miếng tay vịn có lúc rời ra rơi xuống đất. Mặt bàn cũ mẻ, xung quanh những đầu đinh chồi lên. Thứ sản phẩm bằng gỗ tốt nhưng thợ tồi nên mộng mẹo lỏng lẻo, vừa dày vừa thô. Một sự phí phạm của ai đó có của không biết dùng. Hẳn người ta chê quá nên bán thanh lý cho mẹ gã mang về. Không đáng mấy đồng tiền. Kể cả cái tủ kê sát vách cũng thế, người ta cố tạo ra bộ đế của nó cho có vẻ cầu kỳ, nom lại càng vô lý. Nó nặng như cái cùm nhưng lại không mấy chắc chắn, cánh tủ khi mở vô ý có thể bị đập ngay vào đầu. Hiện giờ trong cái tủ cũ có một đàn ong mật. Cách đây mấy ngày vào buổi chiều có một đàn ong xà xuống. Lúc đó chỉ có mỗi đứa con gái gã ở nhà. Con bé sợ hãi kéo chăn chùm đầu. Đàn ong từ trên cây mít một hồi rồi từ từ từng con một chui qua lỗ thủng sau tủ, vào làm tổ. Bây giờ gã ngồi đây vẫn nghe đàn ong rũ cánh ù ù. Đã sắp sang mùa lạnh, mùa đàn ong chuyển, tìm nơi tránh rét.
Gã thấy quyết định đứt khoát của mình lúc này là cần thiết. Mình như người vừa trải qua trận ốm, cần phải thải hết độc tố và mầm mống bệnh tật ra ngoài. Cơ thể có lẽ sẽ tổn thương thêm một chút nhưng mới có cơ lành bệnh. Nếu nó còn âm ỉ sót lại trong người, một ngày nào đó bệnh sẽ tái phát. Giống như cánh tay giập nát không thể cứu được phải cắt bỏ nếu không sẽ hoại thư nguy hiểm đến mạng sống của mình. Một lẽ nữa, sẽ không ai bảo rằng gã lần lữa lợi dụng cô ta. Đợi đến lúc trơn lông đỏ da mới giở rói trở mặt. Gã không oán hận Tâm. Nhưng không thể chấp nhận sống với Tâm, gã sẽ bị day dứt dày vò suốt một đời. Gã đã thề sau ngày chia tay với người vợ cũ là sẵn sàng sống với một người vợ què, mù còn hơn ăn ở với người ăn ở hai lòng. Đầu ở với chồng đít ở với trai. Theo gã quan hệ ấy không có ý nghĩa gì. Dù có bạc tỷ trong tay thì cũng không thể gọi là hạnh phúc. Không phải gã không nghĩ đến ơn nghĩa của gia đình cô ta và của Tâm đối với gã.
Trong lúc gã bị truy đuổi đến kiệt sức, nằm vật trên nương sắn, mẹ Tâm đã đưa gã về. Gã ở lại nhà bà ít ngày đến khi khỏi cơn sốt rét hành hạ. Tâm coi gã như người anh trai. Cô đã thuốc men, chăm sóc cho gã lành bệnh. Nếu không có cuộc gặp gỡ ấy không biết gã sẽ như thế nào? Và sau này, khi tìm được gia đình gã trong lúc ba đào Tâm ăn ở một lòng cho đến ngày gã trở về thì còn có gì phải nói. Dù Tâm không đẹp, dù gã chưa hề yêu thương gã sẽ chấp nhận cuộc hôn nhân tình cờ gặp ấy. Những mọi việc không phải thế. Tâm đã có những chuyện không hay. Những việc ngang nhiên trắng trợn trước mắt bà mẹ gã. Tiếng là về sống với gia đình, mẹ con cô vẫn ăn riêng ở riêng. Cô đi, về không một lời nói với mẹ gã. Đưa hết người này người khác đến nhà không cần giấu diếm. Số gã thật là khốn nạn. Người vợ đầu tiên xinh đẹp nàng cậy mình là con gái nhà giàu. Nàng tác oai tác quái đến nỗi tan nát gia đình. Đến nỗi gã lâm vào vòng lao ly... Đến Tâm là cô gái nhà nghèo, chẳng có nhan sắc gì mà cũng không xong. Mà cả hai cuộc hôn nhân gã luôn là kẻ thụ động. Ngay cả với Tâm bây giờ, cô về đây phải chăng là vì nghĩa vì tình? Hay vì chút sĩ diện? Hay quan trọng hơn là để đối phó với nhà trường? Những năm tháng còn nhiều quy định khắt khe. Có một đứa con ngoài giá thú là một tội nặng không cơ quan nhà nước nào tha thứ. Cô chuyển về đây có phải cái chính là giữ được nghề dạy học. Hợp thức hoá một quan hệ thiếu rõ ràng. Ngay cả với gã thực chất mối quan hệ ấy đến giờ gã vẫn chưa hiểu hết.
Giờ đây cái vẻ mặt nhơn nhơn của tay lái bè khiến gã hình dung ra phần tính cách của Tâm.
Trời đã khuya mà Tâm vẫn đang lúi húi soạn bài. Nét mặt có phần căng thẳng, như luôn tin chuỵên một điều gì đó. Gã ngỡ ra rằng: Người ta thường cho những người con gái xinh đẹp hay có tính lẳng lơ là một sai lầm. Không thiếu người nhan sắc mà vẫn đoan trang. Ngược lại nhiều cô chẳng có vẻ quyến rũ nào mà tính cách lại nhăng nhít. Nhìn nhận đánh giá con người qua vẻ bề ngoài và một cách nhìn nhận chủ quan không mấy chính xác.
Gã Chưa biết bắt đầu câu chuyện với Tâm thế nào cho phải. Cuối cùng gã bảo:
- Tôi mới về, người còn yếu. Không nên gần nhau vào lúc này...
Gã sửng sốt khi thấy Tâm khẽ nhếch miệng nói thản nhiên:
- Tôi biết ngay mà. Người ta nói không sai về anh. Thể nào khi anh thoát nạn anh cũng phụ tôi mà. Nhưng không sao, ngày mai mẹ con tôi sẽ lên tập thể ở. Anh đừng lo.
Gã không ngờ cô ta bình tĩnh đến thế. Cô ta còn có ý xúc phạm mình. Cô ta nghe những gì về mình nhỉ? gã thấy nhói trong ngực. Đã nói thế, không còn gì để nói nữa. Gã đứng dạy đi ra sân. Bên ngoài sương mù giăng giăng che kín tầm mắt. Không nhìn thấy gì rõ nét. Mái nhà tranh giống như tấm buồm đen nham nhở vừa hạ từ cột buồm nào xuống, nằm nghiêng về phía bờ sông mờ mịt. Đâu đó lẻ loi tiếng gà gáy vọng. Trời đã thật khuya. Gã đứng lặng cho đến khi sương đêm ướt đẫm mái tóc còn chưa kịp mọc dài.
Hai bà cháu sau lúc cơm buổi tối dắt nhau đi chơi đâu. Có lẽ bà và đứa cháu ngủ lại nhà hàng xóm. Bà muốn để hai người chuỵên trò tự nhiên. Bà sẽ rất ngạc nhiên trước chuỵên vừa rồi. Gã nghĩ như thế và cố nén một tiếng thở dài.





Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: