Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Thanh niên Trung Quốc có gì hơn thanh niên Việt Nam?


Nền kinh tế thứ 2 thế giới được tạo ra bởi lực đẩy gì? Họ có ưu điểm gì so với người Việt Nam và chúng ta có thể học hỏi được điều gì? Đây là những đúc rút sau hơn 4 năm sinh sống và học tập ở Trung Quốc của một trí thức Việt Nam. Đối tượng của bài viết đều là nghiên cứu sinh đại học vì người viết không chơi với người ngoài hay giới trẻ làm văn phòng, công chức v.v…, vì vậy những nhận xét chỉ tập trung vào đặc điểm của riêng dạng đối tượng này. 
Tuy nhiên, đó đều là những đặc điểm đáng để người Việt tự suy nghĩ, khi Trung Quốc luôn là một đối tượng quy chiếu quan trọng của Việt Nam về nhiều mặt. Người Trung Quốc chăm chỉ, cần cù Điều này thể hiện rõ trong môi trường học tập: sinh viên, nghiên cứu sinh thường “đóng đô” ở thư viện trường từ sáng sớm đến tối muộn. Thanh niên Trung Quốc không có thói quen “đi cà phê” hay “uống nước nói chuyện” như học sinh sinh viên Việt Nam, nhất là như ở HN. 

Nếu cần bàn chuyện gì, có thể tới các lớp học, giảng đường để bàn bạc, ngoài ra thường chỉ cùng nhau đi ăn chứ không có thời gian ngồi bàn chuyện phiếm. Họ có rất ít thời gian hưởng thụ cuộc sống nếu so với thanh niên Việt Nam. Theo suy luận của người viết, người Trung Quốc phải phấn đấu xây dựng đất nước, để Trung Quốc vượt Mỹ, vượt Nhật, vì dẫu sao họ cũng có tư tưởng rằng nước họ là một nước lớn, mỗi người trong số họ đều phải gánh lấy phần trách nhiệm đó. 

Thói quen tiết kiệm

Nếu so sánh với học sinh Trung Quốc, du học sinh Việt Nam có phần “xa xỉ”, nhất là trong việc đi lại. Người Việt Nam có thói quen đi xe máy, khi ở trong nước, một bước ra khỏi nhà cũng phải đi xe, nhưng sang Trung Quốc, người dân chủ yếu sử dụng phương tiện giao thông công cộng, Trung Quốc đất rộng, trong thành phố việc đi bộ cũng xa và tốn sức hơn rất nhiều, vì vậy học sinh Việt Nam hay bắt taxi. Khi mới sang học, nếu bạn đi chơi cùng các bạn Trung Quốc thì nên chuẩn bị sẵn tinh thần đi bộ đến rã rời. Tuy nhiên, sau một thời gian bạn sẽ quen với điều này, thậm chí khi về Việt Nam sẽ có cảm giác “shock ngược” vì đã quen với việc đi bộ.

Các bạn Việt Nam sau khi về nhà sẽ cảm nhận rõ sự khác biệt này, vì ở Việt Nam, nhất là Hà Nội thì khái niệm “đi bộ trên phố” chỉ dành cho khách du lịch. Thói quen tiết kiệm còn thể hiện khi đi ăn nhà hàng. Bạn bè đi ăn cùng nhau, sau khi ăn xong, bao giờ cũng gói thức ăn còn lại chia nhau mỗi người mang về một ít để tránh lãng phí. Trong các món còn lại ai thích món nào thì tự nhận mang phần đó về và không quan niệm rằng mang đồ thừa về là keo kiệt hay vì phải giữ sĩ diện mà lãng phí đồ ăn.

Tính tự giác & ý thức về sự công bằng

Có thể do dân số Trung Quốc quá đông, đây là cách tốt nhất để duy trì sự công bằng nên không ai phàn nàn gì, và họ đã được rèn luyện tư duy và cách làm này từ bé. Nhất là mỗi kỳ nghỉ hè, nghỉ tết, hoặc trong kỳ tuyển sinh vào trường, học sinh xếp hàng dài mấy trăm mét để mua vé tàu hỏa, để nộp hồ sơ.

Có thể trong trường học, việc xếp hàng là dễ hiểu, nhưng khi ra bên ngoài, thói quen nhẫn nại xếp hàng lại càng được thể hiện rõ hơn: dù chỉ mua đồ ăn ở các hàng bên đường, hay đi vệ sinh công cộng, không ai bảo ai, mọi người đều tự đứng thành hàng thẳng, không bao giờ có chuyện chen hàng, dù cho hàng có dài đến đâu đi chăng nữa, tất cả đều nhẫn nại chờ đợi, dù không có ai giám sát, quản thúc. Tất nhiên, bên cạnh những thói quen tốt đẹp này vẫn là lòng hận thù và tư duy bá quyền: người Trung Quốc đến nay vẫn cực kỳ căm hận người Nhật, đương nhiên thanh niên cũng vậy.

Chỉ cần ra hàng lưu niệm, tạp hóa, có thể thấy rất nhiều đồ chơi, đồ dùng thể hiện khuynh hướng miệt thị người Nhật hoặc khẩu ngữ chống Nhật. Trên truyền hình không bao giờ ngớt phim chống Nhật như một kiểu nhồi sọ. Với các nước nhỏ xung quanh, thậm chí thanh niên Trung Quốc có tư tưởng cho rằng các nước đó thực ra đều là của Trung Quốc. Họ cũng đang trong tình trạng “bế quan tỏa cảng” trong thời đại công nghệ thông tin khi công khai chặn Google và các mạng xã hội lớn của thế giới, chỉ sử dụng “hàng nội địa” như QQ hay Weibo.


Nguồn: Ánh Hồng/ Depplus.vn/MASK
(vietinfo.eu)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: