Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

Chùm truyện cực ngắn của Hoàng Ngọc Trúc Hoàng Ngọc Trúc


 1 - SIÊU BÃO LẠI CHUYỂN HƯỚNG

         Thấy anh vẻ buồn buồn, chị mạnh dạn hỏi:
          - Mấy ngày trước, khi có tin siêu bão Haiyan đổ bộ vào tỉnh mình, mặc dầu ngày đêm đội mưa gió xuống cơ sở xung yếu vận động bà con triển khai chống bão vất vả, cực nhọc, song lúc nào anh cũng vui vẻ, lạc quan. Thậm chí thi thoảng anh còn đùa vui được cả với vợ con nữa.
          Nay siêu bão chuyển hướng không vào tỉnh mình, đáng lẽ ở vị trí trưởng ban phòng chống lụt bão của tỉnh anh phải phấn khởi chứ sao lại buồn như mất sổ gạo thời bao cấp vậy? Hay ở cơ quan có chuyện gì mắc míu phải không? Anh nói:
          - Không có chuyện gì đâu mà lý do khiến anh buồn chính là siêu bão không đổ bộ vào tỉnh mình. Thế là bao nhiêu công sức chuẩn bị dự kiến thiệt hại do siêu bão gây ra để báo cáo cấp trên bây giờ phải nằm chết dí trong cặp mất rồi. Giá nó chỉ lướt qua tỉnh mình “hỏi thăm” chút xíu thôi thì ít nhiều cũng bõ được cái công chuẩn bị của anh.
          Một câu nói đầy nghịch lý và khó hiểu, song thấy anh buồn chị cũng không dám hỏi thêm điều gì nữa.

2 – THẨM MĨ VIỆN

Bạn đến rủ đi thẩm mĩ viện. Chị bảo:
          - Ông xã mình nghiêm khắc và rất khó tính. Làm việc gì dù nhỏ cũng phải trao đổi với ông ấy không thì rách việc lắm.
          Bạn nói:
          - Sợ gì, ông ấy công tác về biết cậu đi thẩm mĩ chắc cũng bỏ qua thôi (vì chuyện đã rồi). Vả lại sau thẩm mĩ cậu đẹp như một nàng tiên ai nỡ phàn nàn quở trách gì, có khi còn tự hào và sướng rơn nữa là đằng khác.
          Đắn đo mãi, cuối cùng chị vẫn phải phôn hỏi ý kiến anh. Anh nói:
          - Tạo hóa đã sắp đặt cho mình những thứ gì trên cơ thể thì cứ để nguyên xi như vậy, không được động vào.
          Anh không nhất trí, nên chị đành ngậm ngùi khước từ lời mời thiện chí của bạn.
          Đi công tác về, cơm chiều xong, anh chị vào phòng nghỉ sớm hơn mọi khi. Sau vài câu chuyện dông dài, anh từ từ đặt tay vào “vùng kín” trên cơ thể chị. Chị cầm tay anh vất ra. Hai lần như vậy, anh đều gặp sự phản ứng mãnh liệt ấy của chị. Anh ngạc nhiên hỏi:
          - Anh công tác vắng nhà có mấy ngày mà thấy em đã thay đổi nhiều quá. Chị bảo:
          - Nói lời phải giữ lấy lời. Anh bảo:
          - Không hiểu em nói gì sất.
          Chị với chiếc túi xách ở đầu giường, mở khóa lấy chiếc điện thoại di động rồi nói:
          - Không hiểu à? Bây giờ anh nghe đây rồi sẽ hiểu nhé. Chị bật máy, một giọng nói dõng dạc phát ra:
          - Tạo hóa đã sắp đặt cho mình những gì trên cơ thể thì cứ để nguyên xi như vậy, không được động vào.
          Anh nghe xong chị còn hỏi: “Có nhận ra tiếng của ai nói đó không?”

3 – HỌA VÔ ĐƠN CHÍ

          Cụ Khiên 97 tuổi kể:
          - Gần một thế kỷ nay, cụ chưa hề được thấy ở cái làng Vực này có một đám tang nào to như đám tang cụ Mẫn (bố anh Cần cục trưởng) mất giữa năm Giáp Ngọ vừa rồi. Xe to nhỏ các loại của người về viếng đậu kín sân nhà văn hóa xã. Vòng hoa đỏ rực xếp liền nhau suốt từ đường cái vào tới nhà dài hơn 200 mét. Hàng trăm người ở cơ quan anh Cần về viếng. Viếng xong họ còn thuê khách sạn ở thị trấn nghỉ lại để sáng hôm sau dự lễ truy điệu và đưa tang. Xong việc, chính người từ trong nhà cụ Mẫn nói ra: “Phòng bì nhiều vô kể, có cái ngàn đô la Mỹ”.
          Dân trong làng còn nói:
          - Sau này, ông Cần dù là cục trưởng to đùng như thế nhưng khi mất chưa hẳn đám tang đã to được bằng ông bố. Không ngờ “họa vô đơn chí”, câu nói vô tình ấy lại trở thành hiện thực. Ông bố mất chưa đầy trăm ngày thì ông con cục trưởng ra đi sau cơn đau tim đột ngột. Thi hài ông Cần, gia đình cũng đưa về nghĩa trang quê nhà để hai cha con được nằm cạnh nhau. Và, đúng như nhận định của dân làng: Đám tang ông Cần nhỏ hơn đám tang cụ Mẫn rất nhiều. Người làng Vực đến chia buồn và đưa đám thì vẫn đông như đám tang ông bố, song cơ quan ông Cần chỉ thưa thoáng vài chục người về viếng. Viếng xong họ lại lên xe đi luôn.
          Cụ Khiên thở dài nói:
          - Đời trớ trêu thật. Đám tang của anh con trai cục trưởng 53 tuổi đương nhiệm lại tẻ nhạt không bằng một góc đám tang của ông bố ngoài 80 tuổi, suốt đời làm nghề chăn vịt ở quê nhà.
 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: