Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

Trích TT:

...
Thầy Sản người cao gầy, tóc một mái, lông mày rậm, mắt sâu, khuôn mặt xương xương, vẻ cương nghị. Nom bề ngoài có vẻ nghiêm, khó gần. Kỳ thực thầy vui tính. Nhất là khi cười để lộ chiếc răng khềnh. Cây sáo trúc lúc nào thầy cũng mang theo chỗ thắt lưng, đựng trong túi vải dù nhỏ có dây thắt.
Đó là năm chị Nhiên tôi chưa lấy chồng.
Chủ nhật nào thầy cũng đến nhà chúng tôi rất sớm. Bá tôi căn ngăn thế nào cũng không được, thầy nhất mực đi cùng chúng tôi vào rừng. Có hôm phát cỏ làm nương bắp, có hôm lấy củi.
Người mảnh khảnh như vậy, nhưng thầy dai sức. Có hôm làm một lèo đến tận trưa không nghỉ giải lao. Ba chị em tôi thì áo đẫm mồ hôi, tóc bết cả trên trán, thở không ra hơi, người thầy chỉ hơi loáng thoáng mồ hôi, vẫn nói cười như không.
Trong lúc chúng tôi ngồi thừ ra vì mệt, thầy xuống suối, khỏa nước lên mặt, rửa chân tay rồi trèo lên một tảng đá cao dưới bóng cây gần đó.
Buổi trưa trong rừng bỗng vút lên tiếng sáo trúc véo von trầm bổng. Âm thanh diệu vợi ấy chan hòa trong tiếng suối reo, tiếng chim hót, rộn lên một khung cảnh kỳ thú, lạ lùng. Cảnh vật quen thuộc như đổi thay, mờ ảo lung linh. Nỗi mệt nhọc tan biến đi khi nào không hay.
Đúng là âm nhạc, dù là âm nhạc đơn sơ cũng có sức mạnh vô hình thay đổi cuộc sống con người. Nó là thứ năng lượng kỳ lạ xâm nhập vào tâm trí người ta với vô vàn cung bậc, cách thức khác nhau.
Chúng tôi ra khỏi rừng, vẫn như nghe văng vẳng tiếng sáo du dương tràn lên làn đá, vọng xuống vực sâu.
Thầy không cùng chúng tôi về nhà bà bá, đi thẳng về trường. Thầy nói ở trường các thầy các cô đang đợi cơm. Nhưng chúng tôi biết thầy giữ ý, ngại không muốn đến nhà bá tôi. Ông bác dượng vốn thật thà, hơi ngang tính hay hỏi những câu khó trả lời. Tỉ dụ như thầy quê ở Thái Bình, bác tôi biết, nhưng vẫn hỏi:
- “Thái bình có cái cầu Bo, có nhà máy cháo, có lò đúc muôi”, thầy ở đấy có gần nhà máy ấy không?
Thầy đỏ chín cả mặt, vẫn ôn tồn:
- Đấy là câu nhại thôi bác ạ!
Bác dượng tôi khoái ra mặt, chả để ý đến vẻ không bằng lòng của thầy hỏi tiếp:
- Còn câu “ Hoài đời mà lấy học trò, dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm” là ca dao tục ngữ hay là câu thơ?
Bá tôi áy náy vội bảo:
- Anh giáo đừng để bụng ông nhà tôi. Nghĩ sao nói vậy chứ không có ý gì!
Thầy Sản vẫn vui vẻ:
- Vâng cháu biết, bác ấy vui tính nói vậy, không sao đâu mà!
Khi thày về, bá tôi nói ra mới biết. Trước khi lấy bá tôi, ông đã từng yêu một người. Bà này bấy giờ đẹp có tiếng trong vùng. Hai người chuẩn bị làm đám cưới thì có một ông giáo về dạy học ở làng. Ông này trắng trẻo, đẹp trai lại văn hay chữ tốt. Bà kia ngãng ông bác tôi ra vì phải lòng ông giáo.
Từ đấy bác tôi hận, không ưa bất cứ ông giáo nào. Câu chuyện tiếu lâm về một ông thầy đồ liếm đĩa ông thường hay mang ra kể.
Có những chuyện chả liên quan gì với nhau, khi người ta định kiến lại mang ghép vào những ác ý, khó chịu.
Thầy Sản của tôi, đâu có mối liên hệ nào với kẻ tình địch của bác ấy?
Nhưng cái chính của việc bác tôi gây ác cảm với thầy giáo Sản mãi sau này bác tôi mới nói ra.
Ấy là vì thương chị Nhiên tôi. Ông muốn chị tôi sau này không phải khổ. Tìm nơi có cha có mẹ, có nghề nghiệp đảm bảo cuộc sống để mà gửi thân.
Ông giáo vừa mồ côi cha mẹ, lại chả hay nghề nào ngoài nghề dạy học. Mà nghề dạy học lúc bấy giờ lương bổng nào có ra gì?
Chính phủ kháng chiến chỉ đảm bảo cơm ăn, áo mặc tùng tiệm chứ nào nghề thầy đã có lương?
Cho mãi đến sau này, khi tôi đã trở thành “người giáo viên nhân dân”, đồng lương vẫn chỉ như có nghĩa tượng trưng, đâu đáng kể?
Bác tôi còn nói: “ Phàm người chữ nghĩa, thời nào cũng hay vạ vịt, khổ lụy vào thân. Người ta ít khi suôn sẻ khi gánh chữ trên vai. Chữ nghĩa bề bề, không bằng nghề trong tay”.
Bác tôi muốn chị Nhiên tôi lấy anh Hàm con ông lang Trọng ngoài phố. Bác bảo như thế mới môn đăng hậu đối. Lại cùng nghề thuốc gia truyền, hai bên thông gia dễ nói chuyện với nhau. “Thời thế nào nghề thuốc cũng cần, nên dễ sống mà lại ít kẻ thù”!
Lúc bấy giờ tôi chưa nhận ra sự mâu thuẫn trong câu nói của bác. Phàm đã làm nghề thuốc cũng phải là người có chữ nghĩa. Vô học, ít chữ làm sao chữa được bệnh, cắt được thuốc cho người?
Không phải ngẫu nhiên mà bố tôi luôn nhắc nhở anh em tôi chú trọng việc học. Coi sự học có ý nghĩa hơn thảy mọi sự trên đời.
Chị Nhiên tôi vốn hiền thục, nghe lời người trên. Chị lẩn tránh sự săn sóc của thầy, tìm cách lánh mặt mỗi khi thầy xuất hiện.
Nhà ông lang Trọng sau đấy dinh tê về Hà Nội, chị tôi lấy anh Bình. Cái anh lái đò cho chúng tôi qua sông hôm đi hái củi. Éo le là sau đấy anh lại về dạy bổ túc văn hóa ở gần nhà bác bá tôi. Dạy người lớn hay dạy trẻ con thì cũng là thày giáo, đâu có gì hơn?

Thầy Sản không yêu được chị tôi, không vì lẽ đó mà ghét bỏ, thầy vẫn rất quý cậu học trò là tôi.
Suốt những năm học cấp hai, nếu không được thầy chỉ dẫn, bảo ban tường tận chắc gì tôi không có học hành kết quả? Chắc gì thành học sinh giỏi của trường?
Sau này thầy chuyển sang làm việc khác do kháng chiến yêu cầu, rồi làm phó chủ tịch tỉnh, bá tôi cứ ngậm ngùi tiếc mãi..
Đáng ra đã có người làm chức vụ cao trong gia đình, biết đâu sự kiện u khuất của bố tôi sau này đã không xảy ra?

Nhưng đó là chuyện chưa xảy ra bây giờ, còn là chuyện của ít năm sau..


( Còn nữa..)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: