Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013

Phạm Thị Hoài: Tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió

Trước đây tôi hầu như không bước vào trang Gia đình & Xã hội điện tử, nơi nhà báo Nguyễn Đắc Kiên vài ngày trước còn là phó phòng. Bây giờ nghe danh lại ghé qua, gặp những thông tin đăng kín từ trên xuống dưới như sau:
Hậu scandal tình và tiền với Adam Nguyễn: Cao Thái Sơn lên tiếng làm hòa
Kết cục buồn của thú uống rượu trong giới trẻ
Chồng đổ đốn còn giở trò “Chí Phèo”
Chồng có con với người yêu cũ
10 thói quen tốt giúp vòng 1 luôn căng tròn
12 “cục cưng” của các sao Việt
Bé gái sinh ra với một nửa trái tim
Phi vụ cảm cúm của cậu chàng 22 tháng
Toàn những thứ như thế. Nó lá cải, điều đó thì đã rõ, nhưng vấn đề không phải ở chỗ ấy, mà ở chỗ:
Thứ nhất, nó lá cải ở hạng  làng nhàng [i], không được đùng đoàng như Dân trí (“Đêm giật mình thức giấc, tưởng vợ là… tử thi“, không được bất trị như Phụ nữ Today (“Tôi đã phá trinh em gái vợ“); không được mặt dày như Dân Việt (“Oái oăm trai 15 hiếp gái 18“), không được tạp nham đặc sệt như Ngôi sao (“Chó chết khi đang phẫu thuật nâng cơ mặt“), không được thô bỉ tầm phào như Giáo dục (“Những bức ảnh tố cáo sự thật về vòng một lép xẹp của mỹ nhân Việt“) và không được thản nhiên một cục như VnEx (“Tôi chán chồng“).

Thứ hai, trong khi các tờ lá cải khác còn có một vài tham vọng thầm kín và ít nhiều chưa bị tận diệt nào đó về vai trò (tất nhiên là nghiêm túc) của báo chí với xã hội [ii], thì Gia đình & Xã hội, tờ báo của Bộ Y tế, thuần túy lá cải. Việc sa thải nhà báo Nguyễn Đắc Kiên mang tính chính trị, song một tờ báo như thế rõ ràng không có một xác tín chính trị nào hết. Nó chỉ không muốn gặp rắc rối về chính trị để bảo vệ thị phần nhỏ nhoi của nó giữa các đại gia trong ngành. Không được quảng cáo cho các nhà băng, shop thời trang, hàng mĩ phẩm cao cấp, điện thoại thông minh đời mới nhất nhưng dù sao cũng còn được hợp đồng với thuốc ho. Ai bảo ho ở Việt Nam là phi chính trị?
Tinh thần tuân lệnh trước kẻng của lãnh đạo tờ Gia đình & Xã hội là hoàn toàn bình thường, không hơn không kém ở phần lớn các nơi khác, vì thế không có gì đáng nói thêm. Nhưng hành động theo “mệnh lệnh đạo đức” sáng rõ của Nguyễn Đắc Kiên thì hiếm hoi và đáng được ghi vào lịch sử báo chí Việt Nam. Tuy nhiên, điều làm tôi bối rối là: một nhà báo với bản lĩnh, ý thức xã hội, nhận thức và năng lực như anh thì làm gì tại một tờ báo như Gia đình & Xã hội, thậm chí ở một cương vị không phải là vô can với những nội dung thảm hại vừa nêu trên? Bất chấp tiến trình lá cải hóa cao độ không thể đẩy lùi của báo chí Việt Nam, những nhà báo nghiêm túc từng gặp tai nạn nghề nghiệp, từng bị cách li hay đã tự thoát li khỏi nền báo chí chính thống, như Huy Đức, Đoan Trang, Trương Duy Nhất, Hoàng Khương, Nguyễn Việt Chiến… chắc chắn chưa bao giờ gắn tên tuổi và sự nghiệp của mình với những tờ báo thuần túy lá cải.
Trong họa có phúc. Nếu có một mệnh lệnh nghề nghiệp thì nhìn từ khía cạnh đó, tôi thấy việc Nguyễn Đắc Kiên phải chia tay với tờ Gia đình & Xã hội là điều đáng mừng. Sự nghiệp và cuộc sống của anh trong tương lai dĩ nhiên là đầy khó khăn, song tôi tin rằng những thử thách đó xứng đáng với con người anh hơn việc yên vị ở chức phó phòng phụ trách một trang điện tử sống bằng tin nhặt nhạnh xoàng xĩnh và quảng cáo thuốc ho.
Khi Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện và gây bão táp trong văn học hai mươi lăm năm trước, nhà phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến đã không chúc ông thuận buồm xuôi gió. Lời không chúc ấy cũng thật phù hợp với Nguyễn Đắc Kiên.

[i] Gia đình & Xã hội ít khi được trang của nhà văn Phan An tận tình điểm báo lá cải chiếu cố.
[ii] Chẳng hạn mục “Trái hay phải” của trang thường bị gọi là Phụ nữ To Dày


*****

Những người vừa phải



Phạm Thị Hoài

Phát biểu mới đây của bà Nguyễn Thị Hồng Ngát trên BBC về vụ nghệ sĩ Kim Chi khước từ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cống hiến cho chúng ta 3 điều.

Nguyễn Thị Hồng Ngát

Thứ nhất, nó có tính giải trí cao. Đến đoạn “Những cái việc của ai làm như thế nào, đấy là việc đã có xã hội, đã có mọi người các thứ nọ kia, chứ chỉ vì một việc rất nhỏ thế này mà nói một vấn đề rất là lớn“, hay chậm nhất đến đoạn “Bởi vì cái đơn đó là gửi cho Hội Điện ảnh Việt Nam cơ mà, chứ có phải gửi cho BBC hay cho tất cả các blog khác đâu. Thế thì cái đơn đúng là kính gửi Hội Điện ảnh Việt Nam mà. Thế thì Hội Điện ảnh Việt Nam chưa xem xét, chưa ấy gì cả, thì tự nhiên đã công bố hết cả lên trên kia“, ai không bật cười thì rất nên dẫn óc hài hước của mình đi khám bệnh.

Thứ hai, nó giúp ta một lần nữa xác nhận quy luật: Người chọn chức còn có thể sai, chức chọn người thì bao giờ cũng đúng. Nhìn chức là ra người. Cả nội dung lẫn cách nói của bà đều đúng như những gì ta có thể chờ đợi ở một Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam, một quan chức ngành điện ảnh, cũng như trước đó bà từng là Giám đốc Hãng Phim truyện và Cục phó Cục Điện ảnh. Ở đây một chị Ngát riêng tư nhiệt tình với bạn hữu mà tôi có chút sơ giao, một giọng thơ Hồng Ngát được một số đồng nghiệp trân trọng, hay một tác giả Nguyễn Thị Hồng Ngát được coi là cấp tiến trong thế sự, chỉ là một cước chú [i].

Thứ ba, đáng ghi nhận hơn cả, bà đã đặt được một tên gọi có hiệu lực lâu dài cho cả một phạm trù gồm những nghệ sĩ “tồn đọng” từ nhiều năm nay, trong đó nhiều người đã về hưu mà chưa được nhà nước khen thưởng. Họ không phải là những nghệ sĩ giỏi. Giỏi thì đã không tồn đọng, mà đã “được những cái Huân chương Độc lập hay là Huân chương Lao động hạng nhất từ lâu rồi“. Nhưng cũng không thuộc diện kém. Kém thì thậm chí không lọt vào danh sách tồn đọng. Họ là “những người cũng vừa phải thôi“. Phần thưởng thích đáng cho sự vừa phải của họ là “bằng khen hay là Huân chương Lao động hạng ba gì đấy“.

Nghệ thuật cần rất nhiều sự chia sẻ. Nghệ sĩ cần rất nhiều khích lệ. Cái Tôi của nghệ sĩ cần rất nhiều vuốt ve. Chính vì thế mà một nghệ sĩ thà là hạng bét chứ không là hạng vừa phải, thà không được công nhận hơn là xếp hàng chờ mấy mẩu vụn còn lại khi chiếc bánh đã chia xong [ii]. Hãy hình dung, Ủy ban Nobel bỗng phát bằng khen hay trao Huy chương Nobel hạng ba cho những ứng cử viên “tồn đọng” từ cả chục năm nay, nhiều người đã gần đất xa trời. Hai trong số đó là Thomas Pynchon và Philip Roth. Họ không có gì chung với “những người vừa phải”.
© 2013 pro&contra

________________

Phụ lục: Nguyên văn phát biểu của bà Nguyễn Thị Hồng Ngát trên BBC ngày 11-1-2013
Chúng tôi đang tập hợp tất cả các hội viên, đã đưa lên Thủ tướng đâu mà nói như thế. Đây mới là công việc của Hội Điện ảnh Việt Nam chị ạ. Tức là nó tồn đọng từ những khóa trước, rất là nhiều các nghệ sĩ mà chưa được… Thường là người ta cứ nghỉ hưu. Ở Việt Nam ấy chị, thì thường là các cơ quan chủ quản hoặc là Hội Điện ảnh Việt Nam thì cũng sẽ xin những cái huân huy chương để coi như là… để ghi nhận những cái cống hiến của các nghệ sĩ trong suốt cả cuộc đời nghệ thuật của mình. Đấy, cái ý nghĩa chung nó là thế chị ạ. Thế thì trong các cái hồ sơ lưu tại Hội Điện ảnh Việt Nam thì có đến năm chục hồ sơ cơ, chứ không phải mình bà Kim Chi. Thế thì Hội thấy có nhiều quá, mà từ những cái khóa trước chứ không phải khóa này do đó tồn lại. Thế thì Hội đang định xem xét để có thể trình lên trên. Những người giỏi thì người ta được những cái Huân chương Độc lập hay là Huân chương Lao động hạng nhất từ lâu rồi. Đây là những người cũng vừa phải thôi thì Ban Chấp hành nghĩ là xin bằng khen hay là Huân chương Lao động hạng ba gì đấy. Nhưng mà bây giờ cái điều ấy chưa thành hiện thực chị ạ. Mới là đang thu thập hồ sơ để mà ai thiếu cái gì thì mời lên để bổ sung, chứ đã có cái gì đâu mà từ chối. Mà tôi cũng không hài lòng lắm khi mà công việc thì chưa đâu vào đâu, hai nữa là cái đơn thư như thế gửi cho Hội thì Hội phải biết những cái điều đấy, chứ chưa chi đã công bố hết cả lên mạng với các thứ. Tôi thấy như thế là không ổn. Việc nội bộ mà chưa đâu vào đâu cả, mà đã có trình chiếc gì đâu mà bảo là không thích của Thủ tướng. Bao giờ chúng tôi trình lên Ban Thi đua Chính phủ hoặc hồ sơ đã nằm ở trên ấy rồi thì lúc ấy hẵng viết cái này lên. Tôi đọc đơn của chị ấy rồi. Thì nói chung là, đấy là ý kiến riêng của chị ấy thôi, tôi cũng không dám có ý kiến gì. Nhưng mà về nguyên tắc thì cái đơn gửi cho Hội thì để Hội xem xét giải quyết như thế nào. Chứ chưa gửi cho Hội, Hội chưa có ý kiến gì đã tung hết cả lên mạng, trả lời cả BBC, thế là không đúng nguyên tắc lắm. Tôi chả hiểu được là nhân cái đơn này thì để làm cái gì. Những cái việc của ai làm như thế nào, đấy là việc đã có xã hội, đã có mọi người các thứ nọ kia, chứ chỉ vì một việc rất nhỏ thế này mà nói một vấn đề rất là lớn. Không thế nọ thế kia, đó là việc quyền của chị ấy, tôi không có ý kiến. Tôi chỉ có ý kiến ở riêng cái trường hợp của Hội Điện ảnh Việt Nam thôi chị ạ.
Sự kiện này thì có ảnh hưởng gì đến chị và Hội không?

Không! Ảnh hưởng gì! Chả ảnh hưởng gì! Tôi thì tôi chỉ thấy là không được nghiêm túc lắm. Bởi vì cái đơn đó là gửi cho Hội Điện ảnh Việt Nam cơ mà, chứ có phải gửi cho BBC hay cho tất cả các blog khác đâu. Thế thì cái đơn đúng là kính gửi Hội Điện ảnh Việt Nam mà. Thế thì Hội Điện ảnh Việt Nam chưa xem xét, chưa ấy gì cả, thì tự nhiên đã công bố hết cả lên trên kia. Thế thì còn coi Hội… Chị ấy nói là chị rất là quý Hội, cảm ơn Hội, nhưng mà như thế thì tôi… nhìn chung là chưa tôn trọng Hội lắm. Chứ còn chị ấy phát biểu như thế nào thì… Nghệ sĩ thì chị biết rồi, muốn ai nói thế nào thì nói có sao đâu, ai đánh thuế đâu.

Hội sẽ có ý kiến trả lời bà Kim Chi sắp tới không ạ?

Tôi đang đi công tác ở Sài Gòn. Tôi chưa ở nhà, thành thử ra tuần tới tôi mới về, mời chị ấy lên. Chắc là sẽ phải mời lên để hỏi xem như thế nào, tình hình ra làm sao. Muốn mới khó chứ không muốn thì dễ không, có gì đâu chị. Từ chối thì thoải mái, có sao đâu. Giời ôi, chúng tôi cũng thấy vất vả lắm chị. Nếu không xét thì hội viên người này thắc mắc người kia thắc mắc. Xét thì cũng có người muốn, người không muốn như chị Kim Chi. Chị ấy không muốn thì hoan nghênh, có sao đâu chị.



[i] Và cái cước chú này lại cần cho chính nó một cước chú nữa. Tác giả Nguyễn Thị Hồng Ngát đã đề nghị blogger Nguyễn Xuân Diện hạ bài “Về lại Văn Giang” được dư luận chú ý của mình, vì “chút tế nhị”.
[ii] Ý này rút từ tuyên bố của nhà văn Y Ban từ chối “Giải bằng khen” của Hội Nhà văn Việt Nam hôm nay, 18-1-2013.

Không có nhận xét nào: