Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

Thảm đỏ có gai

Minh Diện 
Gia đình Huỳnh Uy Dũng
Theo báo Dân Việt, ngày 21-10-2013  Huỳnh Uy Dũng, đã gửi đơn đến Thủ tướng chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền, tố cáo ông Lê Thanh Cung , Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương về hành vi không phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 khu chức năng thuộc cụm công nghiệp Sóng Thấn 3, nơi  Huỳnh Uy Dũng đã bỏ ra 1.000 tỷ đồng mua từ năm 2004.

             Một lần nữa, chỉ trong thời gian ngắn, vị đại gia cựu đại biểu Quốc hội đã "gặt hái" bởi triết lý sống nhân bản: "Lấy vật chất làm của, của sẽ rời xa ta / Lấy phúc đức làm của, của theo ta vạn đời”. Và chính những hành động của Huỳnh Uy Dũng lại gây xôn xao dư luận cũng do cái gốc động cơ sống chỉ vì của cải, lấy của cải làm ‘đòn xoay’ danh vọng...
             >> UBND tỉnh Bình Dương phản pháo   
Ông Lê Thanh Cung (trái) và ông Huỳnh Uy Dũng - Ảnh: T.D

Trước đó Huỳnh Uy Dũng (tên cũ của hắn là Huỳnh Phi Dũng) đã treo giải thưởng 100 tỷ đồng cho ai chứng minh được vợ mình là Nguyễn Phương Hằng thiếu nợ, sau đó  ký văn bản trao toàn bộ tài sản cho đứa con trai đúng dịp thôi nôi (1 tuổi), rồi  tuyên  bố sẽ xây dựng 17 ngôi đền trên toàn quốc và viết tâm thư gửi khắp bốn phương ...
                 Lần  này xem ra vấn đề rất nghiêm trọng, bởi không chỉ là việc riêng của Huỳnh Uy Dũng, hoặc liên quan đến một vài người thấp cổ bé họng, mà là với ông Chủ tịch tỉnh và cơ quan quyền lực nhà nước. Ông Dũng lại chọn đúng lúc Quốc hội họp để  tố cáo.
               Tôi hơi băn khoăn tự hỏi báo Dân Việt có nhầm khi dùng từ “Tố cáo” ? Bởi vì, trong trường hợp UBND tỉnh Bình Dương chậm giải quyết việc phê duyệt quy hoạch chi tiết như ông Dũng  đã nêu, thì từ ngữ  ông  nên dùng là “Khiếu nại”. Tố cáo mang một nội hàm khác, chỉ dùng khi có những hành vi như: Tham nhũng, ăn hối lộ, gây trọng tội, pam pháp rõ nts…Còn ở đây chỉ là việc hành chính
               Phương ngôn có câu “Cháy nhà ra mà chuột!” Có lẽ đây sẽ là  dịp để phát lộ thêm  những khuất  tất chăng? Qủa thật  Huỳnh Phi Dũng trước kia, Huỳnh Uy Dũng bây giờ, con người mà nhà sử học Dương Trung Quốc gọi là một “Kỳ  nhân” càng ngày càng nổi tiếng.
               Huỳnh Phi Dũng sinh ra và lớn lên  ở Bình Định, chưa tốt nghiệp trung học phổ thông  thì  đi nghĩa vụ quân sự tham gia chiến đấu ở Campuchia mấy năm,  ra xuất ngũ, sinh sống ở Bình Dương. Huỳnh Phi Dũng kết hôn với chị Trần Thị Tuyết, lớn hơn mình 7 tuổi, là con gái của ông Ba Thu, một cán bộ cấp cao của tỉnh Sông Bé (lúc đó chưa tách tỉnh). Ông Ba Thu đã xin cho rể vào làm việc tại phòng tổ chức cán bộ Công an tỉnh , và cho chiếc xe HonDa cũ làm phương tiện đi lại, đó là tài sản duy nhất của vợ chồng Huỳnh Phi Dũng (với bà Tuyết) hơn ba chục năm trước.  
                Huỳnh Phi Dũng làm ở phòng tổ chức cán bộ không lâu thì chuyền sang phòng hậu cần, phụ trách việc nung vôi, nên mang biệt danh “Dũng lò vôi”., “Dũng vôi”.  
                 Ngày ấy cơ sở sản xuất kinh doanh vôi của công an Bình Dương phát đạt, và người trực tiếp quản lý lò vôi trở nên nổi tiếng. Từ đó Huỳnh Phi Dũng  đã được điều sang làm giám đốc công ty xuất nhập khẩu Thanh Lễ, tiền thân là công ty sơn mài Thành Lễ trước giải phóng.  
                  Huỳnh Phi Dũng bắt đầu phất lên nhờ độc quyền kinh danh xăng dầu, nhưng  để thành một đại gia thì nhờ đất. Chính nguồn tài nguyên vô cùng quý giá sở hữu toàn dân do nhà nước  độc quyền quản lý này đã biến nhiều người  thành tỷ phú.  Huỳnh Phi Dũng không chỉ là tỷ phú mà là đại tỷ phú, vì có  “tả phù hữu bật”...  Người ta  chẳng những ưu tiên   cho Huỳnh Phi Dũng  những khu đất vàng đất bạc trong quy hoạch,  mà  còn  hợp thức hóa những “việc đã rồi” cho  Huỳnh Phi Dũng. Trong bài  này, tôi chỉ xin nhắc lại  một vài ví dụ mà báo lề phải đã nêu:
                Ở Bình Dương có khu vực Sóng Thần, huyện Thuận An là đất Quốc phòng, do Quân đoàn 4 trực tiếp quản lý. Tháng 3-1993, trong kết luận về quy hoạch , quản lý đất quốc phòng, Thủ tướng chính phủ đã nêu rõ : “Trong khi Thủ tướng Chính phủ chưa có quyết định thì Bộ quốc phòng và UBND địa phương nhất thiết không được tự ý cấp đất cho một tổ chức hay cá nhân nào sử dụng”.
               Bất chấp  kết luận đó , Huỳnh Phi Dũng đã lập dự án khu công nghiệp trong  căn cứ  Sóng Thần. Và  tháng 7-1994, với cương vị giám đốc Công ty Thanh Lễ, Huỳnh Phi Dũng  đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Phi Long  liên kết  kinh doanh đầu tư cơ sở hạ tầng 160 héc ta , gọi là : “  Khu công nghiệp Sóng Thần 1”  tỷ lệ chia lợi nhuận 50/50.  Công ty Thanh lễ là  doanh nghiệp nhà nước do Huỳnh Phi Dũng là giám đốc.  Công ty Phi Long là  doanh nghiệp tư nhân của  gia  Huỳnh Phi Dũng.  Người ta nói  Huỳnh Phi Dũng   một tay ký đại diện nhà nước, một tay ký đại diện gia đình mình trong một bản hợp đồng có lẽ không sai.
               Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương thừa biết sử dụng đất Quốc phòng như vậy  là vi phạm pháp luật,  cũng thừa biết Huỳnh Phi Dũng  đang là cán bộ nhà nước mà chân trong chân ngoài như vậy là trái  quy định.  Nhưng chẳng những không ngăn chặn, mà ngay sau đó, tháng 8-1994, ông  Hổ Minh Phương , chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương  đã ký quyết định giao  160 hec-ta đất  tại căn cứ Sóng Thần cho công ty Thanh Lễ  để  hợp thưc hóa cái dự án và   bản hợp đồng liên kết của Huỳnh Phi Dũng đã làm trước đó .
                 Một  năm sau, tháng 9-1994, Huỳnh Phi Dũng tiến thêm bước nữa, lập tờ trình UBND tỉnh, xin  triển khai phương án sử dụng đất trong đó “ đề nghị chấp thuận thực hiện chuyển quyền sử dụng đất cho các cá nhân và doanh nghiệp”.  Ông  Hồ Minh Phương lại dễ dãi đặt bút ký đánh soẹt.
                Có bửu bối trong tay,  Huỳnh Phi Dũng đã phân lô 160 hec ta đất,  ký 57 hợp đồng chuyển nhượng mặt bằng sản xuất công nghiệp, mà  thực chất là chuyển quyền sử dụng đất cho 13 đơn vị cá nhân ( Chủ yếu Minh Phụng- Ep cô)  thu 130 tỷ tương đương 118 triệu đô la, trong đó công ty  Phi Long  của gia đình Huỳnh Phi Dũng được gần  30 triệu đô la. 
                  Xong dự án Sóng Thần 1 ,  đến Sóng Thần 2, cũng  cách làm tương tự, với sự ưu ái đặc biệt của Chủ tịch tỉnh Hồ Minh Phương, người mà Huỳnh Phi Dũng  gọi thân mật là “cậu út ” ,  công ty Phi Long của gia đình Huỳnh Phi Dũng đã được chia 177 tỷ đồng ( Nguồn báo Tuổi trẻ)
                  Ơ xã Tân Định , huyện Bến Cát ,  có khu đất cấp cho các hộ sản xuất nông nghiệp từ sau năm 1975. Hầu hết là dân nghèo , từng tham gia kháng chiến . Tháng 11-1994, UBND huyện Bến Cát làm tờ trình đề nghị UBND tỉnh chấp thuận quy hoạch xây dựng khu công nghiệp trên đất nông nghiệp xã Tân Định.
                 Cũng như ở Sóng Thần, đấy chỉ là  động tác  nhằm hợp thức hóa giúp  Huỳnh Phi Dũng mà thôi.  Thực tế, Huỳnh Phi Dũng đã hoàn thành  thủ tục sang nhượng, và chuyển đổi mục dích sử dụng đất 44,19 hec-ta một cách êm thấm từ tháng 5 năm đó rồi.
                  Không biết vì cái gì mà  chính quyền từ dưới lên trên nhiệt tình  đến  thế?  Chỉ trong  ngày 19-5-1994, chủ tịch xã Tân Định lúc đó là  Châu Văn Diễn,  đã  bút phê hàng chục bộ hồ sơ  sang nhượng đất cùng một nội dung: “ Chủ sử dụng hợp pháp,  nhà nước cấp từ năm 1975, trực canh đến nay, thuận cho chuyển nhượng”.  Và 9 hôm sau, ngày 28-5-1994, phó chủ tịch huyện Bế Cát  lúc đó là  Nguyễn Công Thanh đã ký 14 giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất  cho 8 thành viên trong gia đình Huỳnh Phi Dũng.
                 Theo báo cáo cáo của Cục thuế tỉnh Bình Dương , cà hai lần chuyển mục đích sử dụng đất nêu trên số tiền mà các thành viên trng gia đình ông Dũng phải nộp và đã nộp vào ngân sách chỉ khoảng 318 triệu đồng. (Nguồn Báo Tiền Phong)
                 Ngày 20-11-2001, báo Tuổi Trẻ đã viết : “ Sự thật về những vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong quản lý , sử dụng đất ở Bình Dương liên quan đến ông Huỳnh Phi Dũng , nguyên Tổng giám đốc Công ty thương mại xuất nhập khẩu Thanh lễ  đã được phơi bày trong báo cáo của Bộ công an.”
              Tuy nhiên Huỳnh Phi Dũng   vẫn  là Chủ tịch hiệp hội xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương, vẫn là  Đại biểu Quốc hội khóa X.
                  Huỳnh Phi Dũng trước kia  Huỳnh Uy Dũng bây giờ là  như  thế.  Uy thế số một ở Bình Dương , và  là một nhân vật lừng lẫy cả nước. Chì cần  nhìn tên tuổi những người tặng  lẵng hoa bày trên bàn thờ Đại Nam đủ biết mối quan hệ của Huỳnh Phi Dũng sâu rộng cỡ nào?
              Nhờ uy dũng  như thế , Huỳnh  Phi Dũng có khu công nghiệp riêng, và  đã mua bán, sang nhượng hàng ngàn héc ta đất, làm các thủ tục  chuyển đổi mục đích sử dụng đất  mau chóng, lập các dự án  dễ như trở bàn tay. Có lẽ ùng vi thế, người ta nói: “Con đường làm giàu của Huỳnh Phi Dũng  luôn được trải thảm đỏ!”.
               Năn 2004, Huỳnh Phi Dũng bỏ ra 1.000 tỷ mua 535 héc ta đất đâu chỉ để giúp tỉnh Bình Dương trả nợ , mà  tính toán thu về một món lợi khổng lồ. Với 535 héc ta đất trong khu công nghiệp Sóng Thần, mua 1.000 tỷ, vị chi 186.000 đồng một mét vuông là quá rẻ trong thời điểm đó. Theo ông Nguyễn Hữu Phước, phó tổng giám đốc công ty Đại Nam, năm 2008-2009, công ty này đã  huy động vốn của công nhân với giá từ 1,03 triệu đến 1,6 triệu đồng một mét vuông, nghĩa gấp từ 5 đến 8 lần giá mua. Đó là  ưu tiên  công nhân nghèo, còn giá kinh doanh thì cao hơn nhiều, nghe đâu 200-300 đô la m2.  Cứ trừ đi  50% diện tích cây xanh, đường xá, công trình công cộng  theo quy định, cộng  các khoản chi phí, thì  lợi nhuận trong vụ mua bán đất này rất khủng.  Bất cứ ai trong nghề kinh doanh bất động sản đều hiểu như thế.
               Huỳnh Phi Dũng đinh ninh sẽ đầu xuôi đuôi lọt như những lần trước. Và như ông nói, chính quyền lúc đó cũng hứa như thế.
               Nhưng  “Từ khi ông  Lê Thanh Cung về làm phó chủ tịch thường trực tỉnh Bình Dương kiêm Trưởng ban quản lý khu công nghiệp Việt Nam –Singapore, thì Công ty cổ phần Đại Nam liên tục gặp khó khăn” .
                Vậy là ông Lê Thanh Cung đã rấp gai lên con đường trải thảm đỏ của Huỳnh Phi Dũng. Tại sao lại như thế?  Phải chăng  ông Lê Thanh Cung  đã nhận ra sai lầm của những người tiền nhiệm vì  quá ưu ái Huỳnh Phi Dũng, ký quyết định  cấp hơn 535  hec ta đất khu công nghiệp Sóng Thần 3 cho Công ty Đại Nam xây dựng kho bãi, trong đó có 61 héc ta nhà ở là vi phạm pháp luật, gây dư luận bất bình trong nhân dân ? Phải chăng vì  nhóm lợi ích khác ?  Hay, như một người thân của Huỳnh Phi Dũng nói với người viết bài này: “Chú Chín rắn quá anh Dũng không mua được!”
               Rất nhiều câu hỏi và câu trà lời còn ở phía trước.  
               Hồi đầu năm tôi có viết bài báo “Ân oán còn lâu” kể lại những việc mắt thấy tai nghe, phê phán đạo đức , lối sóng của Huỳnh Uy Dũng, với mong muốn góp phần làm cho xã hội tránh tham lam, thực dụng lừa đảo, có lối sống chuẩn mực hơn. Sau khi bài báo đó đăng trên trang Blog buivabong, thì bà Hằng phát đơn kiện tôi là "vu khống"? Chỉ vậy thôi mà tôi được mời gặp và trả lời thẩm vẫn tại Cảnh sát điều tra Bộ Công an. Và cũng ngay sau đó, có kẻ đã đã mạo danh viết những bài báo bịa đặt bôi nhọ tôi trên một trang nguyentandung.org và vài trang cá nhân khác.
               Bằng thái độ rất nghiêm túc, có trách nhiệm, tôi đã trình bày toàn bộ nhân chứng, bằng chứng trước cơ quan cảnh sát điều tra  Bộ công an, để chứng  mình không hề bịa đặt, vu khống nhằm xúc phạm ông bà Huỳnh Phi Dũng, cũng không mưu cầu danh lợi. Trước sự thật đó, cơ quan công an không gây cho tôi bất kỷ khó khăn nào.  Sau đó bà Hằng gọi điện thoại cho tôi, hỏi: “Bây giờ anh muốn gì?”. Tôi trả lời bà Hằng như sau: “ Anh chỉ muốn Huỳnh Phi Dũng sống tốt hơn!”
               Bài báo này tôi cũng chỉ muốn góp lời nói thật, để mọi người hiểu sự việc đã và đang xảy ra một cách công bằng. Tôi sẵn sàng trao đổi với bạn đọc trên tinh thần xây dựng.
     M D

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: