Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

15 năm tưởng nhớ “thi sĩ kỳ dị” Bùi Giáng


(Dân trí) - Sáng 14/9, tọa đàm khoa học đầu tiên về thi sĩ Bùi Giáng diễn ra tại trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM nhân kỷ niệm 15 năm ngày mất của ông (1998 - 2013).

Lần đầu tiên kể từ năm 1975, Bùi Giáng trở thành đề tài của một tọa đàm khoa học
Lần đầu tiên kể từ năm 1975, Bùi Giáng trở thành đề tài của một tọa đàm khoa học
 
Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học và nghiên cứu chuyên ngành văn học, ngôn ngữ học: PGS-TS Võ Văn Sen, TS Nguyễn Khắc Cảnh, PGS-TS Lê Giang, GS-TS Huỳnh Như Phương... cùng tổ chức tọa đàm về Bùi Giáng - nhà thơ - nhà nghiên cứu - dịch giả tài hoa của nước ta nửa sau thế kỷ 20.
Bùi Giáng - theo GS-TS Huỳnh Như Phương,  là “người nghịch chữ”. Ông chia sẻ: “Lao động nghệ thuật của Bùi Giáng là sự tương tác giữa nghĩ, viết và chơi. Có lẽ ông không phải là phu chữ, như cách nói của Lê Ðạt, mà làngười nghịch chữ.
Ông là bậc kế tục thượng thừa những trò chơi chữ, giễu nhại... của văn hóa dân gian, của Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Tú Quỳ... và khai thác một cách mạnh mẽ, cuồng nhiệt nhất. Ít thấy trong văn Bùi Giáng vẻ nghiêm nghị, cau có của người tin rằng mình đang nói những điều quan trọng hay đang phát ngôn cho chân lý”.
 
Thi sĩ kỳ dị Bùi Giáng
"Thi sĩ kỳ dị" Bùi Giáng
Còn nhà nghiên cứu Phan Nhật Chiêu cảm nhận thơ Bùi Giáng là một thế giới có một không hai: “Đọc Bùi Giáng như thể là đi lạc vào một thế giới hỗn độn, chập chờn. Thiên la địa võng của ngôn từ tuôn ra từng trận từng cơn, trùng trùng điệp điệp…
Bùi Giáng tung ngọc vào bùn, chẳng cần quan tâm thị phi, khinh trọng. Ông trộn nhã và tục trong nói lái, pha điên và tỉnh trong triết lý, lẫn giả và chân trong trò chơi văn bản, chen hay và dở những câu thơ. Thế giới đó, dẫu sao đi nữa, là có một không hai”.
Tại hội thảo còn có triển lãm tranh ảnh, sách và di cảo của thi sĩ Bùi Giáng. Nội dung trưng bày gồm: sách Bùi Giáng in trước 1975, sách Bùi Giáng in sau 1975, sách tái bản sau 1975, một số tập di cảo và trang thủ bút bản thảo.
 
Thi sĩ kỳ dị Bùi Giáng
Triển lãm sách và di cảo, bản thảo của Bùi Giáng tại buổi tọa đàm không chỉ thu hút các vị cao niên, trung niên mà nhiều bạn trẻ cũng say sưa, thích thú với thơ Bùi Giáng 
 
NSND Kim Cương chiếm một vị trí đặc biệt trong cuộc đời, tâm hồn và sáng tác của Bùi Giáng
NSND Kim Cương chiếm một vị trí đặc biệt trong cuộc đời, tâm hồn và sáng tác của Bùi Giáng
 
NSND Kim Cương chiếm một vị trí đặc biệt trong cuộc đời, tâm hồn và sáng tác của Bùi Giáng
Nghệ sĩ Thúy Vinh (áo hồng) đã ngâm thơ Bùi Giáng hơn 40 năm: “Là người ngâm thơ Bùi Giáng từ năm 15 tuổi, tôi nhận thấy thơ ông có tố chất nuôi dưỡng tâm hồn. Thơ Bùi Giáng đẹp mà không bi lụy, bởi vì ông không chiếm hữu tình yêu, không trở thành nô lệ của tình yêu. Chỉ cần rung cảm trong trái tim, trong nhịp thở đã là tình yêu rồi”.
 
Bùi Giáng trong tranh thư họaBùi Giáng trong tranh thư họa
 
Bây giờ riêng đối diện tôi
"Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con"
- thơ Bùi Giáng
 
 
Bùi Giáng sinh ngày 17/12/1926 tại làng Thanh Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ông dạy học, làm thơ, nghiên cứu triết học và dịch thuật. Ông bắt đầu nổi tiếng năm 1962 sau khi tập thơ “Mưa nguồn” ra đời.
Thi sĩ Bùi Giáng mất chiều ngày 7/10/1998 trong một cơn tai biến tại TPHCM, sau những năm tháng sống “điên rồ lững lẫy chết đi sống lại vẻ vang”.
Tác phẩm tiêu biểu:
Thơ: Mưa nguồn (1962), Lá hoa cồn (1963), Màu hoa trên ngàn (1963), Mười hai con mắt (1964), Sa mạc trường ca (1965), Ngàn thu rớt hột (1967), Bài ca quần đảo (1969), Rong rêu (1972), Thơ vô tận vui (1987), Mùa màng tháng tư (1987), Đêm Chớp biển (1996), ngắm trăng (1997), Như sương (1998), Rớt hột phiêu bồng, Ký ức, Thơ vịnh họa, Tuyết băng vô tận xứ, Bèo mây bờ bến, Các di cảo thơ (2004)…
Và nhiều công trình dịch thuật, nghiên cứu khác.
 
Hồng Nhung

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: