Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

8 lý do Myanmar sẽ trở thành ‘con hổ châu Á’

Sự thay đổi ngoạn mục của Myanmar đã khiến các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư quốc tế vô cùng phấn khích và họ đang lũ lượt kéo nhau đến đó với niềm hy vọng sẽ có phần của mình khi khai phá thị trường còn rất hoang sơ này.
    Myanmar đang thu hút sự chú ý của cả thế giới trong thời gian gần đây. Trong tháng 5 này, chuyến thăm của Tổng thống Thein Sein – nhà lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Myanmar từ năm 1966, đến Washington đã thực sự là một cột mốc quan trọng đánh dấu sự chấm dứt của “đêm trường bị cô lập với cộng đồng quốc tế”. Sự thay đổi ngoạn mục của Myanmar đã khiến các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư quốc tế vô cùng phấn khích và họ đang lũ lượt kéo nhau đến đó với niềm hy vọng sẽ khai phá thị trường còn rất hoang sơ này.

Nhưng có vẻ như những niềm hy vọng hay viễn cảnh về Myanmar đang bị thổi phồng hơi… nhiều. Trong giai đoạn từ năm 1900 đến 1990, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Myanmar chỉ tăng trưởng khoảng 1,6% mỗi năm – bằng một nửa so với mức trung bình của phần còn lại của thế giới.  GDP bình quân đầu người gần như không hề tăng trong giai đoạn này và GDP của nước này chỉ chiếm khoảng 0,2% GDP của cả châu Á. Thêm vào đó, thu nhập của người dân Myanmar vẫn ở mức rất thấp. Chỉ có khoảng 2,5 triệu người dân Myanmar (khoảng 4% dân số) có thu nhập đủ để chi tiêu “một cách thoải mái”, trong khi tỷ lệ trung bình của thế giới là khoảng 35%.
Tổng thống Myanmar Thein Sein (trái) trong cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Không giống như những quốc gia châu Á khác, kinh tế Myanmar ngày phụ thuộc vào nông nghiệp. Tỷ trọng thu nhập từ nông nghiệp đóng góp vào toàn bộ nền kinh tế đã tăng từ 35% (năm 1965) lên 44% (năm 2010) trong khi cả châu Á, mức tỷ trọng này đã giảm rất mạnh và hiện chỉ còn chiếm khoảng 12%. Các chỉ số khác của Myanmar cũng cho thấy quốc gia này đang tụt hậu khá xa so với phần còn lại của thế giới. Báo cáo của UNDP cho biết, trung bình mỗi người dân Myanmar chỉ được đi học 4,5 năm và năng suất lao động chỉ tương đương khoảng 30% so với các nước châu Á khác. Nếu vẫn tiếp tục duy trì mức năng suất này, tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của Myanmar sẽ không thể vượt qua con số 4%.
Bất chấp những “con số buồn”, người ta vẫn có nhiều thứ khác để có thể lạc quan về tương lai của Myanmar. Tạp chí “Chính sách Ngoại giao” (Mỹ) mới đây đã có bài phân tích chỉ ra 8 lý do để mọi người tin rằng Myanmar sẽ sớm trở thành một “con hổ châu Á” mới.
1.Không cần “dò dẫm” lối đi
Những cuộc thử nghiệm về “con đường phát triển” của châu Á đã hoàn tất và tất cả những kinh nghiệm mà những thị trường mới nổi ở châu Á đã cho thấy Myanmar hoàn toàn có thể áp dụng để tăng trưởng mạnh mẽ nếu nước này đa dạng hóa lĩnh vực nông nghiệp, đô thị hóa và tăng năng suất lao động ở các lĩnh vực khác nhau.
Lĩnh vực báo chí tư nhân ở Myanmar đã được chính thức cho phép phát triển.
Thu nhập ở các nước đang phát triển đang gia tăng nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử. Trên toàn cầu, khoảng thời gian để người ta tăng gấp đôi thu nhập GDP bình quân đầu người (tính theo sức mua tương đương) từ mức 1.300 USD (mức của Myanmar hiện nay) đã giảm nhanh khủng khiếp. Trong suốt thời kỳ cách mạng công nghiệp Anh, bắt đầu từ thế kỷ 18, thế giới cần tới 150 năm để đạt mốc này. Đến khoảng những năm 1960, khoảng thời gian này là 47 năm. Vào những năm 2000, chỉ cần 17 năm và với những nền kinh tế tăng trưởng nhanh như Việt Nam, Trung Quốc… người ta chỉ cần 11 hoặc 12 năm để tăng gấp đôi thu nhập của người dân.
2. Rất gần với những thị trường lớn và tăng trưởng nhanh
Myanmar có một vị trí địa lý rất thuận lợi. Nước này nằm tiếp giáp với Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Lào, Thái Lan – một khu vực kinh tế đang phát triển rất năng động với khoảng nửa tỷ dân và đó sẽ là những thị trường xuất khẩu lý tưởng cho Myanmar, đặc biệt là khi ASEAN xây dựng thành công cộng đồng kinh tế chung vào năm 2015. Thêm vào đó, chỉ với khoảng 5 giờ đi máy bay, Myanmar sẽ là điểm du lịch lý tưởng của khoảng 2,5 tỷ người vào năm 2025.
3. Tài nguyên thiên nhiên phong phú
Myanmar đã phải chịu nhiều thập kỷ bị “trói” bởi chính quyền quân sự nhưng nước này lại có một lợi thế khác mà nhiều quốc gia trên thế giới không có được: Sự giàu có “đáng thèm khát” của nguồn tài nguyên thiên nhiên từ khí đốt tự nhiê, dầu mỏ, gỗ hay nguồn nước…Hãng dầu mỏ BP ước tính trữ lượng khí đốt tự nhiên của Myanmar hiện có khoảng 7,8 nghìn tỷ m3, trữ lượng lớn thứ 46 trên thế giới. Trữ lượng dầu mỏ của nước này chưa thể tính toán chính xác bởi việc thăm dò là rất hạn chế. Myanmar hiện đang chiếm tới 90% năng lực sản xuất đá quý của thế giới và là nước sản xuất (khai thác) các loại đá quý như hồng ngọc (ruby) và sapphires lớn nhất thế giới. Nước này cũng là quốc gia có diện tích đất nông nghiệp nhiều thứ 25 thế giới.
4. Không chỉ là tài nguyên
Theo nghiên cứu của “Chính sách đối ngoại”, 7 yếu tố quan trọng nhất của nền kinh tế Myanmar bao gồm: Sản xuất, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng lượng, khai mỏ, du lịch, dịch vụ tài chính và viễn thông sẽ có quy mô tăng gấp 4 lần từ mức 45 tỷ USD hiện nay lên hơn 200 triệu USD vào năm 2030 và tạo ra khoảng 10 triệu việc làm mới ngoài lĩnh vực nông nghiệp. Số lượng người tiêu dùng có thu nhập “thoải mái” sẽ tăng từ mức 2,5 triệu người lên 19 triệu người và tăng gấp 3 lần chi tiêu xã hội, lên mức 100 tỷ USD.
Nhưng để đạt được mức kỳ vọng này, Myanmar cần phải tăng năng suất lao động lên gấp hơn 2 lần, từ 2,7% hiện nay lên 7%. Điều này thực ra không quá khó bởi nhiều nền kinh tế, ví dụ như Thái Lan và Trung Quốc đã đạt mức này và nếu Myanmar làm được, họ sẽ có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm vào khoảng 8%.
Kinh tế Myanmar vẫn phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp.
5. Lực lượng lao động dồi dào
Myanmar có một nguồn “tài nguyên” nữa rất đáng giá đó là lực lượng lao động giá rẻ rất dồi dào. ƯỚc tính hiện nay Myanmar có khoảng 46 triệu người đang trong độ tuổi lao động và mức lương cơ bản rất thấp là một động lực thu hút cho lĩnh vực sản xuất phát triển. Nhưng để có thể trở thành nguồn tài nguyên giá trị hơn, lực lượng lao động của nước này cần phải được đào tạo tay nghề nhiều hơn nữa.
Rất may là Myanmar có khoảng từ 3-5 triệu lao động đang làm việc ở nước ngoài và họ có trình độ khá cao. Nếu thu hút được những người này về nước, Myanmar sẽ có một nguồn động lực rất lớn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kể cả khi họ vẫn ở nước ngoài, họ cũng có thể trở thành những nhà đầu tư rất giá trị. Hãy để ý, người Hoa kiều ở hải ngoại đóng góp tới 70% lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc trong giai đoạn 1985 -2000.
6. Từ đồng ruộng tới thành thị
Myanmar hiện vẫn là nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào nông nghiệp và nông thôn nhưng đó cũng chính là cơ hội phát triển của nước này. Các nền kinh tế mới nổi khác đã chứng minh, ngay khi kinh tế bắt đầu phát triển, một dòng người di cư từ nông thôn ra thành thị sẽ rất lớn và thúc đẩy quá  trình công nghiệp hóa, đô thị hóa của cả nước.
Công nghệ thông tin, Internet và viễn thông đang ngày càng trở nên dễ tiếp cận hơn đối với người dân Myanmar.
Trong khi hầu hết các nước châu Á đang được đô thị hóa với một tốc độ và quy mô “không thể lường trước được” thì Myanmar vẫn chỉ có khoảng 13% dân số sống ở các thành thị. Ngoài 2 thành phố lớn là Yangon và Mandalay, chỉ có 8 thành phố khác của Myanmar có dân số vượt quá 200.000 người, một tỷ lệ nhỏ so với 32 của Thái Lan hay 16 của Việt Nam.
Nhưng nếu Myanmar tăng tốc quá trình phát triển, họ cần chuẩn bị những chính sách hỗ trợ cho sự di cư ra thành thị của người dân.
7. Khai thác triệt để kỷ nguyên kỹ thuật số
Myanmar đang ở ngưỡng cửa của sự chuyển đổi kinh tế khi mà công nghệ di động và Internet đang ngày càng thâm nhập sâu và trở nên “dễ tiếp cận” hơn với người dân. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy có sự liên hệ rất chặt chẽ giữa công nghệ, sự sáng tạo và sự tăng trưởng kinh tế. Ngân hàng thế giới đã chứng minh, khi nghiên cứu 120 nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình trong khoảng các năm từ 1980 -2002, độ thâm nhập của công nghệ băng rộng tăng 10% thì  GDP sẽ tăng thêm khoảng 1,38%. Myanmar hoàn toàn có thể là “ca thử” để chứng minh sức mạnh của công nghệ kỹ thuật số sẽ tăng lực mạnh mẽ cho nền kinh tế. Khi tận dụng được yếu tố công nghệ, các lĩnh vực quan trọng như quản lý, y tế, ngân hàng và bán lẻ của Myanmar sẽ có sự “lột xác” thần kỳ để đưa Myanmar trở thành nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
8. Thiện cảm của thế giới
Từ Brussels đến Washington, hầu hết các nhà lãnh đạo phương tây đều đang công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với quá trình cải cách dân chủ ở Myanmar. Trong lúc này, các tổ chức quốc tế, các diễn đàn đa phương và các nhà tài trợ đã bắt đầu chìa tay ra với Myanmar. Năm ngoái, Ngân hàng thế giới đã chính thức khôi phục lại hoạt động cho vay đối với Myanmar và mở văn phòng ở Yangon. Các lệnh trừng phạt và cấm vận kinh tế đang dần dần được nới lỏng và dỡ bỏ, nhiều chính phủ nước ngoài đã bắt đầu mở đại sứ quán tại Myanmar sau nhiều năm vắng mặt cùng với đó là hàng loạt các phái đoàn thương mại ghé thăm nước này trong năm 2012. Sự hội nhập trở lại vào cộng đồng thế giới ngày càng rõ nét ở Myanmar.
(BIF)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: