Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Trích đăng TT của Hồng Giang


3.
Sân đình làng tôi xưa kia vốn là sân đất. Cỏ gà rất mịn. Thứ cỏ không bao giờ mọc quá mắt cá chân, ấy là bố tôi sau này kể thế.
Năm đình nhận “sắc phong” của triều đình, các bô lão trong làng hô hào người làng quyên góp, sân đình bấy giờ  lát gạch lá nem. Loại gạch vuông, bốn cạnh bằng nhau, ở giữa có hình chữ triện. Gạch này làm bằng đất sét mãi đâu dưới phủ Hương Canh, lại nung bằng rơm nếp. Thấy bảo gạch đốt rất công phu, chứ không đốt bằng than hay bằng củi như ở nơi khác. Nhờ vậy buổi chiều sân gạch tỏa nhiệt rất nhanh. Chỉ tầm giờ “thân” trở đi, mát lắm. Xung quanh là bao lơn, tường hoa cao ngang đầu người.
Anh cu Tý con nhà bác Tỏm hay cõng tôi ra đây. Đặt tôi ngồi chơi ngay dưới chân những con voi, con ngựa bằng đá. Chơi như thế không sợ tôi bị bẩn áo quần, lại không sợ trâu bò thả rông của dân làng dẫm phải.
Ông thủ từ coi đình lại hiền, chỉ bảo:
- Đừng để em mày tè ra đấy. Nếu nó nhỡ phải dọn ngay đi đấy.
Miệng vâng dạ, anh cu một loáng đã chạy ra sau đình. Mấy đứa em của anh ấy đang thập thò sau gốc cây gạo đang mùa ra hoa. Chúng làm như thích thú mỗi khi có một bông hoa đỏ rực từ trên cành cây cao  rớt xuống, xoay tròn như cái chong chóng. Kỳ thực chúng đang đợi anh cu Tý mang cho chút gì. Hôm thì miếng cơm cháy, hôm mấy quả dưa chuột, hay đại loại thứ gì cho được vào mồm. Cu Tý bớt được từ khẩu  phần của mình, hay thó được ở trạn bát, hay đáy một cái thúng bỏ không nào đấy ở nhà tôi.
Lão Tùng, người làm công lâu năm mách mẹ tôi chuyện này. Mẹ tôi chỉ ừ hữ không nói gì. Của miếng chín, trẻ con đói lòng thậm chí có ăn vụng chút cũng chẳng sao, huống chi anh ấy chỉ nhặt những thứ đầu thừa đuôi thẹo?
Tôi khi ấy lên ba. Lên ba làm gì biết khái niệm lòng tham, ăn vụng hay ăn trộm là thế nào? Nên tôi chẳng quan tâm.
Tôi chỉ sợ anh ấy bỏ tôi lại một mình. Sân đình rộng thênh thang, một đứa trẻ như tôi tưởng tưởng ra nhiều nguy cơ lắm. Nhưng mà chuyện đó không xảy ra.
Anh ý chỉ chạy đi một loáng là trở lại. Ít phút sau, cả bầy bốn năm đứa em chạy vào. Thêm cả mấy đứa trong xóm, chúng chơi bạn với nhau. Đứa nào cũng thích làm ngựa, làm trâu cho tôi cưỡi.
Người ở quê có thể hèn từ bé. Tôi tý tẹo thế này, sao đứa nào cũng gọi tôi bằng “cậu”? Sau này tôi mới biết chúng gọi vậy để lấy lòng mẹ tôi. Thỉnh thoảng bà cho chúng cỗ tò he, cái bánh đa mật, hay vài cái kẹo bột.. Có việc gì sai, chúng nhanh nhảu đi làm ngay.
Có hôm, chúng còn tranh nhau cõng kiệu tôi, đến nỗi suýt nữa thì đánh nhau. Cụ thủ từ coi đình phải gọi cả bọn vào, bắt đứng khoanh tay. Cụ bảo đến đây mà tranh cãi nhau là cụ cấm cửa. Đứa nọ nhìn đứa kia, lấm lét như chó ăn vụng bột, tự dưng lại cười, thôi, làm lành luôn.
Tuổi ấu thơ của tôi quanh quẩn trên sân đình như thế. Làng tôi chả có ai là Thị Kính, hay Thị Màu để làng “ăn khoán”. Nên khu đình luôn yên tĩnh trang nghiêm. Chỉ trừ mấy ngày có hội cuối tháng giêng, hay ngày chợ gần tết. Khi ấy thì bát ngát người. Hàng xén bày sát đến cổng đình. Tường bao loan treo đầy tranh Đông Hồ, câu đối, hay các bức thư pháp.
Tôi vẫn chưa hiểu gì về ý nghĩa của những thứ này, vì lúc đấy chưa đi học, còn ngu. Chỉ thấy nhiều màu vẻ, đẹp mắt, thế thôi.
Nhưng, những hôm đó, anh Cu Tý vất vả với tôi lắm. Tôi đòi anh ấy cõng mình xem hết chỗ nọ đến chỗ kia, chả thích vào sân đình lê la nữa.
Nhưng mà anh ấy ranh ma, có nhiều đối sách mà tôi vẫn nhớ cho đến tận bây giờ, sau bảy mươi năm, như nó vừa mói xảy ra.
Thoạt đầu là trò chơi châu chấu hùm đối đầu. Những con châu chấu đực to bằng ngón tay cái của tôi khi đấy, xanh lè, cựa ở hai chân nhọn và rất sắc, đôi cánh dài màu xám phủ kín một phần lưng và bụng phía trên.
Cuộc đấu “ai thắng ai” của chúng là không khoan nhượng.
Anh cu Tý kiếm ở đâu thứ cỏ có nhựa trắng như sữa bôi lên đầu của cả hai bên. Chờ cho lúc nhựa chuyển sang màu nâu xẫm là dí đầu cả hai bên vào nhau, giữ im một lúc. Thứ nhựa này khi đã chuyển màu như thế dính còn hơn cả keo “con voi” thế kỷ sau này người ta hay dùng để gắn nhựa hay kim loại vào với nhau.
Anh đặt cả hai xuống sân đình lát gạch lá nem như tôi đã kể. Hai bên lấy hết sức lao vào nhau. Càng mù quáng lại càng điên cuồng.
Khi đầu óc đã gần nhau rồi mà không dung nạp tư tưởng của nhau nữa thì thật kinh khủng. ( Thực ra châu chấu, dù là châu chấu hùm đi nữa thì làm đeck gì có tư tưởng ? Chẳng qua là tôi gán ghép như thế cho có vẻ nhân văn, nhân viếc một chút )
Cả hai lồng lộn không ai chịu ai, quăng quật cho đến lúc xác xơ đôi cánh, què gãy cho bằng hết cẳng chân. Từ miệng chúng ứa ra thứ nước màu xanh đậm. Đó là máu của loài côn trùng ăn cỏ, không đỏ như máu người. Cả hai giãy giụa một hồi rồi lăn ra chết.
Anh cu Tý khoái lắm.
Lúc bấy giờ tôi chưa ý thức được bản năng sâu thẳm từ trong con người anh. Cái bản năng sinh tồn, độc ác và thú tính. Tôi cứ há hốc mồm ra mà theo dõi cuộc đấu của những sinh linh bé bỏng và tội nghiệp. Chơi chán trò đó anh bảo “đồng đảng” trẻ ranh với mình đào hang bắt chuột. Trò này mới là trò chơi ghê gớm, kinh người.
Một đứa trong bọn kiếm đâu được lọ dầu hôi. ( nên nhớ vào thời đó thứ dầu thắp đèn này hiếm và quý lắm, làng tôi nhiều nhà chỉ thắp hà tiện buổi tối ăn cơm một lúc, xong phải tắt ngay kẻo tốn, thế mà tụi trẻ kiếm được. Thế mới tài! Mới biết khi người ta kể cả trẻ già, lớn bé, cố tình, việc gì cũng có thể làm được ).
Mỗi con chuột bị buộc một túm dẻ tẩm dầu, châm lửa mang ra ngoài bức tường bao phía ngoài đình thả. Không thể tả được khung cảnh lúc đó, chúng hoảng hốt như thế nào. Chúng cuống cuồng trèo lên cây gạo cao chót vót mang theo ngọn lửa sau đít. Đó là những con chuột ngu. Càng trèo cao như thế, lửa càng bám sát vào bụng vào lưng chúng bởi lửa bao giờ chả bốc lên, còn nước thì chảy xuống?  Chỉ một lúc sau, nóng không chịu được nữa các chú họ “thử” này lập tức lộn cổ xuống đất, máu ứa ra miệng. Một vài con khôn ngoan hơn chui vào bụi cây, có con may mắn nhờ đám lá ướt sương dập tắt lửa, thoát chết. Nhưng cũng có con chui phải bụi cây khô, lửa cháy đùng đùng, cái chết càng đến mau hơn.
Có một lần, một con chạy lọt qua được chỗ nứt khe tường, lao đầu vào trong đình. May mà hôm đó ông thủ từ đang quét sân, nếu không chẳng biết sự kiện sẽ đi đến đâu? Cháy đình là cái chắc.
Anh cu Tý và đám trẻ bị cấm cửa một thời gian, không được lai vãng đến sân đình. Anh
Cõng tôi ra phía bờ đê, cách xa đình một quãng khá dài. Ở đấy dân làng đang phụ giúp ông Tú Ất dựng trường.
Thấy người ta gọi ông bằng thầy, đám trẻ học đòi cũng gọi theo, mặc dù chưa đứa nào  học ông  được lấy một buổi.
**
Bác Tỏm toét mắt, làm cho nhà tôi từ hồi tôi chưa là cái trứng kia. Không ai biết gốc gác, cội nguồn của bác ý như thế nào? Một năm vỡ đê, ông nội tôi dẫn quan phủ đi kinh lý, bắt gặp mẹ bác ấy ngồi co ro ở đầu làng. Cái váy bà ấy mặc vá phải đến hàng trăm miếng. Đầu bà không vấn khăn, tóc như đám rơm mục che gần kín khuôn mặt. Thấy quan quân rầm rộ, bà hãi, lẩn tránh sau một bụi chuối. Ông nội tôi thoáng thấy e là có kẻ gian bảo một anh tuần đinh đi theo xem xem là ai, có động thái gì? Anh tuần: “ bẩm cụ, mẹ con ăn mày”. Ông nội tôi bảo: “ thày đưa mụ ấy về cho bát gạo, đừng để quan trên nhìn thấy. Vùng ta làm gì có người đói rách, ăn mày, ăn xin?”
Người này cui cúi, vâng dạ rồi đi.
( Thế mới biết, đối với cấp trên, kẻ dưới thường “làm láo báo cáo hay” như một lẽ dĩ nhiên có từ đời kiếp nào rồi. Chả đợi đến thời suy thoái đạo đức sau này mới xuất hiện).

( Còn nữa..)





Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: