Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2013

Vấn đề NÔNG DÂN

TQ 'không để nông dân thiệt thòi'

Ông Hồ Cẩm Đào đọc báo cáo chính trị
Trong Báo cáo chính trị đọc trước đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 18, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã kêu gọi Đảng cải cách chế độ thu hồi đất của nông dân và cho họ được hưởng nhiều hơn từ giá trị mảnh đẩt của mình.
“Chúng ta nên cho nông dân nhiều hơn và lấy của họ ít đi,” ông Hồ nói.

Trở lại điểm khởi đầu
Ông Hồ hứa sẽ Đảng sẽ đảm bảo phân phối cân bằng các nguồn tài lực của quốc gia giữa hai khu vực nông thôn và thành thị.
Đây là lần đầu tiên Đảng Cộng sản Trung Quốc đề cập đến vấn đề này tại một đại hội toàn quốc trong bối cảnh mà nông dân nước này đã có những cuộc phản kháng rộng lớn trên nhiều làng xã trên khắp đất nước trong những năm qua vì bị chính quyền lấy đất.
Hãng tin chính thức của Trung Quốc là Tân Hoa Xã nhận xét rằng nếu công cuộc cải cách chính sách thu hồi đất được tiến hành thì Chính phủ Trung Quốc sẽ không hy sinh quyền lợi của người nông dân để giảm bớt cái giá của quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
“Sau khi trở thành Đảng cầm quyền độc nhất cách đây 63 năm, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang nhìn về thời điểm bắt đầu khi họ tiến đến nắm quyền đất nước: đó là giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân ” Tân Hoa Xã nhận xét.
Các nhà sử học Trung Quốc tin rằng sự ủng hộ rộng rãi của nông dân giành cho Đảng Cộng sản Trung Quốc là một trong những điều thần kỳ giúp Đảng này lên nắm quyền sau khi họ tịch thu đất đai của địa chủ và phát không cho nông dân.
Cố lãnh tụ cách mạng Mao Trạch Đông đã từng phát biểu rằng Đảng Cộng sản lên lãnh đạo đất nước được là nhờ chiến lược ‘dùng nông thôn bao vây thành thị’.
Công cuộc cải cách và mở cửa đưa Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ hai trên thế giới cũng bắt nguồn từ ngôi làng Tiểu Cương ở tỉnh miền đông An Huy vào năm 1978. Khi đó dân làng ở đây đã âm thầm tách khỏi hợp tác xã để tự canh tác trong bối cảnh các làng xã trên khắp Trung Quốc đang phải vật lộn để sống qua ngày với mô hình trang trại hợp tác xã.
Cách làm của làng Tiểu Cương sau đó đã được các nơi khác trên đất nước làm theo và các hợp tác xã đã giao cho các hộ nông dân quyền sử dụng đất theo hợp đồng ‘khoán hộ’ trong vòng 30 năm.

‘Lợi ích chung’

Theo pháp luật hiện hành thì Nhà nước có thể thu hồi đất do hợp tác xã sở hữu với lý do “vì lợi ích chung” và sau đó giao đất cho các dự án bất động sản hay công nghiệp.
Trong những năm qua, chính quyền các địa phương ở Trung Quốc đã lấy đất của nông dân với giá bồi thường rẻ mạt rồi bán cho các công ty xây dựng các khu công nghiệp hay bất động sản để xây dựng nhà ở cho các lao động nông thôn đổ về các thành thị giữa cơn lốc đô thị hóa nhanh chóng của Trung Quốc.
Hơn nữa, nông dân hầu như không hưởng được gì trong lợi nhuận từ đất đai của họ sau khi thu hồi và chuyển nhượng cho người khác. Điều này đã làm bất mãn và khiếu kiện gia tăng.
Cách đây một năm, Ô Khảm, một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Quảng Đông, đã trở thành tâm điểm của truyền thông quốc tế khi dân làng đã biểu tình phản đối chính quyền ba lần trong bốn tháng với cáo buộc đất của họ bị tịch thu một cách phi pháp và các quan chức địa phương tham nhũng cũng như vi phạm các nguyên tắc bầu cử và tài chính.
Tân Hoa Xã dẫn lời ông Từ Hiểu Kinh, giám đốc Vụ nghiên cứu kinh tế nông thôn trực thuộc Trung tâm nghiên cứu phát triển, một cơ quan nghiên cứu chiến lược của Quốc vụ viện Trung Quốc, nhận xét rằng lợi nhuận từ việc thu hồi đất gần như không đến được với nông dân.
Ông cho rằng chế độ bồi thường cho nông dân hiện nay quá thấp.

Vụ Ô Khảm gây chấn động dư luận

‘Bị ra rìa’

“Trên thực tế, các nông dân mất đất bị đẩy ra rìa quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước một cách bất công,” ông này nói.
Ở nhiều nơi, nông dân được bồi thường chỉ có 450.000 nhân dân tệ, tương đương với khoảng 75.000 Mỹ kim cho mỗi hectare trong khi chính quyền có thể thu được tới hàng triệu tệ khi họ đem hectare đất đó ra đấu giá.
Bà Dương Vũ Doanh, một nông dân ở ngoại ô Hợp Phì, thủ phủ tỉnh An Huy, đã từng là nạn nhân của sự thu hồi đất một cách bất công này, Tân Hoa Xã cho biết.
Bà được chính quyền địa phương bồi thường chưa tới một triệu tệ cùng với một căn hộ rộng 90 mét vuông.
“Số tiền bồi thường nghe có vẻ lớn, nhưng chúng tôi đã mất đất mà còn không được đối xử như dân thành phố trong các vấn đề việc làm, chăm sóc y tế và giáo dục,” bà than phiền.
“Không có gì đảm bảo cho cuộc sống của chúng tôi cả. Con tôi còn phải đóng thêm tiền khi đi học ở thành phố,” bà nói thêm.
Quá trình đô thị hóa ở Trung Quốc đã đẩy hơn phân nửa trong tổng số 1,3 tỷ dân ở nước này đến các thành thị. Bà Dương chỉ là một trong số rất nhiều nông dân không được bồi thường thỏa đáng, nuôi dưỡng mầm mống bất ổn ở Trung Quốc.
Đại hội Đảng TQ dường như đang xem xét lại chế độ thu hồi đất vốn bị chỉ trích là bất công và gây thiệt thòi cho nông dân.

Không có nhận xét nào: