Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

GIỚI PHẢN BIỆN TRÊN INTERNET Ở TRUNG QUỐC


Đối với chính phủ, đó không phải là vì quyền được tự do ngôn luận hay là vì tự do thông tin và tự do báo chí, khi họ mở cửa để cho truy cập vào World Wide Web, mà là vì sự kết nối với nền kinh tế thế giới. Các phương tiện thông tin số thuộc vào trong các tiên đề mà không có chúng thì nền kinh tế Trung Quốc không bao giờ đã có thể bay cao được như trong những năm vừa qua. Thời đó, không một người nào trong chính quyền nghĩ rằng qua đó mà một giới công chúng phê phán mới đã thành hình: giới công chúng trong Internet. Trao đổi thông tin trực tiếp trở thành việc có thể cho hàng triệu người. Ngày nay, cứ ba người Trung Quốc là có một người có khả năng truy cập vào Internet, khoảng 420 triệu người.

Các khả năng mà Internet mang lại đã được sử dụng ở mức độ rộng lớn trong tất cả các lứa tuổi và tầng lớp xã hội. Đối với những người ra đời trong những năm 1980 và nhất là những người trong những năm 1990, sử dụng những phương tiện truyền thông đại chúng được hỗ trợ bởi Internet là một việc tự nhiên. Cả những người thuộc lứa tuổi trung niên cũng lên mạng, và khi chúng tôi đến thăm một nhà dưỡng lão ở Bắc Kinh, chúng tôi nhìn thấy các cụ cao tuổi đang ngồi hàng giờ liền trước chiếc máy tính xách tay của họ.
Đối với người Trung Quốc, Internet đã trở thành phương tiện truyền thông quan trọng nhất. Báo chí và truyền hình rơi lại phía sau, vì so với tin tức của truyền thông đại chúng phụ thuộc vào chính phủ, sự tin tưởng vào độ trung thực của tin tức trên mạng lớn hơn rất nhiều. Về mặt tiêu khiển, hiện giờ Internet đã có nhiều khả năng cho các lứa tuổi khác nhau hơn là truyền hình và sản phẩm in ấn. Giới trẻ thích thú với những trò chơi trực tuyến, nhạc và phim từ trong Internet, người tiêu dùng dựa trên các diễn đàn cung cấp thông tin về chất lượng và sử dụng sản phẩm, nhiều người già tìm thấy các tường thuật  mang tính phê bình từ những năm đầu tiên của nước Cộng hòa Nhân dân, trong khi còn khó khăn không thể tưởng được, nếu như muốn tìm hiểu về động cơ của các cá nhân lãnh đạo chính trị, Đảng và quân đội. Có những điều gì đấy là thật, những cái khác chỉ là phỏng đoán.
Gây ấn tượng cho tất cả là vận tốc lan truyền đi của các tin tức trong Internet. Trong khi người ta vẫn còn bàn thảo trong các trụ sở trung tâm của báo chí, phát thanh và truyền hình, rằng liệu có tường thuật về thảm họa, xì căng đan và tai nạn hay không, và như thế nào, thì cộng đồng trên mạng đã biết tin tức từ lâu. Ngày nay, cuộc đấu tranh chống chuyên quyền của cán bộ, tham nhũng và các bất công khác trong xã hội đang diễn ra trong Internet.
Người ta không những đánh giá cao khả năng của Internet, truyền thông tin nhanh chóng, mà trước hết là việc có thể phê phán nặc danh. Thu hút đối với người dùng và đáng sợ cho chính phủ là việc chỉ cần một cái bấm chuột thôi, là đã có thể đến được với hàng trăm nghìn người. Các đề tài về chính trị, kinh tế và xã hội được thảo luận, các vấn đề bảo vệ môi trường và thất nghiệp được tranh luận. Tường thuật của nhân chứng về tai nạn và thảm họa được truyền đi, cũng như thông tin về tham nhũng và kinh tế thân hữu. Những người bất đồng chính kiến với chính phủ lên tiếng, có thể thảo luận về nhân quyền và dân chủ. Các xì căng đan, như về sữa nhiễm độc, không còn có thể được che dấu một cách đơn giản nữa. Thông tin gây bất an trên con đường này có thể gây ra bạo loạn. Internet tạo từ những đối thủ yếu ớt của quyền lực nhà nước và từ những tiếng nói riêng lẻ thành một thế lực đáng gờm, bởi vì người ta có thể liên kết lại với nhau trên mạng. Ví dụ như một tiếng hét căm phẫn đã vang lên trong cộng đồng trên mạng, khi người ta ra lệnh bắt giam một nữ nhà báo vì cô đã tường thuật về những việc bất thường và mua bán tay trong tại một nhà máy công nghiệp trong tỉnh Chiết Giang. Nhà máy đó nói về một sự bôi nhọ và yêu cầu khởi tố. Cuối cùng, áp lực của giới công khai nổi giận trong Internet, đang theo dõi vụ việc qua blog của nữ nhà báo, lớn tới mức cơ quan nhà nước phải hủy bỏ lệnh bắt giam.
Giới công khai trong Internet hiện đã đạt đến một quyền lực mà cũng có thể bắt buộc chính phủ phải nhượng bộ. Cơ quan nhà nước làm mọi việc để kiểm soát các mạng lưới. Nhưng người ta chỉ có thể gây thêm khó khăn cho việc truy cập chứ không thể ngăn chặn nó. Người dùng có những mạng lưới riêng, họ chuyển tiếp tin tức và lời bình của họ qua danh sách thư điện tử. Cơ quan nhà nước sử dụng một hệ thống tinh vi, có nhiệm vụ ngăn chặn làn sóng của những ý kiến khác đi và những thông tin – theo ý họ là – nguy hiểm. Các biện pháp của họ bắt đầu từ những bộ lọc tự động qua việc xây tường lửa cho đến hàng đoàn những người kiểm tra, xóa những lời bình luận đối nghịch với chính phủ trong các diễn đàn và viết những lời bình thân thiện với chính phủ.
Các trang mạng với những đề tài nhạy cảm ví dụ như về các sự kiện quanh ngày 4 tháng 6 năm 1989 hay về đạo Pháp Luân Công đang bị cấm đều bị chận hay bị đóng cửa. Ngược lại, việc phong tỏa các trang tin quốc tế đã bị bãi bỏ. Qua đó, các trang mạng với tin tức bằng tiếng nước ngoài có thể được truy cập, ngay cả khi chúng nói về các đề tài nhạy cảm.
Nơi cơ quan nhà nước đến đầu tiên để thực hiện các biện pháp kiểm soát là các nhà hoạt động cung cấp trang mạng. Họ nhận các chỉ thị tỉ mỉ về việc họ phải làm gì với nội dung, liệu họ có tiếp nhận các thông báo chính thức, các đề tài từ trang nhất hay ví dụ như khóa các chức năng bình luận tại những sự kiện nhất định hay không. Và họ phải tự kiểm duyệt.
Ông G., 27 tuổi, chuyên viên quảng cáo, Vũ Hán: “Trang mạng của một nhật báo Anh đăng tải một bài viết phê phán về một tai nạn hầm mỏ ở Trung Quốc. Một người Trung Quốc trẻ tuổi đọc được bài đó, dịch ra tiếng Trung và đưa lên mạng. Chỉ vài phút sau, bài viết bị xóa mất. Người thanh niên này phản đối và khiến cho người ta lưu ý đến việc bị xóa đi. Anh đã mất một ngày rưỡi cho bản dịch. Xóa bài viết mà chẳng nói gì thì thật là bất công. Sau đó, một trong những người kiểm duyệt lên tiếng: nếu tôi không xóa bài viết của anh thì ngày mai chính phủ sẽ xóa trang mạng của chúng tôi.”
Một blogger quen biết với chúng tôi đưa lên mạng một bài viết phê bình về chính phủ. Các nhà kiểm duyệt của trang mạng đó phản ứng với thông báo rằng rất đáng tiếc là phải xóa bài viết đó đi. Blogger này đoán được lý do: trong tựa đề cũng như trong bài viết, ông đã nêu tên Mao Trạch Đông ra trong một mới liên quan có mang tính phê phán. Sau đó, ông chỉnh sửa lại tựa đề và bài viết bằng cách xóa tên Mao đi. Nội dung phê phán thì vẫn còn. Thế là bài viết không bị xóa.
Những người dùng khôn khéo truyền bá qua thư điện tử hay truyền miệng các khả năng và cách thức để người ta vẫn có thể truy cập vào được các trang mạng bị chặn và tránh được kiểm duyệt. Ai có đủ tiền thì có thể nối kết máy tính của mình trực tiếp với Internet qua đường truyền được mã hóa nhờ công nghệ mới nhất.
Hiện giờ Trung Quốc có cộng đồng blog lớn nhất thế giới. Ngày nay, blog là hình thức được ưa chuộng để phát biểu ý kiến công khai. Chủ nhà báo, luật sư, nhà văn và khoa học gia có blog riêng của họ. Người ta cho rằng hơn nửa người dùng Internet trong thành thị đọc hay viết blog. Con số truy cập gây ấn tượng. Tuy blog cũng bị chặn khi bàn về các đề tài nhạy cảm, nhưng kiểm duyệt thường tụt lại phía sau so với sự phát triển. Việc cố gắng kiểm soát chỉ càng kích thích người dùng tìm đường để đánh lừa những người kiểm duyệt, bằng cách họ phát tán các bài viết trên blog nhanh hơn là kiểm duyệt có thể lấy chúng ra khỏi mạng. Những khái niệm nhạy cảm cũng được viết theo lối phiên âm chứ không theo tiếng Trung, để có thể lọt lưới kiểm soát.

“Dân chủ ư? Chúng tôi đã có Internet rồi”

Bà C., 32 tuổi, đại diện văn học, Bắc Kinh: “Hệ thống độc đảng và thiếu dân chủ không phải là vấn đề đối với chúng tôi. Chúng tôi đã có Internet rồi.
Tôi đã sống nhiều năm ở châu Âu và ở Hoa Kỳ, và nhận thấy rằng người Trung Hoa trẻ tuổi dùng Internet như là phương tiện trao đổi thông tin tích cực hơn nhiều so với giới trẻ ở Phương Tây.
Có hai thái cực trong xã hội của chúng tôi: ở một mặt là chính phủ, mặt kia là Internet. Trong những năm vừa qua, Internet đã trở nên mạnh mẽ vô cùng, tốt cũng như xấu. Nhiều người dùng tin rằng họ không phải chịu trách nhiệm cho những gì mà họ phát biểu ở đó. Họ kích động con người, nói không có lôgic, và mặc dù vậy người ta vẫn tin họ. Người ta không tin vào chính phủ, chính phủ nói gì cũng vậy, ngay cả khi đó là sự thật. Người ta đã mất lòng tin rồi.
Ngày nay, người ta có thể phê phán các lãnh tụ chính trị ở trên mạng. Lời phê phán càng thô bỉ và càng khó tin thì càng tốt. Đảng không sợ những lời phê phán quá lố như vậy, vì người đọc hoài nghi chúng. Chính phủ sợ nhất là các trang mạng của giới trí thức, vì những trang này thường lập luận có sơ sở khách quan. Người ta rất thích đóng cửa những trang như thế.
Nhiều người có nhiệm vụ tìm những bài viết phê phán chính phủ và xóa chúng đi. Họ nhận được năm mươi cent cho công việc xóa một bài viết. Vì thế mà chúng tôi gọi họ là Đảng 50 cent. Họ không chỉ xóa các bài viết. Họ cũng gây bất an bằng cách dựng lên những lời khẳng định quá lố, để rồi người ta không còn biết cái gì là thật, cái gì không thật nữa. Qua đó, họ cố tình làm cho Internet mất đi giá trị của nó. Họ cũng tấn công người khác với giọng điệu trơ tráo và đưa ra những khẳng định không thật về những người nổi tiếng. Cách diễn đạt của họ khiến cho người ta nhớ đến cách ăn nói của thời Cách mạng Văn hóa. Cả điều đó cũng đẩy những người nào đó rời xa Internet.”

Internet như là người mở đường cho dân chủ hóa

Ông C., 52 tuổi, nghệ nhân thủ công, Thượng Hải: “Nhiều người trẻ tuổi tin rằng Internet có thể thay thế được nền dân chủ. Thật là thơ ngây! Trong Internet, ai cũng có thể phê phán và chửi rủa, và phần lớn đều là nặc danh. Vì thế mà không ai nghĩ rằng mình phải chịu trách nhiệm cho những gì đã nói ra. Đó không phải là dân chủ, đó là hỗn loạn và có hại cho một nền dân chủ trong tương lai. Vì khi người ta lẫn lộn giữa Internet và dân chủ thì rồi sau này họ cũng sẽ không tin vào một hình thức chính phủ dân chủ, vì họ biết rằng dối trá và lừa đảo trong Internet là có thể, và thêm vào đó lại còn phổ biến nữa.
Mặt khác, các cán bộ lãnh đạo của chúng tôi trước sau gì thì cũng không ưa chuộng dân chủ. Họ chỉ muốn giữ vững quyền lực của họ thôi. Đứng trong trung tâm của quyền lực là một đặc quyền mà họ sẽ không bao giờ tự nguyện từ bỏ nó. Mặc kệ cho trong Internet có chửi bới và phàn nàn như thế nào đi nữa. Những người đó vẫn ở trên cao, họ mặc kệ phê phán và càu nhàu.
Đi tới dân chủ là một con đường dài và cực nhọc. Các dân tộc khác đã cần nhiều thế kỷ mới có nó được. Tôi cho rằng áp dụng nó ở chúng tôi trong thời gian sắp tới đây là điều không thể.”

Từ người vô danh trở thành số hai của thế giới

Năm 2010, tạp chí Time đã đưa anh vào danh sách của 100 người có ảnh hưởng nhiều nhất trên thế giới: Hàn Hàn từ Thượng Hải. Một sự phóng đại? Hoàn toàn không phải thế. Anh đứng hạng nhì qua bỏ phiếu trong Internet.
Hàn Hàn với hơn 400 triệu lượt truy cập vào trang mạng của mình là một trong những blogger thành công nhất Trung Quốc. Đặc biệt giới tinh hoa trẻ tuổi ở thành thị đều biết đến con người chống đối này. Đối với những người nào đó, anh là một thần tượng, vì anh nói ra những gì mà nhiều người chỉ dám nghĩ đến.
Hàn Hàn sinh năm 1982, tức thuộc cái được gọi là thế hệ sau tám mươi, những người biết đến ba mươi năm đầu tiên của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa với nhiều phong trào chính trị thảm họa của nó chỉ từ lời thuật lại của cha mẹ họ – nếu nói chung là có.
Anh không thích trường học. Anh căm ghét việc phải học thuộc lòng, bỏ học và vì vậy mà cũng không đủ tiêu chuẩn để được nhận vào một trường đại học. Anh chỉ muốn làm những nghề nghiệp ngồi, vì anh muốn không bao giờ phải đứng nữa, như thường xảy ra trong trường khi thầy giáo phạt anh phải đứng vào trong một góc nhà vì hay chống đối. Vì vậy mà anh trở thành nhà văn và người lái xe đua. Đặc biệt nghề nghiệp thứ nhất đã có những thành công to lớn. Mặc dù thầy giáo cho anh điểm xấu trong giờ văn, anh đoạt giải nhất trong một cuộc thi viết văn trên khắp nước. Cha anh đã giới thiệu cho anh những tác phẩm của các tác giả Trung Quốc nổi tiếng. Với 18 tuổi, anh xuất bản quyển tiểu thuyết đầu tiên của mình, một câu chuyện trào phúng về hệ thống giáo dục Trung Quốc. Sách bán được hơn hai triệu bản, vì trong đó Hàn Hàn đã đánh trúng tâm lý của thế hệ anh.
Cũng như nhiều người của thế hệ sau 80, Hàn Hàn sử dụng Internet một cách hết sức tự nhiên. Từ năm 2006, anh bình luận trên trang mạng của mình về cuộc sống hàng ngày ở Trung Quốc. Ngay trước Triển lãm Thế giới 2010, khi cả phân nửa Thượng Hải bức xúc về các công trường xây dựng đường phố ở giờ phút cuối cùng và về sự cản trở giao thông cực lớn do các công trường đó gây ra, Hàn Hàn đưa ra một lời giải thích hết sức dễ hiểu: nếu như người ta tiến hành bảo trì các con đường đó một năm trước đây thì cho đến Expo chúng cũng sẽ lại hư hỏng trở lại. Anh cũng bàn đến các đề tài nhạy cảm như tham nhũng, kiểm duyệt, chuyên quyền của nhân viên nhà nước và tàn phá môi trường. Nhiều người cũng làm điều đó, nhưng điểm đặc biệt của Hàn Hàn là lời chế giễu bén nhọn của anh và tính hài hước không trau chuốt của anh. Vì vậy mà hiện giờ anh không những được giới trẻ thán phục mà với những lời nói sắc nhọn của mình cũng đã chiếm được cảm tình của những người lớn tuổi hơn. Có những người nào đó đã nhìn thấy ở anh một Lỗ Tấn thứ hai, nhà văn Trung Quốc nổi tiếng nhất của thời hiện đại.
Sự nổi tiếng của anh bảo vệ anh trước những người kiểm duyệt, những người hẳn phải đau đầu vì sự chế giễu của anh. Khó có thể tấn công được Hàn Hàn. Tuy là anh gọi thẳng tên các sự việc, thế nhưng anh lại không công khai phê phán. Anh thích kêu gọi tình yêu nước nhiều hơn, với nhiều tính khôi hài. Có những lời bình luận nào đó của anh được chuyển đi tiếp như là những lời nhận xét dí dỏm, những lời bình luận khác đã nhanh chóng bị những người kiểm duyệt xóa ngay sau khi xuất hiện. Hàn Hàn không để cho những việc đó tạo ấn tượng. Khi anh có kế hoạch cho một tờ tạp chí về tiểu luận, thơ và ý kiến, và cơ quan nhà nước đã không cấp cho anh giấy phép xuất bản, anh đã nhanh chóng chuyển sang xuất bản riêng lẻ dưới dạng sách mà việc xuất bản nó không còn có thể bị ngăn chặn được nữa.
Yu-Chien Kuan (Quan Ngu Khiêm)

Phan Ba dịch

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: