Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

Lại thơ tý nhóe!



BÙI VĂN KHA
Nhà thơ Lê Huy Quang
Nhà thơ Lê Huy Quang
Tôi đọc “Phải Khác” trong một chiều có mưa. Phân vân. Đa lẽ. Say mà không buồn, nhưng dịu dàng lãng mạn. Đó là anh Lê Huy Quang.
Tên tập thơ chỉ có vị và bổ đề ẩn chủ từ – thế là khác.
Mà Khác là cốt yếu của Dịch – Dị. Phải là đẩy đến Tượng – Hình. Sự kết hợp của họa và thơ theo sợi chỉ luận và cảm đưa cho ta một cách nhìn Lê Huy Quang sâu sắc biểu hiện  đan quện với tột cùng thăng hoa văn hóa câu chữ làm nên một lối Văn đẹp – Phải Khác chính là một phát ngôn tư tưởng.
“Nghe tiếng mở mùa xuân1984/ Lật bàn tay mình. Soi lại mặt mình. Ơ hay. Bạn và bè. Chìm đi, tan ra/ Thơ. Nghĩ gần hai mươi năm đã viết. Không in ấn. Không xuất bản. Nào cần được cái gì. Nhớ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. suốt một đời nợ nần. Thơ đè nặng hai vai/ Song le. Ta vẫn đi. Đi hoài cô đơn và không tưởng. Không kỳ vọng. Không hoài vọng. Nhưng cũng không vô vọng./ Cha ơi. Mười một năm cha đi vào cõi vĩnh hằng. Đã sang cát, đã thay nhiều mùa cỏ héo. Nén tâm hương thắp viếng hồn cha hư ảo. Mẹ ơi. Bảy mươi sáu rồi. Bao giờ đời mẹ mới có được niềm vui? Mở Giáp Tý 1984. Con vẫn chờ. Và tin rằng hết ba mươi sẽ phải là mồng một. Phải khác đi.” – (Giáp Tý 1984).
Sau Nguyễn Đình Thi hơn 30 năm ta lại gặp một trình thơ văn xuôi giản dị, súc tích, dẫn dắt, suy tư và hình ảnh hay đến như vậy – gọn những riêng mình mà tản bao thân hữu!
Mấy năm sau anh có một bài Phải Khác, tôi cũng xin dẫn ra đây: “I. Nghe như gió chuyển mùa/ Giọng nói bạn bè đã pha màu đố kỵ/ Bay đi một cọng lá vàng/ II. Tất cả mọi người đều tiến lên hối hả/ Riêng ai lùi lại một mình/ Tất cả mọi người đều reo lên hỉ xả/ Riêng ai ngơ ngác lặng câm/ tất cả mọi người đều vỗ tay như sấm/ ai như vô hình bay lên/ III. Cuộc đời. Ai nhớ. Ai quên?/ Nhưng mà Phải khác. Mới nên chữ Người.”. Làm năm 2007- 2008, sau Đổi mới hơn 20 năm. Giọng thơ bộc trực, ý nghĩa so sánh, cũng là một bài khá hay, nhưng dụng công quá thành ra tình không thoát hết. Thì ra khi anh định tuyên ngôn thì nàng thơ lãng đãng. Khi anh tự sự đồng cảm ánh trăng cứ bay vào. Bài thơ chỉ ra cái nghịch lý ồn ào không cho cảm thương chỗ đứng – mà đúng vậy thay.
Lê Huy Quang có cách nói lạ về sự chở che và trông đợi của người mẹ: “đầu gió cửa/ khi chiều sém hoàng hôn mẹ chợ muộn về/lẫn trong màu tím của đường ngói đầu tiên/ rồi cây/ màu cây con trai mẹ đựng vào trong mắt/ những mắt cây vào đêm” – (Những bài hát ru là mẹ). “Mẹ ơi, càng đi xa càng sấp mặt quay lưng/ tìm bốn hướng con chắp tay về hướng mẹ/ Vẫn biết sinh ra trên đời là vô lý/ thân nỗi này mẹ phải đa mang” – (Bài thơ thị xã). “Em ơi em sau những ngày không nghỉ/ Anh mong về trong ngón ngón mưa em” cũng ở bài này. Tấm lòng người mẹ và hình em trong mát – trong thơ Lê Huy Quang bao giờ đặt câu cũng có vẻ ngược nhưng lại rất ấn tượng. “Không nhớ nữa mọi nẻo đường ta đến/ Màu hoa nào riêng sắc em?/ Mặt hè nghiêng tay chọn/ Mặt tường nghiêng khuất thềm./ Gió gió nghiêng về phía kín,/ Nơi nghiêng người anh điệp khúc em.” – (Chợ hoa – tặng nhà thơ Lê Đạt), cũng là em thôi, lấy ý nghiêng là đã có góc nhìn ánh sáng, nhấn điệp khúc em là kiệm lời mà rõ tứ – tặng nhà thơ bóng chữ phu chữ chơi chữ như thế còn mấy ai hơn.
“Chân Dung – I. Mọi thứ tưởng tượng đều hết linh thiêng/ Em là mẩu tin hàng ngày quán nước chè năm xu đầu phố/ Anh nhặt và anh nghe/ từ tay này anh chuyển em sang tay kia/ Anh nói/ – Em là con toán bất động sản/ Anh giải tìm trong lãng quên/…/II.Rồi cuối cùng một phút thảnh thơi hơn/ Em yêu anh gánh thêm đòn tội nợ/ Anh làm con nợ thời gian/…/ III. …Anh sẽ đến tìm em/ Anh sẽ đến vào đêm sập cửa/  …Anh không quyền yêu em, em còn sạch quá/…/ Anh lang thang em/ Anh xanh xao em/ Anh mi ni em/ Đêm về anh tiết canh em.” Cứ cho là đoạn 3 điên cuồng đi thì đây vẫn là bài thơ tình hay – Khi biểu tượng “mất giá” dĩ nhiên cái tầm thường ngự trị. Vẫn không xóa được bản thể tình yêu tự nó. Câu kết bài nói được 2 ý: Tươi mới và tột bậc. Yêu như thế là thích thú – Yêu như thế mới sung sướng.
Nằm trong chùm thơ về các chân dung văn nghệ sĩ: “1. tôi gặp người họa sĩ/ đầu chỗ rẽ/ mắt nhòe tôi/ bức tranh phố nằm nghiêng/ 2. những bức tranh phố nằm nghiêng/ đón tôi/ không về nhà/ người họa sĩ chân đóng đinh mặt hè chiều màu ghi” – (Chiều phố) ở Lê Huy Quang, nghiêng là một góc nhìn, một tư thế, một cách tiếp cận và luận giải. Nếu đứng thẳng ox – oy thì phẳng Ơ clit rồi, còn đâu đa chiều nữa – Phải khác cũng là ở đấy. Bài này tặng họa sĩ Bùi Xuân Phái.
“Cành tay anh im cành tay em/ cành tay em im cành tay đêm…” – (Khoảng cách). Đêm nhân hóa làm đêm bớt ngắn dài, cũng viết về đêm nhưng đêm ở đây không đơn thuần là bối cảnh – đêm cơ thể. “Máy nước đầu ngõ đòn gánh cong lưng/ ngực tròn sức lớn/ Sóng – sánh – tóc – nước – đọng/ Đèn – nhòe – lay – chân – thùng ”- (Ngõ) hình ảnh đẹp kiểu Lê Huy Quang.
Đến đây tôi tạm đưa ra một câu hỏi: Lê Huy Quang trong Phải Khác theo trường phái nào? Cách nhìn màu sắc và mỹ cảm thì chân thiện mỹ cổ điển. Ngôn ngữ và cấu trúc thì hậu hiện đại – có mâu thuẫn không? Ngay cả cách tìm tòi của anh cũng là tân hình thức, nói thế nhưng tôi vẫn thấy trong sáng tác của anh luôn theo một hệ quy chiếu chéo – thực ra trái đất là nghiêng cong, trừu tượng hóa thẳng phẳng. Khoa học thì thế, vào thơ không khéo chẳng được như tháp Pisa mà ngã bổ nhào. Lê Huy Quang nhìn sự vật tưởng là khác nhưng đấy mới là bản chất của tự nhiên nhân hóa. “Mưa dài hai vòng tay/ mưa dài hai vòng quay/ mưa dài đi vô lối/ mưa dài mua mùa bay/ mưa dài mua mùa say/mưa dài loa qua ngày/ mưa dài em không nói/ Ta dài mùa khóc mướn thương vay.” (Mưa).Đang khác, đến lúc ta dài mùa khóc mướn thương vay lại không khác, thành ra gượng mất nhịp so với toàn bài, Tôi nghĩ câu này ý thừa vì thật quá.
“Tôi lúc nào cũng đầy sương đêm/…/ sương con trai con gái/ tôi tự nuôi sống mình/ đơm hoa kết trái/ rồi trở về chôn chặt với đất sương” – (Sương). Là nói về trạng thái lãng mạn của đời sống và tâm hồn thi sĩ. “Mưa/ Mưa nối những chiều/ một nét buồn thẳng đứng/ nghe nong tằm ăn dâu/ mưa tắm nhựa non từng lá cây/ đằm nước mắt/ Những sợi tơ mưa nối đất lên trời ” – (Phong cảnh). Cả bài dài tả rét và mưa không khác. Chỉ một câu kết lại là khẳng định ngược: Trời không phải là duy nhất mưa móc. Đất là người mẹ ban mọi phước ơn mát lành – như mưa. Vậy nối đất lên trời bằng sợi tơ mưa là một chân giá trị. Ngược nó hay như vậy đấy.
Nhớ Hàn Mặc Tử: “Chiều nay. Ghềnh Ráng lên thăm/ Thương Hàn Mặc Tử, Vẫn nằm. Đơn côi. / Biển vạn năm. Sóng ru hời, / Một đời trinh bạch một đời xót xa…/ Biển xanh. Tung bọt khóc òa, / Heo heo gió trở. Như là bóng ai?/Nén Tâm hương. Cháy, Nghẹn. Lời,/ Tình yêu dang dở…đâu rồi thi nhân?/ Rượu say. Lưng chén vơi dần,/ Buồn ơi nghiêng xuống cõi trần đong đưa./ Xòe tay. Hứng giọt giọt mưa, / Bất ngờ ướt đẫm thưa thưa áo người…/ Ta lên Ghềnh Ráng. Em ơi,/ Lau đi nước mắt cho đời nhẹ tênh./ Sinh – lão – bệnh – tử – mênh mênh,/ Giàu nghèo sướng khổ xênh xênh kiếp người…/ Chỉ còn thơ. Với rượu thôi,/ Chỉ còn tình nghĩa – suốt đời nhớ nhau.” – làm ở Quy Nhơn, năm 1987.
Trong thơ lục bát, Lê Huy Quang rất chú ý cách đặt câu. Bị vần điệu ép, anh đổi nhịp điệu nhưng dùng dấu chấm nhiều hơn để tách hơi tạo ra tiết tấu chậm chứ không dung dấu phảy chỉ để ngắt nhịp. Câu thơ vì bị dừng nên phải cao tay ấn về tu từ và độc lập tính. Cũng là một cách thể hiện. Ta xem bài khác – Về đi thôi gió. “Về đi thôi. Gió. Đừng chờ,/ Chẳng còn chi nữa. Mắt mờ tìm nhau./ Về đi. Thôi gió. Bay mau,/Chẳng còn em. Vẫn một màu. Phố xưa,/ Về đi thôi. Gió đừng mơ,/ Xa bàn tay ấy. Bất ngờ nỗi đau./ Về đi. Thôi gió. Chớ sầu,/ Ngày mai xa lắm. Còn đâu sợi buồn./ Về đi thôi gió. Mưa tuôn,/ Tóc nhòa bóng nước cội nguồn là em./ Về đi. Thôi gió. Là đêm,/ Hương hoa sữa.Những êm đềm thời gian./ Về đi, thôi gió nồng nàn,/ Heo may gợn. Thoáng đầy tràn trong nhau.” Dấu chấm đặt ngắt câu tạo ra trong một câu có nhiều câu nhỏ với nhiều chủ vị. Nếu xét câu lục thì ngắt nhịp vẫn liền câu, nhưng cuối câu dụng phảy thì liên một phần với câu bát, nếu đặt chấm thì gọn một ý trên, cả hai đóng mở tạo cho người đọc một cách cảm tĩnh trong chuyển nhịp, khả năng biểu đạt vì thế nhân lên – tứ thơ rõ, giản dị nhưng thú vị. Điều này còn thấy ở bài Nhớ Nguyễn Bính: “Quanh quanh một nét chân quê,/ Thương thương em với bờ đê chạy dài./ Thoảng đâu hương vị hoa nhài,/ Đàn đàn bướm bay bay dài cánh tiên./ Bóng em nghiêng nét hồn nhiên,/ Áo nâu đất mẹ tóc huyền gió bay./ Không son phấn, kẻ lông mày,/ Bàn tay quê vẫn chốn này chân quê./ Câu thơ Nguyễn Bính chợt về,/ Giữa thời hiện đại trăm bề vấn vương.” Cứ câu lục phảy thì câu bát chấm. đọc hai câu một hơi hai nhịp nó là thế đấy. Thì ra với Lê Huy Quang, dấu ngắt đâu chỉ là phảy chấm. Nó là một cách thức. Lê Huy Quang, vì thế, lúc nào cũng có ý thức thường trực thi pháp.
Ở những bài: Ba khúc viếng Thâm Tâm , Ông đồ (nhớ nhà thơ Vũ Đình Liên), Sao đổi ngôi (tặng nhà thơ Trần Dần), Nam Cao, Tự do (tặng nhà thơ Tuân Nguyễn), Sáng đầu năm1973 (tặng họa sĩ Lê Huy Hòa), Giêng xuân (tặng nhà thơ Trúc Thông), Ảo ảnh (nhớ nhà thơ Phùng Quán),… cùng với những bài đã dẫn, thấy chân dung Người – Nghề chiếm một vị trí quan trọng trong Phải khác. Lê Huy Quang trân trọng sự sáng tạo của họ và vẽ họ vừa bằng họa vừa bằng thơ. Cũng cần phải nhắc anh là một họa sĩ có tài, Nghệ sĩ Nhân dân nghành Sân khấu. Quá nửa sự sáng tạo của anh là trong ánh đèn cách điệu không gian. Ở đó, một thời gian dài quan niệm Hiện thực Mới và luật Ba nhất thống trị. Phải khác có lẽ là sự trăn trở bằng thơ những gì mà Nhà soạn kịch nổi tiếng Lưu Quang Vũ đã làm dưới ánh đèn nhà hát đêm đêm. Lê Huy Quang chú trọng cấu trúc và xô đẩy ngôn từ, đặt lệch trọng tâm nhưng không xóa bỏ mỹ cảm truyền thống. Anh chỉ hướng tới một sự thay đổi nhất định chứ không phủ định hệ thống mỹ học. Đọc anh tưởng lạ mà vẫn hiểu được, thuộc được. Nếu bỏ đi điều cảm nhận tưởng như đơn giản ấy, thì chỉ có một thứ “thơ trên trời” có trời mới biết, chứ với người tưởng cũng vô bổ mà thôi.
Vậy nên, cùng với Anh Ngọc, Đỗ Trung Lai,  Hoàng Hữu, Nguyễn Trọng Tạo, Ý Nhi, Nguyễn Thụy Kha, Thanh Thảo, Nguyễn Hoa, Hoàng Nhuận Cầm, Trúc Thông, Vương Trọng, Hoàng Vũ Thuật, Trinh Đường, Vân Long, Lê Huy Quang… bên cạnh các nhà thơ Bằng Việt, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Vũ Quần Phương, Trần Đăng Khoa, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu,… là Nguyễn Quang Thiều, Trần Quang Quý, Dương Kiều Minh, Đặng Huy Giang, Trần Anh Thái, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Linh Khiếu, Nguyễn Lương Ngọc,…Tất cả các nhà thơ ấy đã cho 20 năm cuối thế kỷ 20 chứng kiến sự đột khởi và ghi nhận thành tựu đưa thơ và văn học Việt Nam sang Giai đoạn chuyển tiếp mở ra một chương Đổi Mới song hành cùng  Thời kỳ Đổi Mới của dân tộc. Không nên gộp thời kỳ này vào một cái tên chung là Hậu đánh Mỹ. Hậu đánh Mỹ chỉ có mấy năm thôi. Bài Hai nửa vầng trăng của Hoàng Hữu 1981, tập Những phút xao lòng của Thuận Hữu 1982, cùng một số bài thơ khác trên báo Văn Nghệ thời gian ấy là mở đầu cho Giai đoạn chuyển tiếp. Từ 1986 trở đi là thời kỳ Mở cửa và Đổi mới trong thơ. Lê Huy Quang cũng là một nhà thơ thành công trong giai đoạn này.
Khi tính mục đích thực tế và sứ mệnh cao cả theo tiêu chí chủ nghĩa tập thể của thơ nhường chỗ cho chất tự sự phản tư của tự ý thức cá nhân và cá thể . Sự độc lập tương đối của một bộ phận trí thức văn nghệ sĩ phát lộ. Họ góp phần vào cuộc chiến đấu chống cái cũ nhưng bằng ngôn ngữ tình cảm và tâm lý thân phận. Thể loại kịch và thơ là hai công cụ hữu hiệu hơn cả. Nhạc rất khó phát huy vì khó tạo ra sự đồng diệu Bi – Hài., trừ dân ca. Thơ lúc này ít nhạc, nhiều họa. Việc làm mới thơ là tất nhiên. Nhưng như Tản Đà hồi đầu thế kỷ, việc phá vỡ cách, thức, điệu, luật không đơn giản chút nào. Cái giới hạn mong manh của nguyên tắc và khám phá. Của truyền thống và đương đại. Của bảo thủ và cách tân chỉ có thể được đo bằng tài năng và sự dũng cảm. Sự khẳng định, vì thế, của Lê Huy Quang, càng khiến ta trân trọng.
“Tóc – mẹ – bạc – rồi – ơ – hay?/ …ngực em mùa xuân đầy/…buồng không nõn nà/…ngủ nhờ trăng suông/…thềm xuân mảnh mai/…màn mi gấp gió/…đom đóm đầy gót chân/…khúc đơn ca/mãi một/ ghế ngồi/ mãi một/ nhịp xẩm buồn/ xao xác/ lẳng lơ/ Thị Màu/ chao chát/ cây đàn bầu cung đơn”. Như Hômerơ bất tử với cây đàn lia thánh thiện, chàng nghệ sĩ của chúng ta với cây đàn bầu và nỗi ám ảnh Thị Màu đang – đơn – ca – trong – sương – chiều – bảng – lảng.
Hồ Tây, 6/2013
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: