Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 5 tháng 3, 2013

Đọc

Chuyện ở nông trại bên Việt Nam

Việt Nam bắt chước Trung Quốc rất nhiều điều, trong đó có không ít điều dở, nhưng có vẻ lại rất thường xuyên không bắt chước những điều có thể coi là hay. Chuyện ở nông trại bên Trung Quốc rất phổ biến suốt nhiều năm, một cách công khai, nhưng bên Việt Nam chắc sẽ không được như vậy.

Cũng đã đoán trước rằng bài review Chuyện ở nông trại dưới đây khó mà lên báo được, xác suất chỉ tầm 20%, nhưng cái gì cố được, thử được thì cứ làm thôi. Kết quả ngắn gọn như thế này: đã không kịp.

Quan điểm cá nhân của tôi là: một tác phẩm văn chương lớn cần được đối xử khác.

Chuyện ở nông trại là kết tinh tài irony (mỉa mai) của George Orwell. Và số phận của nó là đi kèm với sự mỉa mai này: mỉa mai của số phận, ngày hôm nay chính là tròn 60 năm ngày Stalin chết. Chuyện ở nông trại được Orwell lấy cảm hứng từ cuộc cách mạng Liên Xô, mà ông coi là bị thất bại vì vai trò của Stalin.

Muốn cai trị ắt phải luyện tập

Theo một tài liệu, kể từ khi ra đời vào cái năm đặc biệt 1945 rồi như thể tiên tri cho cả một thời đại, cho tới nay Animal Farm đã được ấn hành tổng cộng trên 1.200 phiên bản ở 70 thứ tiếng. Tương đương với nó là tác phẩm 1984 in năm 1949. George Orwell đương nhiên là một trong những nhà văn có tầm ảnh hưởng lớn nhất của thế kỷ 20. Điều gì khiến cho nhà văn mang bút danh tên một dòng sông ngự trị lâu dài và mạnh mẽ đến vậy?

Và ngay bên châu Á, nơi có hệ thống ngụ ngôn, huyền thoại đặc thù,Animal Farm cũng không ngừng quyến rũ, vừa quyến rũ vừa đe dọa, có thể là quyến rũ chính vì đầy tính chất hăm dọa như thế. Bên Trung Quốc, ngay năm 1948 đã có một bản dịch Animal Farm mang tên Động vật nông trang và từ đó đến nay, đã có ít nhất hai mươi bản dịch Trung văn tác phẩm này, trong đó được đánh giá cao hơn cả là bản dịch của Tống Như Đức và bản dịch của Phó Duy Từ.

Ở Việt Nam, không phải đến Chuyện ở nông trại (An Lý dịch, Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn) vừa xuất bản thì độc giả rộng rãi mới biết đến Animal Farm. Đầu những năm 1950 đã có bản dịch mang tên Cuộc cách mạng trong trại súc-vật đi kèm với tiểu đề “Trích trong chuyện thần-thoại của George Orwell”. Sau đó có thêm vài bản dịch nữa, và những năm vừa qua, bản dịch Trại súc vật của Phạm Minh Ngọc được săn lùng rất nhiều. Có thể nói rằng, Animal Farm đã có một đời sống riêng lâu dài trong tiếng Việt.

Câu chuyện ngắn đến nỗi nằm gọn được trong 161 trang của bản dịch (mới) có những gì mà hấp dẫn đến vậy? Nó kể chuyện ở “trại Nông Trang” của ông Jones bên nước Anh. Ông Jones quản lý trang trại hơi bê bối, làm lũ động vật ở đây bức bối và tiến hành khởi nghĩa lật đổ ông Jones một cách chóng vánh và đơn giản (những cuộc cách mạng thường đơn giản đến đáng kinh ngạc), đến nỗi ngày hôm sau chúng vẫn còn chưa ý thức được rõ ràng về thắng lợi của mình: chúng thức dậy và “sực nhớ ra chiến thắng huy hoàng vừa hôm trước” (tr. 27).

Đến đây câu chuyện hoàn toàn có thể xoay sang hướng miêu tả công cuộc dựng xây một mô hình xã hội kiểu tự cung tự cấp theo hướng không tưởng, một “pha lăng” của Fourier hay một khu “cecilia” bên Braxin chẳng hạn, nó sẽ hoàn chỉnh một “ngụ ngôn muông thú” đẹp đẽ (“Lũ súc vật hân hoan như chưa bao giờ chúng nghĩ mình có thể hân hoan đến thế”, tr. 35) và hẳn cũng sẽ là một tác phẩm thành công, được nhiều người đọc.

Nhưng nó đã không đi theo hướng đó, và lẽ ra trở thành một ngụ ngôn muông thú độc đáo, nó trở thành một ngụ ngôn chính trị vĩ đại. Đó là một kinh nghiệm đáng giá của “văn chương lớn”: giống như văn chương của Kafka, mở ra câu chuyện bao giờ cũng là những cảnh hiền lành, hơi kỳ dị nhưng chủ yếu gây cười, nhưng diễn biến sẽ nhất định đi từ hài kịch kể kết thúc trong bi kịch, hoặc thậm chí còn hơn mức bi kịch, ít nhất là một chút.

Ngụ ngôn này có thể nhìn từ khía cạnh “kẻ bị trị”: nó nhắc lại cho ta một chân lý cay đắng, “Suốt năm ấy lũ súc vật làm quần quật như nô lệ” (tr. 71), mặc dù cuộc cách mạng đã thành công. Lũ động vật ở trại từng hy vọng, từng hình dung một tương lai xán lạn và nhiều lúc tưởng chừng như đã chạm được vào thiên đường, nhưng sự thật vẫn luôn luôn là: Kẻ cai trị có là ông Jones hay con lợn Nã Phá Luân, có là tinh hoa kiểu này hay tinh hoa kiểu khác, thì ngày mai ta cũng phải nai lưng làm lụng nuôi sống ta và nuôi sống ông Jones hay Nã Phá Luân.

Nhưng Chuyện ở nông trại độc đáo nhất khi nhìn vào phương diện xây dựng và duy trì quyền lực của “giai cấp cai trị”.

Nó mỉa mai và châm biếm sâu cay quyền lực, nhưng nó cũng đưa ra một cẩm nang ngắn gọn và vô cùng hiệu quả cho công cuộc xây dựng quyền lực. Nhà cầm quyền mới (ở đây cụ thể là bầy lợn) phải có “hiến pháp 7 điểm”, có lá cờ, có bài hát riêng, và từng bước dùng thủ đoạn chiếm đoạt quyền lực lớn hơn. Ngay từ đầu, “Đàn lợn đã lựa riêng buồng để yên cương làm trụ sở của mình” (tr. 38). Nã Phá Luân, trong mục đích xây dựng “quân đội” để sau này tiến hành “đảo chính”, nuôi riêng chín chó con từ khi mới lọt lòng. Thú vị hơn cả có lẽ là vai trò tuyên truyền cho quyền lực, hội tụ ở con lợn rất xuất sắc mang tên Mồm Loa; nó nói với những loài vật khác: “Họ lợn chúng tôi là giống lao động trí óc. Việc quản lý tổ chức nông trại này tất tần tật đè lên vai chúng tôi cả” (tr. 44), rồi thì: “Các đồng chí đừng tưởng lãnh đạo là việc gì vui thú! Trái lại, đấy là một bổn phận nặng nề khó khăn cực kỳ” (tr. 66).

Và, trước khi đi đến đoạn kết kinh điển, khi lợn và người trở nên giống hệt nhau, Orwell viết những đoạn văn tuyệt vời, đẩy mức độ châm biếm của ông tới tận cùng, đến mức làm người ta phải kinh hãi, thậm chí lợm giọng. Đó là cảnh bầy lợn tập đi hai chân trên sân trại (tr.150-152), trong phút chốc biến đổi cả hình dạng lẫn thân phận của mình. Trước đó chúng đã phải tập đi trong một khoảng thời gian rất dài. Rõ ràng là, muốn cai trị thì phải có phẩm chất, và nhất là phải luyện tập bằng nỗ lực kinh người.

Không có nhận xét nào: