Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

KafKa:

Một ngụ ngôn nho nhỏ

“Chao ôi!” Con chuột than, “mỗi ngày cái thế giới này lại trở nên bé nhỏ hơn. Ban đầu nó rộng lớn đến nỗi tôi cảm thấy e sợ, tôi cứ chạy mãi, chạy mãi và mừng làm sao khi cuối cùng tôi cũng đã thấy những bức tường hiện ra xa xa phía bên phải và bên trái, thế nhưng những bức tường dài này lại co hẹp nhanh đến độ rốt cuộc tôi đã ở trong căn phòng cuối cùng mất rồi, và ở góc phòng có một cái bẫy chuột mà tôi phải đâm đầu vào đó”. “Mày chỉ cần đổi hướng là được thôi mà”, con mèo nói rồi xơi tái con chuột.

Tình thân

Chúng tôi gồm có năm người, một ngày nọ chúng tôi đi ra từ một ngôi nhà, người nọ theo sau người kia, đứa đầu tiên bước ra, tự đặt mình đứng trước cổng nhà, rồi lại đến đứa thứ hai bước ra, đúng hơn là nó lọt qua cổng như một giọt thuỷ ngân, đứng kề ngay đứa thứ nhất, và cứ thế, đến lượt đứa thứ ba, thứ tư, thứ năm. Cuối cùng tất cả bọn tôi xếp thành một hàng. Thiên hạ bắt đầu chú ý đến bọn tôi, người ta chỉ trỏ bọn tôi và nói: năm thằng kia đi từ cái nhà đó mà ra đấy. Kể từ ấy chúng tôi sống cùng với nhau; đó sẽ là cuộc sống bình yên nếu như không có một thằng thứ sáu cứ liên tục muốn xen vào.Hắn chẳng gây hại gì cho chúng tôi cả, nhưng hắn quấy rầy bọn tôi, thế cũng đã là tai hại rồi; sao hắn lại muốn xông vào nơi mà chẳng ai mời hắn đến cơ chứ? Chúng tôi không biết hắn và không muốn hắn nhập bọn. Tất nhiên, cũng có thời năm đứa chúng tôi chẳng thằng nào biết thằng nào và cho đến bây giờ, cũng có thể nói chúng tôi vẫn không biết nhau thế nhưng điều gì là khả dĩ và có thể khoan dung được đối với năm đứa bọn tôi thì lại không thể xem là khả dĩ và có thể khoan dung được đối với trường hợp của thằng thứ sáu ấy. Dù thế nào đi nữa thì chúng tôi là nhóm năm người, chúng tôi không muốn trở thành sáu. Vậy thì việc cứ tiếp tục sống bên nhau như thế có ý nghĩa gì? Thật ra năm đứa bọn tôi cũng chẳng tìm thấy ý nghĩa gì nhưng bây giờ chúng tôi đang sống cùng nhau và sẽ tiếp tục sống cùng nhau; một sự kết hợp mới bất luận ra sao chúng tôi cũng không muốn, lý do của việc này hoàn toàn xuất phát từ kinh nghiệm của chúng tôi thế thôi. Nhưng làm sao có thể để thằng thứ sáu hiểu được điều đó? Những lời lẽ giải thích dài dòng rốt cuộc sẽ đi đến chỗ buộc phải đồng ý cho hắn nhập bọn mà thôi, thế nên tốt hơn là chúng tôi không giải thích và không chấp nhận hắn. Dù hắn có dẩu môi khó chịu thế nào thì chúng tôi vẫn cứ lấy khuỷu tay đẩy hắn đi nhưng bao nhiêu lần chúng tôi đẩy hắn đi là bấy nhiêu lần hắn lại trở về.

Luật sư mới

Chúng ta có một luật sư mới, tiến sĩ Bucephalus. Bề ngoài của ông hầu như không còn nét nào khiến bạn có thể nhận ra đã có thời ông là chiến mã của hoàng đế Alexander, vương quốc Macedonia. Tất nhiên, nếu bạn biết chuyện của ông, có thể bạn sẽ nhận ra một điều gì đó. Thế nhưng ngay cả một gã giữ cửa bình thường ở toà án, một tay cá cược loại nhỏ thường xuyên ở trường đua sành sỏi trong chuyện xem ngựa, kẻ mà có lần tôi nhìn thấy trước cửa toà án, cũng ngước nhìn vị luật sư với ánh mắt ngưỡng mộ khi ông nhấc cao chân dẫm lên những bậc thềm làm bằng cẩm thạch khiến chúng phải rung lên thành tiếng dưới chân ông.

Nói chung, Đoàn luật sư chấp thuận việc kết nạp Bucephalus. Với khả năng hiểu biết đáng ngạc nhiên, xã hội hiện đại nó là thế, người ta bảo nhau rằng Bucephalus đang ở trong tình thế khó khăn, đồng thời cũng nghĩ đến tầm quan trọng của ông đối với lịch sử của thế giới này, do đó ông đáng được đón nhận một cách thân mật, chí ít là như vậy. Bây giờ làm gì có Alexander đại đế - điều này không thể chối cãi được. Có nhiều kẻ biết giết người thế nào, cũng không ít người thành thạo cách với tay qua bàn tiệc và đâm chết thằng bạn chỉ bằng một nhát kiếm; và đối với nhiều người, xứ Macedonia này quá là tù túng, vì thế họ nguyền rủa Phillip, ông tổ của mình – nhưng không ai, không một ai cả, có thể vạch đường sang Ấn Độ. Vào thời của mình, khi mà cánh cửa xứ Ấn thậm chí vẫn còn ngoài tầm tay, lưỡi gươm của Hoàng đế vẫn chỉ đường cho họ. Giờ đây, những cánh cửa ấy còn xa xôi, cao vời hơn; không có ai chỉ đường; nhiều kẻ mang gươm nhưng chỉ là để khua khoắng, và cố dõi theo họ thì chỉ tổ hoa mắt mà thôi.

Có lẽ vì vậy cứ làm như những gì Bucephalus đã làm là tốt hơn cả và hãy đắm mình trong những cuốn sách luật. Trong ánh đèn tĩnh lặng, hai bên hông của ông thôi không còn bị kẹp bởi bắp đùi của kị sĩ, tự do và xa cách những âm thanh náo loạn của chiến trận, ông ngồi đọc và lật xem những trang thư tịch cổ của chúng ta.

Cây cầu


Tôi cứng và lạnh, tôi là một cây cầu, tôi nằm ngang trên một lũng nước sâu. Những ngón chân tôi gác lên một bên bờ, những ngón tay tôi bấu lấy bờ bên kia, tôi móc tôi chặt chẽ vào lớp đất dễ tróc lở. Cặp đuôi áo choàng của tôi bay phất phơ hai bên hông tôi. Chảy ầm ĩ bên dưới xa tắp kia là dòng nước lạnh giá nhung nhúc cá hồi. Không du khách nào lạc lối đến độ cao không thể vượt qua này, cây cầu chưa được vẽ trên bất cứ bản đồ nào. Thế nên tôi nằm đợi; tôi chỉ có thể đợi. Một lần đã được bắc lên, nếu không sập xuống, thì không cây cầu nào có thể thôi là cây cầu.

Vào buổi xế chiều của một ngày -- ngày đầu tiên, hay ngày thứ một ngàn? tôi không thể nói -- tư tưởng tôi luôn luôn rối loạn và xoay mòng mòng không ngưng. Vào buổi xế chiều mùa hạ, tiếng gào của dòng nước trở nên trầm hơn, khi tôi nghe tiếng bước chân của một người! Đi về phía tôi, phía tôi. Hãy rướn thẳng người, hỡi chiếc cầu, hỡi những thanh cầu không có chỗ vịn tay, hãy sẵn sàng để giữ vững người hành khách được ký thác cho ngươi. Nếu bước chân của gã loạng choạng, hãy bí mật giúp gã đi vững vàng, nhưng nếu gã vấp ngã, thì hãy cho gã biết ngươi được làm bằng thứ gì, và như một ông thần núi, ngươi hãy hất gã văng qua bờ bên kia.

Gã đến, gã gõ vào tôi bằng cái mũi sắt của chiếc gậy, rồi gã dùng nó để khoèo cặp đuôi áo choàng của tôi và đặt chúng lên lưng tôi. Gã thọc mũi gậy vào mớ tóc bù xù của tôi và để nguyên như vậy thật lâu, hiển nhiên là gã đã quên tôi trong lúc gã chằm chằm nhìn quanh với đôi mắt man dại. Nhưng rồi -- cheo leo trên núi cao và lũng sâu, tôi chỉ đang theo dõi gã bằng ý nghĩ -- gã nhảy cẫng lên và dậm xuống bằng cả hai chân ngay chính giữa thân xác tôi. Tôi oằn người vì đau đớn dữ dội, chẳng biết cái gì đang xảy ra. Ai vậy? Một đứa trẻ? Một giấc chiêm bao? Một khách bộ hành? Một cuộc tự sát? Một tên xúi quẩy? Một kẻ phá hoại? Và tôi xoay mình lại để nhìn gã. Một cây cầu xoay mình! Mới xoay lưng chừng tôi đã bắt đầu rơi, tôi rơi xuống, và trong một khoảnh khắc tôi bị xé toang và đâm nát ngướu bởi những mũi đá nhọn -- những mũi đá vẫn luôn luôn thật bình thản ngước lên đăm đăm nhìn tôi từ dòng nước cuồn cuộn chảy.

Về những ẩn ngữ

Nhiều người đã phàn nàn rằng ngôn từ của bậc hiền triết luôn luôn chỉ là những ẩn ngữ và vô dụng trong cuộc sống hàng ngày, mà cuộc sống hàng ngày lại chính là cuộc sống duy nhất chúng ta có. Khi nhà hiền triết nói: "Hãy vưọt qua", ngài không muốn bảo rằng chúng ta nên băng qua một cái gì đó để đến một nơi nào đó -- một việc chúng ta chắc hẳn làm được nếu nó đáng với công sức bỏ ra -- nhưng ngài lại muốn nói về một điều xa xăm ảo diệu nào đó, một điều chúng ta chưa từng biết, một điều mà ngài cũng không thể diễn tả đơn giản hơn được, và do đó không thể giúp ích cho chúng ta một chút nào cả. Tất cả những ẩn ngữ này được tạo ra cốt để cho chúng ta biết rằng điều bất khả tri là bất khả tri, và chúng ta vốn đã biết như thế rồi. Tuy nhiên những điều chúng ta hàng ngày phải nhọc nhằn lưu tâm đến lại là một vấn đề khác.

Bàn về điều này, có lần một người đã nói: Sao lại còn do dự? Nếu quý vị chỉ đi theo những ẩn ngữ, thì chính quý vị sẽ trở thành những ẩn ngữ và quý vị sẽ gạt bỏ hết những mối lưu tâm hàng ngày.

Một người khác nói: Tôi dám đánh cuộc rằng điều anh nói cũng là một ẩn ngữ.

Người thứ nhất nói: Anh thắng cuộc rồi đấy.

Người thứ hai nói: Nhưng, rủi thay, tôi chỉ thắng trong ẩn ngữ.

Người thứ nhất nói: Không, trong hiện thực; chứ trong ẩn ngữ thì anh đã thua cuộc rồi.


Prometheus

Có bốn truyền thuyết về Prometheus:

Theo truyền thuyết thứ nhất, ông bị xiềng vào một tảng đá ở vùng Caucasus vì tội đã để lộ những bí mật của thần linh cho loài người, và các thần linh đã cử những con đại bàng đến ăn gan ông mà bộ gan ấy lúc nào cũng được phục nguyên như cũ.

Theo truyền thuyết thứ hai, khổ sở bởi những vết thương do chim mổ, Prometheus tự ấn mình ngày một sâu hơn vào tảng đá cho đến khi ông nhập vào làm một với nó.

Theo truyền thuyết thứ ba, sự phản bội của ông bị lãng quên suốt cả hàng ngàn năm, bị lãng quên bởi các thần linh, bới những con đại bàng, bị lãng quên bởi chính bản thân ông.

Theo truyền thuyết thứ tư, tất cả mọi người rồi cũng trở nên mệt mỏi bởi câu chuyện vô nghĩa đó. Các thần linh mệt mỏi, những con đại bàng mệt mỏi, vết thương lành lại một cách mệt mỏi.

Chỉ còn đó một khối đá không thể giải thích nổi .Truyền thuyết đã cố giải thích cái không thể giải thích. Bởi truyền thuyết bắt nguồn từ cơ sở của sự thật thế nên đến lượt mình, nó cũng phải kết thúc trong tình trạng không thể giải thích nổi vậy thôi.


Những thân cây

Chúng ta giống như những thân cây vùi trong tuyết. Bề ngoài, chúng nằm trơ ra đó và một cú đẩy nhẹ cũng đủ làm chúng lăn tròn. Không, không làm vậy được đâu, bởi chúng gắn chặt vào mặt đất. Nhưng này, ngay cả điều ấy cũng chỉ là bề ngoài. 




Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: