Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

Chẹc gì mà Chẹc?

Tập thơ “Chẹc Chẹc” của Nguyễn Đình Chính


Nhà thơ Nguyễn Đình Chính

 
Tan Hinh Thuc Publishing Club là nhà xuất bản của Câu Lạc Bộ Tân Hình Thức, một Web Site chuyên về thơ tân hình thức Việt. Nhưng nhà xuất bản Ebook thuộc Web Site này, trong công việc xuất bản, dự trù xuất bản mọi thể loại, kể cả tiểu thuyết và tiểu luận. Dĩ nhiên Tan Hinh Thuc Publishing Club cũng xuất bản những thể loại thơ khác như thơ tự do và vần điệu, với điều kiện, đó là những tập thơ rất đặc biệt.

"Chẹc chẹc". Tác phẩm thơ Nguyễn Đình Chính. Tan Hinh Thuc Publishing Club ấn hành. Chịu trách nhiệm xuất bản: Nguyễn Đình Chính. Bìa: Bùi Bố. Trình bày: Ji Chan. In lần thứ nhất tại Hà Nội, photocopy khổ 13x20,5cm, in xong và gửi tặng độc giả tháng 6 năm 2010
Tập thơ Chẹc Chẹc của nhà thơ Nguyễn Đình Chính là một tập thơ đặc biệt về nội dung và điều kiện xuất bản, khó có thể xuất bản theo dạng in ấn trên mặt giấy, bởi khía cạnh gai góc của nó. Tập thơ đa phần là thơ tự do, chỉ có khoảng 5 bài thơ song ngữ theo thể loại tân hình thức. Thơ tự do theo nguyên tắc, khi thoát ra khỏi thể thơ vần điệu, cơ chế tạo nhạc tính cho thơ, nhà thơ phải tìm cách tạo ra nhạc tính mới. Đó cũng là cách đọc một bài thơ, thi pháp hay hình thức, ngầm chứa trong thơ. Nhưng những thể thơ vần điệu không phải một cá nhân tạo ra được, mà do sự chắt lọc cả ngàn năm, qua nhiều thế hệ. Như vậy, những nhà thơ tự do làm sao một sớm một chiều có thể tạo ra một thi pháp riêng cho thơ mình? Những nhà thơ như thế từ phương Tây đến Việt Nam, quả đếm trên đầu ngón tay.
Trong thơ tự do, nội dung và hình thức là một, hay nói khác, nội dung phải được thể hiện bằng một hình thức thích hợp. Nội dung là sản phẩm của thời đại, do những tác động của thời thế, xã hội chính trị, kết hợp với tài năng và may mắn của từng nhà thơ, tạo thành hình thức. Không có thời đại nào giống thời đại nào, không có nội dung nào giống nội dung nào, và vì thế không có hình thức nào giống hình thức nào. Chúng ta có thể kể những nhà thơ Việt Nam, Đặng Đình Hưng, Lê Đạt, Thanh Tâm Tuyền. Riêng nhà thơ Lê Đạt, buộc phải chọn thái độ đứng ngoài thời thế, như một phản ứng lại thời thế. Như vậy cuộc đời nhà thơ và thời đại họ sống cần phải đề cập đến, vì đó là những yếu tố chính tạo nên đời sống thơ của họ.
Trở lại với nhà thơ Nguyễn Đình Chính, ông đã tham gia suốt chiều dài một cuộc chiến tranh không ai muốn có, chia sẻ nỗi đau thương của cả một dân tộc. Chiến tranh chấm dứt, lại sống trong bầu không khí chính trị đóng kín rồi mở cửa, tiếp nhận kinh tế thị trường. Nhưng khác với Nga và những nước Đông Âu như Ba Lan, Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi thay thế cơ chế chính trị trước khi tiếp nhận kinh tế thị trường, Việt Nam chỉ tiếp nhận kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa, nên cách giải quyết những vấn nạn xã hội chính trị cũng khác nhau. Dĩ nhiên, mọi thay đổi đều làm xáo trộn đời sống, ở bất cứ xã hội nào. Nhưng kinh tế thị trường, trong bối cảnh toàn cầu hóa và một nền văn minh điện toán chưa từng có, đã và đang là bài toán chưa đáp số cho những nước kém phát triển. Bởi vì, các nước dù là Đông Âu hay Việt Nam, không thể một sớm một chiều đáp ứng những điều kiện và qui luật của kinh tế thị trường. Và như thế những tiêu cực, như nỗi đau của thời mới lớn là không thể tránh khỏi. Tập thơ phác họa những hoạt cảnh, khi mọi giá trị bị xói mòn trong cơn lốc đổi mới, sự phân cách giữa những tầng lớp xã hội, và cuộc sống quay cuồng, buông theo bản năng của thành phần đa số là trẻ tuổi. Tập thơ sử dụng thứ ngôn ngữ trần trụi, đôi khi sống sượng, bởi bản chất đời sống vốn dĩ trần trụi và sống sượng. Đó là ngôn ngữ thích đáng nhất để thể hiện nhịp sống gấp gáp và tràn trề sinh lực. Thơ đầy ắp cảm xúc, với kỹ thuật vắt dòng, được diễn đạt bởi một thứ ngữ pháp dắt dây với nhau, bám sát hiện thực:
sớm nay mi (zê) mò ra đường
ăn bát phở đặc biệt dạng chân ghếch cẳng lên ghế
thằng nhóc lang thang mặt mũi nhọ nhem cuống quýt múa may làm xiếc nịnh bợ đôi giầy y ta ly
vút cao toà tháp 30 tầng vô cảm đổ bóng xuống vỉa hè chật ních những cờ rao những mẹc xe đẹt những tô y ô ta và những những những gì gì gì hỉ hả nằm dài chờ đợi
chờ đ
ợi ai
(“Lạc quan buồn nghiêng mình”)
Và:
cũng không lâu lắm đâu hôm nào nhỉ ánh sáng thiên sứ bay vào trái tim mi (zê)
bay vào hay lẻn vào cũng có thể vừa bay vào vừa lẻn vào
và thế là bỗng dưng mi (zê) từ một thằng phát vãng một kẻ mộng du một thằng ăn bám và cũng có thể là một thằng nghệ sĩ hoang vu nghiễm nhiên được nhân bản kì lạ
một nhân với một bằng… hai cặp giò xoắn chặt
(“198X – hi hi hi”)
Trong chiều hướng đó, thơ có khả năng tạo được thi pháp dòng cảm xúc, sát với những gì chúng ta thường gọi là dòng đời. Tôi nói có khả năng vì nhà thơ cần ý thức cao độ về loại thi pháp này. Thơ tự do thường sử dụng sự đứt quãng của ý tưởng, với kỹ thuật dòng gãy, để phá vỡ tính truyện của thơ truyền thống. Khi nói đến dòng là nói đến sự liên tục của cảm xúc và ý tưởng. Như vậy, nhà thơ phải nối lại, hay không kỳ thị truyền thống nữa, thay kỹ thuật dòng gãy bằng kỹ thuật vắt dòng, cũng là kỹ thuật thường hay dùng trong thơ tự do. Nhưng con người còn có những hoạt động tâm trí, tiếp nhận và phản ứng với những hiện tượng đời sống. Thơ, song song đó, là dòng chảy âm ỉ của tâm thức. Thơ như dòng sông, có nhiều luồng nước tác động và hỗ tương lẫn nhau, dòng cảm xúc và tâm thức là hai luồng nước trong dòng sông thi pháp mới này.

Nhà thơ Nguyễn Đình Chính
Thơ và người làm thơ thì nhiều, nhưng nhà thơ thì rất hiếm, bởi rất ít người ý thức về thi pháp trước khi sáng tác. Thi pháp phải được nhận biết từ người đọc, và phải có một đặc tính chung. Trong thơ tự do tiếng Anh, đó là tính phân tích. Người đọc thưởng thức cái hay của thơ từ sự phân tích tinh vi và phức tạp, thường được hướng dẫn bởi những nhà phê bình chuyên nghiệp. Nhưng thơ tiếng Việt, lại chủ vào cảm xúc nhiều hơn. Và như thế thi pháp dòng cảm xúc của thơ tự do Việt phải được coi như tiêu chuẩn chung, phân biệt với dòng phân tích của thơ tự do tiếng Anh.
Nhưng thi pháp bao gồm một số yếu tố thơ, mà những yếu tố thơ thì đã có từ lâu lắm rồi. Người làm thơ chỉ gom lại để hình thành một loại thi pháp nào đó thôi. Và như vậy, tập thơ Chẹc Chẹc không khởi đầu cho một thi pháp mới, mà chỉ gọi tên ra được loại thi pháp này. Bất cứ loại thi pháp nào cũng vậy, ban đầu chỉ là những nét phác thảo, sau đó, cần thời gian và sự đóng góp của nhiều nhà thơ, mới có được sự hoàn chỉnh. Sự bất ngờ và kỳ diệu của thơ, đã chọn một nhà văn chuyên nghiệp, thay vì một nhà thơ, phát biểu quan điểm, thơ tự do Việt cần đặt căn bản trên một loại thi pháp phổ quát và rõ ràng mà người đọc có thể nhận biết khi thưởng ngoạn thơ, chứ không phải chỉ là những suy diễn mơ hồ.
Thơ Chẹc Chẹc như âm thanh của tiếng chép miệng thở dài, hay nỗi bất bình trước những điều trái tai gai mắt. Tiếng kêu “tổ quốc” được nhắc lại nhiều lần như lý tưởng của thời chiến tranh, bị ngộp hơi trong thời đóng cửa, và tan rã trong thời kinh tế thị trường. Tập thơ như những trang sử buồn. Những nỗi buồn trùng lấp lên nhau, thâm căn cố đế, như phế tích của cơn lốc lịch sử Việt Nam cận đại. Cuộc chiến tranh lạnh đã chấm dứt hơn hai thập niên qua, nhưng các thế lực ngoại bang đang trở lại, nấp dưới danh nghĩa tinh vi, kinh tế thị trường, và nếu không khôn khéo, sẽ đưa đất nước vào vòng nô lệ, như “một ngàn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây”* như trước kia. Và đó là nỗi buồn, quá buồn, như bầu trời vẩn đục của ô nhiễm môi trường sống và văn hóa. Cũng có thể nói, đây là thông điệp của một thế hệ đã cảm thấy mình bất lực, gửi cho những thế hệ sau, như một lời nhắn gửi và báo động, hãy yêu lấy đất nước này và bảo vệ nó.
Những điều trên đây chỉ là một gợi ý để bạn đọc từ đó có thể đọc tập thơ theo cách của mình, không phải là bài viết mang tính phân tích phê bình. Ở đây chúng tôi không đề cập tới nội dung vì nội dung là tùy theo từng người đọc có những quan điểm khác nhau. Trong khi hình thức, cũng như thể thơ, là những nguyên tắc chung hướng dẫn người đọc, theo đó, giúp người đọc có thể tiếp nhận tác phẩm đúng đắn và khách quan hơn.
Thay mặt nhà xuất bản, chúng tôi xin cảm ơn tác giả và quí bạn đọc.
Khế Iêm
* Lời một bài hát của Trịnh Công Sơn
_______________
Phụ lục: Một số bài thơ trong tập Chẹc chẹc của Nguyễn Đình Chính
Bay lên
Tặng bạn K.I.
Mi sống hôm nay như là con
chim nhảy nhót ở trong một cái
lồng đan bằng nỗi lo sợ hãi
triền miên, ngày qua ngày đêm qua
đêm mi nhìn vào tấm gương trí
tuệ của mi như nhìn vào một
quả trứng ung không thể ngửi được
thế rồi một buổi sáng mi đi
ra đường, đi đến một hiệu cầm
đồ ở giữa chợ đời bát nháo
mi không cầm cố áo quần, cũng
không cầm cố hai cái lọ cổ
mi cầm cố nỗi sợ hãi hèn
mọn cầm tù đời mi mấy chục
năm rồi và mi quyết định mời
em uống chung một ly cà phê
hút chung một điếu man bô rô
mi nắm tay em và bay lên
bay lên, xin em đừng vội hỏi
là bay đi đâu, bay đi đâu
ta cứ bay lên, bay lên em
ơi đừng vội hỏi, vì chúng ta
chỉ có thể mãi mãi bay lên
cao, bay mãi lên thật cao nếu
chúng ta không biết ta sẽ bay
đi đâu bay về đâu.
*
Đêm sài gòn
Tặng B.C.
Bay về phương Nam trên một chuyến bay đang bị kiện tụng lằng nhằng
hình như mấy cái ốc bị bỏ quên dưới cánh máy bay lại không siết chặt
ngạc nhiên chưa
lang thang ngõ hẻm sài gòn sặc sụa mùi bia
nhậu lai rai với mấy thằng bạn già văn nghệ
mấy thằng bạn văn nghệ mềm như bún đang hăng tiết chọi nhau với quả đấm thép
mấy thằng văn nghệ bụng phệ kính mười đi ốp
mấy thằng văn nghệ chửi đổng như hát hay
cổ họng rắn hổ mang trơn tuột liếm mồi trong các hội đoàn
hóng hít chính trị như chó hít hóng cứt
ngạc nhiên chưa
mi (zê) bỏ đi miền tây cóc cần duyên cớ
chạm cốc ai bây giờ
không chán sài gòn
nhưng gớm ghiếc
rung mình nhận ra
cuộc cách mạng đang bị hành quyết
thoi thóp
chưa chịu chết
cách mạng hiện diện nụ cười em gái bãi nôn mua tởm lởm trên hè
cách mạng trà trộn cuộc tháo chạy bẩn thỉu của bọn cướp ngày trong các hang ổ nhà lầu biệt thự cao ốc nhầy nhụa
ngơ ngác cách mạng trong những câu thơ
cách mạng trầm ngâm trốn trong ánh mắt bà mẹ ngồi quay nước mía bên đường
cách mạng tụt quần điên cuồng điệu nhảy quán bar thác loạn
đêm sài gòn
ngạc nhiên chưa
chạm cốc ai bây giờ
đao mèo
*
Thơ xuyên tường
Mi (zê) bước đi không thấy phố thấy nhà
(chép sai thơ bậc thang trần dần)
chỉ thấy ngõ cụt say say một cái gì cực kì nghiêm chỉnh cực kì tử tế
(cũng có thể là một thằng điên điên cũng có thể là một con nhóc điên điên)
say say… say say
nhẩy lò cò nhẩy lò cò nhẩy lò cò nhẩy lò cò
bốn lần năm lần sáu lần bẩy lần mười lần trăm lần ngàn lấn vạn lần triệu lần tỉ lần
n lần và n+1 lần
nhẩy lò cò
ngõ cụt
say say say say
nhẩy lò lò
gì nữa
chẳng gì nữa
lại gì nữa
say say say say
ngã đập mặt
nhắng nhít
uơ uơ… u..ơ
ngã đập mặt
xong phắt
say say say say
say rượu
bé cái nhầm.
lảo đảo
xuyên tường (thơ xuyên tường)
băng ra đại lộ
thơ
nhẩy lò cò
say say say say
nhẩy lò cò nhẩy lò cò
nhẩy

*
Lạc quan buồn nghiêng mình
Lạc quan buồn nghiêng mình đôi mắt mi (zê)
cành đào chúm chím phất phơ đợt rét tệ rét hại cuối cùng kinh hoàng mưa bay đầy trời nhớp nháp
lạc quan buồn nghiêng mình trái tim mi (zê)
gầm gừ dòng sông đen tuôn trào ngọn sóng đen bí ẩn man rợ rừng hoang
mùa xuân đang chầm chậm tới gần
nghe hồn ngàn triệu liệt sĩ trắng xoá nghĩa trang xuất ngũ bay về mái nhà xưa mẹ cha ngóng đợi
nghe hồn ngàn triệu người chết phân loại hạng hai vùi thân lang thang tranh nhau xếp hàng bay về khói hương người thân cầu nguyện
đã biến mất rồi chăng bao nhiêu năm máu lửa tơi bời
bát cháo hoa nào vãi đủ khắp núi đồi sông suối quê hương
sớm nay mi (zê) mò ra đường
ăn bát phở đặc biệt dạng chân ghếch cẳng lên ghế
thằng nhóc lang thang mặt mũi nhọ nhem cuống quýt múa may làm xiếc nịnh bợ đôi giầy y ta ly
vút cao toà tháp 30 tầng vô cảm đổ bóng xuống vỉa hè chật ních những cờ rao những mẹc xe đẹt những tô y ô ta và những những những gì gì gì hỉ hả nằm dài chờ đợi
chờ đợi ai
(mù mờ lắm. chưa thể đọc tên từng thằng ra được)
với đôi giầy bóng lộn loăng quăng
xe ôm về quê thăm ngoại
con ơi mừng tuổi cho ngoại mười lăm ngàn con ơi (mừng tuổi lộn ngược)
mười lăm ngàn một con gà mỹ chưa xuống ổ
mắt loà ngồi mơ bốn tháng sau mẹ lãi một trăm ngàn
mẹ kiếp
(một cân gạo di hương ngoài chợ giá tám chục ngàn)
chẹc chẹc.
rựơu xuân điên điên mi (zê) muốn được ôm tấm lưng trần tổ quốc
tấm lưng trần ướt đẫm mồ hôi lao động ngàn năm
vứt bỏ bao bì nhập nhằng xanh đỏ tím vàng điêu trá.
rỉ máu đâu đây vết thương còn trên da thịt của người
lạc quan buồn nghiêng mình mi (zê) chơi đùa với bấy chim sẻ của tổ quốc
chim sẻ tháng hai nhặt thóc ngu ngơ ngoài đồng
chim sẻ hót thầm vào tai mi (zê) một điều bí mật
chết mang theo sống để trong lòng.
lạc quan buồn nghiêng mình mi (zê) mếu máo khóc than viên gạch vô danh vứt bên đường cao tốc của tổ quốc
hàng cọc tiêu loá mắt tuyên án tử hình 4 người (tai nạn giao thông thảm khốc)
viên gạch thẫn thờ rót vào tai mi (zê) một điều bí mật
chết mang theo sống để trong lòng
lạc quan buồn đối đầu lạc quan bỉ ổi
sự sống đối đầu cái chết
lặng im cần lao đối đầu ba hoa rỗng tuếch
nắm phân tro vung vãi ngoài đồng đối đầu với trật tự hoá học hóc môn
còn mi (zê).
mi (zê) là ai
dám vung vãi thể hiện lạc quan buồn nghiêng mình chào tổ quốc
khi lương tâm danh dự của mi (không phải của ngươi) bán đứng rồi
(cũng có thể bị mất cắp)
chẹc chẹc
e mé mày
*
Cục cứt thơ
Cớ sao thơ mi không có đôi cánh để… bay
e mé mày
bay lên bay ngang bay xuống bay vào bay ra bay tà tà bay là là bay vút bay vọt bay ngửa bay xấp bay bổ nhào nhào bay bay bay
bỏ mẹ (thơ giống tàu lượn)
tiếng rên phì phò em gái bên đường bông hoa đồng nội
lén lút bán mình nhà trọ nghênh ngang
tiếng thở dài người tù oan sai hai mươi năm đập đầu song sắt
mùi thối con sông thành phố
bộ xương người đợi chết (bệnh ết)
câng câng mặt thằng đại gia ăn cướp
(ăn cướp chứ không phải ăn cắp)
trí thức cụp tai
ngòi bút trượt dài sợ hãi
sự ngạo mạn trống rỗng lên ngôi
và quả đấm rình mò
vì thế thơ mi (zê) đành bò len lén
vì thế thơ mi (zê) lê la hành khất
áo vá bụi đời đôi giầy xục cứt
lấm lét ăn vụng đói nghèo (ăn vụng chứ không dám ăn cướp)
lổm ngổm vỉa hè rống lên ông ổng
phọt ra ồng ộc ngộ độc mắm tôm (thổ tả)
thơ đứng về phe nước mắt** (trên cả tuyệt vời)
nhưng… cẩn thận nước mắt (cá sấu)
nhân văn thời nay không xài nước mắt
nhân văn ăn nhậu tối ngày
nhân văn cười ruồi lặng im
ối thơ ơi là thơ
cục cứt nát bay đi đâu bây giờ
cục cứt nát chỉ có chóp
cục cứt nát thì làm gì có cánh
cục cứt mày ngủ cho ngon
đêm nằm mơ mớ dịu dàng
mọc ra đôi cánh nhập nhằng chập cheng (xò ri) mọc ra đôi cánh nhịp nhàng
nhịp nhàng là nhịp nhàng bay lượn thờ lôn (hồn thơ)
ạ ời… ạ ơi
trong cái thế giới bị là phẳng này khó chơi quá
*
Những bữa tiệc ăn thịt người
Không thể đếm được một ngày một đêm quanh mi (zê) bao nhiêu linh đình bao nhiêu bữa tiệc ăn thịt người
chính xác đọc từ tờ thực đơn viết tắt nbttxatth
(dịch nghĩa ra là những bữa tiệc thân xác ăn thịt tâm hồn)
và loài người (đâu chỉ ở cái xứ sở hình chữ S này) cứ hả hê tì tì chén thịt lẫn nhau
nâng cốc dô dô dô dô dô dô
và dô dô dô
thời thế tháng năm đổi thay
bánh xe quay tít buồn vui đan nhau dệt tấm lưới vô cảm to tướng
tuyệt vọng không mà hy vọng cũng không
lũ 8x tưng bừng đả đảo
vỡ vụn những ổ kén khổng lồ tự do nhân quyền đạo đức
bốc mùi mốc meo
và cũng tanh
có mi (zê) tan nát cuộc chơi nửa đùa nửa thật
lộn phèo tình yêu tình dục bất chấp tuổi tác
mi nương tựa vào sự an ủi lương tâm hổ thẹn
sự an ủi lương tâm hổ thẹn nhơn nhơn lột xác hoá thành khoái ngất đắc ý
phóng tinh trùng phản bội
thế là mi (zê) nhận giấy mời bữa đại tiệc linh đình đầu tiên trong đời mi
bữa đại tiệc linh đình thứ nhất
tâm hồn mi bị trói bó giò đặt ngửa tềnh hênh trên bàn bị chặt ra tùng khúc bị hấp cách thuỷ bị tẩm bột bị quay chín vàng và mi đeo khăn ăn vào cổ ngấu nghiến hả hê ngấu nghiến nhai nuốt nhai nuốt nhai nuốt nhai nuốt
khoái khẩu.
thật ra thì không có gì đáng hoảng
cái chết đôi khi dễ chịu
dù cũng ma chay điếu phúng linh đình
thân xác tiêu mẹ nó rồi (hết nhe răng ra ăn thịt)
tâm hồn chạy thoát bay lượn trong một thế giới bí mật đầy những ảo giác thật giả hoang đường chúa trời đức phật
(đéo phải thành đồ nhắm nữa)
cứ thế đã.
chẹc chẹc
*
Hà Nội mùa rét cởi truồng
Hà Nội mùa rét cởi truồng (tú nuy) trong nhà nghỉ
áo len áo da váy ngắn váy dài tụt lút.
hiện ra toàn những mông mẩy mông lép mông xinh y chang mùa nóng
mi (zê) trợn mắt nhìn qua khung cửa kính nhà bên đóng chặt
mồm trẻ con ngoác ra câm bặt
sữa sữa sữa
sữa cái mả mẹ mày lạm phát đang tăng vùn vụt (cháy)
tết tết tết
tết cái mả bố mày chứng khoán đang tụt thùn thụt (thủng đáy)
hoa đào toét miệng đầy tớ nhà lầu cao ốc biệt thự nguy nga
chết toi ông chủ ba xu chui rúc xóm chợ gầm cầu
chó hoang ơi chạy đi đâu
đâm sầm vào em nhà thơ suốt đời đội mũ bảo hiểm (xinh nhỉ)
yêu gì mà ngại rét
đếch dám tụt áo quần
yêu nhau cởi áo cho nhau
tổ tiên tồng ngồng thật thà như cuội
mi (zê) thu lu trong nhà trùm chăn bảo hiểm (lại bảo hiểm)
thò cổ xem thằng nắm phải chim (9,5)
cũng đòi đú đởn
còn lâu nhé
thắng chí ẩu
*
Tự do ngoáy đít
Không không không ngàn lần không phải mà chỉ giống hệt như kẻ lang thang vô gia cư
bới rác trên vỉa hè phố ăn chợ tàu nhớp nhúa
mi (zê) nhặt nhạnh bới tìm tự do trong những cơn ảo giác bệnh hoạn kinh hoàng dứt xé từng mảng thịt tươi ròng ròng máu nơi ngực mi chân cẳng mi hộp sọ mi rốn mi và cả bộ phận sinh dục nhõng nhẽo không còn khả năng truyền giống
ôi tự do tự do là cái con con con gì gì gì lẩn trốn trong đũng quần quyền lực bốc mùi thối tha mười hai tháng mùa đông không hề kì cọ tắm rửa
chui ra đi
và lại đây
lại gần đây
gần nữa đừng sợ gần nữa.
gần chút nữa nào… nào… nào
và mi (zê)
rử mồi rử mồi… rử mồi
có một lần trong cơn say điên loạn
tự do ơi ta (zê) vồ được mày rồi
trơn tuột da lươn loằng ngoằng thân rắn
tự do nấc lên ặc ặc
tự do ngoáy đít oẵng oẵng
tự do ư ử ngạt thở mông đùi
và mi (zê) cuống cuồng húp lấy húp để nuốt lấy nuốt để
húp cái gì nuốt cái gì (không biết)
mong chạy thoát ra khỏi cái chuồng chó ba lần khoá xích
mong giải thoát tâm linh ra khỏi móng vuốt cơn say choáng váng u mê ngạt thở tắc đờm tức ngực
mi (zê) cười sằng sặc
mồ hôi cháy xèo giọt lửa
tỉnh dậy
chỉ thấy chăn đệm xô ngang và một người đàn bà nằm dọc
xuyên qua tấm gương lớn
hai kẻ ăn mày ăn xin đang bò lê trên vỉa hè
và mi (zê) lóc cóc giầy da cặp da túi dết ba lô chạy chạy chạy
chaỵ đi đâu (cũng không biết)
đũng quần ông xếp vẫn căng phồng
nhưng chưa thèm mót (thật ra là đang bí bỏ mẹ)
bí hay la tắc (cũng rứa thôi)
chào thua
thắng chí ẩu
*
TQ 2008
Ngũ sắc bà bà
(hoa lợn cứt chứ không phải yêu quái)
ngoi lên từ bùn lụt
hút chết kinh hoàng
lấm như ma vùi im thít đếch xoè váy (xoè cánh) ra được nữa
bà bà có chiêu gì ghê gớm
trúng chưởng nhà thơ chán xơi nhàn nhạt
nổi cơn lên đồng ăn vã muối ớt
em ngũ sắc
anh ngũ sắc
ta ngũ sắc mày ngũ sắc chị ngũ sắc ông ngũ sắc bà ngũ sắc cô ngũ sắc dì ngũ sắc
ca ve ngũ sắc và cả mi nữa mi (zê) mi cũng ngũ sắc ngũ sắc
tuốt luột ngũ sắc
nô nức lên đường (cũng có thể lên giường)
phen này nhà nghỉ… cháy
giao hợp đi đồng bào ơi
phóng đạn tinh trùng
săn lùng tổ quốc
cột mốc trớ trêu bên đường
tổ quốc
thằng nhóc chăn bò con rơi
tổ quốc
đỉnh đồi lơ mơ nấm mồ
tổ quốc
gió hoang gào rú rách trời
tổ quốc
mi (zê) săn lùng
tổ quốc bị thương lê lết
trốn trong cây hoa ngũ sắc
lặng im
nhìn…
*
Giã biệt cứt
Sẽ ngàn triệu lần chán chường hơn chia tay người tình mi (zê) yêu người tình 8x
một ngày kia mi (zê) cất lời giã biệt
cục cứt thơ không có cánh bay
cục cứt mày cứ ngủ ngon
sớm mai mới bị khai trừ (tống cổ) khỏi thơ
trí thức cụp tai uống trà chửi đổng
trí thức cụp tai ngồi bàn nhân sự
trí thức cụp tai xin phiếu bé ngoan
cục cứt mày cứ ngủ ngon
sớm mai mới bị khai trừ (tống cổ) khỏi thơ
chẹc chẹc
trong cái thế giơi bị là phẳng này hóa ra lại dễ chơi quá

Không có nhận xét nào: