Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

Không khí chính trị căng thẳng, xe tăng vũ khi đang đổ về Phnom Penh

Campuchia thắt chặt an ninh 

Chưa rõ nguồn gốc số vũ khí đang tiến về Phnom Penh, chỉ biết nhà tài trợ vũ khí lớn nhất cho Campuchia là Trung Quốc
Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh xác nhận số xe tăng và máy phóng rốc két rời khỏi cảng Sihanoukville chiều 15-8 đang tiến về Phnom Penh để bảo vệ đất nước nếu có ai đó "cố ý phá hoại".
 
Tờ Cambodia Daily dẫn lời các nhân chứng ở tỉnh Preah Sihanouk cho biết họ thấy hơn 20 xe quân sự hạng nặng được chở từ cảng Sihanoukville ra Quốc lộ 4 vào khoảng 16 giờ ngày 15-8. Một thanh niên 28 tuổi giấu tên nói anh nhìn thấy 10 máy phóng rốc két BM-21 - vốn do Liên Xô sản xuất đầu tiên nhưng sau này Trung Quốc cũng chế tạo - và 16 xe tăng 6 trục.
 

Xe tăng được chở từ cảng Sihanoukville về Phnom Penh ngày 15-8 Ảnh: CAMBODIA DAILY
Khi được hỏi về số xe thiết giáp này, ông Tea Banh nói: "Các bạn không cần phải thắc mắc, chúng không được dùng để cày ruộng. Chúng sẽ được dùng để tăng cường năng lực quốc phòng cũng như năng lực của lực lượng vũ trang chứ không đe dọa ai". Ông Tea Banh từ chối tiết lộ các vũ khí này được mua khi nào và nguồn gốc từ đâu.
Một nguồn tin từ cảng Sihanoukville tiết lộ với tờ Phnom Penh Post rằng hơn 80 xe tăng, xe bọc thép và khoảng 100 container chứa đạn, đạn súng cối cập cảng sáng 14-8 từ một nước Đông Âu. Vào tháng 10 năm ngoái, truyền thông địa phương từng tiết lộ Campuchia tiếp nhận khoảng 100 xe tăng và 40 xe bọc thép từ Ukraine, một trong những chuyến hàng lớn nhất từ trước đến nay.

Ông Lou Kim Chhun, Tổng Giám đốc cảng Sihanoukville, xác nhận hàng cập cảng nhưng từ chối tiết lộ sâu hơn. "Đó là tài sản của Bộ Quốc phòng, bạn nên đến đó hỏi" - ông nói.
Dù chưa rõ nguồn gốc số vũ khí nhưng tờ Cambodia Daily viết nhà tài trợ vũ khí lớn nhất cho Campuchia là Trung Quốc. Mới 2 tuần trước, 1.000 khẩu súng ngắn và 50.000 băng đạn từ Trung Quốc đã đến tay cảnh sát Campuchia. Dù vậy, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Phnom Penh, ông Cheng Hong Bo, nói không biết gì về chuyến hàng sáng 14-8.
Trong khi đó, lãnh đạo Đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) đối lập Sam Rainsy đã về nước ngày 16-8 sau 1 tuần ở Mỹ dự đám cưới con gái. Phát biểu tại sân bay Phnom Penh, ông Sam Rainsy bày tỏ hy vọng Thủ tướng Hun Sen sẽ cho thành lập một ủy ban độc lập để điều tra về các cáo buộc vi phạm quy định bầu cử. Trước đó, ngày 15-8, Mỹ lên tiếng kêu gọi các đảng phái tại Campuchia ngồi vào bàn thương thảo để chấm dứt khủng hoảng chính trị hiện nay và bảo đảm quyền lợi cho người dân. Theo kết quả sơ bộ chính thức, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) giành chiến thắng với 68 ghế quốc hội so với 55 ghế của CNRP.
Trong một diễn biến khác, các xí nghiệp may ở Phnom Penh đang bị ảnh hưởng nặng do công nhân lo sợ bất ổn đã bỏ về quê nhà. Đây là nhận định của ông Ken Loo, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Campuchia.
Campuchia dừng hợp tác quân sự với Úc
Campuchia đã hoãn 2 chương trình hợp tác quân sự với Úc, gồm hội thảo về an ninh hàng hải và hoạt động huấn luyện chống khủng bố - theo thông báo ngày 15-8 của ông Dave Gordge, Thư ký thứ nhất Đại sứ quán Úc tại Campuchia.
Vào tháng 10-2012, Thượng viện Úc từng bàn thảo nghị quyết kêu gọi Campuchia tổ chức cuộc bầu cử năm 2013 một cách tự do và công bằng.


Lãnh tụ đối lập Kampuchea về nước trong không khí chính trị căng thẳng

Ông Sam Rainsy nói chuyện với các nhà báo bên ngoài cổng phi trường, 16/8/13
 
Lãnh tụ phe đối lập ở Kampuchea đã trở về nước vào một thời điểm mà đảng của ông đang tranh chấp về thất bại trong cuộc bầu cử tháng trước. Thông tín viên VOA Robert Carmichael tường thuật từ Phnom Penh rằng ông Sam Rainsy đến Phnom Penh ngày hôm nay sau một chuyến thăm ngắn ở Hoa Kỳ và nói rằng các cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử là một “phương án cuối cùng.”

Hàng trăm người đã tham dự cuộc tiếp đón ông Sam Rainsy hôm nay khi ông trở về một đất nước mà dân chúng vẫn sợ hãi rằng căng thẳng sau bầu cử sẽ bùng nổ thành bạo động.

Cả phe đối lập lẫn đảng Nhân dân Kampuchea đương quyền đều nhất mực cho rằng mình đã thắng đa số ghế tại quốc hội 123 thành viên trong cuộc bỏ phiếu ngày 28 tháng 7.

Trong mấy ngày vừa qua, đảng cầm quyền đã ra lệnh cho binh sĩ và xe thiết giáp đến thủ đô, rõ ràng là để duy trì trật tự trong trường hợp xảy ra các cuộc biểu tình đối lập.

Sự kiện này trùng hợp với việc các cuộc đàm phán tan vỡ giữa hai bên về thành phần của một ủy ban điều tra độc lập để xem xét những trường hợp gian lận bầu cử tràn lan.

Bên ngoài phi trường, giữa một đám đông giới truyền thông và các ủng hộ viên của phe đối lập, người lãnh đạo đảng Cứu nguy Dân tộc Kampuchea CNRP nhấn mạnh rằng một cuộc điều tra công bằng phải được xúc tiến. Ông Sam Rainsy nói:

“Toàn thể thế giới biết rằng đảng CNRP đã thắng cử và toàn thể thế giới sẽ giúp CNRP phơi bầy sự thật - sự thật là đảng CNRP đã thắng trong cuộc bầu cử.”

Kết quả sơ bộ của ủy ban bầu cử cho thấy đảng Nhân dân Kampuchea cầm quyền sẽ chiếm 68 trong số 123 ghế, so với 55 ghế dành cho đảng của ông Rainsy.

Phe đối lập bác bỏ các số liệu của Uỷ ban Bầu cử Toàn quốc và nói rằng đã thắng đa số dứt khoát là 63 ghế. Phe này chưa cung cấp được bằng chứng cho kết quả này. Mặc dù đảng cầm quyền thoạt đầu nói là ủng hộ một cuộc điều tra độc lập về việc bỏ phiếu, nhưng sau đó lại thờ ơ với ý định đó, làm lu mờ triển vọng của một cuộc điều tra.

Tuy nhiên, ông Rainsy nói ông tin rằng Thủ tướng Hun Sen sẽ đồng ý. Ông nói:

“Chắc chắn ông ấy sẽ đồng ý. Bởi vì không ai thừa nhận bất kỳ chính phủ nào phát xuất từ các cuộc bầu cử giả dối.”

Hoa Kỳ đã kêu gọi các chính đảng thuơng nghị các bất đồng một cách êm thắm, thay vì viện tới những lời đe dọa hay bất ổn dân sự.

Hôm nay, truyền thông địa phương loan tin hàng chục xe tăng và xe thiết giáp đã được gửi từ Đông Âu qua Phnom Penh.

Bộ trưởng Quốc phòng Tea Banh nói với nhật báo Cambodia Daily rằng số vũ khí này “sẽ không được sử dụng để cầy các ruộng lúa”mà là để bảo vệ đất nước trước bất kỳ ai tìm cách phá hoại.

Những người chỉ trích Thủ tướng Hun Sen nói việc biểu dương lực lượng quân sự ngoài đường phố nhắm mục đích làm nản chí những người biểu tình.

Điều đó dường như có tác dụng. Nhiều người Kampuchea lo lắng về khả năng có thể xảy ra bạo động trong những ngày và những tuần lễ sắp tới, và hàng ngàn công nhân ngành dệt may đã lên đường về quê để tránh mọi rắc rối, gây thiệt hại cho công nghiệp xuất khẩu lớn nhất của Kampuchea.

Chuyên gia phân tích độc lập Lao Mong Hay nói mặc dầu ít người nghi ngờ chuyện điều quân là một thông điệp gửi cho phe đối lập, có nhiều phần chắc việc ấy còn nhắm vào giới chỉ trích thủ tướng ở ngay trong đảng của ông. Ông nhận định:

“Dựa vào những phát biểu của các nhà lãnh đạo khác nhau trong đảng cầm quyền, họ đã không nhất quán với nhau. Vì thế rõ ràng sự kiện này phản ánh một sự thiếu đoàn kết bên trong ban lãnh đạo đảng.”

Trong khi đó, ông Sam Rainsy nhấn mạnh rằng đảng CNRP không sợ hãi, và sẵn sàng tổ chức các cuộc biểu tình ôn hòa nếu cuộc điều tra về những trường hợp bỏ phiếu bất hợp lệ không được xúc tiến.

Trao đổi với phóng viên VOA Robert Carmichael, ông Rainsy nói đảng của ông phải sẵn sàng và ông xác nhận các cuộc biểu tình sẽ là phương án cuối cùng.

Ông Rainsy nói ông sẽ dành những ngày sắp tới để đi lại khắp Kampuchea gặp gỡ những người ủng hộ đảng của ông.   

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: