Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

LÒNG TRẮC ẨN VÀ SỰ HỔ THẸN


–Hoàng Ngọc Diệp– 

Giới thiệu: Hoàng Ngọc Diệp sinh ở Nha Trang, trong một gia đình đông anh chị em, trưởng thành ở Úc, từng làm việc, và lang thang trên 28 nước. Năm 1991 về Việt Nam và ở luôn tại đây. Ông làm giám đốc và Trưởng đại diện của khá nhiều công ty nước ngoài. Giúp thành lập 7 công ty tại Việt Nam có 5 công ty khá thành công, nhất là ở lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin. Nguyên là GĐ Cao cấp của Qualcomm (Mỹ) tại Việt Nam.

"Lòng trắc ẩn và sự hổ thẹn" là bài viết cho các con của ông, được đăng trên facebook cá nhân vào năm 2011, đã được chia sẻ trên nhiều website cũng như các blog cá nhân khác. Tuy thời gian cũng khá lâu kể từ ngày được viết, nhưng nó vẫn còn nguyên tính thời sự, và cũng là đôi lời tâm sự của một lớp người thành công đi trước, gửi đến thế hệ trẻ của Việt Nam. Wegreen xin được trân trọng giới thiệu cùng quí bạn đọc.

***

(Những tâm sự gửi đến các con ruột và con nuôi của bố)

Như những lần trước đây, ở những nơi chốn, diễn đàn khác, bố sẽ tâm sự và gửi gắm tới các con những gì bố ưu tư và đau buồn! Bố đưa lên diễn đàn này không những để các con đọc mà còn để các bạn trẻ khác của bố và của các con cũng chia sẻ. Nhân, con giúp bố dịch cho chị Amy của con nhé! 

MỘT CÂU CHUYỆN VỀ LÒNG TRẮC ẨN

Vào các năm cuối thập niên 1990 và đầu thập niên 2000, bố có dịp cùng đi hoặc tổ chức đưa các phái đoàn cấp lãnh đạo nhà nước thăm và làm việc ở các nước trong khu vực. Có lần đến Hong Kong cùng một số vị bên Bộ Lao Động và Bộ Kế Hoạch Đầu Tư, bố cố tình sắp xếp để sáng Chủ Nhật, ngày cuối của chuyến đi, đưa họ đi ăn sáng; để đến nhà hàng, mọi người phải đi bộ qua hai công viên nhỏ từ khách sạn.

Khi đi ngang qua hai công viên này, phái đoàn thấy lạ vì sao có quá nhiều phụ nữ da ngâm đen, như họ đến từ Việt Namhay Philippines, đang tụ tập tại đó với nhau. Phái đoàn dừng lại chụp hình với những người này, hỏi ra thì quả là họ đến từ Philippines để làm người ở đợ (còn gọi một cách nhẹ nhàng là người giúp việc nhà) cho các gia đình tại Hong Kong.

Trong khi ăn sáng, bố kể cho phái đoàn biết hoàn cảnh của những người đi làm người giúp việc nhà này, bố cho biết họ may mắn hơn những phụ nữ Việt Nam đi làm người ở đợ tại các nước khác, vì Hong Kong, qua gần một thế kỷ dưới sự quản lý của Anh Quốc, đã xây dựng được hệ thống theo dõi và quản lý những người giúp việc tại Hong Kong; tất nhiên vẫn xảy ra một số vụ hành hạ và xâm phạm tình dục, nhưng ít hơn rất nhiều so với các nước khác như Hàn Quốc hay Đài Loan. Bố còn cho họ biết, qua nghiên cứu của Hiệp Hội Bảo Vệ Phụ Nữ Thế Giới, thì hầu hết những phụ nữ này sẽ không thể tìm được một gia đình hạnh phúc nếu họ đi ra khỏi nước và trở về khi còn trẻ, và gia đình sẽ đổ vỡ chia ly, hoặc không thể lập gia đình nếu họ đi và về khi ở tuổi trên 30.

Sau đó bố hỏi họ một loạt câu hỏi như “Tại sao chúng ta xuất khẩu những người đi ở đợ mà báo chí ca ngợi các kỷ lục xuất khẩu lao động?, “Quý vị có sẵn sàng đưa chị em gái hay con gái của mình đi làm người giúp việc nhà tại Đài Loan không”, “Nhà nước và quý vị có thấy việc xuất khẩu phụ nữ Việt Nam đi ở đợ là một sự hổ thẹn của đất nước không?” v.v… mọi người đều tỏ ra rất buồn; vài người thì giận dữ với bố vì cho rằng bố không biết gì về hoàn cảnh đất nước và đã xúc phạm họ! Tất nhiên, bữa ăn sáng không còn vui, rồi mọi người ra về trong im lặng.

Mười mấy năm qua, số người đi xuất khẩu lao động theo diện này vẫn cứ tiếp tục, mặc dù những bài báo nói về chuyện này đã giảm, nhưng vẫn chưa có một kế hoạch gì để bảo vệ cho họ; mặc dù như vậy, bố vẫn hằng mong nhà nước sớm xây dựng được các kế hoạch đào tạo và tìm công việc làm cho họ tại chính đất nước Việt Nam mình.

Cho đến nay bố vẫn cứ lo lắng, băn khoăn, thỉnh thoảng mất ngủ về những số phận này! Bố tin chắc trong mấy trăm ngàn người đang đi ở đợ, hay lao động chân tay cấp thấp nhất, ở nước ngoài, phải có những người bà con của bố và của các con trong số này!

Với bố, đây là một trong vô vàn điều trắc ẩn cần phải có trong mỗi công dân Việt Nam, từ cấp lãnh đạo cao nhất xuống tới ngay những người có số phận đen tối này! Các con có lòng trắc ẩn cho những số phận này hay những số phận khác còn đáng thương hơn nữa đang sống ngay tại đất nước mình không? Có đủ lòng trắc ẩn để chuyển nó thành năng lực để nhắc nhở, thúc đẩy các con phát triển và dấn thân mỗi ngày không? Các con phải luôn nhắc nhở bản thân mình nhé!

MỘT CÂU CHUYỆN VỀ SỰ HỔ THẸN

Tại các thành phố lớn trên khắp nước, giờ đây, nơi nào cũng nhiều nhà lầu, nhiều chung cư trung bình hay cao cấp; hầu hết các công chức nhà nước từ cấp trưởng phòng trở lên, nhất là các cấp phó giám đốc sở trở lên, đều có nhà riêng, cho con đi du học nước ngoài, có vài cái nhà hay miếng đất thêm để làm của cho con. Trên đường phố thì đầy xe hơi các loại, trong đó có khá nhiều xe vô cùng đắt tiền, nhất là ở Hà Nội, Sài Gòn, và vài thành phố lớn khác. Có luôn cả những chiếc xe mà chính các bạn nước ngoài của bố phải ngạc nhiên là người Việt Nam mình làm sao mua nổi, vì ngay cả chính họ, những doanh nhân triệu phú USD, cũng chưa dám nghĩ tới!

Mỗi ngày chi tiêu của rất nhiều “thiếu gia”, “trung gia” hay “đại gia” thường lên đến vài chục triệu đồng, nhưng hình như họ không phải làm gì vất vả hay nặng nhọc hết!

Quả thật đời sống của người dân nói chung ở chừng mức nào đó rất phát triển, nhất là so với thập niên 1980s hay đầu thập niên 1990s. Còn đời sống của các vị lãnh đạo cấp quốc gia thì khỏi phải bàn! Bố đã gặp nhiều trường hợp kinh lắm. Cái cách họ cho con đi học, cách mua sắm nhà cửa, xe hơi để phục vụ cho các con của họ ở nước ngoài, thì các gia đình trung lưu, và ngay cả thượng lưu từ các nước khác cũng gửi con đi du học cùng trường không thể nào sánh nổi!

Mặt khác, nhìn chung xã hội Việt Nam mình thì những người nghèo lại còn quá nhiều! Sự cách biệt giữa những gia đình giàu có, chức quyền và đại đa số người dân còn lại càng ngày càng xa! Chỉ cần một trong những chiếc xe hơi của một gia đình giàu có là dư sức để cho cả một đại gia đình nghèo đang sống trong cùng thành phố có thể có nhà ở và con cái được đi học cả đời! Các con có bao giờ thắc mắc về điều này không? Các con có nhìn thấy sự vô tâm hay vô tình và bất bình đẳng của tầng lớp cao, tầng lớp lãnh đạo, đối với đa số nhân dân không?

Điều làm cho bố hổ thẹn nhất, phẫn nộ nhất, đó là chuyện xảy ra cách đây vài ngày!

Khi có những dấu hiệu thế giới sẽ đưa Việt Nam mình ra khỏi danh sách các nước nghèo, thì ngay lập tức lãnh đạo nhà nước, ông Thủ tướng, đã phát biểu, giải thích với thế giới rằng “Việt Nam vẫn còn là nước nghèo”,[*] nhằm để thế giới tiếp tục giữ nước mình trong danh sách các nước nghèo.

Lý do là vì họ muốn vẫn tiếp tục được NHẬN VIỆN TRỢ!!!!!!!

Hình như họ cho rằng Việt Nam mình làm ăn mày thế giới là chuyện tốt chăng? Trời ạ, hay còn tệ hơn nữa, có khi họ cho việc cố gắng thuyết phục thế giới để Việt Nam mình nằm trong danh sách các nước ăn mày là một công lao lớn của họ đối với đất nước?

Các con hãy cùng bố thử đánh giá đất nước mình vào thời điểm 2011 này nhé:

Việt Nam đã thống nhất hơn 36 năm, không còn phân tranh, chia rẽ, nội chiến hay bị xâm lược nữa nhé, ngoại trừ một cuộc chiến nhỏ ngắn ngày với Trung Quốc (cái đất nước láng giềng mà ngày nay người ta còn gọi một cách giễu cợt, để cười ra nước mắt, là Nước Lạ) vào năm 1979, nhưng cuộc chiến đó cũng đã 32 năm rồi. Như thế không thể lấy mãi lý do vì chiến tranh mà nước mình nghèo đói, phải không nào?

Việt Nam hiện là một trong vài nước xuất khẩu nông thuỷ sản dẫn đầu thế giới. Việt Nam còn có các nguồn tài nguyên quan trọng khác đang được khai thác. Như vậy, trên nguyên tắc Việt Nam không thể đói và nghèo được!

Ai cũng biết chúng ta có rất nhiều người tài giỏi trong gần 90 triệu người Việt ở trong nước và ở nước ngoài, từ chiến lược gia cho EU, các khoa học gia trong gần như mọi lĩnh vực làm việc tại các trung tâm khoa học thế giới, các nhà quản trị, kinh tế, giáo sư đại học, bác sĩ, luật sư… v.v…, nhiều vô số kể. Như vậy, trên nguyên tắc, không thể bảo Việt Nam không có nguồn nhân lực nòng cốt để tiếp tục nằm trong tình trạng lạc hậu và quản lý quốc gia yếu kém nữa.

Như vậy tại sao Việt Nam mình vẫn còn lạc hậu, vẫn còn có thể — theo lời ông Thủ tướng — được chứng minh là nghèo đói?
Vì tham nhũng chăng?
ĐÚNG!

Nguồn: Wegreen 




Trần Thị Nga cùng con trai ở trại Lộc Hà 



TL: Sau đây là bài của chị Trần Thị Nga viết từ năm 2012 về tình trạng người xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Nga đã bị gây rất nhiều khó khăn, trắc trở khi ra tay cứu giúp đồng bào cùng cảnh ngộ. Một bài minh họa thêm sắc nét bài của TG Hoàng Ngọc Diệp...



Phản bác lại bài viết của Kim Ngọc với tựa đề “Lợi dụng trợ giúp nhân đạo để kích động” – Báo QĐND (thứ 3 ngày 03/04/2012)


Thưa bạn Kim Ngọc, tôi vẫn biết Xuất Khẩu lao động là chủ trương lớn của đảng và nhà nước Việt Nam, và tôi còn biết đi kèm với chủ trương đó là việc Đảng nhân danh Nhà Nước tiếp tay bao che cho các Cty môi giới lừa tiền, bóc lột tiền lương và sức lao động của người lao động, bỏ rơi người lao động khi họ gặp hoạn nạn. Tôi sẽ kể cho bạn nghe những bằng chứng mà nhân chứng và vật chứng hiện đang có mặt tại VN.

1. Bản thân tôi là nạn nhân của chủ trương xuất khẩu lao động, và tôi chính là nạn nhân đã bị Đảng và nhà nước VN bỏ rơi khi tôi gặp nạn. Lúc đó Cảnh sát, Đại Biểu Quốc Hội và Bộ lao động Đài Loan đã trực tiếp liên hệ và gửi công văn yêu cầu Văn phòng đại diện VN tại ĐL đứng ra cùng chính phủ ĐL giúp đỡ giải quyết vấn nạn của tôi theo những điều khoản mà hai nước đã ký kết với nhau, nhưng tuyệt nhiên chính phủ VN không hề có động thái gì.

2. Tôi cũng dám khẳng định với bạn một điều là khi Xuất khẩu lao động là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhưng Đảng và Nhà nước lại không có chủ trương lớn để giúp người gặp nạn thì chủ trương đó trở thành chủ trương gì???? Phải chăng đấy là chủ trương đem con bỏ chợ chỉ cần tiền thuế của người lao động?????.

Bạn hãy hỏi tất cả các nạn nhân và nhân viên của Đảng và nhà nước xem khi những nạn nhân kêu cứu nhờ sự giúp đỡ của Đảng và nhà nước họ đã nhận được gì? Có khi nào nhân viên của Đảng và nhà nước dùng tâm tình và trách nhiệm của họ cứu giúp người gặp nạn trong đêm không?

Còn bản thân tôi đã từng nhiều lần nửa đêm một thân một mình với đôi chân khập khiễng (vì mới bị tai nạn) đến sào huyệt của Cty môi giới cứu giúp người lao động đang bị giam cầm. Có một vụ đặc biệt mà suốt đời tôi và người nạn nhân đó sẽ không thể quên được.

Đó là một đêm khi chuẩn bị đi ngủ tôi nhận được điện thoại của một lao động nói là anh đã bị môi giới nhốt trong phòng kín 3 ngày rồi, điện thoại bị thu giữ nhưng may mắn là trong hành lý của anh có chiếc điện thoại của người bạn gửi cất hộ lên anh đã dùng để gọi cầu cứu cục lao động 02 ngày nay mà vẫn chưa được giải cứu. Vì không biết địa chỉ tôi lần theo sự mô tả của anh mà tìm đến. Tới nơi tôi đã phải giả dạng cô gái lẳng lơ để tiếp cận hỏi thăm người bảo vệ, thì người này cho biết ở trong phòng có tấm biển Cách Ly bên trong kín mít, hôi thối, bị khoá cửa ngoài kia là một thanh niên VN đang bị nhốt, tôi hỏi anh ta có được đi ra ngoài không? Người bảo vệ nói ko. Môi giới giao cho anh ta canh giữ việc sống chết của người thanh niên đó thế nào không liên quan tới anh ta.

Thấy sự việc hết sức nghiêm trọng tôi đã giúp anh gọi điện báo cảnh sát đến giải cứu. Vài phút sau cảnh sát đến, môi giới ra nói những điều không đúng sự thật về tôi và anh, còn ngôn ngữ của tôi và anh có hạn  lên tôi và anh đã bị cảnh sát bắt vào đồn. Tại đồn cảnh sát tôi đã phải đấu tranh với Môi giới rất nhiều thì cảnh sát mới hiểu ra sự việc rằng tôi là người đến giúp giải cứu anh. Cảnh sát đã làm thủ tục điều tra và đưa hồ sơ lên toà án. Vài tháng sau vụ án của anh đã được xét sử và anh là người thắng kiện.

3. Còn Văn phòng đại diện VN tại ĐL  đã làm gì khi nhận Giấy Uỷ quyền của nạn nhân Nguyễn Thị Vân rồi để đấy mặc nạn nhân dòng rã  chờ đợi xuốt 05 năm với kết quả nhận được vẫn là O vì họ không làm gì.

 4. Cty môi giới AIC và Văn phòng đại diện VN tại ĐL đã làm gì với giấy uỷ quyền của nạn nhân Dương Văn Việt bị tai nạn chẩy máu lão để rồi nạn nhân đã bị mất toàn bộ các khoản tiền bảo hiểm vì MG và VP đại diện VN không giúp để quá thời hạn.

5. Chính phủ và Môi giới nói gì trong vụ chị Nguyễn thị Huấn quê Bắc Giang đi qua Cty môi giới là Đài Tiếng Nói Việt Namvới mức phí là 5.700USD. Làm việc tại Viện dưỡng lão 06 tháng tổng tiền lương chị nhận được là 600USD với thời gian làm việc là 24/24 tiếng 1 ngày, lúc ăn, ngủ cũng phải trông bệnh nhân. Không được bước chân ra khỏi cửa viện dưỡng lão, không được điện thoại, không được gặp gỡ người bên ngoài. Trước khi sang ĐL chị có mang theo điện thoại, nhờ được người thân của một bệnh nhân mua cho cái thẻ điện thoại chị điện cho cục lao động nhờ giúp đỡ thì bị chủ thuê phát hiện, đánh đập, cướp điện thoại. Vì bỏ chạy theo phản xạ của con người khi bị bách hại chị đã chạy lên sân thượng của tầng 07. Môi giới và chủ thuê gọi cảnh sát đến giải cứu. Chỉ khi người của Cục lao động đến chị Huấn mới tin tưởng để vào làm việc. Sau đó Môi giới và chủ thuê đã đưa chị đến nhà thương điên nói là chị bị điên, bệnh viện kết luận chị không điên mà chị bị áp bức lên mới thế.
Chủ thuê, môi giới, cục lao động, nhân viên xã hội của bệnh viện cùng chị làm việc  thoả thuận, chị về VN Cty môi giới Việt Nam là Đài Tiếng Nói Việt Nam sẽ trả lại chị 4.300USD với giấy tờ ký kết đóng dấu đoàng hoàng. Khi về VN tôi và chị đã phải nhiều lần đến Đài tiếng nói Việt Nam và gửi đơn đến Cục quản lý lao động ngoài nước xin giúp đỡ để thanh lý hợp đồng lấy lại tiền theo thoả thuận thì ĐTNVN đã đòi chừ hết khoản này khoản nọ và chỉ trả lại chị 500USD.

Không chấp nhận sự bất công trắng trợn như thế cuối cùng tôi đã nói “nếu ở Việt Nam không giải quyết được việc này thì tôi sẽ nhờ chính phủ Đài Loan can thiệp, vì ĐL là đất nước pháp trị họ sẽ bảo vệ quyền lợi của người bị hại” và đứng lên đi về. Nghe thấy thế giám đốc CT môi giới đã mời chúng tôi ngồi lại và lập tức trả tiền theo thoả thuận.

Trên đây tôi chỉ đưa ra cho bạn Kim Ngọc một số vụ việc để bạn và quý độc giả tham khảo về Chủ trương xuất khẩu lao động của Đảng và nhà nước ra sao? Khi hoạn nạn người lao động gọi điện đến đường dây nóng của Đảng và nhà nước có được trả lời và giúp đỡ không??? Bạn hãy thử gọi đi, hãy hỏi các nạn nhân đi rồi hãy viết bài.

Bạn lên nhớ người lao động cũng là con người họ không phải con vật hoặc đồ vật để mà xuất khẩu rồi bị bóc lột, bị bỏ rơi khi hoạn nạn.

Việc giúp người hoạn nạn bởi lòng nhân đạo của cá nhân hoặc tổ chức mà họ không  hưởng những đồng lương từ tiền thuế của nhân dân, của người lao động như nhân viên của Đảng của Nhà Nước thì Đảng và nhà nước phải mang ơn họ chứ tại sao lại chụp mũ họ là phản động.

FB: Trần thị Nga

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: