Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

Bạn thích ngắn phải không?


Nhân vật biết bay
TH. NH 
Khác với kẻ thức giấc thấy mình biến thành một con sâu, tôi đi uống rượu về, mở máy tính, thì phát hiện mình có cánh.
Thoạt đầu, tôi nghĩ ngay rằng mình bị chơi khăm, bị xô vào một tình huống hoàn toàn thụ động. Tôi bị biến thành nhân vật chính trong cái truyện có 680 chữ, của một gã — tác giả của cái truyện đó — tôi quen. Tôi bị gọi đích danh, bị gã gọi thẳng tưng đúng ngay tên, chứ gã không do dự ẩn dụ, ám dụ gì cả.
Chuyện gì đây? Không chừng mình là nạn nhân của một vụ chơi đểu nữa chăng? Tôi phải xem xét.
Trước hết là phải xét đến động cơ. Động cơ nào đã khiến gã viết truyện này. Ừ, thì cứ cho là do sự thôi thúc của cảm hứng sáng tạo đi, nhưng tại sao lại chọn tôi làm nhân vật? Có hơn bảy tỉ người đang sống trên trái đất, sao gã không chọn, lại chọn tôi? Với gã, tôi có gì đặc biệt hơn bảy tỉ con người còn lại?
Tôi có ân oán gì với gã không? Dường như là không. Thậm chí có lần tôi và gã còn có thể ngủ chung giường trong căn phòng tôi trọ. Giường chật, phải nằm ngược đầu. Chúa biết đấy, và tôi cũng biết, không ai có ý định bóp cổ hay bóp một bộ phận nào khác trên thân thể kẻ kia. Thế thì tại sao?
Gã bảo rằng tôi có cánh, một cách khẳng định “Hắn có cánh đấy” ngay ở nhan đề của truyện, nhưng suốt 676 chữ còn lại thì không hề nói đến động từ “bay”, hay một động từ nào tương tự như “bay”, hoặc thậm chí động từ “bơi”, chẳng hạn. Có cánh và có khả năng bay là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Có cánh mà không bay được thì có để làm gì cơ chứ? Thử tưởng tượng mình phải na thêm hai cái của nợ to đùng đằng sau lưng, đi lạch bạch như loài chim cánh cụt ở Bắc cực, thì ra thể thống gì? Mà gã cũng không miêu tả cánh như thế nào. Mấy cánh. Màu gì. Có lông hay không có lông. Hay chỉ là thứ vật thể như mẩu xương cụt, một thứ bộ phận bị thoái hoá trong tiến trình phát triển và thích nghi với môi trường sống của động vật. Nếu cánh có lông, thì lông vũ hay lông tơ?
Ờ, tại sao gã lại cho tôi có cánh mà không là có đuôi, hay có sừng, hay có vây? Gã muốn ám chỉ điều gì với việc nhấn mạnh rằng tôi có cánh?
À, gã viết ở dòng thứ nhất: “Đến là một cách nói rất đỏng đảnh của chàng.” Ai cũng biết “đỏng đảnh” không hề là một tính từ mang ý tốt! Và nghiêm trọng hơn: nó thường được sử dụng cho giống cái. Vậy là rõ rồi đấy, rõ ràng là một ám chỉ thâm độc có liên quan, dù mơ hồ, đến giới tính.
Ở đây nữa này: “Những gã du ca chơi guitar ở Úc cũng khiến cho chàng lao vào những điệu vũ trong giấc mơ không bờ bến với rượu vang. Và đôi khi, chàng nghĩ, có những giấc mơ dài hơn cả những hơi thở đầy mùi men của chàng trên gối.” Không phải là gã đang cho rằng tôi là một kẻ mơ mòng hoang tưởng, và nghiện ngập say sưa, hay sao?
Có lần, tôi rủ gã về chỗ tôi trọ với đầy thiện ý. Vậy mà thay vì mô tả những thứ tài sản khác, những thứ hiếm quý và đáng được lưu ý, thì gã lại chọn những vật xoàng xĩnh: “Một bức tranh vẽ chân dung của chàng, hai chiếc gối, một chiếc giường bằng sắt, một đôi kiếng chàng mang tới từ Mỹ.”, còn nhẫn tâm gọi nơi đó là “cái không gian chật hẹp”.
Đây nữa này, gã cố tình sử dụng động từ “trình báo” — một động từ đầy tính khủng bố và đe doạ — trong câu này: “Bà ấy cũng sẽ trình báo nếu chàng bật đèn hoặc hát trong đêm.”
Trình báo thế nào? Tôi vi phạm việc bật đèn hoặc hát ư? Trình báo với ai? Chắc chắn gã biết rằng cái động từ đó là một đòn hiểm, một cú dứt điểm, có thể làm tôi choáng váng và bất tỉnh vì kinh sợ.
Đây nữa này: “Điều làm bà ấy phấn khởi nhất là việc chàng thủ dâm.” Gã có thâm ý gì khi cho rằng việc tôi thủ dâm lại làm cho bà chủ nhà — một người phụ nữ đã đứng tuổi — phấn khởi? Có phải gã muốn phê phán về phạm trù đạo đức khi nói đến hành vi thủ dâm của người đàn ông sống một mình? Mẹ kiếp, tôi có đủ chứng cứ khoa học để nói thẳng với gã rằng đó là một hành vi bình thường và lành mạnh nếu được thực hiện một cách có ý thức và điều độ.
Đây nữa này: “Chàng cũng rất thích ngắm những cái mạng nhện đầy xác muỗi trên trần nhà. Bầy kiến bò đi một cách lộn xộn trên tường cũng khiến chàng thấy thú vị. Bông hoa héo chàng mang đến từ Ái-nhĩ-lan giờ đây cũng khiến chàng nhớ nhung về những ngày ca hát đó. Tiếng mọt trong bốn cái chân ghế bằng gỗ sầu đông cũng vây lấy chàng. Có một việc mà chàng không thể nào ngủ được nếu chàng không thực hiện nó, đó là việc giết chết những con muỗi đã chui vào mùng của chàng trước khi chàng bò vào đấy để ngủ.”
Không phải với đoạn văn đó gã đã mô tả tôi như một kẻ có tâm lý và những sở thích bất thường sao? Gã thừa biết người ta sẽ suy luận rằng cái gì bất thường thì luôn đi cùng, hay dẫn đến, sự nguy hiểm. Không phải gã hàm ý rằng tôi là một mối nguy hiểm cho cộng đồng sao?
Gã đâu biết rằng tôi đã dọn đi, không còn ở chỗ trọ đó nữa.
Gã biến tôi thành một nhân vật của gã, khiến tôi mắc kẹt, khiến tôi từ từ lún vào trong cái không gian 680 chữ, không thể rút chân ra được. Gã là con nhện giăng lưới và tôi là con ruồi.
Một người mẫu có cảm giác như thế nào khi ngồi yên cho hoạ sĩ mô tả mình? Tôi sẽ hỏi cô người mẫu mà tôi quen để xem cô có cảm giác như tôi có lúc này hay không.
Gã biến tôi thành nhân vật của gã, làm tôi nhồn nhột ngứa ngáy, một chứng ngứa, một thứ bệnh lý tinh thần, mà tôi chưa từng trải nghiệm. Nhưng nói thật nhé, gã đừng hòng làm tôi hoang mang vì không biết gãi ở đâu.
Gần đây, tôi không còn thấy văn chương là trò chơi thú vị của nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ và là trò khiêu vũ của trí tưởng tượng, như trước đây nữa. Tôi thường thấy vô bổ và nhạt nhẽo. Tôi viết một tiểu thuyết và bị kẹt ở giữa chừng. Để trốn cái việc phải cần cù ngồi gõ chữ thì tôi bỏ đi chơi, như tối qua.
Gã thách thức, lôi tôi lại ngồi trước máy tính, bắt tôi suy nghĩ, cân nhắc từng tình tiết, từng con chữ, bắt tôi chơi lại trò chơi cũ.
Gã bắt tôi có cánh.
Nhưng tôi sẽ bỏ gã vào danh sách những kẻ cần lưu ý đặc biệt. Danh sách này sẽ được giữ nguyên cho tới ngày tôi tắt thở.

11/05/2013



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: