Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

NẮNG ( Tiếp theo..)

**
( Ảnh không liên quan bài viết này)

 Người ta một giờ trước đã xịt cho nạn nhân một thứ thuốc dạng cồn vào hai lỗ mũi. Gã không còn cảm giác nhức buốt như lúc mới vào. Máu đã cầm được, không cần phải nút bằng hai nút bông nhỏ vào hai lỗ mũi. Nhưng nhà thuốc vẫn yêu cầu gã phải nằm yên, bất động thêm một hai tiếng nữa cho chắc ăn.
Thực ra, gã có thể đứng dậy, đi lại, thậm chí đi về luôn được. Hắn đã không làm thế, mà lại úp mặt nằm quay vào tường. Chừng như ăn vạ. Phớt. Nắng làm như không để ý thấy cử chỉ ỏng eo này:
- Này tôi bảo..- Nắng lay gã.
Gã trợn tròn mắt nhìn, cau có, không nói gì – Gã còn giận.
- Tớ phải về, ở nhà có việc gấp. Đằng ấy chiều về sau. Chắc chả nặng nữa đâu. Bác sĩ nói rồi. Đây không thể chờ cùng về.  Để lại ít tiền, chiều đi xe ôm. Thừa thiếu tính sau..
Nắng soạn trong túi còn ít tiền lật chiếc gối gã đang nằm đặt cả xuống đấy, quay ra.
Lúc này Nắng mới để ý đến Tuân:
- Theo vào tận đây à? Nắng hỏi trống không.
Với người khác hỏi câu này có thể Tuân không trả lời. Với Nắng lại khác. Xã giao thường tình chẳng ý nghĩa gì. Hắn chỉ khẽ gật đầu.
- Chắc xe xi đã xong hàng, đi rồi. Nhờ đằng ấy cho ra bến..
-  Để tôi đưa Nắng về luôn nhà. Cũng không vội gì đâu mà..
Tuân lấy làm lạ. Sau bấy nhiêu năm, Nắng không hề hỏi thăm lấy một câu? Những lời định nói chuẩn bị từ lúc Nắng đang ở trong trạm y tế đành dừng lại. Hắn quay xe. Nắng bảo luôn:
- Đằng ấy thông cảm, tớ không quen ngồi đằng sau. Nếu giúp nhau để tớ tự cầm lái!
- Đi được không?
- Vô tư đi. Chuyện nhỏ như con thỏ mà..
Đường ổ voi, ổ gà liên chi hồ điệp. Xe vèo vèo, rẽ phải, ngoặt trái, nuột, không hề va vấp. Giọng cả quyết của Nắng khiến hắn chờn chợn. Hình đây là cô Nắng khác, không phải cô nắng ngày xưa.
Càng nghĩ, Tuân càng thấy thắc mắc khó hiểu. Điều gì đã tạo nên người đàn bà đang cầm lái lúc này?
Hắn nhớ những ngày đầu hai đứa. Khi hắn hỏi sao không lấy tên là Hồng, Đào, Mận, Na như các cô gái thường có tên như thế? Hay là Nấu là Nướng cũng được, sao lại có tên là “Nắng”? Nắng ngày ấy nhỏ nhẻ:
- Nhà em ngày trước làm bánh đa. Anh biết rồi đấy, làm bánh đa rất mong những ngày nắng. Bánh phơi mau được, lại sáng đẹp. Lỡ phải đợt mưa kéo dài bánh xấu, có khi còn bị mốc.. Rồi nàng kể tháng bảy năm ấy mưa Ngâu kéo dài. Mẹ sinh ra em vất vả ra làm sao..
Ừ thì cũng chỉ là cái tên. Một ký hiệu để phân biệt người này với người kia. Ý nghĩa của mỗi cái tên chưa được chú trọng như bây giờ. Thâm chí có nhà đông con, còn đặt theo số thứ tự hoặc những cái tên rất tục như “cu Dái”, “cái Hĩm” vv.. Những kiểu đặt tên như thế Tuân thấy nhiều, chả lạ lùng gì. Văn hóa sơ khai, mông muội một thời mà. Chính vì thế người ta dễ cả tin, dễ ảo tưởng.
Đâu có như bây giờ..
Ngồi sau, Tuân cứ nghĩ miên man, chả đâu vào đâu như thế. Hắn không để ý xe đã rẽ theo hướng khác, không phải con đường về thành phố. Lúc Tuân chợt nhận ra, sợ Nắng lầm đường, Nắng bảo:
- Nếu không vội, chờ “đây” một lát. Nếu vội cứ việc về. Có tý việc phải vào chỗ này “một cái”, không thể về ngay. Thế nào?
- Thế nào gì nữa? Người ta mất công tìm từ sáng đến giờ. Chưa kịp nói câu gì, sao lại bảo về ngay?
- Thế cũng được. Cùng vào thì cùng vào!
Cổng dốc. Ngôi nhà hai tầng đua mái tôn che sân láng xi măng khá rộng. Người vòng trong vòng ngoài, kẻ quỳ, người ngồi quay mặt cả vào trong nhà, tay chắp trước ngực. Tuân chưa hiểu ở chỗ này đang xảy ra chuyện gì? Nhà có tang ma, hay “cúng mát nhà”. Đám cưới đám đám hỏi thì không phải rồi.
Tìm chỗ dựng xe. Nắng len vào ngồi ngay trước đám đám đông. Có bà xồn xồn ngồi bên cạnh mắt gây sự, Nắng nhìn lại. Tuân chưa bao giờ bắt gặp ánh mắt đàn bà nào như thế. Bà kia vội cụp xuống, quay nhìn đi chỗ khác. Đúng là đôi mắt có nhãn lực đặc biệt!
Từ trong cửa “xuất” ra một người đàn bà chạc năm mươi. Nhìn bà ta rất khó đoán thân thế, thành phần nào? Hiện hành nghề gì? Đang thắc mắc người ấy vong vóng, deo dẻo:
- Hôm nay  hội đồng các qu.oa..an, cô không xem. Ai trả lễ thì cô nhận. Cô xem cho ngày khác..
Đám đông nhao nhao:
- Lạy cô, cô thông cảm chúng con từ xa đến đây. Xa xôi cách trở. Chờ đến chủ nhật sau thì lỡ mất ạ!
- Cô đã nói rồi. Hôm nay không xem cho ai cả. Có phải việc người trần đâu mà năn nỉ?
Hai cô gái đứng gần Tuân nói nhỏ với nhau nhưng hắn vẫn nghe thấy từng lời:
- Cô đồng này chỉ xem ngày chủ nhật mỗi tuần thôi. Đợi đến chủ nhật sau, trường mình lại có đám cưới con hiệu phó, gay nhỉ?

Xã hội ba đào, chao đảo, nổi nênh, khủng hoảng, suy thoái.. thừa lý do để người ta chen chân tìm đến những nơi như thế này. Nhưng không đâu như ở đây. Tam đồng tứ phủ, ngày nào chẳng “nổi đồng”, chả “tiếp lễ”, sao phải cứ chủ nhật?
Hắn hỏi, hai cô trả lời. Thì ra “cô đồng” vẫn là cô giáo, vẫn đang phải đứng lớp.  Chỉ chủ nhật cô mới có  thì giờ dâng hương, tiến lễ, ngồi đồng, “triệu vong”. Không thể làm vào ngày khác, vi phạm giờ “hành chính” của nhà trường!
Không biết Nắng của Tuân tới đây có việc gì mà phải nhanh chóng, khẩn trương, tranh thủ nhanh đến đây như vậy?


( Còn nữa..)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: