Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

Trích đăng TT của chủ nhà:

Hình ảnh: trong buon cuoi wa

( ảnh chỉ cho vui, không ý gì khác. đcm! )

Sau cái hôm thuyền tự nhiên vô lý xa bờ do trò nghịch tai quái của anh cu Tý, thày giáo Ất dạy trẻ con xóm tôi tập bơi vào buổi chiều hàng ngày.
Theo thầy: “mình sống gần sông, không thể không biết bơi, phải biết cách để dòng sông thành bè bạn chứ không phải nó là nguyên nhân tai họa”.
      Thầy còn nói dài và hay về điều này, lúc đấy tôi nghe, nhưng chưa hiểu. Đã không hiểu thì không thể nhớ.
Mặc dù sau này tôi cố nhớ ra, để ngẫm nghĩ mà đành chịu.
Phải năm sau nữa, tôi mới thành học trò. Nhưng sáng nào tôi cũng ra chỗ lớp học của thầy.
Ở đó gió thổi từ triền sông về rất mát. Lại có đông trẻ con chơi, lắm sự lạ lùng với một thằng nhóc như tôi/
Ngoài Hạc Trì mới có trường công lập. Nghĩa là thầy giáo được nhà nước bảo hộ trả lương. Còn ở vùng chỗ chúng tôi vẫn là trường dân lập, tính xã hội hóa rất cao. Phụ huynh phải góp gạo, góp tiền để nuôi thày dạy con cái  mình.
Sau này tôi đi dạy học ở những vùng núi non hiểm trở, dân cư thưa thớt và nghèo có cụm từ “lớp ghép”
Còn thời bấy giờ vùng tôi chỉ gọi nôm na là “lớp gộp”. Gộp với ghép thì có gì khác nhau về ngữ nghĩa?
Nhưng đấy là cách gọi nôm na, có thể là còn luộm thuộm, ôm đồm, một chút đơn sơ, một chút thô thiển.
Trường mái lợp lá gồi, vách trát bằng rơm vắt nhào với đất bùn. Lâu ngày mưa xa gió táp, bùn khô long lở bớt một phần, trơ lại những sợi rơm đen xỉn. Nhưng được cái thoáng vì trường tọa lạc trên mặt đê.
Mùa nước lên, lớp học biến thành điếm canh đê. Ban ngày đinh tráng trong làng thay nhau túc trực phòng đê vỡ, ban đêm tuần phiên làm chỗ ngủ coi giữ trật tự trị an.
Lúc yên bình, một mình thầy Tú Ất dạy chữ và trông nom cả ba lớp từ vỡ lòng cho đến lớp hai.
Bố tôi bảo phải sang năm nữa mới mở thêm lớp cho hết tiểu học. Giả dụ bây giờ có lớp trên lớp hai, cũng chưa có học trò.
Phòng học chia làm ba góc cho ba loại lớp, góc còn lại kê chiếc bảng đen. Phấn viết vẫn còn là thứ của hiếm hoi. Thầy nói miệng và hướng dẫn cụ thể cho trẻ viết vào sách là chính. Bảng chỉ là nơi ghi đầu bài, hay những mục quan trọng.
Tôi ngồi ngoài hè, thấy thầy hướng dẫn món trò nhỏ vỡ lòng thế nào, tôi học theo thế.
Mẹ tôi giấu ông nội và bố tôi sắm cho tôi cái bút chì và quyển vở. Sở dĩ phải giấu như thế vì ông nội tôi bảo tôi hãy còn non nớt, học sớm quá không tốt. Sợ sau này tôi còi cọc không lớn được, hoặc ảnh hưởng đến trí óc, phát triển không tốt.
Thực ra lúc này tôi chẳng thua kém bao nhiêu những đứa trẻ khác đến đây học.
         Anh cu Tý đã thôi không phải cõng tôi như những năm trước vì tôi đã lớn, cao gần bằng vai anh ấy rồi. Khi nào nhà tôi bấn việc anh ấy sang làm mấy buổi, còn không thì theo bố anh ấy đi đánh gốc tre thuê.
Bác Tỏm bây giờ có thêm nghề đánh nhủi.
            Mùa nước rút, đồng làng tôi còn đọng cả một vạt đất rất rộng ngập nước. Ở đó tôm cá khá nhiều. Đấy là nơi chiều nào bố con bác Tỏm cũng ra đấy đẩy nhủi, tối nhọ mặt người mới về.
Không hiểu tại sao lúc đấy tôi không thích thú lắm với công việc này của cha con bác?
Chỉ mãi sau này, lâm vào cảnh ba đào, trò đánh nhủi này mới nhắc nhớ tôi. Cũng chính cái nghề không lấy gì làm sang trọng này đã cứu giúp tôi qua bao đận khó khăn. Kể cả khi tôi đã trở thành “người giáo viên nhân dân” của thời bao cấp mấy chục năm sau.
Tôi ngồi sau cái cột đầu hè, lắng tai nghe từng lời thầy Tú, như thể một học viên chính thức của trường. Tôi khe khẽ học cách phát âm, cách đánh vần, nắn nót viết từng chữ cái vào quyển tập của mình. Hình như thày giáo biết, nhưng ông làm như không để ý gì.
Chính nhờ cách học này, luôn đi trước một bước, năm sau tôi nhập học không mấy khó khăn
Nhưng đến khi đó, Thầy Tú đã không dạy ở trường. Sở liêm phóng cho người về bắt vì tội tình nghi thầy có chân trong một hội kín, hội hở gì đó ngoài Hà Nội.
Hôm ấy trời vừa mưa xong. Bầu trời nặng trĩu những đám mây xám đục, màu chì. Nước ngoài sông dâng cao, ngầu đỏ một màu như mắt người đau mắt hột. Chiếc ca nô áp sát bờ sông. Đám lính súng ống, nai nịt chạy vội vã từ dưới sông lên, ập vào lớp học. Dẫn đầu là một ông Tây râu xồm, mũi lõ, mắt xanh như mắt mèo đen, đeo súng ngắn xệ bên hông. Bốn năm người Việt đi theo đeo súng dài, đội mũ bê rê, nét mặt căng thẳng, nghiêm trọng.
Đúng ra họ phải tới nhà hội đồng, làm việc với hương chính làng sau đó mới có việc khám xét hay bắt người. Nhưng hôm nay ngoại lệ, họ không làm như thế.
Tối hôm ấy ở nhà tôi không thắp đèn tọa đăng như mọi khi. Chỉ thắp đèn Hoa kỳ, khêu nhỏ lửa. Không khí trong nhà ngột ngạt, im ắng nghe thấy cả tiếng muỗi kêu, tiếng con thạch sùng chắt lưỡi rất khẽ trên xà nhà. Ông tôi bảo với bố và các chú tôi:
- Người ta bắt người khẩn cấp thế là có việc nghiêm trọng. Lại không qua chức việc của làng xã, là họ nghi ngờ có sự thông đồng. Ông giáo lại là chỗ thân tình với nhà mình. Các anh phải kín miệng, chớ có nói linh tinh mà khốn cho cả nhà.
Bố tôi và các chú tôi im thít, không ai nói điều gì.
Mấy ngày liền trong nhà tôi cứ nơm nớp, phập phồng lo sợ không biết rồi sau đó sẽ xảy ra chuyện gì?
Đúng là việc quan, có lúc nóng như nước lã. Chẳng có chuyện gì xảy ra.
           Lớp học mãi đến nửa năm sau mới tìm được ông thày khác về làng dạy thay thầy Tú Ất.
          Ông thầy này người gày gò, ít nói, hay ho sù sụ. Ông ở luôn cái chái nhà lớp học, không mấy khi đến chơi nhà tôi.
Tôi học ông được hai năm thì xảy ra nạn đói năm Ất Dậu.
Một năm sau này người ta bảo "xảy ra nhiều biến cố long trời lở đất".
Năm đấy người chết đầy đường. Năm kết thúc thế chiến thứ hai. Năm nhà nước phong kiến ở xứ sở này vĩnh viễn không tồn tại. Thành lập nước Cộng Hòa, rồi Nhật đảo chính Pháp, đầu hàng đồng minh… Toàn những sự kiện ghê gớm, đầu óc một thằng nhóc tì như tôi không sao hiểu và cắt nghĩa được. Có hỏi người lớn cũng không nói, hoặc giải thích theo kiểu người lớn chưa chắc đã hiểu. Có hiểu thì cũng rất mù mờ, sai lạc.
Đột nhiên ông Tú Ất trở về. Ông chỉ qua nhà tôi có một lần rồi ở hẳn ngoài Hạc Trì. Ông nội tôi bảo bây giờ ông ấy giữ cương vị gì to lắm của chính phủ kháng chiến.
Đối với tôi sự kiện ấy chỉ thoáng qua. Một là tôi không hiểu, hai là vì tính chất quan trọng của nó, với đứa trẻ như tôi, có gì để quan tâm?
         Ấn tượng nhất đối với tôi lúc bấy giờ và cả sau này nữa là một việc khác. Hôm đó phiên tôi trực nhật, phải đi sớm hơn ngày thường để quét lớp. Vừa bước chân vào lớp học, tôi vướng ngay phải chân một người đàn ông nằm dưới đất. Tôi loạng choạng suýt ngã nhào nằm đè lên người ông ta.
Định thần nhìn lại, tôi thấy người này mặt tím ngắt, rớt rãi sùi bọt hai bên mép, mắt mở trắng dã, trọn ngược.. Ông ta đã chết từ bao giờ rồi!
Tôi sợ, quăng cả túi sách, quăng cả chổi, chạy thở không ra hơi. Cả nhà hốt hoảng nhìn bộ dạng tôi lúc ấy chạy về, cứ gặng hỏi, nhưng tôi không trả lời.
Tôi ốm.
Một tuần sau mới khỏi.

( Còn nữa..)





Phần nhận xét hiển thị trên trang